Wednesday, April 25, 2012
Canh bạc quân sự của Kim Chính Ân thất bại thảm hại
Nhị Khê
Sáng ngày 13/04/2012, vụ phóng hỏa tiễn tầm xa của Bắc Hàn thất bại thảm hại. AFP dẫn tin từ Bộ Quốc phòng Đại Hàn cho hay: "Hỏa tiễn Unha-3 bay khoảng một hoặc hai phút trước khi bùng nổ giữa không trung. Các mảnh vỡ rớt xuống biển Hoàng Hải. Có thể nói vụ thử nghiệm lần này đã thất bại". Trong một cuộc họp báo, Kim Min-seok, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đại Hàn, cho biết hỏa tiễn Bắc Hàn phóng đi lúc 7giờ 39 phút sáng ngày 13/04 nhưng đã rớt xuống biển Hoàng Hải. Hãng thông tấn Hoa Kỳ ABC News đưa tin, một giới chức Hoa Kỳ xác nhận sau khi phóng, hỏa tiễn tầm xa của Bắc Hàn đã nổ tan trên không và các mảnh vụn đã rớt xuống biển. Ông Naiki Tanaka, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, cũng tuyên bố vụ phóng thất bại. Ông nói: "Vật thể bay được hơn một phút sau thì rớt xuống biển, không ảnh hưởng gì đến lãnh thổ Nhật Bản". Sau khi Bắc Hàn phóng hỏa tiễn, Đại Hàn báo động khẩn cấp cho cư dân sống gần biên giới phía bắc vào hầm trú ẩn để tránh các mảnh vỡ hỏa tiễn rớt xuống. Trước đó, Nhật Bản từng đe dọa bắn hạ hỏa tiễn Bắc Hàn nếu gây nguy hại trên lãnh thổ nước họ. Ngày 12/04, TTg Nhật Bản Yoshihiko Noda khẳng định: "Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi tình huống". Sáng ngày 13/04, TT Đại Hàn Lee Myung-bak triệu tập hội nghị chính phủ khẩn cấp vạch ra các kế hoạch đối phó với hành động khiêu khích của Bắc Hàn.
Sáng 13/04, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBALHQ) triệu tập hội nghị khẩn cấp thảo luận biện pháp đối phó với hành động ngang ngược của Bắc Hàn. Bà Susan Rice, Đặc sứ Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc, Chủ tịch luân phiên HĐBALHQ, cho các ký giả biết, hội đồng đã nghe báo cáo về vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn. Bà nói: "Chúng tôi đã trao đổi ý kiến trước tình huống nghiêm trọng này và lắng nghe những quan ngại do vụ phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn gây ra. Hành động này xâm phạm các nghị quyết 1718 và 1874 của HĐBALHQ. Các thành viên chúng tôi đã thỏa thuận tiếp tục hội ý với nhau để làm tròn trách nhiệm của mình. Đây là vấn đề vô cùng quan trọng và khẩn cấp".
Hoa Kỳ lên án trò phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn vào dịp này là một "màn kịch tuyên truyền". Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Jay Carney nói: "Bắc Hàn đang tự cô lập mình bằng những hành động khiêu khích và hao tiền tốn của cho những màn kịch tuyên truyền đó". Ông cho rằng, tuy vụ phóng "thất bại thảm hại" nhưng hành động của Bình Nhưỡng vẫn đe dọa an ninh khu vực. Nó vi phạm luật pháp quốc tế và trái ngược những lời họ từng cam kết với Hoa Thịnh Đốn trong tháng 02 vừa qua.
TT Hoa Kỳ Barack Obama nhạo báng hỏa tiễn của Bắc Hàn không khác gì quả "pháo xịt", chỉ đổ tiền xuống biển trong khi dân chúng đang đói nhăn răng. Trả lời cuộc phỏng vấn trên truyền hình, TT Obama nói, Bắc Hàn đã phóng hỏa tiễn hơn chục năm nay, nhưng... kỹ thuật của họ không giỏi lắm. Ông cho rằng, tuy không thành công, Hoa Kỳ vẫn vô cùng quan ngại. Hoa Kỳ sẽ cùng các nước tiếp tục trừng phạt Bắc Hàn.
Chuyện lùm xùm từ ngày 16/03, với tuyên bố của Bắc Hàn là nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Kim Nhật Thành -15/04, trong khoảng từ ngày 12 tới 16/04 họ sẽ phóng hỏa tiễn Unha-3 đưa vệ tinh quan sát Kwangmyongsong-3 lên quỹ đạo. Bình Nhưỡng khẳng định vụ phóng vệ tinh này chỉ đơn thuần phục vụ mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Đại Hàn cùng một số nước khác lại cho rằng đó là một cuộc thử hỏa tiễn tầm xa, vốn bị HĐBALHQ cấm theo Nghị quyết 1874, đồng thời phá vỡ thỏa thuận phi hạt nhân Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn mới đạt được.
Theo thông tin Daily Telegraph thu thập được, Bắc Hàn bỏ ra khoảng 850 triệu Mỹ kim cho vụ phóng hỏa tiễn đưa vệ tinh vào vũ trụ. Số tiền này có thể mua được 2 triệu 500 ngàn tấn ngô, 1 triệu 400 ngàn tấn gạo, nuôi sống hàng triệu người dân đang sống dở chết dở vì nạn thiếu lương thực. Theo thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn thông qua ngày 29/02/2012, Bình Nhưỡng sẽ ngừng chương trình làm giàu uranium và các vụ thử hỏa tiễn cũng như cho phép các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc trở lại Bắc Hàn, đổi lấy 240.000 tấn lương thực do Hoa Kỳ viện trợ. Thỏa thuận có tính đột phá này dấy lên triển vọng nối lại vòng đàm phán 6 bên về các chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, nhưng đã thất bại vì vụ phóng hỏa tiễn của Bình Nhưỡng. Bắc Hàn phóng hỏa tiễn không khác gì tự xé bỏ thỏa thuận trên, tất nhiên sẽ không được nhận số lương thực đó, cuối cùng chỉ khổ người dân hiền lành vô tội đang phải nhịn đói hằng ngày.
Ngoại trưởng nhiều nước cũng lên án hành động ngang ngạnh của lãnh tụ nhóc Kim Chính Ân. Bộ trưởng Ngoại giao Đại Hàn nói vụ phóng hỏa tiễn của Bình Nhưỡng là hành động khiêu khích. Hán Thành đã điều động ít nhất hai tàu chiến và trực thăng đến khu vực được cho là hỏa tiễn rớt xuống để xác định vị trí chính xác và tìm kiếm mảnh vỡ và tìm hiểu thêm hỏa tiễn của Bắc Hàn. Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle cũng phê phán Bắc Hàn phóng hỏa tiễn là hành động ngang ngược. Ông kêu gọi HĐBALHQ phải có phản ứng mạnh mẽ. Ngoại trưởng Anh William Hague kêu gọi cộng đồng quốc tế phải có phản ứng mãnh liệt đối với hành động ngang ngược của Bình Nhưỡng. Nhật Bản nói Bắc Hàn phóng hỏa tiễn là "hành động khiêu khích vô cùng nghiêm trọng". Trong khi đó, Lý Bảo Đông, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc, lại bao che cho Bắc Hàn, đề nghị các nước nên làm mọi điều có thể để giảm căng thẳng, không nên đổ thêm dầu vào lửa...
Canh bạc quân sự thất bại thảm hại
Tin Bắc Hàn phóng hỏa tiễn ngày 13/04 thất bại thảm hại khiến cho tình hình bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á vốn đã căng thẳng lại càng căng thẳng hơn. Nhiều người lo ngại lãnh tụ nhóc Kim Chính Ân xấu hổ vì phóng hỏa tiễn thất bại sẽ làm liều theo kiểu "nhất anh hùng nhì cố cùng". Các nước ở khu vực Đông Á như Đại Hàn và Nhật Bản... lập tức tăng cường cảnh giác, chuẩn bị đối phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Lãnh tụ nhóc Kim Chính Ân kế tục sự nghiệp của lãnh tụ cha chưa được nửa năm (12/2011 - 04/2012) đã thực hiện di chúc của Kim Cha tiếp tục đường lối quân sự cứng nhắc, đặc biệt là "di huấn" về tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân, sinh hóa. Theo tin của tuần báo Nhật Bản Shukan Bunshun, số ra ngày 12/04/2012, Kim Chính Nhật để lại di chúc ra lệnh phải phát triển các loại vũ khí hạt nhân, sinh học, tên lửa đạn đạo. Di chúc có đoạn viết: "Luôn luôn nhớ rằng phát triển liên tục và duy trì vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo và vũ khí sinh học là phương cách duy nhất để bảo vệ hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Không bao giờ được mất cảnh giác".
Bắc Hàn bất chấp lời khuyên bảo của cộng đồng quốc tế kiên trì phát triển vũ khí hạt nhân là nguyên nhân gây ra tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và khu vực Đông Á. Kim Chính Ân kế tục sự nghiệp Kim Cha chưa được bao lâu, đã liều mạng ra lệnh phóng cái mà họ gọi là "vệ tinh thời tiết vào quỹ đạo", thực chất là một vụ thử hỏa tiễn đạn đạo, một trong những bước thực hiện di chúc của Kim Cha khiến cho thế giới chú ý đến. Đặc biệt lần này Bình Nhưỡng thay đổi thái độ che giấu vốn có của mình, mời ký giả ngoại quốc đến chứng kiến. Sáng 13/04, hàng trăm ký giả ngoại quốc đã ngồi tại khách sạn Yanggakdo chờ đợi tuyên bố chính thức từ chính phủ Bắc Hàn đã ngơ ngác khi nghe tin "canh bạc quân sự của Kim Chính Nhật thất bại thảm hại".
Màn diệu võ dương oai, cố tình phô trương uy thế và sức mạnh hạt nhân để khoe khoang hoặc đe dọa thiên hạ của Bình Nhưỡng thất bại thảm hại đã khiến các nước lân cận như Đại Hàn, Nhật Bản và cả Trung Quốc vô cùng căng thẳng, lo sợ khu vực Đông Á có nguy cơ không ổn định.
Điều vô cùng ngạc nhiên là, mấy tiếng đồng hồ sau khi phóng hỏa tiễn lên không, Bắc Hàn chính thức thừa nhận hỏa tiễn không vào quỹ đạo. Morris Jones, một phân tích gia không gian độc lập, người theo dõi các chương trình hỏa tiễn ở Châu Á, nói rằng ông ngạc nhiên khi Bắc Hàn thừa nhận thất bại. Theo ông, vụ phóng thất bại được coi là một trở ngại đáng kể cho chương trình hạt nhân của Bắc Hàn, cũng là sự mất mặt đối với Kim Chính Ân. Ông nghĩ, Bắc Hàn buộc phải thừa nhận thất bại vì sự hiện diện của đông đảo ký giả nước ngoài được mời đến để tận mắt chứng kiến. Những lần phóng hỏa tiễn hay vệ tinh vào năm 1998 và 2009 tuy đã thất bại, Bình Nhưỡng vẫn một mực công bố họ phóng thành công ít nhất một vệ tinh vào quỹ đạo, còn khoe khoang vệ tinh đó phát ra các bài ca "cách mạng" và "yêu nước".
Cuộc phóng hỏa tiễn lần này thành công hay thất bại, đối với an ninh các nước Châu Á đều đáng quan ngại. Thành công... chứng tỏ kỹ thuật hạt nhân của Bắc Hàn đạt được trình độ nhất định, tăng thêm sự uy hiếp đối với an ninh toàn thế giới. Trước ngày Bắc Hàn phóng hỏa tiễn họ nói là "phóng vệ tinh thời tiết vào quỹ đạo", Nhật Bản từng tuyên bố sẽ ngăn chặn. Nếu xảy ra tình trạng này, chắc chắn cuộc xung đột sẽ càng leo thang, càng khiến cho nhiều người lo lắng. Thất bại... nhân dân toàn thể giới có "ngủ yên" hay không? Câu trả lời chắc chắn là "không", lý do vì nhiều người lo sợ Kim Chính Ân mắc cỡ rồi ngông cuồng, gây ra những chuyện rắc rối khác.
Trong tuần vừa qua, Kim Chính Ân lần lượt được đề cử giữ các chức vụ quan trọng: Bí thư Thứ nhất Đảng Lao Động và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng. Điều này chứng tỏ Bắc Hàn muốn Kim Chính Ân nắm hết các quyền lãnh đạo đảng, quân đội và nhà nước trước ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhật của ông nội Kim Nhật Thành. Phóng hỏa tiễn vào dịp này cũng có dụng ý đó. Bề ngoài Bình Nhưỡng rêu rao là phóng vệ tinh để kỷ niệm 100 ngày sinh Kim Nhật Thành, thực ra là đề cao uy tín của lãnh tụ nhóc Kim Chính Ân. Không may, hỏa tiễn trở thành "trái pháo xịt ngòi", những người liên quan đến kế hoạch đó may ra có thể thoát khỏi tội chết, nhưng không sao thoát khỏi tù đày. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là, Kim Chính Ân mất mặt trong vụ thử hỏa tiễn lần này, thế nào cũng tìm đủ mọi cách lấy lại thể diện của mình. Như vậy việc thử vũ khí hạt nhân là điều không thể tránh khỏi. Như chúng ta đã biết, trước ngày Bắc Hàn thử hỏa tiễn thất bại, hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một nguồn tin giấu tên trong cơ quan tình báo của Đại Hàn cho hay: nhiều dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng đang chuẩn bị thử vũ khí hạt nhân lần thứ ba tại thị trấn Punggye-ri, huyện Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong ở phía đông bắc. Đó là nơi họ từng tiến hành thử hạt nhân vào năm 2006 và 2009. AFP dẫn lời một quan chức Đại Hàn giấu tên nói: "Những hình ảnh vệ tinh gần đây khiến chúng tôi kết luận rằng Bắc Hàn đang bí mật đào một đường hầm tại địa điểm thử vũ khí hạt nhân, bên cạnh hai đường hầm họ đã đào trong các vụ thử trước".
Hán Thành cũng lo ngại: Bình Nhưỡng phóng hỏa tiễn tầm xa thất bại có thể gây ra những vụ khiêu khích đối với Đại Hàn, phe quá khích ở Bắc Hàn trỗi dậy, quan hệ nam bắc Hàn sẽ vô cùng căng thẳng. Điều đáng buồn hơn nữa là, trước đây Bình Nhưỡng và Hoa Thịnh Đốn từng cử người bí mật gặp nhau ở Bắc Kinh, ngày 29/02/2012, hai bên thỏa thuận với nhau Bình Nhưỡng ngừng chương trình làm giàu uranium và các vụ thử hỏa tiễn đổi lấy 240.000 tấn lương thực do Hoa Kỳ viện trợ, tại sao chỉ một tháng sau lại thay lòng đổi dạ?
Bắc Hàn "bế môn tỏa cảng" gần nửa thế kỷ, đất nước nghèo rớt mồng tơi, khi thay đổi người lãnh đạo, thế giới bên ngoài nghĩ rằng có thể nhân cơ hội này Bình Nhưỡng thay đổi chính sách cũ kỹ của mình để xây dựng lại đất nước. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn khác với những điều người ngoài suy đoán. Kế hoạch phóng hỏa tiễn lần này nếu không phản ánh tính "ngựa non háu đá" của lãnh tụ nhóc Kim Chính Ân, cũng thể hiện rõ tham vọng của đương sự là muốn đề cao uy tín của mình bằng một "canh bạc quân sự vô cùng mạo hiểm". Bất luận lý do gì, đều cho thấy sau khi Kim Chính Ân lên nắm đại quyền, bán đảo Triều Tiên không sao ổn định. Có thể nói cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân phiêu lưu của Bắc Hàn lần này là cuộc chiến không nắm chắc phần thắng trong tay, nó đã thất bại hoàn toàn. Cũng có thể nói đó là canh bạc quân sự đã khiến cho Kim Chính Ân vô cùng nhục nhã.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment