Thursday, October 24, 2013

BA THẾ LỰC, MỘT NỖI OAN TÌNH, ÔNG NGÔ ĐÌNH CẨN BỊ XỬ BẮN - (LIÊN THÀNH)

BA THẾ LỰC, MỘT NỖI OAN TÌNH, ÔNG NGÔ ĐÌNH CẨN BỊ XỬ BẮN
____________________________

Liên Thành

Trích từ cuốn THÍCH TRÍ QUANG, THẦN TƯỢNG HAY TỘI ĐỒ DÂN TỘC sắp xuất bản.


Ông Ngô Đình Cẩn (1912 - 9/5/1964)

Ông Ngô Đình Cẩn là con áp út trong đại gia tộc Ngô Đình. Độc thân với hơn nửa cuộc đời sống âm thầm lo chăm sóc mẹ già, ông còn lo tổ chức cơ sở kết nạp những người có lòng với đất nước để hổ trợ cho các anh hoạt động cách mạng chống thực dân Pháp và chống cộng sản. Tuy ít học, nhưng ông lại hết sức thông minh và là một người rất có năng khiếu về tình báo và chiến tranh du kích. Khi Chí sĩ Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh thì tình hình chính trị tại miền Trung rất khó khăn. Dân tình thì ly tán, đảng phái quốc gia thì chia rẽ, và việt cộng thì thừa lúc tranh tối tranh sáng hoạt động mạnh mẽ. Trong cơn nguy biến đó, ông Ngô Đình Cẩn đã tận sức giúp đỡ cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tái lập lại niềm tin của đồng bào miền Trung, đặc biệt là Huế. Đảng Đại Việt Cách Mạng của ông Hà Thúc Ký thiết lập chiến khu Ba Lòng Vùng Quảng Trị chống lại chính phủ. Sau khi diệt được chiến khu Ba Lòng một số lãnh tụ Đại Việt bị bắt. Điển hình là ông Tỉnh Trưởng Tỉnh Quảng Trị Trần Điền phải ra tòa và bị bản án rất nặng. Vậy mà ông Ngô Đình Cẩn đã vận động với chính phủ giảm án tối đa. Sau đó ông Ngô Đình Cẩn dùng tình thân xóa bỏ lỗi lầm, bằng cách mở trường trung học tư lấy tên là Trường Trung Học Bình Minh tại Quận III thị xã Huế và giao cho ông Trần Điền làm Hiệu trưởng điều hành.

Một số lớn khó khăn giữa chính quyền, đảng phái, và tôn giáo tại Huế và các tỉnh miền trung đều đã được ông Ngô Đình Cẩn dàn xếp dùm chánh phủ. Vì lẽ đó mà một văn phòng ra đời tại Huế gọi là Văn Phòng Cố Vấn Miền Trung và người ta gọi ông là Ông Cố Vấn Miền Trung.

Ưu điểm của ông Ngô Đình Cẩn mà ít người biết đến là lòng yêu nước, tinh thần chống cộng sản, và khả năng tình báo. Khả năng tình báo thiên phú của ông được biểu hiện cụ thể qua thành quả mà Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung do ông thành lập, và giao cho ông Dương Văn Hiếu chỉ huy, đạt được. Điểm lại thành quả của tất cả các cơ quan tình báo VNCH thì Đoàn Đặc Nhiệm Miền Trung là một trong những cơ quan tình báo hữu hiệu nhất. Cụ thể, Đoàn Đặc Nhiệm Miền Trung đã làm cho Cụm Tình Báo Chiến Lược của Cộng Sản Hà Nội xấc bấc xang bang, dở sống dở chết với 95% cơ sở đã bị tận diệt, và một số phải di tản ngược ra Bắc vì không còn đất sống. 

Đáng chú ý là 80% điệp viên của bọn chúng bị đoàn Công Tác Miền Trung bắt giữ. Trong đó có Thiếu Tướng tình báo việt cộng Mười Hương, Đại Tá tình báo việt cộng Lê Câu, cùng hằng trăm tên tình báo chiến lược và phái khiển tình báo khác. Ông Ngô Đình Cẩn cũng là một chuyên viên lão luyện về chống du kích cộng sản. 

Có thể nói chưa có một nhà giam tù nhân nào lạ lùng như nhà giam các tù nhân cộng sản của Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung đặt tại Huế. Nhà giam không có lính gác và mở cửa. Tù nhân sinh hoạt và ăn ngủ tự nhiên tùy thích. Họ không bị ràng buộc một giờ giấc kỷ luật nào cả. Nơi đây không có thẩm vấn mà chỉ có đối thoại và hội thảo. Nên một số tù nhân đã nhận được rõ ràng đâu là chính nghĩa quốc gia và được bổ nhiệm làm việc cho chính phủ VNCH. 

Một ví dụ điển hình là tù nhân Lê Đình Khôi thuộc Tổ Quân Báo của Cục Quân Báo Hà Nội. Ông Lê Đình Khôi, bị bắt và sau một thời gian ở trại tù nầy, đã được bổ nhiệm làm Trưởng Phòng Cảnh Sát Đặc Biệt thuộc Nha Cảnh Sát Quốc Gia Vùng I. Một cán bộ khác thuộc Phái Khiển Tình Báo của Cục Tình Báo Hà Nội, bị bắt và sau thời gian ở trại tù nầy, cũng đã được bổ nhiệm đi làm Huấn Luyện Viên trường Tình Báo Cảnh Sát Quốc Gia của Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Vùng I. [Tôi không nêu tên vì không rõ ông ta có còn ở Việt Nam hay không.] Tất cả những việc nầy đều do chương trình và kế hoạch của ông Ngô Đình Cẩn và, lạ lùng thay, kế hoạch nầy lại có kết quả tốt. Đây cũng là một hình thức quốc sách Chiêu Hồi cán binh cộng sản về với Chính Nghĩa Quốc Gia của Chính Phủ Đệ II Việt Nam Cộng Hòa.

Tại Thừa Thiên ông Ngô Đình Cẩn đã tổ chức Đoàn Nhân Dân Võ Trang và giao cho ông Hoàng Trọng Bá chỉ huy để hoạt động tại nông thôn trong công tác dân vận giúp đỡ dân chúng. Đồng thời đây cũng là lực lượng ngăn chận các hoạt động khủng bố hoặc xâm nhập của cộng sản vào dân chúng và xóm làng ở nông thôn. Chương trình Bình Định Nông Thôn, do Hoa Kỳ và chính Phủ Đệ II Việt Nam Cộng Hòa thành lập, có cách thức hoạt động cũng rập khuôn theo cách thức của Đoàn Nhân Dân Võ Trang của Ngô Đình Cẩn và Hoàng Trọng Bá. 

Ngoài ra cũng cần phải nói đến vai trò của ông Ngô Đình Cẩn trong vấn đề chiêu hồi Thích Trí Quang về với chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Để cảm hóa Thích Trí Quang, ông Ngô Đình Cẩn đã can thiệp với cơ quan an ninh để Trí Quang khỏi bị bắt trong vụ Phong Trào Hòa Bình của cộng sản tại Huế mà Thích Trí Quang là một thành phần quan trọng của phong trào nầy. Ngoài ra ông Ngô Đình Cẩn cũng giúp đỡ tài chánh cho Hội Phật Giáo tại Huế để trùng tu lại chùa Từ đàm cũng như các ngôi chùa khác.

Tất cả những công việc trên mà ông Ngô Đình Cẩn đã làm hoàn toàn có tính cách tự nguyện, không chức vụ gì do chính phủ bổ nhiệm và không lãnh lương tiền của chính phủ. Tất cả chỉ phát xuất từ lòng yêu nước, chống cộng sản, và phụ giúp cho Tổng Thống trong một số công việc. 

ÔNG NGÔ ĐÌNH CẨN TỴ NẠN CHÍNH TRỊ Ở TÒA LÃNH SỰ HOA KỲ TẠI HUẾ BỊ ĐẠI SỨ CABOT LODGE GIẢI GIAO CHO "HỘI ĐỒNG QUÂN NHÂN CÁCH MẠNG”. 

Trong khi tại Sài Gòn Thích Trí Quang được chính phủ Hoa Kỳ che chở qua việc Đại Sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge tại Sài Gòn chứa chấp y và viên thông ngôn của y là Thích Nhật Thiện tỵ nạn chính trị tại Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ từ đêm 20/8/1963 đến ngày 4/11/1963 thì trở về chùa Xá Lợi, thì tại Huế ông Ngô Đình Cẩn, người em thứ hai của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị ông Cabot Lodge giao trả cho “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng”.

Ngày 4/11 Thích Trí Quang (trái) lần đầu tiên
bước ra khỏi Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn 
kể từ khi chạy vào đây tị nạn chính trị.
Thích Trí Quang, 44 tuổi, tị nạn 
trong Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn. 
- Ảnh do AP chụp 2/9/1963.


Nội vụ xảy ra như sau: Vào sáng ngày 2 tháng 11 năm 1963 sau khi nhận được tin Tổng Thống và ông cố vấn Ngô Đình Nhu đã bị sát hại, ông Ngô Đình Cẩn bí mật rời khỏi tư dinh trên đường Nguyễn Trường Tộ thuộc quận Hương Thủy, gần nhà thờ Phủ Cam. Ông xuống trú ẩn tại Dòng Chúa Cứu Thế tại đường Nguyễn Huệ thuộc Quận 3 Thị xã Huế. Nhà dòng đã sắp xếp cho ông một căn phòng nhỏ kín đáo trên lầu 2 để trú ẩn.

Vào sáng ngày 3/11/1963 Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Đoàn I, từ Đà Nẵng bay ra Huế liên lạc với Đại Úy Nguyễn Văn Minh và nhờ Đại Úy Minh nhắn với ông Ngô Đình Cẩn rằng: Thế nào cũng lục soát tư thất tại Phủ Cam. Có tài sản thì giao cho Thiếu Tướng giữ sau này tình hình yên ổn sẽ trả lại. Đừng lo lắng gì cả. Thiếu Tướng sẽ bảo đảm sinh mạng cho.

Biết được ông Ngô Đình Cẩn đang ẩn trốn tại Dòng Chúa Cứu Thế, Helble Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Huế liền đề nghị ông Cẩn vào tỵ nạn tại Tòa Lãnh Sự Mỹ cho an toàn. Ông Ngô Đình Cẩn đã được ông Helble Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Huế chấp nhận cho vào trốn tại Tòa Lãnh Sự Huế với tư cách là tỵ nạn chính trị. Ông Cẩn xin cho mẹ đi theo nhưng Tòa Tổng Lãnh Sự từ chối. Trong khi đó thì Cabot Lodge lại buộc Tòa Lãnh Sự tại Huế phải báo cáo rằng đã có hằng ngàn đồng bào bao vây tư gia của ông Cẩn tại Làng Phủ Cam và phải phao vu ông Cẩn có chứa vũ khí và tài liệu Việt Cộng trong nhà ông ta. Thật ra chẳng có gì cả mà là chuyện bịa đặt của ông Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge mà thôi. Tuy nhiên nhận được tin trên, Ngoại Trưởng Dean Rusk gởi một công điện với nội dung: "Nếu ông Cẩn yêu cầu được trú ẩn, trong tình trạng sinh mạng bị nguy hiểm, tiếp xúc với Tướng Trí, yêu cầu bảo vệ thích nghi và đưa ông ta đi”.

Ngày 5 tháng 11 năm 1963 ông Ngô Đình Cẩn rời Dòng Chúa Cứu Thế đến Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại số 4 đường Đống Đa thuộc Quận 3 Thị xã Huế. Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ Helble nói với ông Cẩn rằng ông sẽ được đi tỵ nạn tại Hồng Kông. 

Sau đó ông Ngô Đình Cẩn rời Huế vào Saigon bằng phi cơ của Hoa Kỳ cùng với những người đi theo như sau: Phó Lãnh Sự Hoa Kỳ ông Mullen, 1 trung tá và 2 nhân viên an ninh Mỹ. Máy bay đến phi trường Tân Sơn Nhất thay vì đổi chuyển máy bay, bay đi Hồng Kông như đã hứa thì phái đoàn Mỹ lại giao ông Cẩn cho “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng” tống giam ông ta vào Khám Chí Hòa chờ ngày mở phiên tòa. Như vậy, chính Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ và Tòa Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Huế đã âm mưu bán đứng ông Ngô Đình Cẩn giao cho “Hội Đồng Tướng Lãnh VNCH".

HOA KỲ, NHÓM TƯỚNG PHẢN LOẠN, THÍCH TRÍ QUANG - BA THẾ LỰC XỬ TỬ HÌNH ÔNG NGÔ ĐÌNH CẦN

1)- Thế lực thứ 1
Đó là Hoa Kỳ mà đại diện là Đại sứ Cabot Lodge nghĩ rằng ông Ngô Đình Cẩn có khả năng tổ chức một cuộc phản đảo chánh. Vì vậy nếu chấp nhận để cho ông Ngô Đình Cẩn rời khỏi Việt Nam đi tỵ nạn chính trị tại một quốc gia nào đó sẽ là một hành động “Thả cọp về rừng”. 

2)- Thế lực thứ 2
Đó là nhóm Tướng Phản Loạn mà hầu như tất cả họ đều sợ một cuộc phản đảo chánh. Vì thế họ dứt khoát “Nhổ cỏ phải nhổ tận gốc”. Nên khi Đại sứ Hoa Kỳ Cabot Lodge trao kẻ tỵ nạn chính trị của tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Huế cho nhóm Tướng Phản Loạn, thì Loạn Tướng Trần Văn Đôn chẳng cần úp mở mà tuyên bố thẳng thừng rằng: “Ông Ngô Đình Cẩn phải bị giam và bị xét xử”.

Đám tướng phản loạn vẫn tưởng rằng ông Ngô Đình Cẩn hiện đang giữ một gia tài ít nhất vài trăm triệu Mỹ kim, nên ngay từ giờ đầu khi ông Ngô Đình Cẩn trốn trong Dòng Chúa Cứu Thế tại đường Nguyễn Huệ, thuộc Quận III Thị xã Huế, thì chính Loạn Tướng Đỗ Cao Trí đã nhắn gởi với ông Cẩn rằng ông Trí sẽ bảo vệ cho ông Cẩn và có tiền bạc tài sản bao nhiêu thì giao cho ông ta giữ cho không sao cả. Sau nầy tình hình yên ổn ông sẽ trả lại. Trong những lần hỏi cung ông Ngô Đình Cẩn tại khám Chí Hòa, thẩm vấn viên theo lệnh các loạn tướng đều tra hỏi rất kỹ về tiền bạc và tài sản mà ông Ngô Đình Cẩn cất giữ. Ông Ngô Đình Cẩn đã khai với thẩm vấn viên rất rõ ràng: “Gia tài chỉ có ngôi nhà từ đường tại làng Phủ Cam do cha mẹ để lại cho mấy anh em của ông, và ngoài ra có ngôi nhà tranh nhỏ ở cửa Thuận An mà thôi”.

3)- Thế lực thứ 3
Đó là thế lực của tên Việt Cộng Thích Trí Quang thuộc cơ quan tình báo chiến lược cộng sản Hà Nội và nhóm Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Tên Việt Cộng đại ma đầu Thích Trí Quang nằm vùng trong Phật Giáo nầy đã dùng thế lực của Phật giáo Ấn Quang và quần chúng Phật tử đặt điều kiện với đám loạn tướng, chẳng hạn với Nguyễn Khánh rằng: Nếu muốn được sự hổ trợ của y tức là của Phật Giáo thì phải thẳng tay với Ngô Đình Cẩn, với "đám Cần Lao", và với "tổ chức mật vụ Nhu Diệm" tức là Đoàn Công Tác Đặc Nhiệm Miền Trung Dương Văn Hiếu, Tổ chức Mật Vụ Trần Kim Tuyến, Phan Quang Đông, và Lê Văn Dư. 

Do sợ hãi thế lực của Trí Quang có thể làm lung lay đến địa vị, mất chức và mất quyền lợi cá nhân, đám loạn tướng đầu lãnh như Khánh, Đôn, và Minh đã phải cúi đầu vâng lệnh của Trí Quang. Thế nhưng họ đâu biết rằng những đòi hỏi của Trí Quang chính là những  nhu cầu và chỉ thị của Tổng Cục Tình Báo Bắc Việt (Hà Nội). Thích Trí Quang có nhiệm vụ phải thi hành nhằm mục đích đánh sập và vô hiệu hóa các cơ quan tình báo bậc nhất của Việt Nam Cộng Hòa. Thời gian ông Ngô Đình Cẩn bị giam giữ tại Khám Chí Hòa, Tướng Nguyễn Khánh nói rằng ông ta bị áp lực nên ra lệnh ông Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Văn Mầu phải nghiên cứu cách nào để có thể xét xử và tuyên án tử hình ông Ngô Đình Cẩn và những người chỉ huy cùng những nhân viên của các tổ chức tình báo Việt Nam Cộng Hoa như: Ông Phan Quang Đông, Bác sĩ Trần Kim Tuyến, và Trưởng Ty Công an Thừa Thiên Huế Lê Văn Dư.
Ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn, 53 tuổi, bị bệnh rất nặng đang được đưa ra phiên tòa ngày 
17/4/1964 và bị tòa án tại Sài Gòn tuyên xử tử hình vào ngày 24/4/1964. - Ảnh AP
Ông Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Văn Mầu thấy nếu áp dụng bộ Hoàng Việt Hình Luật thì không thể tuyên án tử hình những tội danh vu vơ như chịu trách nhiệm vì thuộc cấp bắt người trái phép, hay đả thương v.v… được. Bởi bằng mọi cách phải tử hình ông Ngô Đình Cẩn cho danh chánh ngôn thuận và hợp pháp, nên Tướng Khánh chỉ còn một lựa chọn duy nhất là chỉ thị ông Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Văn Mầu lập ra một bộ luật mới, gọi là Sắc Luật số 4/64 ban hành ngày 28/2/1964. Sắc Luật số 4/64 này thiết lập Tòa Án Cách Mạng để quy một số hành động của các nhân vật cộng tác đắc lực cho chế độ Tổng Thống Diệm vào các tội cố sát, lũng đoạn kinh tế quốc gia v.v… và Sắc luật này còn được quy định có hiệu lực hồi tố. Trên căn bản thì hình luật chỉ áp dụng cho những hành vi trọng tội xẩy ra sau ngày ban hành luật đó mà thôi, vì vậy việc hồi tố là không đúng và hoàn toàn sai nguyên tắc. Vào ngày 24/4/1964 ông Ngô Đình Cẩn đã bị tòa án tuyên xử tử hình một cách vô luật pháp.

Để đạt mục đích giết người một cách hợp pháp, việc đầu tiên của Tướng Khánh là đưa một tay đàn em làm Bộ Trưởng Tư Pháp nhằm dễ bề sai khiến. Bộ Trưởng Tư Pháp trong chính phủ của Tướng Khánh là Đại Tá Nguyễn Văn Mầu, nguyên Giám Đốc Nha Quân Pháp. Theo Thẩm Phán Nguyễn Cần (tức Lữ Giang), tại Việt Nam, Bộ Trưởng Tư Pháp được chọn trong các Thẩm Phán cao cấp hay các luật sư lão thành vì lý do: Thứ nhất, người giữ chức vụ nầy phải được mọi người kính nể, nhất là giới luật gia. Thứ hai, người đó phải am tường luật pháp và ngành tư pháp.

Đằng này Đại Tá Nguyễn Văn Mầu chỉ chuyên về quân pháp nên không nắm vững tình trạng luật pháp rất phức tạp của luật pháp Việt Nam. Tướng Khánh chọn Đại Tá Nguyễn Văn Mầu, như trên đã nói, không ngoài mục đích chỉ để sai khiến ông này thi hành lệnh của Tướng Khánh mà thôi.

Ông Bộ Trưởng Tư Pháp Nguyễn Văn Mầu đã cử một số luật gia soạn thảo và đưa ra dự thảo luật về một số tội phạm mà theo họ ông Ngô Đình Cẩn và "dư đảng Cần Lao" đã vi phạm và ấn định những tội nầy vào tội bị tử hình. Đây là việc làm hoàn toàn trái với nguyên  tắc bất hồi tố của hình luật, tức hình luật không áp dụng cho những trường hợp xẩy ra trước ngày luật ban hành. Mọi quốc gia trên thế giới và ngay cả Hoàng Việt Hình Luật cũng đã công nhận và áp dụng nguyên tắc căn bản của hình luật nầy, và nguyên tắc nầy cũng đã được ghi vào bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị. 

Điều 11, đoạn 2, của bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ghi rằng: “Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành, mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian Phạm Pháp.”

Điều 15 của Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị quy định: “Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay quốc tế áp dụng trong thời gian khi tội phạm xảy ra. Cũng không thể bị tuyên một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian sự phạm pháp xảy ra. Tuy nhiên, người vi phạm được hưởng sự khoan hồng hơn nếu luật mới ban hành sau ngày phạm pháp ấn định hình phạt nhẹ hơn.”

Như đã biết, dự thảo Sắc Luật số 4/64 thiết lập Tòa Án Cách Mạng nhằm mục đích xử tử hình ông Ngô Đình Cẩn, ông Phan Quang Đông, và Thiếu tá Đặng Sĩ. Cho nên mặc dù dự thảo Sắc Luật số 4/64 có rất nhiều tranh cãi, Tướng Nguyễn Khánh vẫn bất chấp những sai trái và những nguyên tắc căn bản của hình luật. Ngày 28/2/1964 Tướng Khánh đã ký ban hành Sắc Luật 4/64.

Xin hãy xét qua một số điều luật trong Sắc Luật 4/64: Điều 1 quy định: “Nay thiết lập một Tòa Án Cách Mạng có thẩm quyền xét xử trên toàn quốc những tội ác gây ra trong thời gian từ 26 tháng Mười năm 1955 đến 1 tháng Mười Một năm 1963 bởi những bọn mật vụ, đại kinh tài, viên chức chính quyền cao cấp cùng nhân vật quan trọng dưới thời Ngô Đình Diệm.”

Điều 2 quy định: “Tòa Án Cách Mạng sẽ mở phiên xử đầu tiên trong tháng 3 năm 1964 và hoạt động trong thời gian 3 tháng.” 

Điều 3 quy định: 12 tội sẽ bị truy tố trước tòa án Cách mạng:

1)- Gian nhân hiệp đảng.
2)- Cố sát với trường hợp gia trọng.
3)- Giết người bằng thuốc độc.
4)- Tra tấn và phạm trọng tội.
5)- Cố ý đã thương với mọi trường hợp gia trọng.
6)- Hiếp dâm với mọi trường hợp gia trọng.
7)- Bắt giam trái phép.
8)- Cướp với trường hợp gia trọng.
9)- Sách thủ tiền tài.
10)- Đốt hủy sổ bộ, chứng thư, chứng khoáng, thương phiếu
11)- Hối lộ và hối nại quyền thế.
12)- Lũng đoạn kinh tế quốc gia.

Điều 4 định nghĩa lại các yếu tố phạm tội, phần lớn khác với định nghĩa của các điều luật đã áp dụng trước đó.
1)- Gian dâm hiệp đảng: Những tổ chức khủng bố bí mật hay công khai.
2)- Đầu độc giết người: Tội bắt giam người trong hầm có hơi độc, hay có chất độc , hay thiếu không khí, để gây thiệt mạng.
3)- Mưu sát: Tội giết người về đối lập về chính trị, việc tra tấn cho đến chết.
4)- Bắt giam trái phép: Việc lưu đày một người mà không có án tòa và ngoại trừ trường hợp dự liệu bởi Dụ 6 ngày 11/1/1956.
5)- Cướp: Các việc tịch thu bất hợp pháp.
6)- Lũng đoạn kinh tế quốc gia: Việc mang đi hay cho mang ra khỏi xứ, bất cứ bằng cách nào, các giá khoán động sản, giấy bạc Việt Nam, vàng, bạc, ngoại tệ, trái khoán và bằng khoán. Tổ chức kinh tài bất hợp pháp.

Điều 5: Cấm Tòa Án Cách Mạng không được quyền giảm khinh, cũng như không có quyền phạt án treo.

Điều 15: Quy định rằng Tòa Án Cách Mạng tuyên án liền sau phiên họp nghị án, không đình hoãn. Những án khuyết tịch coi như đương tịch.

Điều 16: Cấm các bị cáo không được kháng cáo hoặc thương tố. 

Những quy định ở các điều khoản trên hoàn toàn trái với nguyên tắc bất hồi tố của hình luật và, như vậy, cho ta thấy rõ một sự thật thâm độc của Tướng Nguyễn Khánh, Cabot Lodge,  và tên Việt Cộng Thích Trí Quang trong quyết tâm phải giết cho bằng được ông Ngô Đình Cẩn và một số người liên liên hệ, và giới chức của Đệ I Việt Nam Cộng Hòa.

Tướng Nguyễn Khánh sau ngày 28/2/1964 cũng đã ký một Sắc Lệnh Số 120-PT để cử các tay chân bộ hạ của ông ta vào thành phần ngồi xử án để thi hành các chỉ thị và quyết dịnh của ông ta. Đó là:
Chánh Thẩm: Ông Lê Văn Thu.
Phụ Thẩm gồm có: 
Đại Tá Trần Văn Chương
Đại Tá Nguyễn Văn Chuân
Đại Tá Đặng Văn Quang
Trung Tá Dương Hiếu Nghĩa

Phụ Thẩm nhân dân gồm có:
Nguyễn Văn Phước
Nguyễn Văn Yến
Nguyễn Văn Sửu
Bùi Văn Nhu
Chưởng Lý Nguyễn Văn Đức
Lục Sự Nguyễn Văn Tâm

Luật Sư bào chữa cho ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn là Luật Sư Võ Văn Quan.
Luật Sư Võ Văn Quan thăm ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn và Linh Mục đang làm lễ trước
giờ bị xử tử ngày 9/5/1964
Chiều ngày 9/5/1964 trong tình trạng đang mang bệnh trầm trọng, tiểu đường và cao máu, không ngồi dậy được, ông Ngô Đình Cẩn được để nằm trên băng ca với 6 người khiêng từ phòng giam của khám Chí Hòa ra một bãi đất trống trong khuôn viên của khám giam. Một Linh Mục đến bên ông Ngô Đình Cẩn làm phép xức dầu, sau đó ông bị trói vào cây cột. Khi được hỏi nguyện vọng cuối cùng của ông, ông yêu cầu đừng bịt mắt khi bắn ông nhưng yêu cầu không được chấp thuận.

Và lời nói cuối cùng của ông Ngô Đình Cẩn mà giám thị trại giam, và một số người quanh vụ xử bắn nghe được: "Xin Chúa tha thứ cho kẻ giết mình”, rồi ông bị bắn bởi một tiểu đội hành quyết.

Ảnh ông Cố Vấn Ngô Đình Cẩn trong
quốc phục áo dài đen quần trắng sau khi
bị xử bắn ngày 9/5/1964
Có lẽ ông Ngô Đình Cẩn đã tha thứ cho tiểu đội hành quyết và tha thứ cho thủ phạm chính là Nguyễn Khánh, Cabot Lodge, Đỗ Cao Trí, Nguyễn Văn Mầu và nguyên một băng đảng sư phản loạn như Thích Trí Quang, Thích Thiện Minh, Thích Thiện Siêu, Thích Đôn Hậu, Thích Tâm Châu, Thích Hộ Giác, Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ, Thích Chánh Lạc, Thích Giác Đức,... đã bịa ra những "tội ác mật vụ Nhu Diệm đàn áp Phật Giáo" cho ông. Nhưng lịch sử không thể tha thứ cho những tên đao phủ thủ vô lương tri vô đạo đức này và một thủ phạm nữa là cộng sản Hà Nội. Đây là thủ phạm điều khiển giựt dây cho Phong Trào Phật Giáo Tranh Đấu qua Thích Trí Quang, giết cho sạch dòng họ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và phá cho tan tành đất nước.

Đã năm mươi năm trôi qua, người mất thì đã mất, nhưng nỗi oan khiên vẫn còn đó. Xin một nén hương cúi đầu trước vong linh người ái quốc Ngô Đình Cẩn đã Vị Quốc Vong Thân.


(Trích từ cuốn THÍCH TRÍ QUANG THẦN TƯỢNG HAY TỘI ĐỒ DÂN TỘC sắp xuất bản.)

Orange County, ngày 24 tháng 10 năm 2013

Liên Thành
626-257-1057

0 comments:

Powered By Blogger