Tuesday, January 31, 2012

NHÀ CHÁY! LO CHỬA! THÔI GẤU Ó!

Tiếng bom Đoàn Văn Vươn, dư âm còn chưa tan dứt! Cái chết tức tửi, câm lặng cùa cô Thôn nữ vô danh thôn La Dương, Hà Đông còn chưa được giải oan! Cái chết của nông dân Nguyễn Văn Hùng, thôn Quyết Tiến, Bắc Giang vì bị công an đánh đập khi đi biểu tình chống cường quyền “cưởng chế” cướp đất còn đang sôi động.

Các quí vị “trí thức” Hà Thành thì đang bận tâm định nghĩa, luận bàn về các khía cạnh triết lý, xã hội, chánh trị, nhân sinh của hai chữ trí thức cao quí trong khi dân tình đang tuyệt vọng vì mất đất, mất nhà, sắp lang thang đầu đường, xó chợ!

Ngày xưa, giới khoa bảng mãi “kẻ khoe văn hoạt, đứa văn già,” cọng tóc chẻ tư, có khi còn gấu ó “ Đứa nầy bảo đứa kia chó! Thần thấy, thần bỏ”, cho nên đất nước mất vào tay thực dân Pháp.

Ngày nay, giới khoa bảng xem chừng vẫn còn chưa tởn, vẫn kèn cựa, tranh nhau cái thủ lợn “trí thức” rỡm để cho mấy đứa ít học mà thừa lưu manh “thực dân Ta” tiếp tục ngồi trên đầu, trên cổ. Chúng cướp của dân ngàn lần, thí cho đó một thì hô to: Phản biện tự do trong khuôn khổ “cơ chế” chớ không được xổng chuồng, phạm húy!

Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách. Sĩ phu thời xưa, trí thức đời nay hưởng nhiều ơn dân, lộc nước hơn người khác phải có trách nhiệm nhiều hơn. Huống chi tự thân đã tham dự vào bộ máy cường quyền, sao lại lấy đó làm vênh vang?! Phản biện cường quyền là mức thấp nhất kẻ sĩ cần phải có trong hoàn cảnh chưa làm gì hơn được thì mới phải.

Huống chi, trong thời điểm hiện tại, nếu như trí thức bớt đi lòng tính thiệt so hơn mà thêm chút khí lực hào kiệt, đương trường đối diện cường quyền thì sự thể có khi biến chuyển.

Về một PHONG TRÀO CHỐNG ĐUỔI NHÀ, ĐUỔI ĐẤT

Từ Long xuyên, An Giang Miền Tây tới Bình Dương Miền Đông, dân bị đuổi nhà, đuổi đất dang lang thang lứ thứ! Hiện tại, tại Saigon cường quyền đang cào nhà dân ở Thủ Thiêm theo cái gọi là “dự án chỉnh trang đô thị(?)”. Thậm chí cào nhà dân ở Quận 2 để làm sân chơi golf cho các quan tư bản đỏ và ngoại nhân vui chơi, giải trí!

Ngoài Bắc, suốt một vòng cung từ Hải Phòng qua Hà Đông tới Bắc Giang, nạn đánh chết người đuổi đất, đuổi nhà, thậm chí phá nhà, cướp thủy sản tràn lan!

Tiếng bom, tiếng súng của anh em nhà Đoàn Văn Vươn chỉ mới gây tiếng vang thức tỉnh. Nếu chỉ dừng lại đó là chưa đủ. Cần hợp lực dấy lên thành phong trào rộng lớn mới mong lay chuyển cường quyền. Bằng chẳng vậy thì chúng nhiều mưu, lắm kế, bẽ gãy các sự chống đối rời rạc như bẽ đủa từng chiếc.

Cứ lấy ví dụ về việc chúng tạo ra “sự cố tranh luận về trí thức” kể trên để đánh lạc hướng công luận đang quan tâm về các việc “cưởng chế” nhà, đất thì thấy rõ thủ đoạn gian trá của cường quyền lang sói!

Trong việc vận động tạo lập phong trào nầy, trí thức mà trước hết là giới luật gia có hoàn cảnh thích hợp hơn hết để tiến hành. Với danh nghĩa luật sư biện hộ, người luật sư có đủ tư cách để sanh hoạt, gần gủi ngưới dân bị lấy đất. Thay vì chỉ làm việc về phương diện lập hồ sơ tố tụng, người luật sư làm cộng việc vận động tạo lập phong trào CCNCĐ, khởi đầu là các nạn nhân trực tiếp, lần hồi lan ra các gia đình, chòm xóm xung quanh, rốt rồi cả thôn, cả làng nắm tay nhau, đoàn kết giữ đất, giữ làng. Đó là tấm gương Làng Ô Khảm, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa đỏ.

Kịch bản thì đơn giản. Thực hiện vô cùng gay go! Nhưng nếu kẻ sĩ quyết lòng vùa giúp, tạo điều kiện cho “hào kiệt” địa phương ( ví dụ như anh Đoàn Văn Vươn ) xuất hiện, đứng ra lãnh đạo phong trào thì sự thể có khi thành tựu!

Về một PHONG TRÀO CÔNG NHÂN ĐOÀN KẾT

Hiện tại, công đoàn nhà nước là một bộ phận trong “hệ thống TƯ BẢN ĐỘC QUYỀN NHÀ NƯỚC”. Nó cấu kết với Xí nghiệp quốc doanh, Tư bản đỏ và Nhà nước dể bốc lột công nhân thậm tệ hầu thâu tiền theo đúng thành ngữ, “Sống chết mặc bây, tiền thầy bỏ túi.”

Từ ngày các anh thư, hào kiệt Đỗ thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng sa cơ lâm vòng lao lý của bạo quyền, phong trào công nhân “tự phát” xem chừng khựng lại! Mấy ngày trước Tết, phong trào đình công đòi tiền thưởng Tết bỗng nhiên nở rộ với nhiều ngàn người tham dự trong khu tam giác công nghiệp Sóng Thần (Thủ Đức-Dĩ An)- Khu Kỷ nghệ Biên Hòa- Khu xí nghiệp Bình Dương.

Nếu các nhà am hiểu hoạt động nghiệp đoàn dấn thân hướng dẫn, cổ súy sẽ có nhiều thủ lãnh công nhân theo gương bộ ba Minh Hạnh-Huy Chương-Quốc Hùng xuất hiện.

Mấy chục năm về trước, bên Ba Lan chỉ có một Lech Walesca đứng mủi, chịu sào mà lập nên Công đoàn Đoàn Kết. Cường quyền xã nghĩa ta tàn bạo hơn, một Walesca là chúng giết mất nên cần nhiều anh thư, hào kiệt tiếp nối nhau dấy nghĩa. Cho nên mới nói kẻ sĩ dấn thân xây dựng phong trào. Vậy, ai là kẻ sĩ, trí thức can trường hướng dẫn và vùa giúp các bạn trẻ hào hiệp đứng ra mưu đồ việc lớn?!

Về một PHONG TRÀO HIỆP HỘI ÁI HỮU TƯƠNG TRỢ

Những năm gần đây, giới giáo chức vì đồng lương chết đói mà đành phải làm việc tủi thẹn, bó buộc con em “học thêm” để kiếm thêm chút ngoại bổng! Đành rằng, “ Có khi biến, có khi thường. Tòng quyền nào phải một đường chấp kinh,” nhưng mà tòng quyền theo kiểu vừa nói xem ra nhẹ thể, hèn người. Chi bằng thử tính, ta lập hội. Mà đừng lập hội theo kiểu “xin-cho”. Ta lập hội theo kiểu “tự phát, tự do”, nghĩa là không cần văn bản, điều lệ gì hết. Chỉ bằng tấm lòng đoàn kết, tương thân, tương ái, hoặc định kỳ, hoặc bất thường, ta họp mặt nhau bàn bạc việc trợ giúp nhau hoặc về quyền lợi chung của giới giáo chức. Thay vì dạy thêm, dạy bớt, ta tính chuyện ráp nhau đòi nhà cầm quyền tăng lương cho theo kịp nhịp độ lạm phát cho đủ sống. Rồi còn tính chuyện về chương trình giáo dục xã nghĩa chỉ chuyên về tuyên truyền lịch sử đảng mà đánh mất lịch sử dân tộc và … vân … vân.

Trên đây là mẫu mực về hiệp hội AHTT. Các nghành nghề khác, nếu có người có thiện chí và quyết tâm, vẫn làm được.

NHỮNG MẦM MỐNG XÃ HỘI DÂN SỰ TRỨƠC ĐÊM CÁCH MẠNG

Gần đây, khi thấy các bậc thức giả bàn bạc về việc hình thành một xã hội dân sự ngoài “cơ chế” đương quyền, sanh ra nghĩ ngợi. Việc thành lập các hiệp hội nghiên cứu lịch sử, văn hóa cao xa, sức không với tới, nên mới nghĩ ra các hình thức kể trên, gọi là thưa thốt theo phận mình.

Những phong trào kể trên, nếu như may mắn được thành hình, vừa vận động thay đổi cơ chế hay chế độ thời cũng vậy, vừa là tiền thân của xã hội dân sự hậu cs, cái mà trong hiện tại, ở các xứ văn minh kêu là tổ chức phi chánh phủ.

Truyền thống Thiền tông có câu bình dị mà đúng lý rằng:

Nói tới mà làm chưa tới, kêu là tới, chưa tới

Nói và làm đều tới, kêu là tới, tới

Trong tình thế dân, nước cùng khốn, ngặt nghèo ngày nay, không một cá nhân hay đoàn thể, đảng phái nào một mình xoay trở được. Phải nâng đở, vổ về, khích lệ nhau cùng cất bước, ráng vừa nói vừa làm, làm cho tới, chống lại cường quyền, “nói một đường, làm một nẽo,” đưa dân tộc, đất nước xuống hố cả nút.

Nguyễn Nhơn

( Đầu xuân Nhâm Thìn )

0 comments:

Powered By Blogger