Trong hoàn cảnh bị công an cùng với côn đồ khủng bố, đe dọa đối với một người phụ nữ tàn tật, đơn thân như Trân Thị Nga, phải là người có thần kinh thép hoặc có lòng tin rất cao vào sự chiến thắng của cái thiện mới không bị điên.
Trong vòng mấy năm nay, cô liên tục bị khủng bố: đổ mắm tôm vào nhà 2 lần, nhét keo 502 vào ổ khóa 2 lần, khóa cửa và buộc dây thép bên ngoài nhốt cô trong nhà, quẳng truyền đơn vào nhà 6,7 lần. Tết vừa rồi, có lúc hàng trăm công an cả sắc phục lẫn thường phục bao vây quanh nhà, đi đường bị ép xe đe dọa giết. Hôm 23, 24/3 vừa rồi, bị rào lối thoát hiểm, bị đánh và cướp máy ảnh.
Trong vòng mấy năm nay, cô liên tục bị khủng bố: đổ mắm tôm vào nhà 2 lần, nhét keo 502 vào ổ khóa 2 lần, khóa cửa và buộc dây thép bên ngoài nhốt cô trong nhà, quẳng truyền đơn vào nhà 6,7 lần. Tết vừa rồi, có lúc hàng trăm công an cả sắc phục lẫn thường phục bao vây quanh nhà, đi đường bị ép xe đe dọa giết. Hôm 23, 24/3 vừa rồi, bị rào lối thoát hiểm, bị đánh và cướp máy ảnh.
Chúng tôi nhận thấy công an địa phương trấn áp cô một cách hết sức ngang nhiên. Ngang ngược tới mức công an đứng canh cho côn đồ đánh và cướp máy ảnh của cô giữa ban ngày.
Thấy chúng tôi đến, bé Phú sợ hãi nép vào góc nhà, chắc cháu tưởng chúng tôi đồng bọn với những người khủng bố mẹ con cháu hàng ngày.
Trên đường đưa Nga về Hà Nội lánh nạn, Nga kể:
- Sáng nay, khi cháu tiễn khách thì có hai thằng xông vào cướp máy ảnh của cháu. Khách của cháu ra khỏi nhà cháu được mấy chục mét cũng bị cướp điện thoại nhưng không được. Lúc ấy có tay Công phòng bảo vệ chính trị công an tỉnh Hà Nam, một tay mặc sắc phục cảnh sát giao thông. Khi cô nắm tay viên cảnh sát giao thông yêu cầu can thiệp: Anh là công an, anh thấy tôi bị cướp thì phải giúp tôi chứ.” Nhưng hắn không nói gì.
Cháu giằng co với hai thằng khá lâu, chừng hơn chục phút. Đến khi chúng dọa “gọi công an phường”, cháu sợ quá đành bỏ máy cho chúng, chạy vào nhà đóng chặt cửa lại.
Tôi hỏi:
- Tại sao cháu bị cướp mà nghe cướp dọa gọi công an cháu lại sợ?
- Cháu chỉ sợ công an đến bắt cháu, mang cháu đi. Vào tay họ, cháu chẳng biết thế nào. Nghe thấy chuyện công an đánh chết dân trong đồn, nhiều người chết ở đồn công an lại bảo là họ treo cổ tự tử nên cháu sợ.
Có nơi nào như thế này không? Thường là người bị cướp thấy cảnh sát là phải mừng chứ, cướp phải bỏ chạy chứ. Đằng này cướp mang công an ra dọa người bị cướp, mà làm cho người bị cướp sợ thật. Trắng trợn như vậy, thật không còn gì để nói. Người dân bị cướp lại bị kẻ cướp mang công an ra dọa. Mà khi chúng cướp được rồi, cô chưa kịp báo thì công an đã tới …
Cô kể tiếp:
- Sau khi cháu chạy vào nhà đóng chặt cửa lại thì ông Hậu phó công an phường, Hoàng Tuấn Anh là công an khu vực đến goi cửa với thái độ rất hách dịch, bảo:
- Tôi yêu cầu chị lên công an phường làm việc vì có người trình báo chị chụp ảnh họ. Nếu chị không đi thì chúng tôi sẽ lập biên bản và cưỡng chế.
Cháu bảo: tôi không làm việc với các anh lúc này vì đằng sau các anh là những kẻ cướp tài sản của tôi. Chỉ khi có những người bạn tôi tin cậy đi cùng, tôi mới dám làm việc với các anh.
Họ cứ đứng trước nhà canh, yêu cầu người dân làm chứng để họ lập biên bản nhưng người dân từ chối.
Cháu sợ quá, nhất định không mở, chỉ sợ họ bắt mẹ con cháu mang đi. Mãi đến khi các chú, các anh từ Hà Nội về, cháu mới dám mở.
Vậy trong vụ cướp này, ai là thủ phạm, công an hay côn đồ? Có thể thấy rõ, công an chủ trương cho côn đồ trực tiếp làm việc ấy. Điều kỳ lạ hơn là cướp của người ta xong thì công an mời người bị hại lên làm việc về việc mang máy ảnh ra chụp họ.
“Thi hành công vụ” tại nhà cô Nga
Khi ở nhà Nga, chúng tôi mở cửa sau quan sát hai đầu của lối thoát hiểm đều bị rào kín bằng dây thép gai. Cẩn thận hơn, chúng dùng thêm cả sắt D14. Vì sao chúng phải rào? Điều này cũng dễ hiểu: nếu bị tấn công bằng vũ lực hay bị phóng hỏa thì mẹ con Nga không còn đường thoát.
Một người đàn bà với một đứa trẻ lên 2 sống trong tình trạng như thế thì thật là hãi hùng.
Mười anh em chúng tôi cùng Nga ra công an phường. Chuyện ở trụ sở công an phường Hai Bà Trưng, tôi chỉ nêu ra mấy sự việc ấn tượng hơn cả:
Họ cứ khăng khăng yêu cầu chúng tôi ra khỏi phòng tiếp dân, chỉ tiếp mình Nga, trong khi chúng tôi ngồi vừa đủ hai dãy ghế kê dọc hai bên. Hẳn là hai dãy ghế này dùng cho dân ngồi chứ không phải là kê để chơi. Khi họ làm việc đàng hoàng, sao lại sợ chúng tôi chứng kiến mặc dù chúng tôi cam kết chỉ ngồi quan sát khi họ làm việc với Nga và chờ đến lượt mình tố cáo việc bị đe dọa, bị ném đá? Có phải là bí mật quốc gia đâu? Sao có ghế để tiếp dân lại không cho chúng tôi ngồi?
Một người mặc thường phục từ trong ra nói với 5, 6 cậu công an trẻ đứng xung quanh đấy, ra lệnh đầy quyền uy:
- Yêu cầu các đồng chí đưa hết mọi người ra ngoài.
Nguyễn Hữu Vinh nói:
- Trước hết, người cần ra ngoài là anh. Chúng tôi thì đã rõ, còn anh là ai?
- Tôi là trưởng công an phường.
- Lấy gì để chứng minh anh là trưởng công an phường? Sắc phục công an đâu? Biển tên đâu?
Lúng túng một lúc, ông ta vào trong, mặc đầy đủ trang phục ngành. Lúc này mọi người mới biết ông là Nguyễn Hồng Thanh.
Trưởng công an thì thế, còn phó thì sao? Khi được góp ý khi tiếp công dân không được đứng chắp tay sau đít như thế, anh ta vênh mặt lên:
- Tác phong của tôi như thế đấy.
Tôi đang ngồi ở dãy ghế dài, bật dậy. Tôi nhìn vào ngực anh ta: “Cậu nói thế phải không? Tên là Hậu à? Tác phong của tôi như thế đấy à? Cậu nhớ cho nhé”.
Và anh ta cứ như thế thật, một lúc lâu như thách thức chúng tôi cho tới tận khi Nguyễn Hữu Vinh mang máy ra quay, anh ta mới bỏ tay xuống.
Có một điều vô lý mà họ không thể trả lời nổi là không chịu viết biên nhận đơn tố cáo của Nga. Chúng tôi yêu cầu:
- Một là các anh nhận đơn của cô Nga thì viết giấy biện nhận.
- Hai là không nhận đơn thì cũng phê vào là tôi không nhận.
Một điều đơn giản như thế thôi, tức là xác nhận sự việc (nhận đơn hay không nhận đơn) mà một trung tá công an không dám quyết. Lúc này, tất cả đã lui đi hết, chỉ còn viên trung tá Nguyễn Đức Hiệp làm việc với chúng tôi, bên cạnh là cô Hằng trực ban. Trước yêu cầu hợp lý của chúng tôi, ông Hải chạy vào chạy ra mấy lần xin ý kiến nhưng vẫn không dám xác nhận, tất nhiên không thể trả lời tại sao.
Thái độ tiếp dân, trình độ am hiểu luật pháp của họ là như thế đấy.
Những chuyện khác ở công an phường Hai Bà Trưng, chuyện chúng tôi đến nhà Nga công an ập đến ra sao, lưu manh côn đồ đe dọa, mật vụ theo dõi chúng tôi thế nào, nhiều blogger tường thuật tương đối chi tiết dưới những góc nhìn khác nhau (mời bạn đọc xem theo đường link cuối bài viết này). Qua đó, chúng tôi thấy một điều là công an ở đây không bảo vệ Trần Thị Nga mà bảo vệ cho lưu manh côn đồ. Nói chính xác là dùng lưu manh côn đồ để khủng bố cô.
Những điều này lý giải thêm vì sao sau khi tìm hiểu tình hình, chúng tôi quyết định “giải cứu” cô, đưa cô đi lánh nạn ngay, thậm chí không dám quay lại nhà lấy một số đồ dùng cần thiết.
26/3/2012
TƯỜNG THỤY
________________________________________________________________________________
Thông báo về việc cô Trần Thị Nga lánh nạn ở nhà tôi
Nguyễn Tường Thụy
20 giờ 30 phút ngày hôm qua 26/3/2012, tôi đã đón cô Trần Thị Nga về ở nhà tôi.
Cô Nga đã gửi đơn kêu cứu tới Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan. Cô sẽ ở lại Hà Nội đến khi nhận được hồi âm của bà Phó chủ tịch nước thì mẹ con cô mới có thể yên tâm về nhà.
Cô mang theo cháu Phú 2 tuổi chạy trốn khỏi nơi cư trú ở thành phố Phủ Lý (Hà Nam) lên Hà Nội vào ngày 24/3/2012 trước sự khủng bố, đe dọa đến tính mạng mẹ con cô như nhiều người đã biết.
Sau khi đón cô Nga, tôi đã báo công an xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Tp Hà Nội về việc lưu trú của cô Nga theo đúng luật cư trú.
Mặc dù vậy, vào lúc 23 giờ 38 phút, khi gia đình tôi và mẹ con cô đã tắt đèn đi ngủ, một tổ công an huyện và xã vào kiểm tra giấy tờ tùy thân của cô Nga. Khi thấy cô có giấy tờ hợp lệ, họ ra về.
Tổ công an này gồm 3 công an huyện Thanh Trì và 1 công an xã Vĩnh Quỳnh.
Vì vậy, tôi viết thông báo này để nói lên sự rõ ràng minh bạch trong việc gia đình tôi cưu mang mẹ con cô trong thời gian ở nhà tôi.
Do mẹ con cô Nga bị đe dọa đến tính mạng, cô phải lên đây lánh nạn. Hoàn cảnh mẹ con cô hiện rất khó khăn. Việc làm của gia đình tôi hoàn toàn vì lòng nhân ái, ngoài ra không có mục đích nào khác.
Tôi và các thành viên trong gia đình sẽ làm hết sức mình để bảo vệ và giúp đỡ mẹ con cô.
Nếu có chuyện gì xấu xảy ra đối với cô Nga hoặc gia đình tôi xuất phát từ sự việc trên, tôi đề nghị công luận cùng bạn hữu lên tiếng và có biện pháp bảo vệ chúng tôi.
Ngày 27/3/2012
Nguyễn Tường Thụy
0 comments:
Post a Comment