Tuesday, March 27, 2012

Hại… nhân dân!

Viết Từ Sài Gòn

Nhìn cách mà nhà cầm quyền Việt Nam ứng xử với việc nứt đập thủy điện Sông Tranh 2 và thờ ơ trước lời khẩn cầu của người Chăm trước việc dừng xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì đủ thấy sự vô cảm và quyết hại nhân dân là như thế nào.

Cái tâm lý “thà hi sinh tất cả” trong thời chiến vẫn còn hiển hiện trong đầu óc của nhà cầm quyền cấp cao, nên với họ, 40 ngàn nhân khẩu của huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) và hàng nghìn gia đình ở các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Thăng Bình, Nông Sơn… nơi có dòng Sông Tranh 2 chảy qua, có bị trôi đi, có hề gì. Bởi công trình mà họ xây dựng và muốn nhìn nó như “đỉnh cao muôn trượng”, thành tích đó sao có thể bị đổ sông đổ biển bởi tiếng khóc, sự lo lắng của người dân, dù thực tế, rất có thể nó sẽ bị chảy đổ nếu đập lở. Khu vực này cũng có nguy cơ bị động đất, vì đã từng như thế.

Khi mùa mưa bão bắt đầu, Việt Nam không cần đọc lại Giông tố hay Vỡ đê của các cây bút phê phán cách đây gần thế kỷ, mà sẽ mục kích “đại vỡ đê” thời hiện tại.
Cũng như người Chăm, theo điều tra dân số của người Pháp hồi đầu thế kỷ 20 thì họ có khoảng 1 triệu người tại Việt Nam. Hiện nay, nếu tính hết số người Chăm cư ngụ tại Campuchia, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan và Hoa Kỳ thì họ có khoảng 400 ngàn. Riêng tại Việt Nam, theo Ủy ban Dân tộc Chính phủ Việt Nam, năm 2008 họ có khoảng hơn 145 ngàn người, xếp thứ 14. Nhà máy điện hạt nhân xây dựng, nếu gặp sự cố, thì chắc chắn “sẽ giúp” giảm bớt số người Chăm đáng kể, bởi khu vực Ninh Thuận – Bình Thuận họ có gần 100 ngàn người (Ninh Thuận hơn 66 ngàn, Bình Thuận hơn 32 ngàn, chiếm khoảng 68% tổng số người Chăm ở Việt Nam).
Theo kiến nghị hoãn phê chuẩn Hiệp định ACTA (Anti-Counterfeiting Trade Agreement), thì giữa năm 2011, quốc hội nước Đức đã buộc 8 nhà máy điện hạt nhân nhừng hoạt động, 9 nhà máy còn lại phải đóng cửa chậm nhất đến năm 2022. Vậy thì Việt Nam tại sao lại thích xây dựng nhà máy này? Đành rằng năng lượng là chuyện cấp thiết, nhưng với những nước theo đuôi về khoa học như Việt Nam, việc tỉnh táo theo dõi diễn tiến chung về nguy cơ khoa học cũng quan trọng như việc vội vàng biến đất nước thành các bãi rác công nghệ thứ cấp của nhân loại. Thử hình dung mà xem, trong bối cảnh nhà máy điện hạt nhân đang là nguy cơ của toàn thế giới, tự nhiên có một công ty bán được cho Việt Nam một nhà máy, thu về bộn tiền, thì họ mừng vui cỡ nào. Bởi không bán cho những nước hám bệnh thành tích, thích đi tắt đón đầu như Việt Nam thì biết bán cho ai đây?
Theo ông Trần Sơn Lâm, Nguyên Trưởng phòng Phân tích đồng vị – Địa niên biểu hạt nhân, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ – Viện Địa chất và Khoáng sản Bộ Công nghiệp thì: “Để xây dựng nhà máy điện hạt nhân có công suất 1.000 MW, dự kiến kinh phí ta phải vay theo lãi suất thương mại là trên dưới 5 tỷ đô-la Mỹ (theo quy định của quốc tế không dùng vốn ODA để xây dựng nhà máy điện hạt nhân). Với lãi suất trên dưới 3%/năm, sau khi tiếp nhận, nếu xảy ra một sự cố cần khắc phục và phải thay thế một cụm chi tiết nào đấy phải dừng hoạt động, tính toán cho thấy một tháng ta cũng phải trả lãi cho khoản vay trên khoảng 12,5 triệu đô-la Mỹ chưa kể phải trả tiền lương cho công nhân và chuyên gia để bảo hành và duy trì nhà máy”.
Với số tiền như ông này nói thì cũng không khác chi dự án khai thác bô-xít, trên giấy tờ thì tưởng dễ ăn, có lãi, nhưng càng đi sâu vào thực tế khai thác thì Việt Nam càng nặng nợ ngân hàng, nặng nợ môi trường và gây tội ác với nhân dân.
Cũng ông này nói thêm: “Theo tính toán của các nhà khoa học, trữ lượng của các mỏ urani trên thế giới cũng đang cạn kiệt dần và chỉ đủ dùng cho các nhà máy điện hạt nhân trong vòng 50-60 năm nữa nếu không tái tạo được nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. […] Một kịch bản là nếu ta chưa đủ khả năng vận hành nhà máy kể từ thời điểm ‘chìa khóa trao tay’, ta phải thuê tối thiểu khoảng từ 700-1.000 cán bộ kỹ thuật, lương bình quân của mỗi người là 7.000 đô-la Mỹ thì tổng tiền lương phải chi trả hàng tháng sẽ là 4,9-7 triệu đô-la Mỹ, việc này sẽ đưa giá thành điện lên rất cao”.
Có lẽ Việt Nam không xây dựng nhà máy điện hạt nhân vì lợi ích kinh tế, mà chủ yếu là để phô trương cái thanh thế hão, chạy theo thành tích ảo. Cũng giống việc xây dựng đường dây 500kv Bắc – Nam để khắc phục sự thiếu điện ở miền Trung và miền Nam trước đây, thế nhưng, khi vừa đi vào hoạt động thì điện lại tiếp tục thiếu, vì họ quên tính nhu cầu sẽ chạy theo khả năng cung cấp. Khi nhà nhà thiếu điện thì người dân không trông chờ vào điện, khi tạm đủ điện thì nhu cầu thật mới thể hiện, thành ra thiếu nghiêm trọng hơn. Đó là chưa nói chi phí bảo trì đường dây này hàng năm còn bị lên án là nhiều gấp 2 lần tiền bán điện!? Hệ lụy và nợ nần nay ai chịu, tất nhiên người dân chứ không thể là công ty điện lực.
Cắt nghĩa lý do tại sao nhà cầm quyền Việt Nam liên tục thích hại dân thì thật khó trả lời trong một bài viết ngắn, của một người. Nhưng có lẽ nổi trội nhất là nguyên do bởi họ “ngu và liều”, mà nói như phương ngữ ngày nay: “nhiệt tình cộng dốt nát thành ra phá hoại”.
Nhà cầm quyền Việt Nam vốn có xuất thân thấp và đến nay cũng chưa mấy được cải thiện, ấy là một thực tế hiển nhiên, không cần chứng minh. Khi nhà cầm quyền (tạm gọi với từ) “ngu” thì họ có muốn người dân của mình “khôn” hay không, chắc không hoặc rất khó, vì dân “khôn” làm sao cai trị. Nên về giáo dục, mấy chục năm qua họ rất kiên trì với chìa khóa “ngu dân”, dân biết chữ mà không biết nghĩa, hoặc không hành xử theo nghĩa tốt đẹp của chữ. Người Việt có tố chất để học trở thành khôn ngoan, được việc, cứ nhìn ra các môi trường giáo dục quốc tế thì sẽ thấy, ở đó người Việt rất khá, nhưng ở Việt Nam thì trì trệ, vì đó là chủ trương và chính sách.
Chính sách ngu dân trong giáo dục – nơi hiện có khoảng 25 triệu người đi học – sẽ rất hiệu quả khi đi song song với sự toàn trị và độc quyền. Quyền lợi của quốc gia không còn là chuyện của nhân dân, mà chỉ là của một nhóm nhỏ quyền lợi nơi đảng cầm quyền.
Vì bị “ngu dân” nên không biết quyền của mình; vì đói nghèo phải lo ăn từng bữa… nên khó lo nghĩ xa, người dân như quẩn quanh trong vỏ ốc đói nghèo của mình. Rõ ràng, ngoài nỗi lo sợ vỡ đập, 40 ngàn hộ dân ở Bắc Trà My chẳng biết phải đấu tranh như thế nào, biểu tình bày tỏ ý kiến cũng không. 100 ngàn người Chăm thì càng khó hơn, khi họ bị xếp vào vấn đề dân tộc thiểu số, sự trả thù của nhà cầm quyền càng dã man hơn. Nên chỉ còn mỗi nỗi sợ.
Cho nên, với những người ở bên ngoài Việt Nam, họ sẽ không hiểu tại sao nhà cầm quyền ít ỏi và có trình độ hạn chế như thế mà vẫn làm hại gần 90 triệu dân. Trong khi thực tế trong nước cho thấy chuyện này không khó ắt nghĩa, vì từ mấy thập nhiên trước, nhà cầm quyền đã có chủ trương ngu dân hóa 100% nên cố tình đưa ra các phương cách giáo dục kinh khủng, không chịu sửa đổi theo hướng tiến bộ, khoa học. Không phải nhà cầm quyền không biết giáo dục của mình đang sai phương pháp và không phải họ thiếu cách để sửa, mà cố tình không sửa, vì sợ ảnh hưởng đến quyền lợi độc quyền của mình. Với họ, dân khôn thiệt là hiểm nguy.

Cho nên, với những sự cố như nứt đập Sông Tranh 2, xây dựng nhà máy điện hạt nhân, hay cướp đất ở Tiên Lãng… ta đừng vội cho đó là đỉnh điểm của băng hoại, bởi cao hơn cả và thăng chốt hơn cả là tư tưởng hại nhân dân của nhà ầm quyền. Như một sự “cộng nghiệp”, nếu người dân không ý thức về sự tự thay đổi mình thì chắc chắn những hiện tượng bề nổi như vừa nêu không thiên giảm, và viễn ảnh bị đọa đày chung thì chỉ còn ở thì tương lai gần.

0 comments:

Powered By Blogger