Wednesday, March 30, 2011

“Bị động” ở … báo Lao Động !

“…Hơn 15 năm làm cho duy nhất tờ báo Lao Động, với hàng ngàn bài báo, hàng chục loạt bài điều tra; tôi chưa bao giờ khốn khổ, vất vả đến như vậy. Chưa có loạt bài điều tra nào, để cho chúng xuất hiện trên mặt báo, tôi phải khó nhọc, gian truân như vậy…”

Mai Thanh Hải Blog – Làm báo ở Việt Nam, ai cũng biết Báo Lao động. Nếu làm báo ở Hà Nội, tại thời điểm này, dĩ nhiên càng không thể không biết những gì đang xảy ra ở Lao động – Một tờ báo mà đã có thời, rất xa, nổi tiếng và được độc giả yêu quý, đón nhận bởi chất lượng, uy tín và tiếng nói.Thế nhưng, có những chuyện của Báo Lao động, không phải cán bộ – phóng viên nào cũng biết, cho đến khi “nạn nhân” chịu không nổi, phải uất ức viết đơn theo kiểu “tâm thư”.

Chuyện của Nhà báo Cao Hùng, Phóng viên (PV) thuộc Cơ quan Thường trú Báo Lao động tại TP. Hồ Chí Minh (gọi tắt là CQTT) là như vậy. Mình biết Cao Hùng từ lâu, cũng có mấy chuyến công tác cùng. Tuy không nhiều, nhưng đủ để biết “chất” của nhau và dĩ nhiên, trong trường hợp này, Cao Hùng xử lý như vậy mới đúng là… Cao Hùng – dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm… Qua đây mới thấy, làm báo bây giờ thật khó, thật khổ và tự dưng, mình lại liên tưởng đến trò “Đuổi hình bắt chữ” phát trên HTV: MC Xuân Bắc chỉ hình con báo hùng hục cuốc đất, hỏi 2 người chơi: “Là cái gì?”. Cả trường quay lắc đầu: “Chịu”. Xuân Bắc cười: “Báo Lao động”…

——————

THƯ CỦA NHÀ BÁO CAO HÙNG GỬI TBT BÁO LAO ĐỘNG

Kính gửi: – Ông Vương Văn Việt – Tổng Biên tập (TBT) báo Lao Động

Tôi là PV Cao Hùng, hiện đang công tác ở Cơ quan Thường trú báo Lao Động tại TPHCM (CQTT). Xung quanh vụ việc lãnh đạo CQTT và ông TBT ra quyết định xử phạt tôi, qua việc đăng bài báo “Khủng hoảng cán bộ lãnh đạo” (số ra ngày 24.3.2011), liên quan đến Trường Cao đẳng Điện lực TP. Hồ Chí Minh (CĐĐL TPHCM). Tôi chỉ là PV bình thường, vốn chỉ biết viết bài, đấu tranh với những tiêu cực, tham nhũng ngoài xã hội. Chưa bao giờ đấu tranh, hơn thua với đồng nghiệp hay với những người thân thiết nhất của mình ngay tại tòa báo.

Tuy nhiên, việc lãnh đạo báo xử phạt tôi, dù mức phạt chỉ 100.000 đồng; nhưng vì danh dự của một người làm báo tâm huyết vì tờ báo Lao Động, nên tôi phải viết những dòng sau đây gửi đến ông, để ông hiểu rõ vụ việc.

Xin thưa với ông TBT!

PV Cao Hùng trong 1 chuyến công tác tại miền Tây (ảnh: T.Linh)

Kể từ tháng 10-2010 đến nay, xung quanh các bê bối xảy ra tại Trường CĐĐL TPHCM, tôi đã viết khoảng 10 tin, bài. Cụ thể các tin bài: Nhập nhèm xe công dành riêng chở sếp (bài), Bổ nhiệm cán bộ… lạ đời (bài), Hàng loạt bổ nhiệm sai phạm luật pháp (bài), EVN thanh tra Trường CĐĐL TPHCM (tin), 15 năm dùng bằng giả để dạy sinh viên (tin), Sinh viên mượn tay côn đồ đánh thầy (bài), Trường CĐĐL TPHCM quỵt tiền giáo viên (bài), Thầy Hồng Phương đòi bồi thường hơn 100 triệu đồng (bài), Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp thôi chức Hiệu trưởng Trường CĐĐL TPHCM (tin) và Khủng hoàng cán bộ lãnh đạo.

Tôi không hề quen biết ai tại trường này. Xuất phát từ đơn thư tố cáo, khiếu nại của một số CB-CNV ở trường; nên trong phạm vi theo dõi và trách nhiệm PV của tờ báo bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Công nhân lao động, tôi đã bắt tay vào điều tra các sai phạm của ông Nguyễn Tấn Nghiệp và những CB khác thuộc ê kíp của ông ta.

Bài báo đầu tiên, lãnh đạo CQTT ký duyệt và Ban Biên tập cho đăng. Song, đến bài thứ 2, khi tôi đã nộp lên bàn lãnh đạo CQTT, thì thật bất ngờ, lãnh đạo CQTT thông báo cho tôi biết rằng: Một ông phụ trách Đảng ủy phía Nam của EVN sẽ dẫn ông Nghiệp tới gặp lãnh đạo CQTT. Tôi khuyên lãnh đạo không nên gặp các đối tượng trên, khi PV đang viết bài phanh phui sai phạm. Tuy nhiên, phía lãnh đạo CQTT vẫn tiếp xúc. Và sau đó, bài báo thứ 2 của tôi buộc phải bị gác lại. Tuy nhiên, do trước khi viết loạt bài này, tôi đã đăng ký đăng bài trên Trang Bạn đọc, do chị Phương Yên phụ trách, nên tôi đã gửi trước 2 bài cho chị Yên xem, nhận xét và góp ý. Sau đó, mới đăng từng bài riêng lẽ, qua kiểm duyệt của lãnh đạo CQTT.

Buổi tối hôm đó, chị Yên báo cho tôi biết bài báo thứ 2 sẽ ra vào ngày mai. Tôi có nói chị Yên, lãnh đạo CQTT chưa ký duyệt, mà chỉ đạo PV phải xuống trường gặp ông Hiệu trưởng; tuy nhiên, chị Yên vẫn quyết định cho đăng. Sau bài báo thứ 2, tuân thủ chỉ đạo của lãnh đạo CQTT, tôi đã xuống làm việc với ông Nghiệp và 3 cán bộ lãnh đạo khác của Trường CĐĐL, ngay tại phòng làm việc của ông Nghiệp.

Trong buổi làm việc này, ông Nghiệp cũng như Ban giám hiệu nhà trường không có một cơ sở chứng lý nào thuyết phục nhằm phản hồi lại 2 bài báo. Họ thừa nhận có các vụ việc báo nêu và ông Nghiệp xin báo đừng đăng nữa. Cuối buổi làm việc, tôi bước ra khỏi phòng ông Nghiệp để ra về, thì ông Nghiệp, một mặt quát tháo đuổi cả 3 cán bộ dưới quyền ra khỏi phòng; đồng thời tới hộc bàn lấy ra một phong bì đựng tiền, lao về phía tôi, kéo tôi trở ngược vào trong phòng, hòng hối lộ PV một cách trơ trẽn giữa thanh thiên bạch nhật. Tôi đã nghiêm khắc cảnh cáo hành vi vi phạm luật pháp của ông Nghiệp và đi ra khỏi trường.

Vài ngày sau, tôi viết tiếp bài báo thứ 3, có đưa nội dung buổi làm việc với ông Nghiệp. Lãnh đạo CQTT đã ký duyệt và gửi ra tòa soạn. Chị Phương Yên lên trang, dự kiến sẽ đăng bài báo trên. Bất ngờ, vào một ngày nọ, khoảng 16 giờ chiều, chị Yên báo cho tôi biết bài báo đã bị Ban Công đoàn lột ra, bởi có văn bản của EVN đề nghị ngừng đăng, vì EVN không muốn tư tưởng CB-CNV Trường CĐĐL bị xáo trộn, vì đơn vị đó sắp Đại hội Công đoàn.

Tôi không thể nào hiểu nổi, tại sao chỉ vì một lý do … chẳng ra đâu vào đâu, mà một tờ báo lớn như Lao Động lại nghe theo mà gác bài của PV. Tôi vô cùng bức xúc, nên đã đề nghị Thư ký tòa soạn dời bài sang trang 7. Nhưng tới nửa đêm, theo phản ánh của anh em ngoài ấy, lãnh đạo báo đã lột bài viết của tôi xuống lần thứ 2. Hai ngày sau, tôi viết tiếp một tin “15 năm xài bằng giả để giảng dạy”. Ban Điện tử của báo cho tôi biết, đó là một tin “hót” nhất trong buổi sáng hôm ấy. Giữa trưa, tôi phát hiện bài báo của tôi dù không được in trên báo giấy, nhưng lại xuất hiện trên báo điện tử. Và, suốt ngày hôm ấy và cả ngày hôm sau, bài “Hàng loạt bổ nhiệm vi phạm luật pháp” đã đứng đầu trong những tin bài được bạn đọc báo Lao Động điện tử đọc nhiều nhất.

Sau đó, tôi lại được lãnh đạo CQTT mời tới cơ quan để làm việc với ông Trần Văn Ngọc – Chủ tịch Công đoàn EVN. Trong thâm tâm, tôi không hề muốn gặp bất kỳ ai; một khi bài viết của tôi không có gì sai và bản thân tôi cũng không vi phạm bất kỳ điều gì về tư cách, đạo đức của người viết báo. Song, tuân thủ yêu cầu của lãnh đạo CQTT, tôi chấp nhận gặp ông Ngọc ngay tại phòng làm việc của lãnh đạo CQTT. Khoảng gần trưa, ông Ngọc tới cơ quan, nhưng lại… đèo thêm ông Hiệu trưởng Trường CĐĐL. Tôi đã từ chối gặp ông Hiệu trưởng và xin mời ông ấy ra khỏi phòng để lãnh đạo CQTT và tôi làm việc riêng với ông Ngọc.

Ngay trong buổi làm việc này, tôi đã nói cho ông Ngọc biết: Ông Nghiệp đã có hành vi hối lộ PV. Bên cạnh đó, phía lãnh đạo Trường CĐĐL còn rêu rao đã “mua” được báo Lao Động rồi. Thậm chí, tôi còn trao cho ông Ngọc một ảnh chụp dòng chữ do ông Trần Huy Thanh – một trưởng khoa Trường CĐĐL – viết công khai lên bảng thông tin giữa sân trường rằng “muốn có tiền, hãy đi làm PV báo Lao Động” (?!). Tôi cho đó là một hành vi vô văn hóa, xúc phạm nghiêm trọng, trước hết với uy tín của báo Lao Động; kế đó, là hành vi nói sai sự thật, cố tình bôi nhọ, xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của PV báo Lao Động.

Tôi đã tuyên bố với ông Ngọc rằng, tôi sẽ không dừng mà sẽ tiếp tục phanh phui các sai phạm tại ngôi trường này. Ông Ngọc hứa hão sẽ về khuyến cáo ông Nghiệp và cán bộ Trường CĐĐL về việc bôi nhọ trên.

Bẵng đi một thời gian, trong thời gian lãnh đạo CQTT đi nước ngoài, tôi đã liên tục ra những bài báo khác; dẫn tới việc ông Nguyễn Tấn Nghiệp – Hiệu trưởng Trường CĐĐL – phải thôi chức vụ và ra đi.

Như vậy, xâu chuỗi suốt từ đầu tới cuối, loạt bài điều tra do tôi viết đã mang lại một kết quả là ông Nghiệp phải ra đi; cho dù, như tôi đã tường trình ở trên, các bài báo điều tra của tôi, để có thể xuất hiện được trên báo Lao Động, mới khó khăn làm sao ?!

Mới đây, vào ngày 16-3-2011, tôi viết tiếp bài “Khủng hoảng cán bộ lãnh đạo”. Trong suốt 7 ngày, không hiểu vì sao bài báo trên của tôi không được đăng. Một hôm, chị Phương Yên điện hỏi tôi có bài gửi cho trang Bạn đọc không, tôi trả lời: “có bài viết về đoạn cuối của Trường CĐĐL, em đã gửi mấy ngày rồi, nhưng chưa thấy đăng”. Tôi cứ đinh ninh bài báo không bị sự cố gì, nên lãnh đạo CQTT mới không phản hồi thông tin với tôi. Rất có thể bài đã được lãnh đạo CQTT ký, nhưng tồn đọng ngoài tòa soạn; vì vậy, tôi đã mail bài cho chị Yên. Sang ngày thứ 8, bài báo mới được đăng trên trang Bạn đọc. Khi đó, tôi mới được biết, bài báo ấy, lãnh đạo CQTT vẫn… chưa ký duyệt.v.v…

Kính thưa ông Tổng Biên tập!

Hơn 15 năm làm cho duy nhất tờ báo Lao Động, với hàng ngàn bài báo, hàng chục loạt bài điều tra; tôi chưa bao giờ khốn khổ, vất vả đến như vậy. Chưa có loạt bài điều tra nào, để cho chúng xuất hiện trên mặt báo, tôi phải khó nhọc, gian truân như vậy. Tới giờ này, tôi vẫn chưa thể trả lời cho mình câu hỏi, vì sao các bài điều tra của tôi, xung quanh các sai phạm của Trường CĐĐL lại… lên bờ xuống ruộng, trần ai, khoai củ như vậy ?

Vâng, tôi có vi phạm quy định của cơ quan, lãnh đạo xử phạt, tôi chấp nhận. Song, tôi cũng muốn hỏi lãnh đạo báo Lao Động: Khi PV viết bài, lãnh đạo báo gặp gỡ đối tượng bị PV điều tra, liệu có vi phạm nguyên tắc hay không ?

Khi PV viết bài, suốt thời gian 7 ngày, lãnh đạo báo gác bài PV mà không hề hồi âm, cho PV biết bài đã bị gác vì lý này hay lý do kia, thì có vi phạm nguyên tắc hay không ? Lẽ ra, PV cần được biết ngay tức thời rằng, bài báo bị gác do viết còn sai sót, hoặc PV có dấu hiệu ăn hối lộ phía bị phê phán.v.v… Nếu được thông báo và có lý do xác đáng, tôi tâm phục khẩu phục và chấp nhận bị gác bài mà không áy náy điều gì. Đằng này, sau 7 ngày không có ý kiến gì với PV, tới khi báo ra, lãnh đạo báo mới cho biết bài báo “không có thông tin gì mới” (?).

Tiếp theo đó là ra quyết định xử phạt tôi. Thiết nghĩ ở đây, cho dù tôi có mắc sai phạm của báo, thì so với những gì PV thực hiện, (mang lại kết quả tốt là kẻ sai phạm phải ra đi, giúp hàng loạt CB-CNV tại trường CĐĐL đòi được công bằng), sai phạm đó cũng không đáng kể. Bởi lẽ, PV của báo đã điều tra chính xác các sai phạm. Về mặt danh dự, các bài báo đã là minh chứng hùng hồn cho cả tập thể CB-CNV trường CĐĐL một chân lý: Báo Lao Động đã không bị mua như một số người trong ê kíp của ông Hiệu trưởng từng rêu rao bôi nhọ tờ báo. Qua đó, uy tín của tờ báo càng được nâng cao trong bạn đọc. Lẽ ra, với những gì PV đã làm, ít ra lãnh đạo báo phải động viên, an ủi; đằng này, trái lại, một… cái tát vào mặt PV chỉ vì vi phạm quy định trên.

Kính thưa ông Tổng Biên tập!

Tôi viết những dòng này gửi tới ông không phải để khiếu nại quyết định xử phạt tôi. Tôi viết những dòng này là từ đáy lòng của một người trót 15 năm về với báo Lao Động. Tôi viết những dòng này là với tấm lòng của một PV đã trải qua bao thăng trầm, bao gian khổ, để như con ong, từng ngay tỏa đi khắp nơi, mang về cho tờ báo của mình những gì hay nhất, tinh túy nhất, để báo Lao Động không thua kém ai, để bằng anh bằng em với những tờ báo khác.

Tôi viết những dòng này với một niềm tin bất di bất dịch rằng, tôi không bao giờ vi phạm bất cứ một điều gì về tư cách, đạo đức để tờ báo Lao Động phải xấu hổ vì cá nhân tôi.

Tôi viết những dòng này, với một tấm lòng chân thành, hy vọng về một tương lai tươi sáng cho tờ báo, mà ông là người đứng đầu tờ báo, đang chèo chống để con tàu Lao Động sẽ tới một bền bờ vinh quang trong một ngày nào đó không xa…

Tôi biết rằng, có thể sau những dòng tôi viết trên sẽ làm ông và những người khác không vui. Rất có thể tôi sẽ bị ghét bỏ, tôi sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn, các bài viết sau này của tôi sẽ càng bị soi và lên bờ xuống ruộng nhiều hơn.v.v…

Song, tôi vẫn phải nói, cho vơi bao nhiêu điều chất chứa trong lòng, mà tôi mong muốn ông là người đứng đầu tờ báo phải biết. Tôi sẽ nhận quyết định xử phạt từ ông một cách nhẹ nhàng thanh thản, mà không hối tiếc hay cáu giận vì bất cứ một điều gì. Bởi lẽ, trả giá cho việc xử phạt ấy, các bài báo của tôi hay nói một cách sâu sắc hơn, loạt bài điều tra trên báo Lao Động đã góp phần gạt bỏ được cái xấu, lấy lại lẽ phải công bằng cho tập thế CN-CNV tại một đơn vị. Và như vậy, làm sao tôi phải hối tiếc hay cáu giận, thưa ông Tổng Biên tập ?

Trân trọng!

TP Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 3 năm 2011

Người viết

Phóng viên CAO HÙNG

Nguồn : Mai Thanh Hải Blog

0 comments:

Powered By Blogger