Bài điếu văn của cựu Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp đọc trước linh cữu của cựu Tổng Thống Ðệ Nhị Cộng Hòa NGUYỄN VĂN THIỆU vào chiều thứ sáu ngày 5 tháng 10 năm 2001, tại nhà quàn Eaton & Mackay Funeral Home số 456, Center Street, thành phố Newton thuộc Tiểu bang Massachusetts, với sự hiện diện của 11 Tướng lãnh và gần 500 Sĩ quan các cấp và quan khách các nơi về tham dự trong buổi lễ đặc biệt dành cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đối với Tổng Thống Thiệu.

Kính thưa Phu Nhân Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU và gia đình,

Kính thưa các cấp cựu Tướng Lãnh,

Kính thưa các vị Quan Khách.

Hôm nay tôi được chỉ định đại diện Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đến đây để thành kính nghiêng mình trước linh cữu của cựu Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) và cũng là vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH). Trước sự mất mát lớn lao của gia đình, QLVNCH chúng tôi xin trân trọng chia buồn cùng phu nhân và tang quyến.

Kính thưa Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU,

Từ đâu đó chúng ta đã từng nghe những lời như sau:

"Như ngọn gió, ta từ đâu tới ?
Ai trả lời câu hỏi giùm ta.
Cõi trần một thoáng vút qua,
Dẫu trăm năm tuổi...chỉ là giấc mơ !"

Giấc mơ nào thì cũng vô cùng ngắn ngủi, vì đời người như gió thoảng qua, và nơi kiếp phù sinh có ai sống mãi bao giờ.

Xuất thân từ khóa I Sĩ Quan Võ Bị Huế năm 1948. Tiếp theo chuỗi thời gian dài, Tổng Thống đã phục vụ dưới cờ qua khắp các chiến trường Trung Nam Bắc và qua các chức vụ từ Trung Ðội Trưởng, Ðại Ðội Trưởng, Tiểu Ðoàn Trưởng, Tư Lệnh Sư Ðoàn, Quân Ðoàn đến Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng, và cuối cùng là Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia rồi Tổng Thống nền Ðệ Nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Ðã 3 lần phục vụ tại Trường Võ Bị Sĩ Quan Dalat. Vào năm 1951, Tổng Thống là Sĩ Quan Huấn Luyện Viên của Khóa 5 Võ Bị Dalat, một khóa nổi tiếng trong lịch sử của Trường, đã đào tạo ra nhiều vị Tư Lệnh Sư Ðoàn và Quân Ðoàn cho QLVNCH.

Hai lần sau đó Tổng Thống đã đảm nhiệm chức vụ Chỉ Huy Trưởng của Trường nầy vào các năm từ 1957 và 1958 tới 1960.

Trong chức vụ trên, Tổng Thống đã dày công xây dựng nền tảng cho Trường Võ Bị từ ngày đầu tiên của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa - Từ cải tổ chương trình huấn luyện liên quân cho đến các nghi thức, lễ phục, phù hiệu, trong đó có phần lễ Truy Ðiệu Tử Sĩ đã tạo nhiều cảm xúc lưu truyền đến ngày nay. Tổng Thống cũng tổ chức lại phần quan trọng trong chương trình Văn Hóa, kéo dài thời gian huấn luyện 4 năm đào tạo, các sinh viên Võ Bị ra trường có trình độ cấp Ðại Học để đảm nhiệm được những chức vụ chuyên môn ngoài lãnh vực quân sự.

Ngày 19 tháng 6 năm 1965, Tổng Thống đã cùng các Tướng Lãnh trong Hội Ðồng Quân Nhân đứng ra đảm nhiệm trách vụ lịch sử, lãnh đạo Quốc Gia sau một thời gian đất nước bị xáo trộn và khủng hoảng khắp nơi. Ðể lấy lại niềm tin cho Quốc dân và Quân Ðội, Hội Ðồng Quân Nhân dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống đã đưa ra quyết tâm:

1) Tôn trọng tinh thần dân chủ và
2) Quân Ðội phải triệt để phục vụ toàn dân.

Từng bước một, Tổng Thống cùng toàn thể Chính Phủ chấn chỉnh an ninh trật tự, nêu cao tinh thần Quân Ðội, thực hiện cuộc bầu cử Quốc Hội với Bản Hiến Pháp mở đầu cho giai đoạn dân chủ căn bản của nền Ðệ Nhị Cộng Hòa.

Và từ đó ngày 19 tháng 6 cũng trở thành Ngày Quân Lực và ngày này đã gắn liền tên tuổi của Tổng Thống cùng các vị Tướng Lãnh đã can đảm ra nắm quyền lo việc đất nước lúc bấy giờ.

Trong thời gian lãnh đạo, Tổng Thống luôn luôn có mặt tại các chiến trường, đặc biệt trong các trận chiến lớn lao và khốc liệt để thăm viếng, ủy lạo, khuyến khích tinh thần các cấp quân dân chống lại quân thù.

Mặt trận An Lộc, Trị Thiên như dầu sôi lửa bỏng, cả thế giới cùng theo dõi lo ngại, Tổng Thống cũng đã đến tận nơi để chia sẻ nỗi hiểm nguy và khổ cực của quân dân.

Giai Ðoạn từ 1971 đến tháng 4-1975 là giai đoạn hết sức khó khăn cho vị lãnh đạo như Tổng Thống - Mặt trận dồn dập tiếng súng không dứt, ngày đêm Tổng Thống phải theo dõi chiến trường, mặt khác Tổng Thống phải liên tục đấu trí hòa đàm trước những áp lực và dối trá của Ðồng Minh đã không muốn cho chúng ta tham dự trực tiếp vào bàn thảo Hiệp Ðịnh Ba-Lê.

Từng giờ từng phút, lúc nào Tổng Thống cũng tỏ ra điềm tĩnh và can đảm ra sức tranh đấu quyết liệt cho quyền lợi và sự mất còn của quốc gia Việt Nam cho đến giây phút cuối cùng.

Nhưng than ôi!

Làm sao được khi mà tay của Tổng Thống cũng như của các Tướng Lãnh ngoài mặt trận đã bị trói chặt, khi mà vận nước đã đến hồi đen tối và khi mà lòng trời cũng đứng về phía mạnh và hình như Ngài cũng đã quyết định bắt buộc dân tộc Việt Nam phải trải qua một kiếp nạn không thể tránh khỏi thì từ Tổng Thống cho đến 17 triệu dân Miền Nam cũng đành cam số phận mà thôi.

Từ khi ra nước ngoài, Tổng Thống cũng không ngại miệng tiếng thị phi vẫn luôn luôn cố gắng gặp gỡ nhiều cấp và cũng đã có nhiều dịp tâm sự cùng các cựu Sĩ Quan Võ Bị Dalat cũng như các chiến hữu khác, để khuyên nhủ anh em cố gắng giữ vững niềm tin, Quân Lực VNCH cố gắng giải phóng đất nước và mong anh em đừng bao giờ bỏ cuộc.

Kính thưa Tổng Thống,

25 năm tại đất người, Tổng Thống thường khuyên anh em đừng bỏ cuộc nhưng hôm nay Tổng Thống đã bỏ cuộc ra đi vĩnh viễn về nơi an nghỉ. Lần bỏ cuộc nầy không có ai có thể trách cứ Tổng Thống được cả - Nghĩa Tử - Nghĩa Tận.

Thật vậy, từ ngày mất nước Tổng Thống đã bị nhiều nguồn dư luận lên án gần như đôi lúc quá khắt khe trong 2 việc là : Tổng Thống đã bỏ chạy không ở lại chiến đấu cùng anh em như lời đã hứa và sau đó là không lo gì cho đồng bào tỵ nạn cả.

Hôm nay ở đây nhắc lại, chúng tôi không đủ tư cách luận công hay giải oan vì lịch sử về sau sẽ nhận xét công bằng hơn - lịch sử bao giờ cũng khách quan và công bằng. Nhưng dù gì công việc làm đã qua và tinh thần tranh đấu bất khuất của Tổng Thống đối với Quốc gia, đối với đất nước thì quả những nguồn dư luận kia có phần khắt khe và có phần nào oan uổng cho người có lòng.

Việc Tổng Thống ra đi hay ở lại, đã là một sự trả giá xong xuôi giữa Cộng sản và Ðồng minh của chúng ta rồi. Hơn nữa sự ra đi của Tổng Thống là một áp lực đe dọa lấy cớ nếu Tổng Thống không đi thì Miền Nam không thể nào giải quyết được; Và đó là điều kiện căn bản Cộng sản đòi hỏi nhiều năm trên bàn hội nghị, và đó cũng là màn bịp bợm mua bán của BẠN và THÙ.

Về việc đồng bào tỵ nạn, có thể một vài tờ báo ngoại quốc diễn đạt lệch lạc và sai hẳn ý nghĩ của Tổng Thống. Làn sóng người Việt tỵ nạn lên đến hằng triệu người, cả thế giới phải điên đầu góp tay cứu giúp còn chưa xong, làm sao Tổng Thống có thể làm gì được khi thân phận chính mình cũng đang là một người tỵ nạn không biết về đâu.

Thưa Tổng Thống,

Trong sự mất mát lớn lao của đất nước qua 25 năm nay, chúng tôi biết Tổng Thống là người chịu đựng đau khổ âm thầm nhất, người chịu đắng cay nhiều nhất, nhưng Tổng Thống luôn luôn cố giữ yên lặng nuốt trôi tất cả buồn giận của thế nhân. Tất cả mọi người không ai bao giờ muốn mình có lỗi cả, chỉ việc đổ lỗi cho vị lãnh đạo là mình được yên tâm rồi ? Ðến ngay cả những kẻ mưu mô bán đứng miền Nam Việt Nam cho Cộng sản cũng đã tạo ra dư luận là QLVNCH là bất lực và tham nhũng để mất miền Nam!

Chúng tôi biết trong nhà Tổng Thống, đặc biệt trong phòng đọc sách bị cấm không một ai được vào để ở đó Tổng Thống đôi lúc giam mình, yên lặng suy nghĩ hằng ngày hằng đêm.

Cũng có những buổi chiều ngồi bên hồ vắng, Tổng Thống đã lặng đi hằng giờ trầm ngâm suy tưởng cho chính mình và cho đất nước rằng biết bao giờ được thanh bình và hơn 70 triệu dân thoát khỏi ách Cộng sản để có được tự do no ấm.

Kính thưa Tổng Thống,

Thôi, từ xưa tới nay, dễ mấy ai vội đem sự thành bại luận anh hùng?

Tôi xin đọc vài vần thơ dưới đây của một cựu sinh viên Sĩ Quan Khóa 12 Võ Bị Dalat để tiễn đưa anh linh Tổng Thống cùng cánh Hoa Dù...bay về nơi vĩnh cửu - Nơi đó có hằng rừng Quốc và Quân kỳ - Nơi đó có những Hiệu kỳ của 4 Quân Ðoàn cùng toàn thể Hiệu kỳ của các Quân Binh Chủng, Nha Sở thuộc QLVNCH đang chờ chào đón Tổng Thống:

"Chúng ta, trước như sau, vẫn Ðúng,
Dưới trời xanh, sừng sững hiên ngang.
Lời thề xưa...vẫn rền vang :
- Không nề gian khổ, chẳng màng lợi danh !
Ai luận việc không thành, cứ xét.
Mặc cho đời suy tính thiệt hơn.
Chúng ta...không có gì buồn,
Tiếc chăng,
Tiếc chăng chẳng được chiến trường phơi thây !"

Hôm nay tụ họp nơi đây, trên 11 vị Tướng Lãnh, hàng trăm Sĩ Quan các cấp từ các nơi đổ về đứng bên cạnh Tổng Thống, nhưng chưa hết, xin Tổng Thống lướt qua hàng trăm vòng hoa chung quanh, gần như đầy đủ tên tuổi các Tướng Lãnh đều về đây tiễn đưa Tổng Thống.

Chúng tôi cũng xin nguyện trước linh cữu của Tổng Thống vẫn luôn ghi tạc nhớ lời khuyên của Tổng Thống là Không bao giờ bỏ cuộc cho đến lúc toàn dân Việt Nam được giải phóng và tự do, no ấm. Nếu không làm được chúng tôi cũng xin bỏ mình theo Tổng Thống nơi đất người.

Một lần nữa, chúng tôi xin cầu nguyện linh hồn của cố Tổng Thống NGUYỄN VĂN THIỆU ra đi được an bình và được mọi sự che chở trong vòng tay đầy ân sủng của đấng Từ Bi Toàn Năng Cao Cả trên trời.

Muôn vàn tiếc thương - Nghìn thu vĩnh biệt.

(cựu Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp đọc trước linh cữu của cựu Tổng Thống Ðệ Nhị Cộng Hòa NGUYỄN VĂN THIỆU)