Sunday, January 22, 2012

Mỹ vẫn duy trì 11 tàu sân bay dù phải cắt giảm ngân sách quốc phòng

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) thăm tàu sân bay USS Enterprise, 21/01/2012

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta (phải) thăm tàu sân bay USS Enterprise, 21/01/2012. REUTERS/Alex Wong/Getty Images/Pool

Đức Tâm

Hôm qua, 21/01/2012, khi đến thăm lực lượng thủy quân lục chiến trên hàng không mẫu hạm USS Enterprise, ở ngoài khơi tiểu bang Georgia (đông nam Hoa Kỳ), bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta khẳng định rằng kế hoạch cắt giảm ngân sách của Lầu Năm góc sẽ không ảnh hưởng đến việc duy trì 11 hàng không mẫu hạm.

Lãnh đạo bộ Quốc phòng Mỹ nói : « Hàng không mẫu hạm đóng vai trò quan trọng trong lực lượng quân sự của chúng ta, không phải chỉ vào lúc này. Các hàng không mẫu hạm sẽ tiếp tục giữ vai trọng trong tương lai ». Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, thủy quân lục chiến nằm trong kế hoạch xây dựng một quân đội phản ứng nhanh, linh hoạt, có thể được triển khai nhanh chóng và có khả năng tấn công kẻ thù ở bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Bộ trưởng Leon Panetta khẳng định, « vì lý do này, tổng thống (Barack Obama) và tất cả các bộ đã quyết định rằng việc duy trì hạm đội hàng không mẫu hạm là quan trọng, điều này có nghĩa là chúng ta sẽ giữ 11 hàng không mẫu hạm ».

Đầu tháng Giêng, tổng thống Mỹ thông báo kế hoạch cắt giảm 487 tỷ đô la trong ngân sách quốc phòng trong 10 năm. Sắp tới, bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta sẽ trình bầy chi tiết ngân sách này. Do vậy, một số chuyên gia dự báo là có thể Hoa Kỳ chỉ còn 10 hàng không mẫu hạm.

Mỗi hàng không mẫu hạm của Mỹ có thể chuyên chở gần 80 máy bay và trực thăng. Theo bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, việc giữ lại 11 hàng không mẫu hạm là nhằm giúp quân đội Mỹ can thiệp vào Thái Bình Dương và Trung Đông.

Tuy vậy, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng cho biết là kế hoạch cắt giảm ngân sách quốc phòng sẽ có ảnh huởng đến lực lượng hải quân và 285 tàu chiến. Theo kế hoạch, hàng không mẫu hạm USS Enterprise sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay. Như vậy, trong khi chờ đợi tàu USS Gerald Ford được đóng xong, hải quân Mỹ sẽ chỉ có 10 hàng không mẫu hạm, trong vòng ba năm tới.

USS Enterprise, hiện đang có mặt ở ngoài khởi tiểu bang Georgia, sẽ được điều đến vùng Trung Đông vào tháng Ba năm nay và sẽ đi qua eo biển Ormuz, nơi có khoảng 35% tổng khối lượng dầu lửa vận chuyển bằng đường biển của toàn thế giới đi qua hàng năm.

Từ đầu tháng Giêng, tình hình tại eo biển Ormuz trở nên căng thẳng. Để gây áp lực buộc chính quyền Teheran từ bỏ chương trình hạt nhân bị nghi ngờ là nhằm chế tạo vụ khí nguyên tử, các nước phương Tây tăng cường các biện pháp trừng phạt Iran, tính đến việc cấm vận dầu lửa. Để trả đũa, Iran tuyên bố sẵn sàng phong tỏa eo biển Ormuz.

Hai hàng không mẫu hạm của Mỹ, USS Carl Vinson và USS Abraham Lincoln đã hiện diện trong khu vực. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta tuyên bố là Mỹ « toàn hoàn sẵn sàng đối phó với mọi thách thức » ở vùng này.

0 comments:

Powered By Blogger