Monday, December 26, 2011

Ngựa Tế Đồng Nai

Tràm Cà Mau


Bà Lăng tuổi đã 82 mà nhất định không cho “bọn trẻ” trên dưới bốn mươi kêu bằng “ngoại”. Bà nói rằng, sợ mất duyên, không bước đi thêm được bước nữa. Có người quen, bảo bà nầy đã “bước” ít nhất năm sáu bước rồi, vì các con bà không đứa nào giống đứa nào. Đứa thì da vàng mũi tẹt, đứa thì mũi cao mắt sâu xanh lè, đứa thì da nâu nâu, đứa thì tóc xoắn tít da đen như thoa mồ hóng.

Thân thể bà gầy nhom, có dáng dấp của các cô người mẫu ốm đói thiếu ăn lâu ngày, nét đẹp tiều tụy thời đại. Tuổi đã cao, mà bước đi thoăn thoắt, lưng thẳng băng. Bà nói rằng, con gái hai mươi, ba mươi không đi theo kịp chân bà. Mỗi ngày bà đi bộ năm sáu tiếng, cho mồ hôi vã ra ướt cả áo trong, áo ngoài, mùa nắng cũng như mùa lạnh.

Vì gầy ốm, nên miệng bà càng móm hơn, hai gò má nhô cao, mắt nhấp nhem mí xệ. Tóc bà nhuộm đen nhánh, có vài vệt màu vàng tô điểm như bọn con gái trung học tuổi dưới hai mươi. Bà hãnh diện và thường khoe với người quen rằng, có kẻ khen bà đẹp, nét đẹp “Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”. Bà tin là thật, và có người nghe cũng tin là thật. Họ nói đùa, đúng là Tây Thi và Hằng Nga thấy bà cũng phải mất vía và giật mình, không sai.

Mỗi ngày bà ra đi từ khoảng mười giờ sáng, đi bộ xăm xăm, hai tay phất le te, lưng thẳng như cột đèn, đi từ nhà xuống phố chính, đi quanh các khu chợ , rồi đi vòng ra bờ Vịnh San Francisco, qua công trường Jack London, đi dọc theo ven vịnh, và quay về nhà. Con đường dài đến năm sáu dặm Anh. Có những con đường mà bà ưa thích và hay đi qua lại, với mắt láo liên nhìn vào các quán quen biết, vì trong đó có mấy ông chủ nghịch ngợm, hay ưa trêu chọc bà, khen bà đẹp, có ông táo bạo hỏi bà có muốn lấy ông không? Những lúc nầy, bà thường ỏn ẻn cười, làm bộ điệu thẹn thùng như con gái mới lớn. Bà cũng hay kiếm cớ vào các quán đó, mua vài ba vật dụng, dù không cần thiết, tốn ít tiền mà được vui thì cũng đáng. Trên đường đi, bà đã biết thuộc lòng, nơi nào tiệm gì, bày bán ra sao, bà không cần nhìn phố, mà chỉ liếc mắt dòm bọn đàn ông xồn xồn và đàn ông có tuổi thôi.


Vật nhau
Nguồn ảnh: OntheNet

Trên đường về, bà ghé quán ăn. Những khi bà ghé quán phở, kêu một tô phở cỡ “xe lửa” và một ly cối cà phê sữa đá. Tô phở xe lửa to như cái chậu rửa mặt. Anh bưng phở đã biết sức bà, nên cười chúm chím. Bà quất một lèo không ngơi nghỉ, cho đến cạn tô. Mấy anh chị thanh niên ngồi gần bàn bà, há hốc mồm nhìn rồi đến vái bà mà nói: “Con xin bái phục”. Bà nhe răng cười: “Còn ly cối cà phê nầy nữa đó”. Có người quen khuyên bà nên tiết chế việc ăn uống lại, để tránh đau tim, cao máu, tiểu đường, sưng khớp xương. Bà cười và nói, phải ăn thức bổ dưỡng cho có sức, mới khỏe mạnh và sống lâu, mà hưởng đời. Bà cho biết, hàng năm đi bác sĩ kiểm tra sức khỏe, bác sĩ tròn mắt ngạc nhiên hỏi bà có bí quyết gì để giữ cho sức khỏe được tốt như vậy. Bà khuyên bác sĩ nên đi bộ nhiều, mỗi ngày bốn năm tiếng đồng hồ, và quan trọng nhất là phải “vật nhau trên giường” đều đều. Theo bà, thì vợ chồng “vật nhau” một lần, bằng tập thể dục một tuần, vì khi đó máu huyết lưu thông dồn dập, tim đập mau, thân thể vận động và tinh thần sảng khoái, rất có lợi cho sức khỏe. Không có chuyện đó, thì mau sụm vì tuổi tác, và chết sớm là cái chắc. Ông bác sĩ cười hề hề và tưởng bà nói dóc mà chơi cho vui chuyện.

Mỗi tối, bà đi ngủ lúc tám chín giờ đêm, nhào xuống giường là ngáy một lèo cho đến khi trời sáng trợt mới thức giấc. Cứ đi bộ lối đó, đêm về thì mệt nhoài, nằm lăn ra mà ngủ say sưa, không cần thuốc ngủ, không cần đếm cừu đếm trâu ru giấc.

Mỗi lần bà gặp ông Năm láng giềng, bà đều năn nỉ, ỉ-ôi, nhờ giới thiệu cho bà một ông, để nếu hợp thì “tiến xa hơn”. Ban đầu ông Năm tưởng bà nói đùa chơi. Nhưng về sau, biết bà nói thật. Ông Năm thường hay ăn nói ngang phè, không biết kiêng nể, không sợ mất lòng ai.

Ông Năm nói: “Tôi đâu có ngu để làm cái chuyện mai mối. Người ta lấy bà về mà thờ chăng? Mấy ông già, nếu muốn lấy vợ, thì họ kiếm con gái còn trẻ; bà già rồi, khô như con mắm, đâu còn ‘làm ăn‘ chi được nữa mà hòng kiếm chồng?”

Bà Lăng trợn mắt lên và nói lớn: “Chú đừng tưởng, tôi thế nầy, chứ cởi ra, không một nếp nhăn, thân thể trơn lu-bà-lù, nõn nà, còn đẹp hơn con gái hai mươi đó.”

Ông Năm cười ha ha và trêu chọc bà: “Tôi không tin, không tin. Chưa thấy thì chưa tin”

Bà Lăng gắt: “Không lẽ tôi phải cởi ra cho chú coi sao?”

Ông Năm cười khà khà: “Thôi, thôi bà ơi. Bà mà cởi ra thì tôi ngất xỉu mất. Đừng, đừng.”

Bà Lăng nói: “ Xỉu là cái chắc. Dễ chi thấy được một thân hình đẹp đẽ, cân đối đều đặn như tôi.”


Ông Năm đùa tiếp: “Dù cho thân thể có đẹp đến mấy đi nữa, thì tôi cũng nghĩ là chẳng còn có thể ‘cơm cháo‘ chi được. Người ta kiếm vợ để… để… còn vui chuyện chiếu giường, còn bà thì… chỉ có chắp tay ‘lạy bác ạ‘ mà thôi”.

Bà Lăng có vẻ giận, nói lớn: “Nè, nè, đừng có tưởng nghe không. Sức tôi còn chấp được cùng một lúc ba ông dưới bốn mươi tuổi, tôi vật cho le lưỡi nằm dài thở không ra hơi đó.”

Ông Năm khoát tay: “Suỵt, suỵt.. Bà nói lớn thế, người ta nghe được kỳ lắm. Bà mạnh thế, không trách chi mấy ông chồng bà đều quy tiên sớm cả. Tôi nói cho bà biết nhé, mạnh như bà, thì không thể kiếm ra ông Việt Nam nào đủ sức cả, Mỹ đen và Mễ thì may ra!”

Bà cười: “Mỹ và Mễ thì chán chi. Ngày nào cũng có mấy ông kè kè đi theo tôi tán tỉnh, xin được cưới, tôi mà bằng lòng thì các ông lo cho hết, lo cho từ đầu đến chân. Nhiều ông có cửa tiệm, giàu lắm. Cũng có nhiều thằng còn trẻ, đi theo tôi chọc ghẹo và xin được làm nhân tình. Tôi nạt cho, rằng đồ chó đẻ, tao lớn tuổi hơn mẹ chúng mầy, con út tao còn già hơn chúng bây nữa kià”

“Sao bà không chịu mấy ông nhà giàu đi cho được việc, còn nhờ tôi giới thiệu làm chi.”

Bà nhỏ giọng: “Tôi chán chồng Mỹ lắm rồi. Bây giờ muốn quay về lại với đồng hương thôi.”

“Chi vậy?”

“Việt Nam mình hợp nhau hơn. Khi nào cũng anh anh, em em, nghe ngọt tai, mát ruột. Còn Mỹ thì “ai ai du du”, mầy mầy, tao tao, chán lắm rồi. Người Việt với nhau, nói dễ hiểu, dễ thông cảm hơn. Chồng Mỹ, nhiều khi mình nổi giận, chửi cha nó, nó cũng nhăn răng ra cười. Tức lắm.”

Ông Năm cười, và chợt nhớ đến hội người già, bèn mách bảo: “Sao bà không đến hội người già Á Đông mà tìm? Ở đó, có rất nhiều ông goá vợ, li dị, vợ bỏ. Nhiều lắm, hốt không hết đó.”

Bà Lăng xì một tiếng: “Tôi cũng tới đó nhiều lần rồi. Ở khu phố Tàu mới, gần hồ Mê-Rít chứ gì! Một tuần họp hai bữa, ăn uống và có khi nhảy đầm ồn ào lắm”

“Đúng rồi. Bà đã đến đó, mà tìm chưa được ông nào vừa ý sao?”


Ngoài vườn
Nguồn ảnh: dailytelegraph.com.au

Bà nói oang oang: “Tôi cũng đã gặp vài ba ông, khá lắm. Một ông nói với tôi rằng về ở chung, nấu ăn chăm sóc cho ông. Tôi chỉ vào mặt ông mà nói ngay rằng, đời tôi chưa biết ăn cơm nhà là gì, mấy chục năm nay toàn ăn cơm tiệm, khỏe cái thân, khỏi nấu nướng chi cả. Ông ấy dội lại ngay. Cũng có một ông khác, người cao to, còn khỏe mạnh lắm, tuổi tác cũng chưa lấy gì làm “trọng”, nhưng tôi không dám, vì ông ta nói rằng, mỗi lần ‘kẹt” thì ra đường, bốc mấy con Mễ, con Mỹ Đen đứng đường, trả cho nó mười đồng, hai chục đồng là yên chuyện. Nghe thế, tôi không sợ sao được. Mình lớn tuổi rồi, vướng vào mấy cái bệnh trời đánh đó, thì có nước đi chầu Diêm Vương sớm. Một ông khác cũng khá lịch sự, tôi rủ ông ấy đi ăn để dò xét tính tình. Ăn xong ông bắt cưa đôi chi phí, đàn ông chi mà kẹo như mật mía, dính vô thì “ê” mình. Mấy ông chồng Mỹ trước đây của tôi, cũng chưa ông nào kẹo như vậy. Ở hội người già, các ông thấy tôi thon thả, lanh lẹ, nên nhiều ông mê tít, săn đón, chuyện trò, làm các bà vợ nổi ghen, cấm các ông đến gần tôi. Các bà đó, bà nào cũng mập thù lù, mông phình đại bàng, bụng mấy tạ, má cằm bành ra, làm sao mà so với tôi được? Tôi nghe chú quen nhiều người tử tế, gắng tìm giúp cho tôi một ông kha khá, tôi cám ơn chú lắm”.

Ông Năm nói: “Bà khó thế, thì tôi làm sao mà kiếm cho ra một ông vừa ý bà được? À, tôi nhớ ra rồi. Tôi có một ông chú, vợ chết. Bà 82 tuổi, ông nầy cũng gần 90 tuổi. Xứng đôi vừa lứa lắm. Bà có chịu không?”

Nghe thế, bà dẫy nẩy: “Thôi chú ơi. Chú khinh khi tôi vừa vừa chứ. Rước ông già hết gân kia mà về hầu hạ hay sao ? Tội chi thế? Mình lấy chồng, để nương tựa nhau, giúp qua giúp lại, chứ đâu phải để làm đầy tớ hầu hạ người ta! Lấy chồng như thế, thì thà ở một mình có sướng hơn không?”

Ông Năm lắc đầu, và ướm thử: “Thế thì bà muốn người bao nhiêu tuổi?”

Bà Lăng ỏn ẻn: “Bao nhiêu tuổi cũng được.”


“Tây Thi mất vía, Hằng Nga giật mình”
Nguồn: listoftheday.blogspot.com/

Ông Năm: “Bà nói bao nhiêu cũng được, sao lại chê ông chú tôi già? Bà cứ nói cho tôi biết giới hạn tuổi từ bao nhiêu, đến bao nhiêu, để tôi tìm. Chứ rồi bà chê già, chê trẻ, mất công tôi đi lùng kiếm. Nói đi!”

Bà Lăng cười, đập nhẹ vào tay ông Năm và nói nho nhỏ: “Thì chừng năm mươi đến bảy mươi lăm tuổi là vừa.”

Ông Năm giật mình buột miệng: “Ôi trời đất! Nếu tôi không lầm, thì con bà có ba người trên sáu chục tuổi rồi phải không?”

“Ừa!”

Ông Năm thở dài : “Chắc bà nghe người ta bảo ‘chồng già vợ trẻ là duyên, vợ già chồng trẻ là tiên trên đời’. Coi bộ bà muốn được làm tiên chăng? Bà cứ tin đi, để tôi tìm cho bà, nhưng có lẽ khi xương cốt đã khô mục cũng chưa kiếm được những người trong lứa tuổi mà bà mong muốn. Bà có biết bây giờ mấy ông già dịch về quê cưới vợ non mơn mởn đem qua đây hú hí ?”

Bà Lăng nói mau: “Ừa, có vợ trẻ để mà chết sớm đó!”

Ông Năm lại trêu chọc: “Thế thì lấy bà, họ có sống lâu hơn không? Bà nói cùng một lúc, vật cho ba ông dưới bốn mươi tuổi lè lưỡi thở không ra hơi kia mà!”

Bà Lăng cười: “Nếu mình biết điều độ, ít ít thôi, mỗi tuần chừng năm sáu lần là sức khoẻ gia tăng, sống lâu trăm tuổi.”

Ông Năm gãi đầu, vì chợt nhớ ra từ gần mười năm nay, hai vợ chồng ông đã quên chuyện ‘vật nhau’. Nghe bà Lăng nói, mà ông ớn lạnh.

Ông Năm thấy bà Lăng mặc cái áo ngắn ngủn bó sát người và cái quần lưng xệ, để phơi rốn ra ngoài, và một phần da bụng bùng nhùng nhăn nheo như có ai cầm dao rạch nát. Ông móc túi lấy ra mấy đồng bạc đưa cho bà Lăng. Bà hỏi “Để làm chi vậy?” Ông Năm nói tỉnh bơ: “Để bà mua dầu gió xoa bụng, cho đỡ lạnh rốn.”

Bà Lăng nạt: “Khỉ. Cái chú Năm nầy! Người ta ăn mặc như vầy cho trẻ trung. Nhìn thoáng tưởng như mới ba bốn mươi tuổi.”

Ông Năm nham nhở : “Bà nói sai rồi, nhìn thoáng mà tưởng chỉ ba bốn mươi tuổi sao? Theo tôi, nhìn thoáng, thì tưởng là bọn nữ sinh trung học mười mấy tuổi, nhưng nhìn kỹ hơn chút, thì...thì là ..là cô sinh viên… tám mươi hai.”

Bà Lăng không giận, mà còn cười.

Bà Lăng tiết lộ với ông Năm rằng, bà qua Mỹ năm 1972, chồng bà làm phi công phụ. Hồi đó ông nầy có ba căn nhà tại vùng Fremont, chỉ trong một năm thôi, bà đánh bài, tiêu tùng luôn ba căn, hai vợ chồng đi ở nhà thuê. Năm 1975, trong những ngày nguy biến nhất, bà bắt ông trở lại Việt Nam đem đám con riêng của bà qua Mỹ, nếu không thì bà sẽ li dị. Ban đầu ông không chịu, nhưng sau nhờ quen biết nhiều, ông đã đem qua được hai trong năm đứa. Bà nói hồi trẻ bà đẹp lắm, người thanh tú, tóc dài chấm mông, đàn ông ai thấy cũng mê mệt. Bà đưa cho ông Năm xem tấm hình bà trong khung ảnh to lớn, khi bà mới 29 tuổi. Ông Năm xem và cười, đúng là tóc bà đen dài chấm mông, thân mình mảnh mai, mặt dài, cái miệng nhọn, má hơi hóp. Không biết cái khiếu thẩm mỹ của chồng bà có gì đặc biệt khác người không mà chịu lấy bà nầy. Ông Năm nói nho nhỏ, đủ cho bà nghe: “Đẹp hơn cả Dương Quý Phi” Bà cười sung sướng nói: “Dương Quý Phi tài tử Hồng Kông, đóng phim bộ đó mà. Tui biết cô tài tử nầy.”

Một người con trai của bà đã sáu mươi tuổi, thuê căn nhà sát vách chung tường với nhà bà. Ông nầy sáng nào cũng qua nhà bà đập cửa ầm ầm đòi tiền tiêu trong ngày. Bà vừa xỉ vả vừa phát tiền mỗi ngày cho ông ăn uống, hút thuốc, uống rượu, đổ xăng. Ông thất nghiệp gần hai năm, chưa kiếm được việc làm. Bà nói rằng ông nầy nản lòng, không đi xin việc nữa, vì ngại người ta không thuê người lớn tuổi. Trong thời gian còn đi làm, ông con nầy cũng nợ nần như chúa Chổm, vì vướng vào việc đổ bác, mỗi tuần lãnh lương ra là chạy thẳng đến sòng bài nộp mạng, chỉ khi nào sạch túi mới trở về nhà. Những lúc nầy, ông con và bà bồ gây nhau náo loạn, vì hết tiền, thì không có mà đóng góp trả tiền nhà thuê chung. Bà bồ lại phải cho ông ăn, cung phụng tiền bạc cho ông hút thuốc, uống bia. Bà nầy làm nghề sơn móng tay, lợi tức không mấy khá.

Nhiều khi ông con gây gỗ la hét om sòm vì mẹ không cho đủ tiền tiêu trong ngày. Những lúc nầy, ông doạ tố cáo bà mẹ vi phạm luật chính phủ, vì cho người em gái ông ở chung. Mà luật lệ cấm cho ở thêm người, nếu chính phủ có trợ cấp một phần tiền thuê nhà. Mỗi cuối tháng, bà Lăng phải xin tiền các người con khác, để trả tiền thuê nhà cho ông nầy. Cái mặt ông khi nào cũng đỏ ké như da gà đá, vì bia rượu, giọng nhựa lè nhè. Bà Lăng nói rằng, ông nầy buồn vì không kiếm ra việc làm nên uống rượu giải sầu, chứ không phải nghiện ngập.

Ông con cứ ỷ lại vào bà mẹ già mãi, mà lợi tức của bà chỉ giới hạn trong tiền hưu ít oi hàng tháng của người chồng chết. Có khi giận quá, bà Lăng la rầy: “Mầy đã sáu mươi tuổi rồi, phải tự lo lấy, sao cứ bám vào tao mãi không biết xấu hổ sao?” Ông con trả lời tỉnh bơ: “Bà sinh ra tôi, thì phải lo cho tôi”. Bà Lăng chỉ thở dài.

Mỗi khi nghe bà Lăng kể chuyện tình, ông con gào lên: “Mẹ không biết mấy thằng cha già xạo, mắc dịch, nó trêu chọc, mà mẹ cứ tưởng thật và hớn hở. Con đã thấy chúng nó cười hô hố với nhau sau khi mẹ quay lưng đi. Mẹ đã già rồi, đừng nói chuyện tìm chồng nữa, thiên hạ họ cười cho. Con cái cũng xấu hổ lây.”

Bà Lăng gắt: “Bộ già rồi không có quyền yêu nữa hay sao?”

Ông con chắp tay vái bà mấy vái rồi bỏ đi.

Một người con gái lớn của bà Lăng, đã 62 tuổi, làm nghề chia bài tại Las Vegas, bị mất việc, và đã hết thời gian lãnh tiền thất nghiệp, đem theo một ông bồ về tạm trú tại nhà bà. Mỗi ngày bà nầy cũng đòi mẹ cho tiền đi chợ. Ban đầu nói là về thăm, rồi ở lì từ tháng nầy qua tháng khác, có cả ông bồ già. Chiếm luôn căn phòng ngủ duy nhất trong nhà. Bà Lăng phải ngủ ghế bành ở phòng khách. Bà cũng sợ bị cơ quan gia cư thành phố biết, cắt tiền trợ cấp thuê nhà. Bà Lăng hỏi người con gái là ở cho đến bao giờ, và vì sao không kiếm chỗ ở khác để bà khỏi bị lôi thôi. Người con đáp: “Đi đâu bây giờ ?” Bà Lăng chịu thua, không biết phải trả lời ra sao. Một mình bà mà phải gánh thêm ba mạng trong lợi tức ít oi của bà.

Một lần bà gặp ông Năm và than: “Tui hết sức rồi chú ơi. Tiền hưu mỗi tháng không bao nhiêu, mà phải vay mượn nuôi mấy đứa dịch vật. Nhưng biết làm sao bây giờ. Chúng nó hoạn nạn biết nương tựa vào ai. Có con thì phải thương chứ. Không lẽ để cho chúng đói khát, ngủ đường ngủ chợ?”

Ông Năm trả lời: “Chúng nó cũng phải biết thương mẹ nghèo khó chứ. Mấy người đó đâu còn bé bỏng chi nữa mà bà phải cưu mang? Đừng cho họ xu nào cả, thì bà đỡ khổ. Họ cũng không chết đói đâu mà bà sợ.”

Bà Lăng nói giọng buồn: “Chú không làm mẹ nên không biết đó thôi. Khi con cái đói khổ, mẹ cũng đau lòng lắm.”

Thời gian sau nầy, vì phải nuôi thêm người con gái và ông bồ của cô nầy, nên bà Lăng không có đủ khả năng để phụ trả tiền thuê nhà cho ông con trai. Ông nầy ở lì, hơn sáu tháng mà không trả tiền thuê nhà. Chủ nhà phải thuê luật sư đưa nội vụ ra tòa để trục xuất. Bà Lăng sợ ông con xem thường pháp luật, mà ở lì khi cảnh sát thi hành án lệnh trục xuất, bà Lăng phải đi thuê phòng cho ông con dọn đi một ngày trước thời hạn cuối cùng. Bà nói với chủ nhà: “Thằng con tôi đàng hoàng tử tế, hiền lành lắm. Không tử tế sao con bồ chịu ở với nó đến sáu năm nay! Nó có tâm tu, bây giờ cả hai đứa chúng nó ăn chay trường, mỗi ngày đến chùa làm việc Phật sự, tối hoắc mới về nhà.”

Chủ nhà nói nhỏ nhẹ: “Ừ, ông ấy tốt và hiền lắm, nên ở nhà thuê hơn sáu tháng không trả tiền. Rồi đợi cho đến cận ngày cảnh sát đến đuổi mới ra đi. Ông ăn chay trường mà tôi thấy để lại trong tủ lạnh còn thịt bò, heo, gà và cả huyết nữa”.

Bà Lăng nói: “Chắc bạn bè nó gởi, chứ không phải của chúng nó đâu”.

Chủ nhà thấy bà binh con mù quáng mà tội nghiệp, bèn nói: “Tôi tin bà.Thịt cá trong tủ lạnh không phải của con bà. Mà nầy, nghe nói bà sắp lấy chồng phải không? Bao giờ thì làm đám cưới?”

Bà Lăng uốn éo người, cười sung sướng: “Cũng có mấy đám ‘xôm’ lắm, nhưng tôi còn tuyển chọn.”

Chủ nhà: “Thế thì bà đã tuyển chọn từ bao lâu rồi?”

Bà Lăng im lặng một lúc, rồi nói: “Ừa, thì cũng hơn mười năm rồi đó. Mà cũng chưa có đám nào hoàn toàn vừa ý”.

Chủ nhà cười: “Nếu hạ thấp tiêu chuẩn xuống may ra bà tìm được chồng. Các cháu gái tôi trên dưới ba mươi tuổi, đẹp, tốt nghiệp đại học, có nghề nghiệp khá, thế mà cũng quay quắt khó tìm ra chồng tàm tạm, huống chi…bà cũng đã hơi…hơi cao tuổi rồi.”

Bà Lăng dịu giọng: “Ông nói đúng lắm. Tôi nghe người ta bảo rằng, không có căn nhà nào là không bán được, vấn đề là giá nhà bao nhiêu thôi, cũng như không có bà nào mà không kiếm được chồng, vấn đề là tiêu chuẩn nào. Có phải không ông?”

Chủ nhà chúm chím: “Chòi lá rách tả tơi, mục nát, thì cho không cũng chẳng ai dám nhận, khoan nói đến giá nào.”

Bà Lăng xì một tiếng lớn, rồi vùng vằng bỏ đi.





Bài do tác giả gởi. Trích từ tập truyện “VỢ” xuất bản cuối năm 2011. Để mua sách, bạn đọc có thể liên lạc với tác giả qua email tramcamau2003@yahoo.com. DCVOnline biên tập và minh hoạ và chú thích.

(1) Tựa bài là một phần trong câu ca dao miền nam, nói chuyện hẹn chờ.

Rồng nằm ngoài Huế, ngựa tế Đồng nai,
Nước sông trong chảy lộn sông ngoài.
Thương em xa xứ lạc loài tới đây.
Rượu nằm trong nhạo chờ nem,
Anh nằm phòng vắng chờ em đôi ngày.

0 comments:

Powered By Blogger