Friday, March 23, 2012

BÀN TAY TRÓT ĐÃ NHÚNG CHÀM

Bàn tay trót đã nhúng chàm
Dại rồi mới biết khôn làm sao đây?!”

(Ca dao)

Thời trước, mỗi khi muốn ghi lại một việc gì cho hậu thế, ngoài việc chép vào sử, người ta còn hay khắc vào đá. Ý hẳn tin vào sự bền vững của đá. Khắc sự tích hoặc lời văn vào đá thì sẽ lưu lại muôn đời. Đình chùa, lăng miếu thường có bia đá. Nổi tiếng về bia đá chắc không đâu hơn Văn Miếu ở Hà Nội. Kế là Quốc Tử Giám ở kinh đô Huế. Những tấm bia đá đầu tiên ở Văn Miếu Hà Nội, khắc tên những người đậu các khoa thi Tiến Sĩ thời Lê.

Theo khoa chế thời Nguyễn, người có học muốn đi thi, phải qua kỳ khảo hạch ở Tỉnh. Rồi mới được đi thi Hương. Hương thí ba, bốn năm mới có một kỳ; lại chỉ mở ở các tỉnh thành lớn. Sĩ tử bốn phương phải lều chõng, cơm niêu nước lọ tới trường thi. Hương thí có bốn trường. Ai đậu cả bốn được gọi là Cử Nhân; thời Lê hay gọi là ông Cống. Ai đậu được 3 kỳ thi là Tú Tài. Ai chỉ qua được 2 kỳ thì dù bị coi như thi rớt, song cũng được người ta trân trọng gọi là ông nhị, tức nhị trường. Thường thì năm trước thi Hương, năm sau thi Hội. Hội thí chỉ mở ở kinh độ. Các ông Cử phải cơm ghe bè bạn, khăn gói quả mướp vào đấy để thi. Thường thì khi đi thi Hội, ông Cử nào cũng một hai người theo phục dịch tùy theo gia cảnh. Bề gì cũng là ông Cử mà. Ai đậu kỳ thi Hội được gọi là Tiến sĩ. Vượt qua cái chặng này mới được vào đình thí để phân cao thấp. Gọi là Đình thí vì khi ấy các ông Nghè tân khoa được vào hẳn trong điện Vua mà làm văn chứ không phải lều chõng ngoài trời nữa. Và Vua sẽ là Chánh Chủ Khảo. Cụ Nguyễn Khuyến thời ấy đậu đầu Hương thí tức Giải nguyên, thi Hội cụ vẫn đậu đầu gọi là Hội nguyên, và Đình thí cụ cũng đứng đầu nốt, gọi là Đình nguyên. Có 3 cái Nguyên thì cụ chiếm tất, nên gọi là Tam Nguyên. Thơ phú của cụ thì chả phải bàn. Mấy ông Tiến Sĩ được Vua cho khắc tên vào bia đá dựng ở Quốc Tử Giám. Rồi vinh quy bái tổ, ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau. Oai ghê lắm! Vậy mà có ông còn dám làm hai câu đối để đùa:

“Ngói đỏ lợp nghè, lớp trên đè lớp dưới

Đá xanh xây cống, hòn dưới nống hòn trên”.

Chả gì cứ ông Nghè, ông Cống; chỉ Tú Tài thôi mà cũng lắm ông văn hay chữ lỏng. Cụ Tú Xương đấy. Thơ của Cụ mà đọc lên thì cứ gọi là rung cả đùi.

Thi cử khó như vậy nên cả cái đất Nam Kỳ lục tỉnh, suốt hơn trăm năm triều Nguyễn chỉ có hai người đậu được Tiến Sĩ. Đó là ông Phan Thanh Giản và ông Phan Hiển Đạo. Ông Phan Thanh Giản làm quan đến chức Hiệp Biện Đại học sĩ, hàm Tòng nhất phẩm, từng làm Chánh sứ đi Tây. Năm 1865, vua Tự Đức phái ông vào Nam làm Kinh Lược Sứ, có nhiệm vụ giữ gìn 3 tỉnh Miền Tây chống âm mưu thôn tính của Pháp. Năm 1867, thành Vĩnh Long mất vào tay Pháp, ông tự sát sau khi căn dặn con cháu không được hợp tác với giặc. Vua Tự Đức ra lệnh truy đoạt tất cả chức tước phẩm hàm, đục bỏ tên ông trong bia Tiến Sĩ. Quê ông ở Bến Tre. Trước 75, tại bùng binh tỉnh lỵ này có tượng ông. Việt Cộng vào chúng gỡ đem đi đâu mất.

*

Tháng Tư năm 1975, Cộng sản miền Bắc tấn chiếm miền Nam. Và nhà cầm quyền miền Bắc đã cai trị miền Nam như một đoàn quân ngoại nhập. Trước ngày 30-4 năm 1975, một số người có điều kiện đã ra đi khỏi nước. Sau đó, cả nước là một trại tập trung khổng lồ. Và nhiều người đã tiếp tục ra đi bằng cách vượt biển Đông tạo nên phong trào thuyền nhân làm rúng động lương tâm nhân loại.

“Lưu vong là một hiện tượng bất thường trong lịch sử nhân loại nhưng không phải vì thế mà lại ít có hoàn cảnh lưu vong. Khi một tập thể không còn sống được dưới một chính thể mà đành xé lòng bỏ nước ra đi thì tập thể đó có thái độ khác, hoàn toàn khác, hết sức khác, đối với những kẻ tuy trên danh nghĩa đang cai trị họ nhưng trên thực tế là những tên đang tra tấn đồng bào họ, thậm chí đang là những tên đao phủ đối với đồng bào họ”.

Nhận xét này của bác sĩ Trần Văn Tích hoàn toàn đúng khi áp dụng vào việc Đảng và Nhà Nước do đảng CSVN cai trị đất nước trong 37 năm qua. Và do đó, có thể khẳng định những kẻ nào trong tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại mà lại tìm mọi cách để xin xỏ hòa giải hòa hợp với nhà cầm quyền CSVN thì chính những kẻ này đã tự nguyện xé bỏ căn cước tỵ nạn chính trị của mình!

Trong 37 năm qua, CSVN đã tìm mọi cách để “thôn tính” cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại hải ngoại về mọi mặt. CSVN đã phải “nhờ” tới một trường đại học qua một tên Việt gian “mai phục” ở trường này tìm cách “viết lại căn cước của người tỵ nạn”; nhưng chúng đã hoàn toàn thất bại vì người Việt tỵ nạn CS đã phát giác.

Cố Thủ Tướng VC Võ Văn Kiệt đến Paris kêu gọi người Việt hải ngoại hãy thôi chiến đấu dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ cũng đã thất bại !

Biến cố “người đuôi chó” Trần Trường treo cờ máu và hình Hồ ở Nam California đã bị cộng đồng người Việt tỵ nạn biểu tình phản đối 53 ngày đêm. Trần Trường đã phải bán sới tài sản về nước đào ao “Bác Hồ” để nuôi cá và đã bị chính bọn cầm quyền cộng sản giở trò cướp giựt tài sản như thế nào mọi người đều đã rõ.

Đau đớn nhất là chuyện ông cố Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ của chế độ miền Nam đã về nước hoà hợp hòa giải với VC để góp phần xây dựng đất nước và kết quả như thế như thế nào mọi người đã rõ, xin miễn kể ra đây.

“Sự cố” nổi bật nhất là vào ngày 21 tháng 8 năm 2011, ông trí thức Lê Xuân Khoa và 35 ông bà trí thức khác đã “theo đuôi” 95 trí thức ở trong nước gửi cái gọi là “Thư Ngỏ” đến 5 vị lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà Nước CSVN để xin xỏ Đảng và Nhà Nước “nên tận dụng sức mạnh của dân tộc để chống lại việc Trung Cộng chiếm đất, lấn biển của VN” và xin xỏ hòa hợp hòa giải.

Điều chua xót là lời lẽ của “Thư Ngỏ” còn quỵ lụy, đớn hèn hơn cả kiến nghị của những trí thức và nhân sĩ ở trong nước!

“Bảo ra đường

Ra đường

Bảo nằm gầm giường

Nằm gầm giường

Bảo sủa

Sủa

Bảo im

Im”.

Ở một đất nước mà một nhà thơ ở trong nước đã diễn tả tình cảnh, thân phận của người dân (dĩ nhiên có cả trí thức) mà 95 vị nhân sĩ, trí thức trong nước còn có can đảm viết một bản kiến nghị đâu ra đó. Trong khi ở hải ngoại, có toàn quyền tự do ngôn luận mà 36 ông bà trí thức viết bức thư ngỏ sặc sụa mùi nịnh bợ, quỵ lụy thì thật là tội nghiệp vô cùng!

Tôi không ngạc nhiên gì khi biết ông Lê Xuân Khoa là người chủ xướng và viết cái gọi là “Thư Ngỏ” này. Theo tôi, ông Lê Xuân Khoa là một người có học nhưng không phải trí thức!

Cách đây 7 năm, tôi đã có bài viết về chuyện ông ta ra mắt sách ở San José kêu gọi hòa hợp hòa giải. Khi ra mắt sách không chào cờ cũng như hát quốc ca VNCH. Bị chất vấn ông ta bàu chữa là ông ta “luôn luôn ấp ủ lá cờ vàng ba sọc đỏ trong tim” (sic!) Nhưng, cũng như ông nhà văn Nhật Tiến, bị những người cầm bút trong nước chê bai là “những kẻ hôi mùi thực dân” không xứng đáng cùng đồng hành với họ để tranh đấu cho tự do, dân chủ; ông Lê Xuân Khoa cũng bị báo chí VC đăng lời chỉ trích; trong khi ông ta viết bài ca tụng VC bị cộng đồng người Việt hải ngoại lên án.

Dư luận khắp nơi đã lên tiếng về Thư Ngỏ của 36 nhà trí thức. Ông Lê Xuân Khoa đã thành công trong nhiệm vụ khuấy động dư luận cũng như gây tranh cãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại vì một mục đích nào đó mà chỉ có ông ta và 34 ông bà trí thức cùng ký tên với ông ta biết mà thôi.

Chuyện tên của nhà văn Doãn Quốc Sỹ bị bắt có bỏ “dĩa” (Thư Ngỏ) thì mọi người đều đã rõ, nhất là qua bài viết “Đi thăm nhà văn Doãn Quốc Sỹ” của ông Trần Huy Bích cho thấy tư cách và việc làm ma giáo của “thằng người có đuôi” Lê Xuân Khoa.

Có người nói với tôi tội nghiệp nhất là giáo sư Vũ Quốc Thúc già đời mà chưa trọn! Khôn ba mươi sáu năm mà dại một giờ! Không biết có phải như vậy hay không? Chắc chỉ có ông ta biết mà thôi!

*

Mấy cái bia trong Văn Miếu Hà Nội nhiều chỗ đã mòn. Có lắm cái tên đọc không còn rõ. Ấy là tôi nói hồi trào Tây, bây giờ hẳn còn mòn hơn nữa. Còn như cụ Phan, tên đã khắc vào; đến năm Tự Đức thứ 18 lại bị đục ra. Năm 1886, Đồng Khánh nguyên niên, mới được khắc lại.

Bia đá coi vậy cũng không lấy gì làm bền lâu. Cũng như danh vị, chức tước con người, thấy đó rồi mất đó. Chỉ có tiếng thơm, tiếng xấu, tức cái bia miệng kia thì ngàn năm còn mãi. Có người lưu danh thiên cổ thì cũng có kẻ lưu xú vạn niên. Cũng sinh một thời mà Trần Bình Trọng thì lưu danh; Trần Ích Tắc thì lưu xú! Trần Văn Hương thì lưu danh; Dương Văn Minh thì lưu xú. Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Phạm Văn Phú thì lưu danh; Nguyễn Hữu Hạnh, Nguyễn Cao Kỳ thì lưu xú. Hùm chết để da, người ta chết để tiếng. Làm người mà không để được tiếng thơm cho đời sau thì cũng rán đừng lưu tiếng xấu.

Mấy ông bà Tiến sĩ, mấy ông bà đã có cái danh Tiến Sĩ, nếu là ngày xưa thì cũng bia đá, bảng vàng như ai; tự nhiên lại ghi tên vào cái Thư Ngỏ do ông Tiến sĩ Lê Xuân Khoa khởi xướng theo đuôi mấy ông trí thức ở trong nước. Cái “Thư Ngỏ báo đời” đã biến quý vị trở thành… “Tiến sĩ Bác Hồ”!

Mới đây, thấy ông giáo sư Vũ Quốc Thúc trả lời phỏng vấn các đài phát thanh về “quan hệ Việt Trung” cố gắng gỡ gạt cuối đời bằng lập luận “phải dấn thân đi, phải nhảy xuống bùn mà đi”.

Cũng giống ông giáo sư, nhà văn (Bùi) Nhật Tiến tỏ ra kênh kiệu, cao ngạo khi viết trong trong “Lời Nói Đầu” quyển sách gỡ gạt cuối đời là ông ta “… Một phần vì tôi bận rộn nhiều chuyện phải làm, một phần khác tôi tự nghĩ không nên phí thì giờ vào cái việc săm soi gột rửa gót giầy giữa lúc trời đang mưa”

Cố tìm mọi cách để gỡ gạt cuối đời, cả hai ông đều quên mất câu:

“Bàn tay trót đã nhúng chàm
Dại rồi mới biết khôn làm sao đây?!”

LÃO MÓC

0 comments:

Powered By Blogger