Bản tin buổi tối ngày 16.3.2011, VTV1 dành đến hơn 5 phút để ca ngợi nỗ lực của Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản trong việc “quan tâm” (!) cứu hộ, giúp đỡ người Việt tại Miyagi. VTV1 cứ nói đi nói lại về cái chuyện “có 3 xe bus” đã tham gia di tản – như thể rằng mượn cái “cấu trúc 3” (cấu trúc hoàn chỉnh) để ám chỉ sự hoàn hảo của nghĩa vụ và bổn phận?
Than ôi, nếu ai đã đọc BBC và các trang mạng khác thì biết rõ thực chất ngược lại: Sứ quán Việt Nam tại Nhật coi tính mạng đồng bào mình chẳng khác chi cỏ rác. Bằng chứng rất rõ (theo BBC): Dù có đến 31.000 người Việt đang sinh sống ở Nhật nhưng Sứ quán cũng chỉ làm việc buổi sáng và buổi chiều, mỗi buổi 3 tiếng đồng hồ. Gọi điện không có ai trực máy. Trong khi đó, Philippines thiết lập đến 3 đường dây nóng 24/24.
Quan tâm cái nỗi gì mà hành xử theo cách đó? Nếu liên hệ với các vụ lũ lụt vừa qua tại Việt Nam thì thấy rõ cách thức Chính phủ đối xử với người dân cũng chẳng khác là bao. Hàng trăm người chết ở Quảng Bình, Hà Tĩnh nhưng phải mấy ngày sau mới thấy quan chức cao cấp xuất hiện. Lễ hội Thăng Long không thèm dành dù chỉ nửa giây để mặc niệm hàng trăm đồng bào mình bị chết thảm. Đó là chưa nói hàng ngàn thỉnh cầu, kiến nghị, góp ý… của dân, không hề được các quan chức Chính phủ trả lời dù chỉ nửa câu. Chẳng nói đâu xa, hồi Đại hội X, vì ngây thơ và cả tin, người viết bài này đã viết 13 bức thư tâm huyết gửi về Ban Chấp hành Trung ương Đảng theo địa chỉ 1A Hùng Vương, Hà Nội bằng đường chuyển phát nhanh, nhưng chẳng hề nhận được bất kỳ phản hồi nào. Không thể nói rằng thư không đến nơi, vì mỗi lá thư như thế tốn 11.000 đồng tiền gửi, nhất định phải đến tận tay, day tận chỗ (sau đó, có 6 thư được đăng trên báo Lao Động, Thanh Niên…).
VTV1 đã “tiết lộ thông tin” vào cuối bản tin, khi cho biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gọi điện cho Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản để thăm hỏi (!). À, thì ra là thế. Dư luận bức xúc quá, quốc tế lên án, Chính phủ chỉ đạo trực tiếp, nên Sứ quán mới biết “thương” người dân! Có đời thuở nào như thế không? Ăn tiền dân, lộc nước thì phải làm hết sức mình phục vụ dân, quý và lo cho dân chứ? Chẳng lẽ các vị cho rằng cứ ăn trên ngồi trốc là được quyền “ban phát” cho những kẻ đã còng lưng mỏi gối làm quần quật để lo cho mình sao? Liên hệ đến chuyện vì lo cho tính mạng của hai nữ nhà báo Mỹ gốc Triều mà cựu Tổng thống B. Clinton đi máy bay tư nhân sang tận Bắc Triều để xin, để đón; mới thấy cái mạng người dân Việt bị chính quyền rẻ rúng đến mức nào. Xót và đau bởi cái nỗi đầy tớ luôn “tư duy” theo lối ban ơn mà quên đi cái bổn phận của kẻ công bộc nhất thiết phải vì dân, vì nước.
Đến bao giờ mới thay đổi cách nhìn, cách hiểu thiển cận và u ám đến thế của các ngài đang công tác trong Sứ quán Việt tại Nhật Bản? Sự vô cảm đến mức tàn nhẫn và lạnh lẽo ấy chẳng lẽ lại là tên gọi đích thực của hai chữ vì dân? Có lẽ cũng chỉ biết nói và thở dài. Thở dài cho đến khi nào liệt cả cổ, đau cả mũi, đỏ cả mắt mới thôi chăng?
Huế, 16.3.2011
H. V. T.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
http://boxitvn.wordpress.com/2011/03/19/s%E1%BB%A9-qun-v-c%E1%BA%A3m/
*
Phụ lục:
VN chậm giúp công dân ở Nhật Bản
Động đất ở Sendai thuộc Miyagi gây xáo trộn cuộc sống của người dân
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật bị chỉ trích đã chậm trễ trong việc trợ giúp công dân Việt Nam ở các vùng bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần trong lúc quan chức ngoại giao các nước hoạt động tích cực giúp công dân nước họ.
Đại diện của một nhóm 50 lưu học sinh tại Đại học Tohoku ở Sendai thuộc tỉnh Miyagi nói với BBC “Đại sứ quán Việt Nam không có phương án giúp đỡ nào cả.”
Đại diện này nói hôm 14/3:
“Tôi cũng có thúc giục sứ quán là cần có những kế hoạch phòng trường hợp khẩn cấp xảy ra chứ không thể ngồi chờ được.
“Nhưng sứ quán nói họ không có kế hoạch gì cả.
Gần như mọi người ở đây đều thất vọng và không trông chờ gì vào đại sứ quán nữa.
Một sinh viên Việt Nam ở Sendai
“Gần như mọi người ở đây đều thất vọng và không trông chờ gì vào đại sứ quán nữa.”
Các sinh viên ở Sendai cũng nói họ đã liên hệ được với nhau và đã qua cơn “khủng hoảng” sau khi bị choáng bởi ảnh hưởng của động đất và sóng thần.
Hội Sinh viên Việt Nam trong lúc đó cũng chủ động www.cgi/http:/www.hsvvn.vn/home/hoi-svvn-o-ngoai-nuoc/92-hoi-svvn-tai-nhat-ba…“>cập nhật thông tin mà họ có được.
Trên mạng facebook cũng có www.cgi/http:/www.facebook.com/pages/T%C3%ACm-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-th%C3%A2n-v%…“>trang tìm kiếm thông tin người thân ở Nhật Bản bằng tiếng Việt nhưng không có nhiều thông tin.
Theo thông tin mới nhất BBC có được trong ngày 15/3, các sinh viên ở Sendai được tin đại sứ quán Việt Nam cử người xuống vùng này để đón sinh viên.
Một nữ sinh ở Sendai, cô Nguyễn Thị Huỳnh Liên nói một người bạn của bạn cô nghe được tin này nhưng bản thân cô không được thông báo và hiện lương thực thực phẩm chỉ còn đủ cho một, hai ngày tới.
Ngoài giờ làm việc
Trang www.cgi/http:/www.vietnamembassy-japan.org/vi/“>web của Đại sứ quán Việt Nam hiện không có đường dây nóng để công dân liên hệ.
Số điện thoại mà họ cung cấp – 0081 33 466 3311 – cùng hai số điện thoại của ban quản lý lao động cũng như bộ phận quản lý lưu học sinh đều không có ai trực máy sau giờ làm việc khi BBC liên hệ trong cả hai ngày 14 và 15/3.
Thay vào đó một lời nhắn ghi sẵn bằng tiếng Nhật, tiếng Việt và tiếng Anh nói giờ làm việc của Đại sứ quán là 9-12h sáng và 2-5h chiều mỗi ngày.
Philippines đã cố gắng để tìm các công dân và trợ giúp những người cần về nước
Tin về động đất ở Nhật trên trang của Đại sứ quán chỉ nằm thứ nhì, kẹt giữa tin về ngày lễ của “Hội hữu nghị Việt Nam – Slovakia” và tin bầu cử Quốc hội trong nước, chưa kể tới lời chào dài nằm ở phần trên cùng.
Trong khi đó trang web của đại sứ quán một nước ASEAN khác, Philippines, có tới ba đường dây nóng hoạt động 24/24, một danh sách những người đại sứ quán chưa liên hệ được và các tin tức cập nhật về tình hình ở Nhật Bản.
Trang www.cgi/http:/tokyo.philembassy.net/“>web của Sứ quán Philippines cũng chạy cả bốn tin chính trên trang của họ đều tập trung vào các chủ đề hữu ích và khẩn thiết.
Đó là Tin Khẩn (Urgent), yêu cầu công dân họ liên lạc ngay với Sứ quán để thông báo về tình trạng của mình; tin về công cuộc cứu trợ; dịch vụ lãnh sự hạn chế do thiên tai; và tin mới nhất về an toàn hạt nhân gửi tới cộng đồng người Philippines ở Nhật Bản.
Tin trên trang web cũng nói đại sứ quán Philippines đã cử một nhóm tới Sendai, chính vùng mà sinh viên Việt Nam đang kêu gọi đại sứ quán Việt Nam có phương án trợ giúp.
Mạng xã hội
Các nước phương Tây trong đó có Hoa Kỳ, Anh đã đưa ra đường dây nóng ngay từ ngày đầu tiên xảy ra thảm họa.
Họ cũng tìm cách liên hệ với công dân qua các trang mạng xã hội như Twitter và Facebook trong lúc mạng điện thoại di động gặp trục trặc nhưng internet vẫn hoạt động.
Kể từ khi xảy ra vụ động đất và sóng thần tại Nhật, Đại sứ Anh, David Warren xuất hiện ban đầu từ Tokyo, sau đó từ miền Bắc Nhật Bản, gần nơi thiên tai, để thông báo cho các đài truyền hình Anh Quốc về số người Anh gặp nạn và các biện pháp cứu trợ.
Hôm nay, 14/03, các nhà ngoại giao Pháp đã tổ chức rút dân Pháp khỏi Tokyo trong tình trạng nhiều khu vực của thành phố này không có điện và nước.
Tin mới nhất cho hay BBC ra lệnh rút một số phóng viên khỏi Sendai và các thành phố miền Bắc Nhật vì lý do thiếu xăng cho xe chạy và việc làm tin trở nên khó khăn do thiếu điện nước.
Nguồn: bbc.co.uk
0 comments:
Post a Comment