“Hiện nay tại Việt Nam đó là, đầu tư quá dàn trải, người người đầu tư, nhà nhà đầu tư, ai cũng muốn đầu tư. Hầu như những người lên chức, từ chủ tịch xã đến hiệu trưởng đều muốn đầu tư, bởi vì đầu tư ngoài lợi ích xây cho mình một “đài tưởng niệm” về công lao, sáng tạo thì có lẽ cũng còn có những phần lợi ích “chia chác” của nhà thầu rồi các đơn vị thi công “lại quả” – TS Lê Đăng Doanh.
*
Chu Huỳnh (Tamnhin.net) – Hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam hiện đang là chủ đề nóng, được dư luận quan tâm. PV Tamnhin.net đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Đăng Doanh – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, quanh vấn đề này.
Cần có sự công khai minh bạch trong đầu tư công. Ảnh: internet |
Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi năm Việt Nam phải bỏ ra lượng tiền đầu tư công bằng khoảng 17-20% GDP, trong khi các nước trong khu vực chỉ dưới 5% (Trung Quốc 3,5%, Indonesia 1,6%…). Tuy nhiên, hiệu quả đầu tư công ở Việt Nam hiện vẫn còn quá kém.
Xin ông cho biết, đâu là vấn đề lớn của đầu tư công tại Việt Nam hiện nay?
Đầu tư công của Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong phát triển đất nước. Trước kia, theo mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung thì hầu như tuyệt đại đa số mọi đầu tư của xã hội là đầu tư công, còn tư nhân chỉ đầu tư vào xây nhà, xây cửa… chứ không có đầu tư gì nhiều.
Ngày nay, khi Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường và có thu hút đầu tư nước ngoài thì đầu tư công vẫn còn chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư của toàn xã hội, có năm ít vẫn chiếm từ 43-46% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Vì thế, đầu tư công rất quan trọng. Tuy nhiên, những vấn đề dư luận hiện nay quan tâm nhiều về đầu tư công đó là hiệu quả đầu tư công quá kém, hay nói cách khác, có đầu tư nhưng tài sản cố định mang lại ngày càng giảm đi; và đầu tư quá dàn trải.
Nếu như năm 2000, đầu tư 100 đồng chúng ta có được 82 đồng là tài sản cố định thì đến năm 2007, chúng ta đầu tư 100 đồng thì chỉ còn 60 đồng là tài sản cố định và có những dự án như xây kè, làm thuỷ lợi thì tài sản cố định chỉ còn 40 đồng thôi, còn 60 đồng đã “hao hụt” đi đâu không rõ?!. Và nếu như tình trạng này còn kéo dài, thì Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia rất đắt đỏ, bởi Việt Nam sẽ phải bỏ ra một lượng tiền rất lớn để đầu tư làm đường, và đường đó sẽ thu phí, thì xe cộ, người đi lại phải nộp phí, đó là điều mà trên thực tế chúng ta đều đã thấy.
Một vấn đề nữa của đầu tư công hiện nay tại Việt Nam đó là, đầu tư quá dàn trải, người người đầu tư, nhà nhà đầu tư, ai cũng muốn đầu tư. Hầu như những người lên chức, từ chủ tịch xã đến hiệu trưởng đều muốn đầu tư, bởi vì đầu tư ngoài lợi ích xây cho mình một “đài tưởng niệm” về công lao, sáng tạo thì có lẽ cũng còn có những phần lợi ích “chia chác” của nhà thầu rồi các đơn vị thi công “lại quả”, cho nên vấn đề giám sát đầu tư là rất quan trọng.
Sở dĩ có tình trạng “người người đầu tư, nhà nhà đầu tư” như trên là bởi việc phân trách nhiệm cho người quyết định đầu tư và người thực hiện đầu tư vẫn chưa rõ ràng. Có những công trình đầu tư những con đường thì người thi công nhận thầu (gọi là bên B) chưa kịp làm gì đã bán lại ngay lập tức (sang đối tượng B’) để lấy một lượng phí, và thậm chí có những công trình được bán đến 4 lần (B’’’’ – B bốn phảy), vì thế thực chất số tiền thực để thi công công trình đó không còn là nhiều. Đó là thực trạng đầu tư công của Việt Nam hiện nay, vì thế Nghị quyết 11 của Chính phủ đòi hỏi phải giảm đầu tư công và nâng cao hiệu quả đầu tư công.
Hiệu quả đầu tư công đã được nhắc đến khá nhiều, tuy nhiên, tại sao tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để, thưa ông?
Tình trạng chưa giải quyết được triệt để đó là có vấn đề của lợi ích nhóm, có sự “chia chác” của những người liên quan. Vì vậy, khi Quốc hội ra Nghị quyết cần phải được cắt giảm, giám sát thì nói rất nghiêm nhưng khi thực hiện không được bao nhiêu, đó là vấn đề khó khăn, vì thế muốn làm khác đi thì chúng ta cần phải công khai, minh bạch, nói rõ là ai ký hợp đồng, và người ký hợp đồng ấy có thực thi không hay lại bán lại cho một người thứ hai rồi người thứ tư nữa và bán lại vì lý do gì, điều kiện ra làm sao…tất cả cần phải được công bố rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân có thông tin và các cơ quan giám sát phải vào cuộc.
Ngoài ra, cũng cần quy định trách nhiệm rõ ràng đối với người quyết định đầu tư và người thực hiện đầu tư, tránh tình trạng ai ai cũng xin đầu tư dẫn đến tình trạng đồng tiền của nhà nước và dân chi vào đầu tư sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn. Và như vậy, một viễn cảnh về Việt Nam sẽ xảy ra, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia “đắt đỏ” từ thu phí cầu đường đường, đến điện, nước,…
Vậy thì việc cắt giảm đầu tư công theo Nghị quyết 11 của Chính phủ hiện nay có phải là cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề này không, thưa ông?
Đó là bước đầu tiên, là biện pháp hành chính để làm sao tránh việc đầu tư một cách quá đáng, còn về lâu về dài thì phải thay đổi cơ chế, là phải thay đổi chế độ trách nhiệm thật rõ ràng. Đơn cử như ở Trung Quốc, họ làm như thế này. Có một hội đồng đề ra yêu cầu, muốn sống sót thì về năng xuất phải tăng 3%, xuất khẩu tăng 5%, dùng điện giảm 1%, nước giảm 3% và tiền lương tăng bao nhiêu,… và công bố ai muốn làm giám đốc lập kế hoạch hành động đưa lên, và họ sẽ lập một hội đồng xem xét xem chương trình hành động của ai hay nhất, lúc bấy giờ sẽ bổ nhiệm và nếu được bổ nhiệm mà làm tốt thì tăng lương, không tốt giảm lương và sau 2 năm làm không được thì thay người khác… thế thì chế độ trách nhiệm rõ ràng hơn.
Theo tôi, mình cần làm công khai, minh bạch và ra điều kiện rõ ràng, chứ ở Việt Nam không biết tại sao người này lại đi làm tổng giám đốc cho công ty này và được ít lâu sau lại có một người khác đi lên làm tổng giám đốc thay,… mình không giải thích và cũng không biết trách nhiệm của người đó ra làm sao. Như vậy thì chừng nào chúng ta làm chưa rõ ràng, không có chế độ trách nhiệm, không có luật pháp rõ ràng thì chừng ấy chúng ta còn phải trả giá.
Để nâng cao hiệu quả đầu tư công của Việt Nam hiện nay, chúng ta cần làm gì?
Cần phải thực hiện ngay công khai minh bạch. Từ việc lập dự toán, lên danh mục và phải có một chế độ hội đồng công khai, độc lập và giám sát độc lập, kiểm toán độc lập và phải có chế độ trách nhiệm rõ ràng, nếu chúng ta tiến được những bước tiến thực sự thì bằng các biện pháp giảm đầu tư công này chúng ta sẽ mạnh lên, có hiệu quả cao hơn và sẽ có năng lực cạnh tranh.
Ngược lại, nếu chúng ta chỉ làm việc cắt giảm mang tính chất hành chính thì việc ấy nó chỉ diễn ra một lần và năm sau lại có cơn khát đầu tư mới, lại có những người mới lên, họ lại nghĩ ra nhiều mẹo hay hơn, nhiều dự án hay hơn,… chúng ta lại nghĩ ra cách này, và như từ trước tới nay, chúng ta đã rất nhiều lần cắt giảm đầu tư công và rồi chúng ta lại phải cắt giảm đầu tư công nữa, thì tôi nghĩ cái vòng luẩn quẩn ấy cứ lặp đi, lặp lại vì thế vấn đề hiện nay là, chúng ta cần đổi mới cơ chế, đó là cần có sự công khai minh bạch trong đầu tư công.
Cũng cùng quan điểm trên, nghiên cứu mới đây nhất của ông Vũ Anh Tuấn- Viện Kinh tế Việt Nam cho thấy, vốn đầu tư công luôn “phình” to ra theo các năm. 10 năm qua, quy mô vốn đầu tư công tăng tới 3,2 lần, trung bình mỗi năm tăng 13,9 %. Năm 2008, lạm phát, Chính phủ đã rốt ráo rà soát, cắt giảm vốn đầu tư công thì tổng vốn đầu tư công vẫn chỉ thấp hơn một chút so với năm 2007, rồi đến năm 2009, nguồn vốn này lại tăng vọt lên nhờ chủ trương kích cầu đầu tư như để “bù lại sự cắt giảm ít ỏi”. Vốn đầu tư thì như vậy, song hiệu quả đầu tư thì lại rất kém. Theo thông tin TS. Tô Trung Thành (Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội) đưa ra tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” do Ủy ban Kinh tế phối hợp với Viện Khoa học xã hội tổ chức trong hai ngày 10 và 11/3 tại Cần Thơ vừa qua, cho thấy, hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP) cho khu vực nhà nước là 7,8 – cao hơn mức trung bình chung của nền kinh tế là 5,2. |
Chu Huỳnh
http://www.tamnhin.net/Diemnhin/9640/Chung-nao-chua-ro-rang-chung-ay-phai-tra-gia.html
-----------
Duc H. Vu : Chủ đề của bài này : "Chừng nào chưa rõ ràng, chừng ấy phải trả giá…" không cần đọc hết bài tôi cũng dư biết ai phải trả giá rồi ! Không lẽ cái đám chó đẻ chóp bu 14 đứa trong BCT trả giá ? Nằm mơ ! Câu trả lời không ai khác hơn đó là 85 triêu dân trong nước phải gồng gánh trả, từ già chí trẻ đến sơ sinh phải trả giá, điển hình qua vụ Vinashin với 4.4 tỷ Đô la (USD) tự nhiên bốc hơi và BCT quyết định tha nhau, chẳng ai có tội cả, ai sẽ trả giá 4.4 tỷ Đô này ? AI ?
0 comments:
Post a Comment