Đã có nhiều vụ bắt giữ ngư dân Việt ở gần Hoàng Sa
Trung Quốc lại bắt hai tàu cá với 21 ngư dân huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, giam giữ họ 20 ngày nay và đang đòi tiền chuộc.
Truyền thông trong nước cho biết 21 thuyền viên trên hai tàu QNg 66074 TS và QNg 66101 TS, do hai ông Trần Hiền và Lê Vinh làm thuyền trưởng, bị Trung Quốc bắt khi đang hoạt động nghề cá gần quần đảo Hoàng Sa hôm 3/3.
Những người này, chủ yếu là dân xã An Vĩnh, Lý Sơn, hiện đang bị giữ trên đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa, trong khi phía Trung Quốc gọi điện cho gia đình của họ đòi tiền chuộc.
Số tiền chuộc được nói là 70.000 Nhân dân tệ, tức khoảng 11.000 đôla Mỹ, nhưng chưa rõ là cho một tàu hay cả hai.
Thân nhân các ngư dân được khuyến cáo không trả tiền chuộc và giới chức địa phương ở Lý Sơn đã liên lạc với tỉnh và trung ương kêu gọi giúp đỡ.
Đây là sự kiện mới nhất trong nhiều vụ Trung Quốc bắt giữ ngư dân Việt Nam, chủ yếu là ngư dân Quảng Ngãi trong vùng biển mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Trung Quốc đã chiếm hoàn toàn quần đảo Hoàng Sa và tuyên bố vùng biển xung quanh là lãnh thổ "không thể tách rời" của họ.
Đánh đập ngư dân
Tuy nhiên giới chức Trung Quốc cũng luôn bác bỏ cáo buộc rằng đã có chuyện đánh đập ngư dân Việt Nam.
Báo Sài Gòn Tiếp thị dẫn nguồn Ủy ban Nhân dân huyện Lý Sơn nói hôm 27/2, hai tàu cá của Lý Sơn khi hành nghề trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa đã "bị phía Trung Quốc đập phá tài sản, xua đuổi không cho đánh bắt".
Hai tàu này được nói mang số hiệu QNg 96197 TS với 15 thuyền viên và QNg 96103 TS với 16 người.
Sài Gòn Tiếp thị cho hay "tài sản ngư dân hai tàu nói trên bị đập phá là thúng chai, ca bin tàu, dây hơi lặn và lương thực, thực phẩm..."
Trước đó, báo Việt Nam cũng nói vào ngày 22/2, 11 ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trên tàu cá QNg 90281 TS khi đi vào quần đảo Hoàng Sa để tránh gió đã "bị Trung Quốc dùng vũ lực ngăn cản".
Các ngư dân này còn cáo buộc đã "bị đánh đập, lục soát và tịch thu tài sản".
Sau đó đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đến Tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối và yêu cầu nước này bồi thường cho ngư dân.
Người phát ngôn bộ này, ông Lương Thanh Nghị, đã lên án hành động của phía Trung Quốc là "xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần đối xử nhân đạo đối với ngư dân, đe dọa nghiêm trọng tính mạng và gây thiệt hại nặng nề về tài sản cho ngư dân Việt Nam".
Ông cũng tái khẳng định rằng "Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa" và việc ngư dân Việt Nam hoạt động cá tại các vùng biển thuộc Hoàng Sa và Trường Sa "là việc làm bình thường̀ từ bao đời nay và phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế”.

BBC