Việt Hoàng "...Năm 2012 chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng. Năm 2012 có thể là năm của khúc quanh lịch sử về dân chủ cho Việt Nam..."
Năm 2012 được dự báo là một năm đầy sóng gió và bão tố tại Việt Nam với những sự kiện ‘mở hàng đầu năm’ không thể ngờ tới. Chỉ trong tuần đầu tiên của năm mới (Dương lịch) đã có hơn 20 cuộc tấn công chống lại người thi hành công vụ. Một cảnh sát (Đỗ Đăng Long) đã bị bắn chết, sáu công an và bộ đội bị thương trong vụ ‘cưỡng chế thu hồi đất’ tại Huyện Tiên Lãng, hai vụ này xảy ra ở Hải Phòng. Một vụ khác cũng nghiêm trọng không kém khi nhà riêng của giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên bị đặt bom.
Cũng trong ba ngày Tết, cả nước đã xảy ra 130 vụ tai nạn giao thông làm 106 người chết. Nghiêm trọng hơn là vào sáng ngày 26/1/2012 tức mồng 4 Tết, một người dân là ông Nguyễn Văn Hùng, 50 tuổi, ngụ tại xóm 2 thôn Quyết Tiến, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang đã qua đời do bị ‘đoàn cưỡng chế đất’ đánh trọng thương cách đấy 3 tuần.
Dư luận đang nóng lên từng ngày xung quanh những tin tức này. Tình hình bên ‘nước bạn’ e chừng còn nghiêm trọng hơn. Báo chí đưa tin đã có hơn chục người dân Tây Tạng thuộc tỉnh Tứ Xuyên Trung Quốc bị chết và nhiều người khác bị thương do bị cảnh sát trấn áp trong các cuộc biểu tình trong hai ngày 23 và 24 tháng Giêng.
Năm 2011 đã làm thay đổi cục diện chính trị và kinh tế thế giới. Mùa Xuân Ả Rập đã kết liễu nhiều nhà độc tài như Ben Ali (Tunisia), Mubarak (Ai Cập), Gaddafi (Libya), Saleh (Yemen) và vẫn đang tiếp diễn ở Syria, Iran. Sự thức tỉnh của người dân Nga qua các cuộc biểu tình khổng lồ đòi Putin từ chức sau cuộc bầu cử quốc hội Nga ngày 4/12/2011, hay những cải cách ngoạn mục của Mùa Xuân Miến Điện đang làm rung chuyển các nước độc tài còn lại trên thế giới. Kinh tế Châu Âu, một trong ba trụ cột của nền kinh tế thế giới đang rơi vào vòng xoáy khủng hoảng và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các nước chuyên xuất khẩu như Việt Nam.
Ngay trong những ngày đầu năm mới các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ tình trạng nhân quyền tại Việt Nam và gắn việc cải thiện nhân quyền với việc mở rộng hợp tác, bang giao giữa hai nước…
Có lẽ chừng ấy dữ kiện quốc tế cộng với sự suy sụp của thị trường chứng khoán, bất động sản, ngân hàng… tại Việt nam cũng đủ cho chúng ta thấy được một năm mới đầy khó khăn và bão tố đang chờ chính quyền và người dân Việt Nam.
Vấn đề về lương và lạm phát sẽ là bài toán nan giải cho chính quyền trong năm 2012. Công chức vẫn không thể sống bằng lương vì thế nạn nhũng nhiễu, cửa quyền, tham nhũng trong bộ máy công quyền chỉ tăng chứ không giảm. Lý do khiến nhà nước không thể trả lương hợp lý và đủ sống cho giới công chức là đại nạn: Tham nhũng. Vì tham nhũng hoàng hành nên thất thu thuế là điều đương nhiên, để có được nguồn thu cho ngân sách, chính quyền Việt Nam đã dùng những biện pháp (mà hậu quả để lại sẽ rất xấu) như trưng thu đất đai bừa bãi của người dân để bán lại cho những cá nhân và các công ty có tiền, khai thác vô tội vạ tài nguyên thiên nhiên của đất nước, ‘khuyến khích’ bộ máy công chức ‘móc túi’ người dân để bù vào đồng lương thiếu hụt. Lực lượng công an và vũ trang thì kinh doanh mà không phải nộp thuế…
Những thay đổi mà người dân kỳ vọng từ phía chính quyền như chuyện ‘sở hữu đất đai’ của người dân, hay bảo vệ môi trường sống… khó lòng được chấp nhận, dù đã xảy ra những vụ việc như ‘biến cố Đoàn Văn Vươn’.
Sự lớn mạnh và trưởng thành của tầng lớp trí thức Việt Nam, của xã hội dân sự và cộng đồng cư dân mạng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về dân chủ, về tham nhũng, về sự yếu kém của chính quyền. Mọi sự dối trá hay thậm chí ‘đi hàng hai’ giữa lề phải và lề trái đều bị giới blogger phát hiện và chỉ trích mạnh mẽ. Trí thức và những người có hiểu biết chỉ có một lựa chọn duy nhất là đứng về phía đa số nhân dân hoặc là đứng về phía chính quyền. Đòi hỏi này của người dân, thông qua thái độ của cư dân mạng là hoàn toàn có lý trong thời buổi ‘nước sôi lửa bỏng’. Hoặc là anh im lặng và chấp nhận mọi sự bất công đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam hoặc là anh phải có thái độ dứt khoát với những vô lý đó.
Không chỉ biết phản biện mà người dân Việt Nam nói chung và giới trí thức nói riêng phải Đối Lập với chính quyền, có thế mới tạo được sức ép cho những thay đổi mạnh mẽ từ ‘bên trong và bên trên’ trong nội bộ đảng. Giả sử có những lực lượng tiến bộ muốn thay đổi tình hình Việt Nam thì chính sự không dứt khoát của người dân và nhất là của trí thức Việt Nam sẽ khiến họ lưỡng lự.
Một tinh thần chủ đạo cho mọi cuộc thay đổi tại Việt Nam phải là ‘tinh thần bao dung’, nhìn nhận mọi người Việt Nam là anh em trong một nhà, không phân biệt đối xử, dựa trên tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, một trong ba lập trường căn bản của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên.
Trong Dự Án Chính Trị ở phần VIII: Chuyển tiếp thành công về dân chủ, mục “2.2. Thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc”:
Một cố gắng phải bắt đầu ngay và tiếp tục trong nhiều năm là thực hiện đường lối hòa giải và hòa hợp dân tộc. Hòa giải và hòa hợp dân tộc là một quốc sách của giai đoạn chuyển tiếp.
Mọi chính trị phạm sẽ được trả tự do và phục hồi quyền công dân ngay tức khắc.
Mọi người vì lý do chính trị, vì các chính sách đánh tư sản, cải cách ruộng đất, hay vì đã từng là công chức quân nhân của miền Nam mà đã bị giam cầm, hạ nhục sẽ được phục hồi danh dự và sẽ được bồi thường thiệt hại ít nhất là một cách tượng trưng.
Nhà nước sẽ nhân danh sự liên tục quốc gia nhận lỗi về những sai lầm trong quá khứ, nhất là đối với những người đã chết oan dù ở trong hàng ngũ nào và trong giai đoạn nào.
Những người đã bị tịch thu tài sản sẽ được nhà nước nhận bồi hoàn, sự bồi hoàn thực sự sẽ được thi hành dần dần với thời gian theo khả năng kinh tế của nhà nước.
Một cơ quan đặc biệt, cấp bộ, sẽ được thành lập để thực hiện chính sách hòa giải dân tộc, đặc biệt là để nhận và giải quyết những hồ sơ khiếu nại và đòi bồi thường của dân chúng. Một ủy ban của quốc hội sẽ có trách nhiệm đảm bảo rằng mọi luật lệ và qui định không đi ngược với quốc sách hòa giải và hòa hợp dân tộc. Một hội đồng hòa giải và hòa hợp dân tộc, độc lập với chính quyền và gồm đại diện của các chính đảng, đại diện các tôn giáo, đại diện các sắc tộc và các nhân vật có uy tín thuộc xã hội dân sự sẽ được thành lập để giám sát việc thực hiện hòa giải và hòa hợp dân tộc.
Nhà nước sẽ nghiêm cấm mọi hành động trả thù báo oán và phân biệt đối xử. Mọi người Việt Nam dù có quá khứ nào đều được đối xử bình đẳng trong nghĩa vụ cũng như trong quyền lợi. Mọi công chức, quân nhân đều sẽ được duy trì ở lại chức vụ đang giữ. Mọi thay đổi nhân sự đều sẽ phải có lý do kỹ thuật, khách quan và chính đáng.
Việc thực thi hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ cần một thời gian rất dài. Mọi biện pháp của nhà nước phải luôn luôn chứng tỏ thiện chí muốn thực sự hàn gắn những đổ vỡ do quá khứ để lại, để mọi người Việt Nam hài lòng bắt tay nhau xây dựng đất nước.
Để chính sách hòa giải và hòa hợp dân tộc có nền tảng chính đáng và thêm sức mạnh, một đạo luật về hòa giải và hòa hợp dân tộc sẽ được soạn thảo để toàn dân biểu quyết qua trưng cầu dân ý”.
Năm 2012 chúng ta sẽ được chứng kiến nhiều thay đổi quan trọng. Năm 2012 có thể là năm của khúc quanh lịch sử về dân chủ cho Việt Nam, nếu không nó cũng sẽ dẫn Việt Nam tới gần sát vận hội dân chủ. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một năm sôi động với nhiều sáng kiến đột xuất và nhiều kết hợp chính trị mới. Xã hội dân sự và tiếng nói mạnh mẽ của giới blogger Việt Nam sẽ tạo nhiều đột phá bất ngờ…
Trong thời gian cuối năm 2011 trên các trang mạng và báo chí đã đưa ra những lời đồn đoán xuất phát từ bộ lịch cổ của người Maya, một nền văn minh cổ đại ở Mexico, Bắc Mỹ, khoảng 4.000 năm trước đây rằng ngày 21/12/2012 sẽ là ‘Ngày tận thế’. Các nhà khoa học đã phản bác rằng ‘ngày tận thế’ là không có cơ sở. Tuy nhiên một ‘Ngày tận thế cho các nhà độc tài’ trong năm 2012 lại là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Hơn một năm trước đây cũng không có nhà tiên tri nào dự báo được những gì sẽ xảy ra cho các nhà độc tài xứ Ả Rập, thế rồi Mùa Xuân Ả Rập vẫn đến với người dân các nước này.
Việt Hoàng
0 comments:
Post a Comment