Tuesday, March 29, 2011

Facebook, Twitter và cách mạng thế giới

Phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Maroc đã khởi đầu ngày 20/2/2011 theo một lời kêu gọi trên Facebook.

Kết quả cuộc bầu cử địa phương với sự vươn lên của đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia và thất bại của đảng cầm quyền UMP chiếm trang nhất của các báo Pháp ra ngày hôm nay. Nhật báo cánh tả Libération đăng ảnh bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng này và chạy tựa “Lời cảnh báo”, còn tờ báo thân hữu Le Figaro cho là số cử tri không đi bầu ở mức kỷ lục làm cho thắng lợi của cánh tả chỉ có giá trị tương đối. Đối với nhật báo Cộng sản L’Humanité, đây là “Một cuộc bầu cử trong bối cảnh khủng hoảng” và ghi nhận Mặt trận Quốc gia đã giành được một lượng cử tri đáng kể từ cánh hữu.

Nhật báo công giáo La Croix băn khoăn: ” Làm thế nào để đối phó với nguy cơ hạt nhân?”, tựa trên trang nhất. Tờ báo nhận xét, việc xây dựng các nhà máy điện nguyên tử mới trên thế giới sẽ bị ngưng lại, và những món đầu tư lớn sẽ được dành cho việc củng cố vấn đề an toàn. Vấn đề năng lượng nguyên tử cũng chiếm nhiều trang trên các tờ báo khác, bên cạnh đó là hồ sơ Libya, với việc phe nổi dậy đang tiến thêm về phía tây cũng được các nhật báo Pháp chú ý phân tích.

Internet và đấu tranh dân chủ

“Facebook, Twitter và cách mạng thế giới”, đó là tựa đề bài phân tích đăng trên nhật báo Le Monde, nhận định về vai trò của các mạng xã hội trong các cuộc cách mạng trong thế giới Ả rập hiện nay.

Theo tác giả, trong những năm 2000, Google, YouTube và Yahoo! đã bị mất uy tín đối với một thiểu số những người sử dụng internet có khuynh hướng chính trị, do họ chiều theo các chính phủ độc tài khác nhau, trong đó có Trung Quốc. Để thâm nhập được vào thị trường Trung Quốc, Google đã chấp nhận các yêu sách của các viên chức kiểm duyệt. Yahoo! thì đã tiết lộ cho công an Trung Quốc danh tính của một nhà ly khai sử dụng thư điện tử Yahoo. Và như vậy, các tập đoàn internet Mỹ đã mang một bộ mặt con buôn: những công ty bình thường, sẵn sàng làm tất cả để chiếm được thị phần.

Danh dự bắt đầu được khôi phục vào cuối thập kỷ, nhờ sự khai sinh của các mạng xã hội như Facebook và Twitter. Đông đảo các thanh niên có học và Tây hóa ở các nước độc tài, từ Miến Điện cho đến Iran, đã say mê sử dụng các công cụ mới này, coi đây là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường nhật. Họ sử dụng các mạng xã hội cho mọi hoạt động, từ chuyện phù phiếm cho đến nghiêm túc.

Facebook và Twitter bắt đầu được thử lửa trong cuộc nổi dậy của tuổi trẻ Iran vào tháng 6 năm 2009. Các mạng xã hội trở thành công cụ giúp những người phản kháng có thể phối hợp hành động và lôi kéo thêm thành viên mới, đồng thời còn giúp cho thế giới bên ngoài biết được sự đàn áp dã man của cảnh sát. Oái oăm thay, chính báo chí truyền thống đã giúp cho các mạng xã hội được công nhận và tin tưởng, về mặt thông tin. Bức xúc vì không có được các đoạn video do các nguồn chính thức cung cấp, và cũng muốn được tiếng là trẻ trung, hiện đại, các kênh truyền hình tiếng Anh đã cho phát hàng loạt các tin tức và hình ảnh do những người biểu tình gởi qua internet, không hề hạn chế vì tất cả đều miễn phí. Sau này người ta mới biết rằng, thời gian, địa điểm và tên người thường đã được đổi đi, và một số sự kiện đã được diễn dịch sai lạc.

Dù vậy, Facebook, Twitter, YouTube và các đối thủ cạnh tranh ít tiếng tăm hơn qua sự kiện này đã nổi bật lên. Vòng hào quang càng sáng chói với một loạt sáng kiến của chính phủ Mỹ, trong khuôn khổ chiến dịch vì “Tự do internet”. Vào tháng Giêng năm 2010, Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố, tự do lưu chuyển thông tin trên mạng là một mục tiêu chính thức trong chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ. Và các mạng xã hội đương nhiên trở thành mũi nhọn trong cuộc thập tự chinh mới, “nền ngoại giao Twitter” đã được khai sinh như thế.

Vị trí các mạng xã hội được khẳng định với các cuộc cách mạng của nhân dân Ả rập trong năm nay. Kịch bản ở Iran được lặp lại ở Tunis, Cairo, nhưng lần này thì giới trẻ nổi dậy đã chiến thắng. Các chính khách Mỹ, trong đó có cả ông Obama, một lần nữa đã hoan nghênh vai trò quan trọng của các mạng xã hội trong cuộc cách mạng – và thực ra đây cũng là để quảng bá cho các công ty Mỹ.

Riêng Google, từ năm 2010 đã lấy lại được thanh danh khi công khai tố cáo Bắc Kinh đã chỉ đạo việc tấn công tin học vào các máy chủ của mình để lấy cắp các thông tin cá nhân của các nhà ly khai. Google đe dọa sẽ rời bỏ Trung Quốc, nhưng sau đó một thỏa thuận đã nhanh chóng được tìm ra. Đến năm 2011, lại có một thành công mới, nhờ một nhân viên của Google là Wael Ghonim, một thanh niên Ai Cập là giám đốc tiếp thị khu vực Trung Đông, đã lập một trang Facebook dùng làm nơi cho những người nổi dậy ở Cairo gặp gỡ. Bị bắt giam 11 ngày, khi được trả tự do anh đã trở thành một trong những phát ngôn viên của tuổi trẻ Ai Cập.

Ngày nay đã có được vị trí thống lĩnh, nhưng những người lãnh đạo Twitter và Facebook đôi khi còn muốn giảm nhẹ hình ảnh đấu tranh, bằng cách nhắc nhở rằng các mạng xã hội cần phải là nơi giải trí nhẹ nhàng. Mục tiêu ưu tiên của họ vẫn là giới trẻ vô tư của các nước giàu, lớp khách hàng chịu chi nhất. Trả lời phỏng vấn của báo chí về vai trò của Twitter tại Trung Đông, Biz Stone, một trong những lãnh đạo của mạng này nói rằng, “Twitter là một sân chơi kỹ thuật trung lập”.

Những lời ngợi khen của Washington cũng làm cho Facebook, Twitter và các mạng khác phần nào bối rối, vì không muốn bị xem là công cụ của chính phủ Mỹ. Trong lúc Nhà Trắng muốn kiểm duyệt và trấn áp khi WikiLeaks tiết lộ các hồ sơ mật, thì cuối năm 2010 Facebook lại loan báo là tài khoản của WikiLeaks và người sáng lập Julian Assange không bị xóa, cũng không bị kiểm duyệt. Twitter lại còn đi xa hơn. Vào cuối năm 2010 công ty này được lệnh từ một công tố viên liên bang phải chuyển giao nội dung tài khoản của Julian Assange và ba thành viên khác, đồng thời cấm không được báo cho những người này biết. Twitter kháng cáo, và sau đó được phép báo tin cho các nhà hoạt động, nhưng đến tháng Ba thì lại phải thi hành lệnh cấm.

Bài báo cho biết, vị thẩm phán công bố một điều mà những người trẻ nổi dậy ở thế giới thứ ba cần suy ngẫm: Tất cả những ai ký vào bản quy định về bảo mật khi đăng ký Twitter sẽ phải chấp nhận rủi ro là chính quyền Mỹ có thể tham khảo các thông tin của mình.

Thụy My

0 comments:

Powered By Blogger