Sunday, January 22, 2012

Lá Thư Từ Miến Điện



Trần Khải - Đất nước Miến Điện chuyển biến tuyệt vời, qua những bước đi không ai ngờ. Nổi bật trong tình hình như thế, là hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi, người lãnh đạọ phong trào dân chủ NLD (chữ viết tắt của National League for Democracy – Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ), và cả thiện chí của những người cầm quyền hiện nay. Không có 2 yếu tố này, chưa chắc những tiến bộ dân chủ của Miến Điện có thể nhanh chóng như thế.

Có một điểm ít người chú ý về vai trò của bà Kyi là tàì năng văn chương của bà. Bà thực sự cũng là một nhà văn, không chỉ viết bằng Miến ngữ, mà còn bằng Anh ngữ. Tất nhiên, ai cũng nhớ rằng bà Kyi đã du học tại Anh, tốt nghiệp Cử Nhân Triết Học, Chính Trị và Kinh Tế tại Đại Học Oxford năm 1969, từng sống 3 năm ở New York và làm việc cho cơ quan Liên Hiệp Quốc nơi này, từng viết thư hàng ngày cho người chồng của bà là Tiến Sĩ Michael Aris lúc đó đang ở Anh Quốc, và rồi tốt nghiệp học vị Tiến Sĩ tại University of London năm 1985.
Nhưng như thế cũng không bảo đảm trở thành nhà văn viết bằng Anh ngữ được, vì có hàng chục ngàn Tiến Sĩ từng du học ở Anh và Mỹ nhưng lại chẳng viết gì cho ra trò.
Và hiện nay, sau nhiều tác phẩm đã in, trung bình mỗi tháng, có khi hai tháng, bà Kyi viết một bài cho mục Lá Thư Từ Miến Điện trên báo Nhật Bản Mainichi Shimbun.
Lá Thư Từ Miến Điện (Letter from Burma) cũng là tên một tuyển tập đã in năm 1998, trong đó có 52 bài viết ngắn của mục này từ báo Nhật Bản nêu trên.
Trong bài mới nhất trên mục này, đề ngày 24-12-2011, tức là chỉ cách nay gần 4 tuần lễ, bà Kyi viết bài nhan đề “An Old Soldier.” Đó là một bản văn tuyệt tác để tưởng niệm một cựu Tướng Lãnh Miến Điện, từng giữ chức Bộ Trưởng, rồi chức Phó Thủ Tướng, và rồi buông bỏ quyền lực để gia nhập phong trào dân chủ dưới quyền lãnh đạo của bà Kyi.
Văn phong của bà thực ra không đơn giản, vì ảnh hưởng lối đặt câu mang nhiều tính quy phạm của các đạị học Anh Quốc. Với văn phong cổ kính và trang trọng, vẻ đẹp tinh thần của bà đã hiện lên trong lá thư trong một cách rất riêng.
Thư viết về nhân vật có tên là U Lwin. Bà mở đầu lá thư, trích dịch như sau:
“Luôn luôn là sầu muộn khi một cuộc đời tốt đẹp tới lúc phải kết thúc. Cùng lúc khi biết rằng một người vừa hoàn tất cõi tạm trên quả đất này một cách danh dự, cũng là một cảm xúc của lòng biết ơn và thán phục. Khi U Lwin, một trong những thành viên sáng lập của phong trào NLD, từ trần vào ngày 6-12-2011, tôi nhìn thấy như hình ảnh một người lính già mờ nhạt dần đi. Tôi nhận ra chính tháí độ của mình là muốn tìm hiểu.
Hồi 15 năm trước, tôi đã viết về U Lwin trong một trong những Lá Thư Từ Miến Điện, và nói sơ lược về sự nghiệp của ông trong quân đội, trong đó có thời gian huấn luyện quân sự ở Rikugun Shikan Gakko tại Nhật Bản. Tôi cũng đã viết rằng ông sau đó giữ chức Bộ Trưởng Kế Hoạch và Tài Chánh, chức Phó Thủ Tướng, và chức ủy viên Hội Đồng Nhà Nước trong chính phủ Đảng Chương Trình Xã Hội Miến Điện cho tới khi ông từ nhiệm khỏi chức vụ cuối cùng trong năm 1980.
Từ năm 1988 trở đi, ông là thành viên trong Ủy Ban Điều Hành Trung Ương của phong traò dân chủ NLD, và chính nhờ tính kỹ lưỡng chi tiết khi ông rời chức vụ Ủy Viên Tài Chánh nên khi Sở Điều Tra Đặc Biệt tới hung hăng khám xét, kiểm toán moi móc tới 8 lần mà không thấy lỗi gì trong việc sổ sách. Tính chung, ông phục vụ đất nước trong cương vị chiến sĩ là 19 năm, và trong cương vị dân sự nhiều gấp đôi thời gian đó. Nhưng tới lúc cuối đời ông, tôi lại nghĩ ông như một người lính già...”(hết trích dịch).
Như thế, đã có một cựu tướng lãnh, một cựu Phó Thủ Tướng Miến Điện đứng bên bà Kyi. Tuy nhiên, trong thư cũng cho biết có 4 nhân vật quân sự bên cạnh bà Kyi, người hồi thập niên 1980s đã lãnh đạo dân chúng xuống đường đòi dân chủ, và trong năm 1989 đã hiên ngang bước thẳng trước mũi súng của các chiến binh đàn áp.
Bách Khoa Tự Điển Wikipedia trong đoạn về năm 1989 của đời bà, đã viết:
“1989
2 tháng 1: tang lễ của Khin Kyi (mẹ của bà Suu Kyi) rất lớn. Suu Kyi thề sẽ theo bước mẹ cha phục vụ đồng bào Miến Điện cho đến chết.
Tháng 1 - tháng 7: Suu Kyi tiếp tục tranh đấu mặc dù bị đàn áp, đe dọa, bắt bớ bởi quân lính nhà nước.
17 tháng 2: Suu Kyi bị nhà nước cấm không cho tranh cử.
5 tháng 4: Sự kiện tại khu Irawaddy Delta, Suu Kyi can đảm đi thẳng tới trước những nòng súng của quân đội chính phủ đang chĩa vào bà.
20 tháng 7: Suu Kyi bị giam lỏng trong nhà, không có án kết. Hai con trai đang sống cùng bà. Chồng bà là Michael bay từ Rangoon về thăm sau khi nghe tin bà tuyệt thực ba ngày để đòi được đem vào tù chung với những học sinh bị bắt tại tư gia của bà. Bà ngưng tuyệt thực khi chính quyền hứa sẽ đối xử tốt với học sinh.”(hết trích)
Trở lại Lá thư Miến Điện, bà Suu Kyi kể về chuyện khi bà Madelaine Albright, lúc đó giữ chức Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, viếng thăm Miến Điện năm 1995, và có buổi ăn sáng tại nhà bà Kyi.
Lá Thư kể như sau về quan ngại của Mỹ khi thấy có cựu tướng lãnh hoạt động bên cạnh bà Kyi:
“U Lwin ngồi chung bàn với một số viên chức Bộ Ngoại Giao Mỹ, một trong những người này bày tỏ nỗi lo ngại mà nhiều người từng có rằng có lẽ tôi (bà Kyi) chịu sự kiểm soát của ‘vài phần tử quân sự’ trong phong trào dân chủ NLD. Điều này ám chỉ tới 4 cựu lãnh đaọ quân sự trong Ủy Ban Điều Hành Trung Ương NLD mà tôi làm việc sát cánh.
U Lwin đã trả lời bằng một cách rất lịch sự kiểu sĩ quan Mỹ mà ông từng học được khi giữ chức tham vụ quân sự tòa đaị sứ Miến Điện ở Washington, ‘Thưa bà, làm sao 4 người chúng tôi có thể làm được điều mà quân đội Miến Điện với 400,000 chiến binh không có thể làm nổi?”
...
Khi tôi tới thăm ông tại nhà hồi mấy tháng trước, sức khỏe của ông đã yếu lắm rồi, mặc dù không thấy rõ là còn bao nhiêu thời lượng trong đời của ông. Nói một cách rất chậm, ông cảm ơn tôi một cách chính thức vì đã chấp nhận rắc rối khi tới thăm ông, bất kể ‘trách nhiệm nặng nề’ của tôi. Rồi khi đó, tôi làm một cử chỉ kính trọng ông, ông đã ra dấu ban phước cho tôi với một sức mạnh đè lên từng chữ một với sự chân thành và ý nghĩa sâu lắng.
U Lwin đã từ trần một cách nhẹ nhàng. Ông tan biến đi với một tư cách lớn, thích nghi với một người lính già.”(hết trích)
Đất nước Miến Điện tuyệt vời, nơi có một nhà văn, một nhà hoạt động cho dân chủ vĩ đạị như bà Suu Kyi, cũng là nơi có những vị tướng lãnh rời chức vụ để cùng gia nhập hàng ngũ những người dân bước đi với chân trần để đòi dân chủ và tự do.
Việt Nam hiện nay có nhà văn nào, và có tướng lãnh nào thực sự quan tâm, thực sự dấn thân đòi hỏi dân chủ cho toàn dân?

http://www.vietbao.com/D_1-2_2-349_4-186286_15-2/

0 comments:

Powered By Blogger