Tuesday, January 31, 2012

Tập so sánh

Hầu như tất cả những đứa trẻ con mới bắt đầu học vỡ lòng thì cũng là lúc bắt đầu biết và tập so sánh. Nhưng khi những người đã trưởng thành, sự so sánh lại càng phức tạp hơn.

Có muôn ngàn sự việc và vấn đề trong cuộc sống này để chúng ta so sánh. Sự so sánh không có “công thức” tuyệt đối bởi vì vạn vật luôn biến đổi tùy theo môi trường, điều kiện, thể chất, thời gian.

Gần đây người ta đem ra so sánh giữa mọi ngành nghề với nhau, trong đó có ngành nghề và vai trò của người trí thức.

Đúng vậy, không có ngành nghề nào giống ngành nghề nào. Ngành nghề chỉ là một việc làm có thể chỉ thành thạo chuyên môn trong một lãnh vực hay công việc nào đó. Không thể đòi hỏi một anh chăn trâu, làm ruộng đi làm công việc của người trí thức. Nhưng ngược lại, người trí thức có thể sẽ biết chăn trâu, làm ruộng (nếu bị đem đi cải tạo theo ý đảng). Cũng không thể đòi hỏi một chị thợ dệt phải thành thạo trong cái công việc của nhà giáo.

Nhưng người chăn trâu, làm ruộng; chị thợ dệt khác hơn người trí thức về kiến thức.

Có thể anh chăn trâu, làm ruộng chỉ biết đến xóm làng, vườn cây, ao cá nơi anh sinh sống là cùng. Có thể chị thợ dệt chỉ biết đến gia đình chị, cùng lắm thì biết thêm mọi diễn biến trong cái cơ xưởng mà mỗi buổi chị làm việc.

Nhưng người trí thức (hay là người có kiến thức) đương nhiên chỉ giống như những người lao động khác ở cái chỗ tạo sản phẩm theo ngành nghề của mình cho xã hội. Mỗi sản phẩm của mọi ngành nghề có giá trị khác nhau. Nhưng người trí thức ít nhiều sẽ hiểu biết rộng hơn về mọi diển biến chung quanh trong cuộc sống: từ gia đình xã hội cho đến quốc gia. Bảo rằng người trí thức không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội là một tiền đề làm vỏ bọc cho kẻ sống cầu an, cơ hội, vô trách nhiệm

Người ta bảo rằng biết mà không nói là bất nhân; nói mà không biết là bất trí. Nhiều người trí thức Vn lựa chọn sự bất nhân hơn bất trí. Bởi vì mang danh trí thức thì phải ăn nói chừng mực, dè dặt chứ không sẽ bị chửi là bất trí. Thà không nói thì không ai biết là mình bất nhân.

Ở Việt Nam thành phần sống cầu an, cơ hội, vô trách nhiệm càng ngày càng tăng theo thời gian. Chính do đảng cộng sản Vn đã tạo ra tình trạng này. Người lãnh đạo có tài, có kiến thức phải biết vì đâu mà dẫn đến nguyên nhân. Đừng có hòng, tưởng rằng chỉ có “chỉnh” với “đốn” không thôi là đủ!

Bất nhân trong trường hợp vừa nêu khó mà nhận ra. Bởi có nhiều khi bị thiên hạ “hỏi thăm” thì bảo rằng không hay, không biết, chỉ lo công việc chuyên môn; Giá trị của trí thức là sản phẩm do anh làm ra; đừng đòi hỏi người trí thức phải thế này thế nọ.

Không ai có quyền đòi hỏi người trí thức. Nhưng người ta gióng lên tiếng chuông, lúc đó, so ra mới biết tư cách của người trí thức là loại người nào trong tình cảnh nước nhà hiện nay.

Nếu đem so sánh thì người có tinh thần quốc gia, dân tộc khác với kẻ cầu an, cơ hội, vô trách nhiệm ở cái chỗ là sẵn sàng phản biện xã hội theo kiến thức của mình. Nói mà không sợ sai, không sợ thiên hạ bảo rằng bất trí; bất trí cũng mặc kệ, bởi trên đời này có ai mà hoàn hảo.

Nguyễn Dư

0 comments:

Powered By Blogger