Monday, March 28, 2011

Obama: Lịch sử không đứng về phía của Gadhafi

Tổng thống Mỹ có diễn văn giải thích quyết định tham gia chiến dịch quân sự ở Libya; Anh, Pháp hối thúc dân chúng Libya từ bỏ Gadhafi “trước khi quá muộn”, còn Nga khẳng định những vụ tấn công của liên minh vào Libya không được nghị quyết của LHQ cho phép.

2903.oba.jpg
Ông Obama đã bảo vệ quyết định của Mỹ can dự vào chiến dịch quân sự ở Libya.

Tổng thống Barack Obama vừa đọc một bài diễn văn truyền hình trên toàn quốc để giải thích quyết định của ông tham gia vào các hoạt động quân sự chống lại lực lượng của nhà lãnh đạo Libya Moammar Gadhafi và phác họa về những mục tiêu của nhiệm vụ này.

Ông Obama đã bảo vệ quyết định của Mỹ can dự vào chiến dịch quân sự ở Libya “là sự can thiệp nhân đạo cần thiết để ngăn chặn thảm sát, nhưng Mỹ không lún sâu vào một cuộc chiến tranh vì những nguy cơ và chi phí cho hoạt động này”.

Trước đó, các quan chức Nhà Trắng nói Tổng thống sẽ nhấn mạnh việc bộ binh Mỹ chưa và sẽ không được điều động đến Libya.

Bài diễn văn này nhằm mục đích giải quyết những mối quan tâm của Quốc hội và các nơi khác chỉ trích Tổng thống Obama đã không làm sáng tỏ mục đích của Mỹ trước khi cho lực lượng không quân Mỹ tham gia các vụ tấn công để hỗ trợ cho lực lượng nổi dậy Libya.

Tổng thống Mỹ cũng sẽ lý luận là sự can thiệp quốc tế tiếp theo một cuộc bỏ phiếu nhất trí tại Hội đồng Bảo an LHQ “là nhằm tránh một tai họa nhân đạo trước những đe dọa của ông Gadhafi tìm cách trả thù lực lượng nổi dậy và những người ủng hộ họ”.

Ông Obama cũng sẽ nói Libya “xứng đáng được hưởng một sự khởi đầu mới” và ông Gadhafi “không còn là nhà lãnh đạo chính đáng trước mắt người dân Libya và thế giới”.

Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates hôm nay cho hay dù không phải là “quyền lợi thiết yếu” của Mỹ, Libya là một phần của khu vực có quyền lợi trọng yếu.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng đất nước Bắc Phi này là một quyền lợi quốc gia quan trọng đối với Anh, Pháp, Italy và các nước đồng minh NATO, cũng như các đối tác Ảrập của Mỹ.

Cùng ngày hôm nay, Thủ tướng Anh David Cameron và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đưa ra một tuyên bố chung kêu gọi “những người Libya tin rằng Gadhafi đang đưa họ đến một thảm họa hãy thành lập một tiến trình chuyển tiếp”.

Trong khi đó, các quan chức NATO cho rằng trang bị vũ khí cho quân nổi dậy Libya không phải là một chọn lựa ngay cả khi mà các vụ không kích giúp cho phe nổi dậy có thể tiến đến các vùng do quân chính phủ kiểm soát. Theo các tư lệnh NATO, nhiệm vụ duy nhất của họ là “bảo vệ thường dân” như bản nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ qui định.

Liên minh Bắc Đại Tây Dương này đã chính thức nhận lời điều hành chiến dịch quân sự tại Libya. Đứng đầu bộ chỉ huy là tướng Charles Bouchard, người Canada. Trên thực tế, việc chuyển giao quyền chỉ huy nói trên phải mất từ 48 đến 72 giờ mới có thể hoàn thành.

Về tình hình tại chỗ, hôm nay, lực lượng chống chính phủ còn cách thành phố Syrte, quê hương của ông Gadhafi, 140 km. Một ngày trước đó, phe nổi dậy đã chiếm lại Ban Jawwad và khu khai thác dầu hỏa Ras Lanouf.

Tình hình các nước Trung Đông-Bắc Phi

Các quan chức Yemen xác nhận số thiệt mạng trong vụ nổ tại xưởng chế tạo vũ khí nằm ở tỉnh Abyan thuộc miền nam Yemen, vào lúc nhiều người đang cướp bóc xưởng này, đã lên đến 121 và sẽ còn tăng do nhiều thi thể không còn nhận dạng được.

Vụ nổ xảy ra hôm nay khi cư dân thị trấn Jaar xông vào xưởng vũ khí để cướp vũ khí, đạn dược, một ngày sau khi những phần tử chủ chiến Hồi Giáo tấn công xưởng và chiếm cứ khu vực này. Truyền thông nhà nước Yemen đổ lỗi tai họa này cho al-Qaeda, nói rằng các phần tử khủng bố tấn công xưởng vũ khí “đã dụ thường dân vào bẫy”.

Hôm nay, Quốc hội Syria yêu cầu tổng thống giải thích về các biện pháp cải tổ theo chiều hướng dân chủ và cử hành một phút mặc niệm các nạn nhân Syrie thiệt mạng trong các cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh và người biểu tình. Theo nhiều tổ chức, có khoảng 130 người đã thiệt mạng tại thành phố Deraa, miền nam Syria trong tuần qua.

Tại Ai Cập, Hội đồng quân sự tối cao vừa loan báo sẽ tổ chức bầu cử Quốc hội vào tháng 9 và sẽ ấn định ngày bầu cử tổng thống. Kể từ khi cựu tổng thống Hosni Mubarak từ bỏ chính quyền ngày 11/2, Hội đồng quân sự tối cao nắm quyền lãnh đạo Ai Cập. Có tin cho biết cựu tổng thống Mubarak và gia đình vừa bị quản thúc tại gia.

Quốc vương Jordan Abdullah II hôm nay đã kêu gọi đoàn kết dân tộc và cải cách sau các cuộc xung đột đẫm máu giữa những người biểu tình và lực lượng ủng hộ chính phủ cuối tuần trước - hãng tin nhà nước Petra cho biết. “Chúng ta đang nghiêm chỉnh xúc tiến tiến trình cải cách chính trị và chúng ta không có gì phải sợ”, ông nói.

0 comments:

Powered By Blogger