Về quê ăn cỗ nghe ông chú, bà thím kể: hôm trước hai đứa con họ đi đòi nợ, không đòi được lại bị đuổi đánh. Thằng lớn chạy thoát, nhưng vẫn dính mấy nhát mã tấu vào lưng phải vào viện khâu vết thương. Thằng nhỏ nhảy xuống ao trốn, chúng giơ súng dọa, bắt phải lên. May nhờ có người quen dàn xếp, nhưng vẫn phải xin lỗi chúng mới tha cho không đánh. Và cũng suýt nữa chết rét vì ngâm mình lâu dưới ao. Giọng kể ấm ức, tức giận tựa như vừa tận mắt thấy con mình bị đánh. Sau khi phụ họa thêm vào để lên án lũ côn đồ bất lương kia tôi cũng an ủi họ là bây giờ những nghịch cảnh kiểu đó thì đầy rẫy và hai đứa con nhà mình vẫn còn may vì không bị trọng thương, không bị thiệt mạng. Bất giác nhớ đến những “ngược đời” trong thơ văn, đời thường từ xưa tới nay.
Hồi mới đi học và cho đến tận giờ tôi vẫn còn thuộc lòng bài ca dao “Ngược đời”
“Bước sang tháng sáu giá chân
Tháng một nằm trần bức đổ mồ hôi
Con chuột kéo cày lồi lồi
Con trâu bốc gạo vào ngồi trong cong (1)
Vườn rộng thì thả rau rong
Ao sâu vãi cải lấy ngồng làm dưa
Một đàn bò tắm đến trưa
Một đàn con vịt đi bừa ruộng nương
Voi kia nằm ở gậm giường
Cóc kia đánh giặc bốn phương nhọc nhằn
Chuồn kia thấy cám liền ăn
Lợn kia thấy cám nhọc nhằn bay qua
Bao giờ cho đến tháng ba
Ếch cắn cổ rắn lôi ra ngoài đồng
Hùm nằm cho lợn liếm lông
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi
Nắm xôi nuốt trẻ lên mười
Con gà chai rượu nuốt người lao đao
Lươn nằm cho trúm bò vào
Một đàn cào cào đuổi bắt cá rô
Thóc giống cắn chuột trong bồ
Một trăm lá mạ đuổi vồ con trâu
Chim chích cắn cổ diều hâu
Gà con tha quạ biết đâu mà tìm” . Nó được nhớ lâu bởi không chỉ là thể thơ lục bát có vần điệu mà còn vì nói về những hiện tượng, hành động trái lẽ tự nhiên.
Khi còn trong quân ngũ những lúc rỗi rãi ngồi nói chuyện vui tôi đã từng được nghe nhiều lần một lệnh phân công công tác “trái khoáy, ngược đời”, “liền đâu xâu đấy”giống như một bài đồng dao :“Mù đi công tác, lác bắn máy bay, cụt tay đào hầm, câm gọi điện, điếc nghe đài”.
Những “ngược đời”, “không bao giờ xảy ra” đó cũng hay được lấy làm điều kiện để người ta không phải thực hiện điều cam kết. Chẳng hạn khi “mình” hỏi cưới “ta”, “ta” không muốn lấy “mình” nhưng lại không từ chối thẳng thừng mà tế nhị “vòng vo” cam kết, hứa hẹn với “mình” trong câu ca dao
“Bao giờ rau diếp làm đình
gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta.
Bao giờ chạch đẻ ngọn đa
sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”.
Cô gái nọ khi được một anh lính công binh cầu hôn đã thay lời từ chối dứt khoát bằng một điều kiện
“Bao giờ mọt đục được đinh
thì em mới lấy công binh làm chồng”.
Trong vở kịch “Con cáo và chùm nho” ông chủ là triết gia Xantuyt trong cơn say lỡ huênh hoang khoe uống cạn được nước biển và sẵn sàng đánh cược vợ cùng tài sản khi tỉnh biết lỡ lời đã được Edop người nô lệ thông minh “chữa cháy” một cách ngoạn mục“Ông hãy nói rằng: Ta chỉ uống nước biển thôi, các người hãy rẽ hết nước sông ra khỏi biển thì ta sẽ uống cạn nước biển”.
Việt Nam ngày nay có đầy rẫy những “ngược đời” xin được kể ra vài câu chuyện.
Câu chuyện đầu tiên là câu chuyện ” chủ nợ phải xin lỗi con nợ” ở đầu bài viết.
Câu chuyện thứ hai “thày giáo tặng quà cho học sinh nhân ngày 20/11″. P là giáo viên hiện đã nghỉ hưu kể lại: Theo thông lệ cứ đến 20/11 (ngày nhà giáo Việt Nam) là trường ông cũng như các trường khác trong tỉnh lại có một đoàn gồm hiệu trưởng, hiệu phó, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn “rồng rắn” lên sở để chúc mừng các lãnh đạo. Đây là dịp để hiệu trưởng các trường biếu xén lãnh đạo sở một cách hợp pháp bằng tiền “chùa”. Đã từng làm chủ tịch công đoàn nên P cũng đã có vài lần tham dự. Và có lần, đoàn trong đó có ông đã đến chúc mừng vị giám đốc sở chính là người học trò cũ mà ông đã dạy ở trường trung cấp sư phạm tỉnh vài chục năm trước. Cũng may cho ông và cả cho tay giám đốc, đã tránh được khó xử bởi viên hiệu trưởng nhà trường trưởng đoàn đã làm tất tật mọi việc rất nhanh từ phát biểu, tặng quà, trao phong bì và chào từ biệt .
Câu chuyện thứ ba là câu chuyện về bốn ông lãnh đạo chủ chốt của đảng và nhà nước sau đại hội 11. Từ giữa năm 2010 nghĩa là còn nửa năm nữa đại hội 11 mới khai mạc. Nhưng dư luận đã dự đoán 4 vị trí quan trọng ví như “tứ trụ” trong triều đình phong kiến trước đây gồm : Ông Trọng làm tổng bí thư, ông Hùng làm chủ tịch quốc hội, ông Sang làm chủ tịch nước, ông Dũng làm thủ tướng. Kết quả của đại hội 11, bầu cử và kỳ họp đầu tiên của quốc hội khóa 13 cho thấy dự đoán này hoàn toàn chính xác. Và thật tình cờ, tên các ông : Hùng, Dũng, Sang, Trọng xướng lên nghe thật là oai. Chỉ có điều khi đối chiếu trí tuệ, tài năng, đức độ của bốn ông trên với vị trí trọng trách mà các ông phải đảm đương mới thấy nhiều điều “trái lẽ tự nhiên” hệt như phân công “Mù đi công tác, lác bắn máy bay, cụt tay đào hầm, câm gọi điện, điếc nghe đài” ở trên.
Ông Trọng tổng bí thư giữ vai trò chỉ lối thì đầu óc bị coi là có vấn đề. Từ hồi còn làm bí thư thành ủy Hà Nội đã được dân Hà Nội gán cho biệt danh là “Trọng lú”. Chủ thuyết Mácxit đã bị nhân loại vất vào sọt rác cách đây vài chục năm ở ngay tại nơi đã sản sinh ra nó. Nhưng ông vẫn khăng khăng trung thành, cố bám và “sáng tạo” ra nhiều mớ lý luận tù mù, quái đản như “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Gần đây tuy đã phải thừa nhận phần lớn cán bộ, đảng viên dưới quyền suy thoái biến chất nhưng vẫn không thấy được nguyên nhân chính để chỉnh đốn, sửa chữa mà lại trông đợi vào đấu tranh phê bình trong nội bộ và thực hiện các điều cấm để chỉnh đốn đảng. Trong quan hệ đối ngoại nhất là với Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không hề giấu diếm ý đồ biến Việt Nam thành lệ thuộc, lấn chiếm biên giới, biển đảo, bắt bớ bắn giết ngư dân, phá hoại nền kinh tế Việt Nam nhưng ông Trọng vẫn không nhận ra, vẫn bị mê hoặc bởi khẩu hiệu “4 tốt, 16 chữ vàng”. Người chỉ lối như vậy thì cả dân tộc xuống hố cả nút ( XHCN) là cái chắc.
Ông Dũng, thủ tướng trực tiếp điều hành chính phủ vai trò như người đưa đường. Xuất thân từ y tá, công an, “mít đặc” về kinh tế nên từ khi giữ chức phó thủ tướng, thủ tướng đã để lại nhiều “dấu ấn” chính là các hệ lụy cho nền kinh tế. Lúc là phó thủ tướng được giao phụ trách công trình nhà máy lọc dầu Dung Quất thì tiến độ xây dựng ì ạch, lãng phí đến khi bước vào hoạt động thì cứ sau một năm hoạt động lại lỗ tới hàng nghìn tỷ đồng. Thời làm thủ tướng đã bắt chước một số nước, xây dựng một loạt tập đoàn kinh tế lớn với hy vọng tạo thành các “quả đấm thép” cho nền kinh tế. Nhưng hậu quả là các tập đoàn nhà nước đó đều làm ăn thua lỗ điển hình là Vinashin. Ông còn nổi tiếng là kẻ “nói một đàng làm một néo”. Lúc nhậm chức thủ tướng để đánh bóng tên tuổi thì hứa hẹn “nếu không chống được tham nhũng xin từ chức”. Nhưng sau 5 năm tham nhũng không giảm mà lại còn nhiều hơn ông vẫn ngồi lì tiếp một nhiệm kỳ nữa. Gốc gác là công an nên có tài trong đàn áp, trấn áp, kéo bè kéo cánh, che giấu lấp liếm khuyết điểm. Rất xứng đáng người điều hành của chế độ “công an trị”, là “công sai” của chế độ độc tài, là kẻ phá hoại nền kinh tế, là kẻ làm nghèo đất nước. Với người đưa đường như vậy thì đích đến của dân tộc hoặc là nhà tù, hoặc là vực thẳm.
Ông Sang chủ tịch nước được cho là có tài ăn nói hơn tiền nhiệm là ông Triết. Chắc hẳn sẽ không có những phát ngôn “ấn tượng” như tiền nhiệm khi đi công du các nước. Nhưng tài ăn nói của ông chỉ được sử dụng để lấy lòng cử tri, đánh bóng tên tuổi. Chẳng hạn hồi mới nhậm chức chủ tịch nước đã có phát biểu“Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này” lúc đầu được dư luận kỳ vọng nhưng thực chất đó chỉ là lời nói xuông nên đã được nhận biệt danh “Sang nổ”. Đã vậy khi còn làm bí thư thành ủy TP Hồ Chí Minh có dính líu tới vụ Năm Cam, có quay cóp trong thi cử khi học tại chức bị đuổi khỏi phòng thi.
Ông Hùng chủ tịch quốc hội đứng đầu một cơ quan biểu thị quyền lực của dân thì có truyền thống nói năng ba hoa, nhăng cuội. Chẳng hạn khi thuyết phục đại biểu quốc hội đồng ý cho làm đường sắt cao tốc đã phét lác dự báo thu nhập đầu người năm 2030 là 10.000 đô năm 2050 là 20.000 đô. Đã có phát ngôn ấn tượng trước quốc hội “nếu cứ kỷ luật chặt chém hết thì lấy ai làm việc”.
Đoạn kết của câu chuyện “ngược đời” thứ ba là : Sau một năm “tứ trụ” đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế, xã hội ở Việt Nam càng thêm ảm đạm. Bởi chúng thực chất chỉ là “bốn chân giường đã mục” nhưng trong một chế độ độc đảng không thể tìm được để thay thế hoặc có tìm được thì sau một thời gian ngắn chúng lại vẫn mục ruỗng . Câu chuyện thứ ba về “ngược đời” có thể tóm tắt qua bài thơ
Vịnh “tứ trụ”
“Tứ trụ” kỳ này kể cũng oai
Dũng, Sang, Hùng, Trọng bốn “anh tài”
Chỉ lối đã giao phường cám hấp(2)
Đưa đường còn chọn bọn công sai
Quốc thể trông vào tài múa mép
Dân quyền nhờ cậy giỏi khua môi
“Tứ trụ”, bốn chân giường đã mục
Độc đảng thành ra vẫn phải xài(3)
Chú thích: (1) Cái cóng, cái chum bằng sành để đựng thóc gạo
(2) Chỉ người dở hơi, hâm hấp
(3) Dùng
4/2012 TRẦN HOÀNG LAN
0 comments:
Post a Comment