Mô hình nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận
Nguyễn Khắc Nhẫn (RFA) - Ông Nguyễn Khắc Nhẫn, nguyên Cố vấn Nha kinh tế, dự báo, chiến lược EDF Paris, GS Trường Đại học Bách khoa Grenoble, GS Viện kinh tế, chính sách năng lượng Grenoble trả lời phỏng vấn RFA về chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bài học cay đắng của Fukushima và Tchernobyl
RFA: Xin Giáo sư cho biết tại sao có người cho rằng thảm họa Fukushima là do thiên tai động đất và sóng thần chứ không phải là do công nghệ tinh xảo của điện hạt nhân. Tchernobyl và Fukushima có khác nhau lắm không?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Cách đây đúng một năm trời, ngày 11-3-2011, ở Nhật Bản, trận động đất 8.9° Richter và sóng thần khủng khiếp tiếp theo đã làm 16000 người thiệt mạng, 6000 người bị thương, 7500 người mất tích. Cả thảy trên 112000 dân phải di tản xa nhà máy Fukushima 30 km.
Theo Viện bảo vệ phóng xạ và an toàn hạt nhân Pháp (IRSN), chúng ta chứng kiến một Tchernobyl cục bộ, vùng bị ảnh hưởng nhỏ hơn, nhưng sự ô nhiễm phóng xạ thì không khác nhau bao nhiêu (iode 131 và césium 137 thải ra bằng 42% của Tchernobyl). Theo Norwegian Institute for Air Research, Xénon 133 thoát ra ngay sau khi động đất, trước sóng thần.
70% tâm lò số 1 bị nóng chảy (2300°) 3 giờ sau động đất, 33% tâm lò số 2 bị nóng chảy 77 giờ sau động đất, và một phần tâm lò số 3 bị nóng chảy 40 giờ sau động đất.
Trái với Tchernobyl mà vụ nổ rất lớn của lò phản ứng số 4 RBMK 1000 MW, đang hoạt động, đã làm tung lên cao nhiều cây số những hạt bụi, tạo nên đám mây phóng xạ, thì ở Fukushima, vì các lò phản ứng đã ngừng hoạt động, phóng xạ thoát ra nằm ở độ cao thấp hơn. Tuy nhiên, ở Nhật Bản, người ta có cảm tưởng đứng trước một thảm cảnh rùng rợn hơn vì khó mà tin rằng có thể quản lý được tình trạng hỗn loạn của 6 lò phản ứng, tổng cộng 4680 MW, của nhà máy Fukushima Daiichi 1, mà ở đây các vụ nổ cứ nối tiếp nhau.
Một ủy ban độc lập điều tra Nhật Bản vừa tiết lộ rằng chính phủ đã dự trù những kế họach đại quy mô để di tản Tokyo (13 triệu dân, chưa kể 22 triệu vùng lân cận) vài ngày sau khi thảm họa bắt đầu, vì chưa biết có thể khống chế đựợc tai biến Fukushima không. Ủy ban cũng cho hay là nếu Thủ tướng Naoto Kan lúc bấy giờ không ra lệnh cho tập đoàn điện lực TEPCO và giám đốc nhà máy phải giữ nguyên nhân viên tại chỗ để tiếp tục làm lạnh các lò thì hậu quả sẽ thảm khốc hơn nhiều.
Đất và nước biển của một khu vực rộng lớn đã bị phóng xạ ô nhiễm trầm trọng. 2 triệu dân trong tỉnh Fukushima sẽ được các cơ sở y tế kiểm tra thường xuyên, 360000 cháu bé sẽ được theo dõi cho đến tuổi 20 vì ung thư tuyến giáp chỉ phát hiện sau 5 năm. Hiện nay, nhiều em bé ở cách xa Fukushima 220 km mà cũng bị ô nhiễm.
Dần dần, người ta phát hiện ra rằng TEPCO đã nhiều lần nói dối, cũng như các nhà chức trách Nhật Bản, đặc biệt là cơ quan an toàn hạt nhân (NISA) không độc lập, bị quá tải bởi các sự kiện xảy ra. Phải nhìn nhận là việc xử lý biến cố thiếu phối hợp vì phân chia trách nhiệm không minh bạch và mức độ tin tưởng ở công nghệ quá cao. Vì sự khiếm khuyết của một hệ thống thiết kế chưa hoàn bị nên khó đối phó được với các tình huống đặc biệt phức tạp. Sự thiếu liên lạc mật thiết với cơ quan AIEA ở Vienne (mà vai trò cần phải được xem xét và xác định chu đáo lại) càng làm nghiêm trọng thêm tình hình.
Từ trước đến nay, các nhà lãnh đạo và các chuyên gia trong lĩnh vực hạt nhân luôn khẳng định là các lò phản ứng phương Tây hết sức an toàn và một Tchernobyl thứ hai không thể nào tái diễn được, nhờ ở sự hiện diện của vỏ bảo vệ (enceinte de confinement) trong các lò PWR hay BWR. Tiếc thay bài học Tchernobyl không được cân nhắc và nghiên cứu tỉ mỉ.
Không thể nói rằng Tchernobyl xảy ra là vì công nghệ và Fukushima vì thiên tai. Sự thật, lỗi của con người trong hai thảm họa này rất lớn về thiết kế cũng như về khai thác.
Chúng ta khó hiểu tại sao, sau Hiroshima và Nagasaki đã gây ra hàng trăm ngàn nạn nhân nguyên tử, các kĩ sư Nhật Bản lại phiêu lưu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên một lãnh thổ nhỏ hẹp mà nguy cơ động đất và sóng thần hết sức cao. Xin phép nhắc lại đây 2 tai biến chính: 1-9-1923, một trận động đất mạnh 7.9° Richter, theo sau bởi sóng thần, đã tàn phá Tokyo và vùng Kanto, làm ít nhất 150000 người chết ; 17-1- 1995, thành phố Kobe rung chuyển bởi trận động đất mạnh 7.2° Richer, gây ra 6500 nạn nhân.
Bất chấp nguy hiểm thường trực trên đầu chúng ta, các lobby hạt nhân vẫn bình thản đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lò phản ứng từ nay đến 2035! Fukushima đã ngăn chặn tham vọng này.
Xin mời những ai có trách nhiêm trong lĩnh vực hạt nhân bỏ chút thì giờ, chịu khó đọc tác phẩm của nhà báo Wladimir Tchertkoff (Le crime de Tchernobyl, le goulag nucléaire) xuất bản năm 2006. Làm sao không khỏi xúc động khi khám phá ra rằng: 8 triệu người đang sống ở vùng bị nhiễm độc kéo dài hàng trăm năm, nông dân nghèo phải nuốt hằng ngày césium 137 chứa trong thực phẩm. Những bà mẹ vô tình gây nhiễm độc cho con cháu. Những em bé này sẽ lâm nhiều bệnh tật vì chúng được nuôi dưỡng bằng các chất phóng xạ suốt sáng, trưa, chiều tối! Thường dân vô tội vẫn tiếp tục chết vì ung thư tuyến giáp (nhất là trẻ em nhỏ tuổi), ung thư vú, tiểu đường, bạch cầu… Những lobby hạt nhân đã tìm mọi cách để bóp nghẹt tin tức về tai biến Tchernobyl (một thảm họa mở màn cho sự sụp đổ của Liên xô) và che lấp tiếng la hét xót xa đau khổ của những kẻ vô tội còn sống ở trong các vùng bị nhiễm.
Theo nhà xã hội học Frédérick Lemarchand, phụ trách Cực rủi ro của đại học Caen (báo le Monde ngày 19-4-2011) Tchernobyl và Fukushima mở đầu cho loại thảm họa kiểu mới, mà loài người chưa bao giờ thử nghiệm, vì nó triển khai trong một thời gian hết sức lâu dài, đồng thời tăng cường với đời sống sinh vật mà nó hủy diệt. Nó quyết định đời sống sinh vật, xã hội và tâm lý của bao nhiêu thế hệ con người nay chưa sinh nở mà sự tồn tại trong tương lai đã bị hạt nhân đô hộ.
Chúng ta còn nhớ lời tuyên bố vô trách nhiệm và khiêu khích của cựu tổng giám đốc AIEA: nhân loại có thể chịu đựng được một Tchernobyl mỗi năm!
Ở Ukraine, những liquidateurs, thương binh, nhiều nhà khoa học và bác sĩ tiếp tục đấu tranh trong sự tuyệt vọng để chống lại sự lãng quên. Theo Larisa Yanovych, ở bệnh viện Kiev, phụ trách theo dõi y tế, khoảng hai triệu người là nạn nhân của thảm họa Tchernobyl. Hội nghị của các nước tài trợ khai mạc ở Kiev ngày 19-04-2011, chủ yếu quan tâm đến nguồn tài chính cho việc xây dựng nhà bao bọc (sarcophage) mà chi phí hiện nay đã lên quá 1,5 tỉ euros. Sarcophage rất đồ sộ, nặng 30 000 tấn, cao 110 m, dài 164 m và rộng 257 m sẽ hoàn thành vào năm 2015. Ngân hàng châu Âu dành cho việc tái xây dựng và phát triển (BERD) quản lý nguồn vốn này. Nhà bao bọc thứ hai này trên lý thuyết có thể tồn tại được một thế kỷ, nhà bao bọc thứ nhất xây dựng vội vàng đã bị hư hỏng nhiều nơi. Như thế cứ 100 năm con cháu ta phải tiếp tục xây một sarcophage khác!
Tchernobyl xảy ra tại một quốc gia toàn trị bên bờ phá sản và một nền công nghiệp đang hấp hối, trong khi Fukushima đột ngột giáng xuống một nước có robot vô cùng tinh vi. Vết châm kim nhắc nhủ mối hiểm nguy ác nghiệt của hạt nhân sau 25 năm liệu có đủ hay còn phải cần nhiều Tchernobyl khác, mà ta có thể tiên đoán được, mới xóa bỏ sự điên cuồng của loài người? Fukushima không phải là một tai biến mới bắt đầu mà là một Tchernobyl đang tiếp diễn. Giải thưởng Nobel kinh tế Ấn độ, Amartya Sen, đã tuyên bố rằng hạt nhân không phải là lời giải của bài toán năng lượng thế giới.
Với nhà báo nổi tiếng Kamata Sathóhi, Kenzaburô Ôé, Nobel văn chương của Nhật Bản, đã tổ chức phong trào (Sayonora Genpatsu – Từ giã hạt nhân) chống điện hạt nhân và đã đi biểu tình phản đối ở Tokyo.
Nhà văn Nhật Bản Yoko Tawada nghi rằng sở dĩ nước ông làm điện hạt nhân là vì có ẩn ý muốn làm bom nguyên tử khi cần thiết. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì một lò PWR 1000 MW, sau mỗi năm họat động có thể cho 200 kilo tương đương Plutonium (Pu). Phần đông các nước có bom nguyên tử đều bắt đầu với điện hạt nhân.
Đứng về phương diện trí tuệ, có thể làm an tâm nhưng hoàn toàn vô trách nhiệm nếu cứ đổ thừa cho thiên tai: động đất và sóng thần. Nhà xã hội học người Anh, Anthony Giddens, khuyên chúng ta nên chia ra làm hai loại nguy cơ: nguy cơ bên ngoài liên quan đến thiên nhiên (lũ lụt, động đất, bão tố…) mà tổ tiên chúng ta đã thừa biết và nguy cơ do chúng ta tạo ra, liên quan đến các hoạt động của con người (ô nhiễm công nghiệp, thay đổi khí hậu, thảm họa hạt nhân…). Chúng ta không có kinh nghiệm về các loại nguy cơ thứ hai này vì chúng ta đang tạo ra nó và chúng ta đơn giản hóa đến mức tối thiểu bằng cách cho là do thiên nhiên. Đó là lí do tại sao chúng ta không thể đánh giá được mức độ khủng khiếp của nó và đối mặt với nó được. Sự thiếu năng lực, tham nhũng, tính kiêu ngạo, chưa kể sự dối trá, góp phần nhân rộng và làm tăng các mối nguy cơ này trên thế giới.
Không có lò phản ứng nào an toàn được
Bản đồ khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của trận động đất ở Nhật hôm 11-3-2011. AFP
RFA : Nga và Nhật bản đã tuyên bố với Việt Nam là lò của họ sắp bán cho ta là được bảo đảm an toàn. Giáo sư nghĩ thế nào?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Không ai có thể đảm bảo an toàn cho các lò thế hệ 3, 3+ (hay thế hệ 4 sau này). Sau Fukushima, dân chúng Nhật Bản không còn tin tưởng ở các lò điện hạt nhân sản xuất trong nước của họ. Thế mà thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda, đã cả gan cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam một công nghệ bảo đảm mức an toàn hạt nhân cao nhất thế giới! Nhật Bản đã hủy bỏ chương trình xây cất thêm 14 lò mà lại đem bán cho ta một cách thiếu lương tâm! Biết đâu là máy móc dụng cụ tồn kho?
Tháng 6 vừa qua, một báo cáo đã vạch trần những thiếu sót quan trọng về kỹ thuật cũng như về cách khai thác 32 lò của Nga. Tuy nhiên, ngày 9-2-2012 tại Hà nội, Serge A. Boyarkin, Phó tổng giám đốc tập đoàn Rosatom Nga, không ngần ngại tuyên bố rằng nhà máy Ninh Thuận sẽ bảo đảm an toàn, chống được động đất 9° Richter!
Vì cớ gì ta lại tiếp tục nghe luận điệu tuyên truyền dối trá của các công ty Nga và Nhật Bản để cho hai nước này xây dựng những lò đầu tiên ở Ninh Thuận? André Lacoste, Chủ tịch cơ quan an toàn Pháp (Autorité de Sureté Nucléaire) cũng đã nhiều lần lớn tiếng: không ai có thể quả quyết rằng ở Pháp sẽ không có tai biến hạt nhân. Cũng vì lẽ ấy mà EDF sẽ phải xuất ra cấp tốc 10 tỷ euros để củng cố tất cả những nhà máy điện hạt nhân. Vừa rồi Greenpeace đã bố trí, cho vài người vào trong khu vực nhà máy điện hạt nhân Nogent sur Seine, trong lúc hai nhân viên khác đã ẩn núp được trong nhà máy Cruas, suốt nhiều tiếng đồng hồ! Greenpeace muốn chứng minh rằng quân khủng bố cũng có thể đột nhập dễ dàng để phá hoại mặc dù có sự canh gác thường trực của một đội lính ở mỗi nhà máy. Ngoài ra, quân đội cũng chuẩn bị sẵn sàng hỏa tiễn để đề phòng máy bay oanh tạc.
Việc cơ quan an toàn Tây Âu (Wenra), trong đó Pháp dẫn đầu, không muốn kiểm tra sức chịu đựng (Stress test) các nhà máy điện hạt nhân trong các trường hợp như bị máy bay, quân khủng bố, tấn công tin học hay lỗi con người… như Đức và Áo đề nghị, chứng tỏ sự thiếu tin tưởng ở mức độ an toàn.
Nước ta chưa hấp thụ được văn hóa an toàn, chưa có đủ chuyên gia, chưa có hệ thống pháp lý khắc chế, chưa có hậu thuẫn khoa học kỹ thuật để quản lý một loạt nhiều lò phản ứng.
Trên thế giới, chỉ trong vòng 32 năm thôi, từ 1979 đến nay mà đã có 5 lò hạt nhân bị nóng chảy (fusion): 1 ở Three Mile Island (Mỹ), 1 ở Tchernobyl (Liên Xô), 3 ở Fukushima (Nhật Bản). Gần đây có chuyên gia đã kết luận rằng thảm họa Fukushima là do động đất gây ra (làm cho những ống nước gãy nứt) trước khi sóng thần ồ ạt tàn phá nhà máy, làm hỏng hệ thống làm lạnh và máy Diesel.
Fukushima đã cảnh cáo một cách long trời lở đất với bao hình ảnh đau thương như thế mà ta vẫn chưa tỉnh giấc mơ hay sao?! Ta chờ đợi một Tchernobyl hay một Fukushima khác rùng rợn hơn mới nhất trí rằng hai chữ an toàn của Nga và Nhật Bản là dối trá? Ta nên đặt câu hỏi, tại sao nước Mỹ, có đủ khả năng và điều kiện, thận trọng nhất nhì về khâu an toàn, lại không xây cất thêm một lò hạt nhân nào khác, từ khi gặp sự cố Three Mile Island đã hơn 30 năm nay? Nhật Bản với một diện tích đất nhỏ hẹp như ta, đã bị tàn phá bởi hai quả bom ở Hiroshima và Nagasaki, thế mà cả gan xây dựng 54 lò ven bờ biển, không sợ động đất và sóng thần! Đó là chiến lược liều mạng, tự hủy diệt, mà ta không nên bắt chước.
Lúc xảy ra chiến tranh, có nhà máy điện hạt nhân trong nước có thể xem như chứa bom nguyên tử trong mỗi nhà, tuy lò không nổ như bom. Làm sao có an toàn được? Phóng xạ, vô biên giới, sẽ bao trùm lãnh thổ trong giây phút, nếu địch tấn công Ninh Thuận, hay có sự sai lầm của nhân viên chưa đủ trình độ. Về địa lý, thời tiết ở Việt Nam vô thường, mỗi năm đều có bão tố, lũ lụt lớn, phá hại mùa màng và gây tang thương cho đồng bào. Bom, mìn, chất độc dioxin vẫn tiếp tục cướp tính mạng của bao thường dân vô tội. Ta đã quên nỗi đau khổ của đồng bào đã chịu đựng bao nhiêu năm chiến tranh hay sao?
Chơi với lửa có ngày cũng phỏng tay. Theo Bernad Laponche, lò phản ứng hạt nhân chỉ là một nồi nấu nước sôi, vô cùng phức tạp, nguy hiểm và đắt tiền! Xác suất xảy ra một thảm họa ở Pháp hay ở Âu châu không phải là nhỏ.
Bài toán kinh tế rất phức tạp và kinh phí khổng lồ
Nhà máy điện nguyên tử Fukushima tiếp tục rò rỉ phóng xạ sau trận động đất, hôm 18/3/2011. AFP
RFA: Về bài toán kinh tế để tính giá điện hạt nhân, Giáo sư có thể cho biết những kinh phí cần thiết ở mỗi giai đoạn không? Khâu nào tốn kém nhất?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Để các cơ quan trách nhiệm Việt Nam có một ý niệm về bài toán kinh tế rất phức tạp và kinh phí khổng lồ cần thiết, tôi xin phép vắn tắt trình bày phương pháp và mạch lạc giữa các khâu với những con số của tập đoàn EDF vì tôi đã làm việc ở công ty này suốt 30 năm trời.
Các nhà máy điện hạt nhân, từ thiết kế đến vận hành, từ khai thác đến bảo dưỡng, cần một công nghệ cực kì tinh xảo và tốn kém.
Chi phí đầu tư, theo giá cố định tại một thời điểm quy ước, bao gồm chi phí trực tiếp từ 75% đến 80% (xây dựng, thiết bị, lắp ráp, thử nghiệm…) và chi phí gián tiếp từ 20% đến 25% (đất đai, chủ thầu, hành chính…). Sự giảm chi phí này chỉ có thể đạt được nếu xây dựng lớn, hàng loạt hoặc xây nhiều nhà máy tại cùng một nơi. Cần phải tính đến lãi suất phát sinh lớn (intérêts intercalaires) bởi thời gian xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ít nhất từ 5 đến 7 năm) tương đối dài hơn nhà máy chạy than (3 đến 4 năm) hay khí (2 đến 3 năm). Chi phí đầu tư tổng cộng còn phải tính đến chi phí tháo gỡ hay phá hủy tính vào thời điểm đưa vào vận hành (giá trị thấp vì khoảng cách thời gian lớn).
Chi phí của chu trình nhiên liệu (cycle du combustible) phải tính đến, ngoài thời gian trong lò phản ứng, phần trước (lấy uranium dưới dạng U3O8, biến đổi UF4 và UF6 thành uranium làm giàu, làm giàu uranium, sản xuất các thanh nhiên liệu) và phần sau (vận chuyển các bộ lắp ghép phóng xạ, tái chế nhiên liệu, vận chuyển và lưu trữ chất thải phóng xạ, tài khoản tái chế – crédíts du retraitement). So với khí, phần nhiên liệu hạt nhân trong mỗi kWh điện thấp hơn nhiều, 20 – 25% thay vì 70%.
Chi phí khai thác và bảo dưỡng, chiếm từ 15% đến 25% trong chi phí một kWh điện hạt nhân, bao gồm chi phí vận hành, nhân công, bảo trì, hành chính, thuế, bảo hiểm, bảo vệ bức xạ, xử lí chất thải.
Cũng cần tính đến chi phí bên ngoài (externalités) như CO2, tai nạn, thải chất phóng xạ… rất khó đánh giá. Ngoài chi phí môi trường, người ta còn phân biệt chi phí bên ngoài liên quan đến độc lập năng lượng, kinh tế hoặc chính trị…
Chi phí tháo gỡ một nhà máy điện hạt nhân trên lý thuyết chiếm 25% đến 40% chi phí đầu tư. Trên thực tế, chi phí này có thể lên tới và thậm chí vượt quá 100%. Đó là trường hợp nhà máy nước nặng (70 MW) Brennilis của EDF đang được phá hủy từ 20 năm nay mà vẫn chưa xong. Chi phí dành cho nhà máy này đă lên quá 500% con số dư trù! Về kinh phí dành cho công trình tháo gỡ, EDF đưa ra con số tạm thời là 300 triệu euros cho mỗi lò. Ở Đức con số lên đến 852 triệu euros. Lẽ cố nhiên, tháo gỡ một lò bị hư hỏng nặng như Fukushima cần nhiều tiền hơn, khoảng 2,7 tỉ euros (cao hơn giá đầu tư xây cất).
Theo báo cáo ngày 31-1-2012 của Tòa tài khoản (Cour des Comptes) Pháp, tổng số kinh phí đầu tư trong lĩnh vực hạt nhân dân sự Pháp từ 1957 đến 2010 lên đến 228 tỉ euros, trong đó những nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động chiếm 96 tỉ, chu trình nhiên liệu 40 tỉ, khâu nghiên cứu 55 tỉ (gồm lò ASTRID – Advanced Sodium Technological Reactor for Industrial Demonstration).
Trung bình mỗi MW đặt trị giá là 1,5 triệu euros (tức 2000 đôla mỗi kW) so với 3,7 triệu euros mỗi MW đặt của lò EPR. Như thế có nghĩa là năng lượng gió trên đất (1,45 triệu euros mỗi MW) ở Pháp đã bắt đầu cạnh tranh được với điện hạt nhân.
Kinh phí khai thác tổng quát năm 2010 (gồm nhiên liệu uranium, nhân viên, thuế má…) lên đến 8,95 tỉ euros (tức là 22 euros mỗi MWh) với một sản lượng điện hạt nhân là 407, 9 TWh.
Giá kinh tế (coût courant économique) mỗi MWh điện hạt nhân là 49,50 euros với giả thuyết một tỉ suất hiện tại hóa a (taux d’actualísation) là 5% và tỉ số lạm phát 2%. Trong tương lai gần đây giá điện EDF sẽ tăng lên ít nhất là từ 10% đến 15%. Dùng giá kinh tế dễ so sánh các dạng năng lượng khác nhau dễ hơn là với giá kế toán (coût comptable).
Vì giá sản xuất của lò EPR sẽ cao hơn nhìều: từ 70 đến 90 euros mỗi MWh nên Pháp sẽ không thay thế các lò đang họat động bởi các lò EPR như đã dự tính. Mà dù có muốn cũng khó thực hiện được vì không thể nào sản xuất kịp.
Riêng năm 2010 nhà nước phải bỏ ra 644 triệu euros để đài thọ các khâu nghiên cứu (414 triệu) an toàn và an ninh (230 triệu). Viện bảo vệ bức xạ và an toàn hạt nhân gồm 1768 nhân viên, cơ quan an tòan hạt nhân có 450 nhân viện.
Kinh phí đầu tư hàng năm từ đây đến 2025 cho việc bảo dưỡng những nhà máy là 3,7 tỉ euros (so với 1,5 tỉ từ 2008 đến 2010). Nếu kéo dài thời gian vận hành 58 lò từ 40 năm đến 60 năm, EDF phải đầu tư thêm 50 tỉ euros chưa kể ít nhất 10 tỉ euros bỏ ra để củng cố an toàn sau Fukushima. Kinh phí mà EDF dành cho việc xử lí 18546 tấn nhiên liệu sử dụng trong các lò là 14,4 tỉ euros. Những tấn nhiên liệu này hiện ở trong các nhà máy EDF hoặc ở La Hague để AREVA tái chế. Mỗi năm AREVA tái chế 1050 tấn. Pháp hiện đang tích trữ 82 tấn plutonium.
Tòa tài khoản rất dè dặt, không đồng ý với những con số của EDF đưa ra cho hai khâu tháo gỡ (18, 4 tỉ euros) và lưu trữ chất thải phóng xạ (23 tỉ euros) quá thấp so với ngoại quốc. Con số 18,4 tỉ euros này nếu tính theo Mỹ thì sẽ lên đến 34,2 tỉ, Nhật Bản 38,9 tỉ, Anh 46 tỉ và Đức 62 tỉ euros.
Đứng về phương diện pháp lý, khi có sự cố ở Âu Châu, trách nhiệm dân sự (responsabilité civile) tuy được ghi rõ trong thỏa ước Paris 1960 và Bruxelles 1963, nhưng cách áp dụng còn lu mờ. Trên lý thuyết, công ty khai thác nhà máy điện hạt nhân phải bồi thường nạn nhân. EDF chỉ dự trù 80 triệu cho mỗi sự cố, một con số tượng trưng quá nhỏ! Rốt cuộc, nhà nước cũng phải đứng ra bồi thường nạn nhân nếu xảy ra tai biến lớn. Sự thật, nếu phải bảo hiểm tất cả những nhà máy điện hạt nhân thì phải cần một số tiền khổng lồ và như thế chẳng nước nào dám xây cất! Đó là trái bom tài chánh nổ chậm của ngành hạt nhân dân sự. Thảm họa Fukushima đã làm nước Nhật mất ít nhất 100 tỉ euros, chưa kể hàng trăm tỉ dành cho phần bồi thường nạn nhân. Có thể một ngày gần đây TEPCO sẽ bị quốc hữu hóa.
Điện hạt nhân Việt Nam sẽ đắt hơn năng lượng tái tạo
Những mảnh vụn của một chiếc máy bay tư nhân và xe hơi ở bên ngoài phi trường Sendai hôm 13/03/2011. AFP Photo
RFA : Giáo sư thường tuyên bố rằng điện hạt nhân không thể nào kinh tế ở Việt Nam. Xin Giáo sư cho biết lý do và như thế thì phải giải quyết bài toán năng lượng như thế nào để đáp ứng nhu cầu?
GS Nguyễn Khắc Nhẫn: Trong trường hợp của Việt Nam, về mặt kinh tế vĩ mô, cần phải tính đến ảnh hưởng của điện hạt nhân đến sự phát triển kinh tế, tỉ số đầu tư trên dự trữ quốc gia, cải thiện (hay không) cán cân thương mại, sức cạnh tranh kinh tế, sự đảm bảo cung cấp, sự giảm chi phí năng lượng, tạo ra công ăn việc làm, ảnh hưởng xã hội (dân chúng có chấp nhận không?).
Cơn khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay có nguy cơ gây nên những vấn đề nghiêm trọng về nguồn vốn nhất là khi PIB có hướng giảm và lạm phát tăng.
Ở Việt Nam, việc hoạch định chính sách năng lượng không thật sự chặt chẽ và không khả thi về mặt tài chính. Ta quá chú trọng đến điện lực mà không nghiên cứu tỉ mỉ toàn bộ lĩnh vực kinh tế năng lượng. Tiêu thụ điện của nước ta không thể đạt được con số 537 TWh (kịch bản trung bình) vào năm 2030 như đã công bố! Con số này cao hơn lượng tiêu thụ của Pháp hiện nay. Không một nước nào trên thế giới có thể chạy theo con số tăng trưởng chóng mặt là 15% mỗi năm. Điều này có nghĩa là cứ 5- 6 năm phải tăng gấp đôi công suất của tất cả các nhà máy và lưới điện. Với PIB 6%, hệ số đàn hồi của ta là 2,5 một con số cao nhất nhì thế giới, chứng tỏ tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ta rất lớn (Xin mời các bạn xem các bài của Giáo sư Phạm duy Hiển).
Khả năng sinh lợi của nhà máy điện hạt nhân phải được trình bày rõ ràng. Tỷ suất hiện tại hóa a (taux d’actualisation) là bao nhiêu trong bài toán kinh tế? Mức lãi suất phát sinh là bao? Phương pháp nào để lựa chọn (choix des investissements) tối ưu các thiết bị sản xuất? Khi mà dự báo bị thổi phồng quá mức, thật khó để điều chỉnh cân bằng giữa cung và cầu! Sự hợp lí trong các lựa chọn phải được chứng minh và bài toán tài chính phải kể đến chi phí gây ra bởi sự sụp đổ bất ngờ của hệ thống điện (coût de la défaillance).
Về mặt luật pháp và an toàn, cần phải thành lập nhiều cơ sở có chất lượng. Cơ quan an toàn hạt nhân phải hoàn toàn độc lập, dựa trên năng lực và sự chặt chẽ khách quan. Fukushima đã cho thế giới thấy sự yếu kém và khiếm khuyết của các cơ quan có trách nhiệm. Cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản đã bị áp lực trực tiếp của chính phủ và các ngành công nghiệp có liên quan. Chặng đường dài mà một hồ sơ xin phép xây dựng nhà máy điện hạt nhân phải trải qua nhiều năm ở Mỹ hay ở Pháp chứng tỏ sự khó khăn và phức tạp về mặt hành chính và luật pháp, làm kéo dài thời gian và tăng mạnh kinh phí.
Địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận, không nằm ngoài những bất thường thời tiết (lũ lụt, bão lụt, động đất, sóng thần…). Vài trận động đất lớn (6,8° Richter) đã diễn ra, năm 1935 tại Điện Biên và năm 1983 tại Tuần Giáo.
Chúng ta biết rằng sau trận động đất ngày 16-07-2007 (6,8° Richter), chính phủ Nhật đã ra lệnh cho TEPCO đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lớn nhất (Kashiwazaki-Kariwa – 8212 MW ) trong vòng một năm và tăng cường hệ số an toàn về động đất cho cả tổ hợp này.
Khi xem xét tổng thể các khâu và nếu ta tính thêm vào chi phí dành cho chuyên gia, thiết bị, uranium làm giàu, nhập cảng từ nước ngoài, chi phí xử lí nhiên liệu, lưu trữ chất thải phóng xạ và chi phí tháo gỡ khổng lồ hàng chục tỷ đôla (chi phí dự trù cho việc tháo gỡ 5 lò ở Thụy sĩ lên đến 23 tỷ đôla), tôi khẳng định rằng kWh điện hạt nhân Việt Nam không thể nào kinh tế được. Chọn năng lượng hạt nhân với một chương trình đầy tham vọng và phiêu lưu (8 lò phản ứng từ năm 2014 đến 2031) là một lỗi lầm hết sức lớn về mặt chiến lược kinh tế và công nghiệp. Ai đứng ra chịu trách nhiệm đối với đất nước và các thế hệ mai sau? Năm 2020 khi có điện hạt nhân thì giá thành kWh năng lượng tái tạo đã kinh tế!
Nếu có một chính sách rõ ràng, quyết tâm khuếch trương mạnh và nhanh chóng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả năng lượng, trữ lượng tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam như than, khí đốt, dầu mỏ, thủy điện, gió, mặt trời sinh khối… cho phép đảm bảo nhu cầu của quốc gia trong nhiều năm tới. Ta đi vay để vứt tiền ra cửa sổ hay sao?
Vì sự sống còn của đất nước, một lần nữa tôi thiết tha yêu cầu chính phủ Việt Nam hủy bỏ ngay chương trình xây dựng những nhà máy điện hạt nhân hết sức tốn kém và vô cùng nguy hiểm để Ninh Thuận khỏi trở thành Fukushima.
Tôi cũng tha thiết yêu cầu chính phủ Nhật Bản đừng cho phép các công ty bán lò cho Việt Nam để uy tín đối với thế giới khỏi sứt mẻ và cũng để tránh cho dân chúng Nhật Bản oán hận một lần thứ hai (xin đọc thư của Giáo sư Phạm duy Hiển gửi ngày 24-1-2011 cho Thủ tướng Naoto Kan). Tôi sẵn sàng thảo luận với bất cứ chuyên gia nào để chứng minh rằng không thể có an toàn và giá điện hạt nhân ở Việt Nam sẽ đắt hơn giá năng lượng tái tạo.
Nhân ngày kỉ niệm năm đầu tiên của thảm họa Fukushima, tôi thành kính nghiêng mình, cầu nguyện và tưởng nhớ đến những nạn nhân vô tội và những Anh hùng Nhật Bản đã phải hy sinh trong nhà máy, do sự điên cuồng của một nhóm người có thế lực, nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm, coi nặng đồng tiền hơn là tính mệnh con người!
Grenoble 11-3-2012
Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn – Nguồn: RFA
0 comments:
Post a Comment