Kính thưa Tổng Thống,

Ðược tin Tổng Thống qua đời, đối với tôi tựa như tin sét đánh ngang đầu, tâm tư bấn loạn. Ngồi tại văn phòng làm việc nhưng tâm trí tôi tựa như đâu đâu, không làm sao tập trung được tư tưởng vào công việc đang làm. Sự ra đi quá đột ngột của Tổng Thống khiến cho tôi cãm thấy xót xa cho một kiếp người, dù một lần người ấy đã là Tổng Thống đứng đầu một quốc gia. Suốt bao năm qua, từ ngày Tổng Thống rời khỏi đất nước, Tổng Thống đã gánh chịu bao lời oán trách của chiến hữu, của đồng bào tị nạn hãi ngoại, cộng thêm lời đổ tội của người bạn đồng minh Hoa Kỳ đối với trách nhiệm mất nước về tay cộng sản xâm lược.

Là kẻ hậu sanh, trong suốt thời gian Tổng Thống cầm quyền, tôi còn quá trẻ để có cơ hội tham gia chánh sự hoặc để được ân hưởng ơn mưa móc của Tổng Thống. Dù vậy, nay thì Tổng Thống đã ra đi về miền viên miễn, trong thâm tâm tôi tự cãm thấy cần phải bày tỏ đôi lời tâm tình cùng Tổng Thống, đôi lời bênh vực Tổng Thống đối với những chỉ trích đôi lúc vô lý và bất công. Tôi có thể bị gán buộc là tiếng nói của những người cận kề Tổng Thống, mang nặng những tình cãm riêng tư. Sở dỉ tôi nói muốn nói lên ý nghỉ của mình là vì có một vì sao sáng ngời vừa rơi rụng, một vị tổng thống của miền Nam Việt Nam tự do vừa qua đời, môt lãnh tụ chính trị yêu nước vừa tạ thế, người mà tôi có cơ hội làm việc chung trong công cuộc đấu tranh giành lại tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam trong những năm sống lưu vong nơi hãi ngoại. Tôi thấy cần phải phát biểu ý nghỉ của mình vì cho tới nay vẫn còn có lắm người tiếp tục buộc tội một cách bất công đối với Tổng Thống, cốt để chạy tội cho phần mình và xót xa hơn nửa là có những người thân cận với Tổng Thống đã và đang tìm cách tách rời sự liên hệ với Tổng Thống hầu được an thân.

Tổng Thống bị cáo buộc là người lảnh đạo bất tài, điều hành một chế độ tham nhũng. Tôi tự nghỉ trong hoàn cảnh của một đất nước chiến tranh, đầy hổn loạn về phương diện chính trị, nếu người khác đứng vào địa vị của Tổng Thống tôi không biết họ có làm việc được hữu hiệu như Tổng Thống đã làm hay không? Trong 10 năm cầm quyền, Tổng Thống đã phải đương đầu với những biến cố chính trị và quân sự như biến động Phật Giáo miền Trung, cuộc tấn công ồ ạt của cộng sản trong Tết Mậu Thân, mùa hè đỏ lửa chiếm lại thành Quảng Tri, bảo vệ mãnh đất Bình Long anh dũng và còn phải đương đầu với người bạn đồng minh trong tiến trình ký kết hiệp định Ba-Lê với cộng sản Hà Nội. Thông thường, đối với những người đối lập chánh trị, hình như họ phải tìm đủ lý lẻ để tranh đoạt lấy chính quyền, họ có nhu cầu phải chê bai người đang cầm quyền là có những hoạt động kém cỏi trong vai trò lãnh đạo đất nước. Ai cũng biết đất nước Việt Nam mình tan nát vì trải qua bao cơn binh lửa, chống giặc Tàu, chống giặc Tây, chống giặc Nhật và cuối cùng là chống lại sự xâm lăng của khối cộng sản quốc tế mà Hà Nội chỉ là kẻ thi hành âm mưu xâm lược. Thời gian dùng để bảo vệ lãnh thổ nhiều hơn thời gian dùng để phát triển quốc gia. Ðó là cái kém may mắn của cả một dân tộc đứng trên phương diện nâng cao dân trí và phát triển đất nước, từ văn hóa đến chính tri, từ xã hội đến kinh tế. Lổi nầy không thể chỉ quy trách hoàn toàn cho bất cứ ai đã lãnh trách nhiệm điều khiển quốc gia chỉ trong một thời gian ngắn ngủi so với giòng lịch sử lâu dài của dân tộc, như cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hay ngay chính bản thân của Tổng Thống. Khi mà trình độ dân trí còn trong tình trạng thấp kém so với trình độ dân trí của những quốc gia Tây phương tiến bộ, cộng thêm các định chế quốc gia để cân bằng và kiễm soát còn lỏng lẻo, yếu kém thì việc tham nhũng trong guồng maý quản tri đất nước khó mà tránh khỏi. Phó Tổng Thống Trần Văn Hương có lần còn phải cất tiếng than rằng “dẹp hết tham nhũng thì còn ai làm việc nước!”. Nếu phải tìm một người để đổ lổi hầu cứu vớt trách nhiệm cho nhiều người khác thì Tổng Thống đúng là một vật tế thần để cứu vớt trách nhiệm của nhiều chính khách, nhiều tướng lảnh trong nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ và xây dựng đất nước.

Tổng Thống bị cáo buộc là người lãnh đạo chính trị kém cỏi, không biết rỏ chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong việc điều hành chiến tranh Việt Nam. Nhìn về bề mặt, tổng quát để chê trách thì dể nhưng nếu thật sự lãnh trách nhiệm lảnh đạo quốc gia thì không biết ai có thể làm khác hoặc làm hay hơn Tổng Thống hay không? Tôi nghỉ rằng Tổng Thống không những biết mà còn biết rất rành rẻ về đường lối điều hành chiến tranh Việt Nam của Hoa Kỳ. Tôi có lần nghe kể lại, mổi ngày Tổng Thống chỉ có dành được 4, 5 tiếng đồng hồ để lo phần bình định và phát triển đất nước. Còn số giờ còn lại kể cả trong giấc ngủ, Tổng Thống phải dùng đến để suy nghỉ cách đối phó với người bạn đồng minh. Tổng Thống đã nói “làm bạn với Hoa Kỳ khó hơn làm kẻ thù của họ”. Người bạn đồng minh nầy tìm mọi cách để kiểm soát và áp lực mọi hoạt động của chính phủ Việt Nam. Người bạn nầy cài người chung quanh Tổng Thống, tỉ như ngay cả trong Hội đồng An ninh quốc gia chẳng hạn, cốt để kiểm soát mọi tư tưởng và hoạt động của Tổng Thống. Nếu buổi sáng, ông đại sứ đồng minh đến yêu cầu Tổng Thống thi hành điều gì mà Tổng Thống nói rằng cần phải xét lại, thì buổi chiều hôm đó, ngoài đường phố, hoặc là đoàn thể tôn giáo hoặc là đoàn thể chính trị đối lập sẽ đòi hỏi cái điều mà ông đại sứ đồng minh vừa yêu cầu buổi sáng với Tổng Thống! Xa hơn nửa, trong thời gian thảo luận bản dự thảo hiệp ước Ba-Lê hồi cuối tháng 8 năm 1972, khi mà Mỹ muốn ký hiệp ước Ba-Lê với Cộng sản Bắc Việt bất kể sự tồn vong cua nhân dân Miền Nam, khi mà Tổng Thống phản kháng không chịu ký vào bản hiệp ước thì có mấy ai biết rằng lúc đó sinh mạng của Tổng Thống như “chỉ mành treo chuông” trước áp lực dử dội của người bạn đồng minh. Nếu Tổng Thống không can đãm phản kháng việc ký kết hiệp định Ba-Lê lúc ấy trước khi nhận được lời cam kết của chính phủ Nixon hứa sẽ bảo vệ miền Nam nếu Công sản Hà Nội vi phạm hiệp đinh đã ký kết, thì miền Nam Việt Nam có lẻ đã mất sớm hơn chớ không đợi đến ngày 30/4/75 khi đại tướng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng chỉ sau một ngày lảnh trách nhiêm lảnh đạo quốc gia!

Tổng Thống bị chê trách là không quan tâm đến các thuyền nhân tị nạn trong khi Tổng Thống cũng là một người đang có kiếp sống lưu đài nơi xứ người. Trong một bài báo được phỏng vấn tại Anh Quốc, nơi mà Tổng Thống sống tạm dung trong mấy năm đầu xa xứ. Tờ báo đã cắt xén câu trả lời của Tổng Thống về việc cứu trợ người tị nạn và thuyền nhân. Ðể từ đó, có những kẻ ác ý cố tình chê trách Tổng Thống đã nói “việc cứu giúp người ti nạn không liên quan gì tới ông”. Giã thiết, nếu câu trả lời nầy là câu trả lời của một người dân bình thường thì khi nghe qua ai cũng nhận thấy có phần nghịch lý rồi thì thử hỏi một vị cựu Tổng Thống lại có thể phát ngôn được như vậy hay sao? Có chăng là khi thương trái ấu cũng tròn, còn khi ghét thì trái bù hòn cũng méo! Có những người trước đây vì lý do nầy hay lý do khác, vốn không đồng chánh kiến với Tổng Thống và luôn cả Cộng sản Hà Nội đã khai thác triệt để lời vu khống trong bài báo nầy với chủ tâm ngăn chận mọi hoạt động đấu tranh hướng về Việt Nam của Tổng Thống. Người tị nạn vì quá khổ đau nên cũng dể xúc cãm trước lời tuyên truyền phi nghĩa nầy. Thôi thì, âu cũng là một đại nạn khác cho Tổng Thống trong kiếp đời lưu xứ!

Tổng Thống còn bị chê trách là bỏ ngủ sau khi từ chức trách vụ Tổng Thống. Nếu ai đã từng nắm những vai trò cấp lảnh đạo quốc gia, chắc cũng biết việc ra đi hay ở lại Việt Nam đôi lúc không phải do chính mình quyết định được. Có khi việc nầy còn tùy thuộc những lý do chính trị tiềm ẩn. Vào thời diểm của tháng 4/75, chính Hoa Kỳ đã áp lực Tổng Thống phải ra đi. Và ngay cả tân Tổng Thống Trần Văn Hương cũng nghỉ rằng Tổng Thống nên rời xứ để ông dể dàng thành lập tân chánh phủ và dể điều đình một gỉai pháp chính trị với Công sản Hà Nội, bằng không Cộng sản Hà Nội lại nói rằng chính phủ của cụ Hương là “chính phủ Thiệu mà không có Thiệu”. Hoàn cảnh của Tổng Thống lúc đó ở lại cũng không được mà ra đi thì phải lảnh chịu sự oán thù. Nói như nhà báo Bùi Bảo Trúc ”Phải đợi cho đến khi cát bụi lắng xuống hoàn toàn thì lịch sử mới có thể phán xét những con người như ông Thiệu, khen cũng như chê một cách chính xác”.

Âu cũng là số trời, sự ra đi vội vả không định trước hồi cuối tháng 4/75 của Tổng Thống có khác nào như sự ra đi quá đột ngột của Tổng Thống trong mấy ngày vừa qua. Ðược biết ý định của Tổng Thống khi còn tại thế đã nhắn nhủ với một người cháu kêu bằng cậu là khi nào Tổng Thống qua đời thì hỏa thiêu thân xác của Tổng Thống. Tổng Thống là người Công giáo mà có ý định hoả thiêu cũng là việc ít có. Nhưng Tổng Thống đã quyết định không muốn để thân xác vùi chôn nơi đất tạm dung mà muốn phần thân xác của Tổng Thống sau khi đã hóa thành tro bụi sẽ đươc đem về quê cha đất tổ rải trên đồng ruộng, may ra giúp được ít nhiều cho người nông dân nghèo khó Việt Nam có được cộng lúa xanh tươi. Mong cho Tổng Thống đạt thành ước nguyện sau cùng.

Kính thưa Tổng Thống,

Tôi và nhà tôi đến Newton để nhìn mặt Tổng Thống lần sau cùng, để được đứng kề bên quan tài của Tổng Thống nói lên lời tiển biệt, để giử trọn “tình thầy trò”, để thắc chặt “tình chiến hữu” giữa người ra đi và những người ở lại. Tôi muốn nói với Tổng Thống là tôi rất danh dự có được cơ hội làm việc bên Tổng Thống nhằm đấu tranh giành lại tự do, dân chủ cho đất nước và dân tộc Việt Nam.

Kính xin Thiên Chúa nhân từ tiếp dẩn linh hồn Tổng Thống về nơi cỏi Thiên Ðàng và xin Thiên Chúa bang cho Tổng Thống Phu nhân cùng gia đình thân tâm an lac.

Kính chào vĩnh biệt Tổng Thống.

Mùa thu Cali, ngày 8 tháng 10 năm 2001

Võ Duy Thưởng

http://ngothelinh.tripod.com/DoiLoiVinhBiet.html