Monday, January 9, 2012

Bắc Triều Tiên sau Kim Chính Nhật

Chúng ta cần nói về họ Kim

Thay đổi chế độ tại nước tệ mạt nhất trên địa cầu phải được hoạch định, chứ không thể chỉ hy vọng mà có được

The Economist – PBD dịch

Đối với nhiều nạn nhân của y, và bất cứ người nào có ý thức về công lý, chuyện Kim Chính Nhật chết trong tự do và tự nhiên như vậy là điều bất công sai trái. Tên bạo ngược đó cai trị nước của y như một trại tù khổ sai khổng lồ. Y reo rắc đau khổ và nghèo đói nhiều hơn bất cứ tên độc tài nào khác trong thời hiện đại, giết hại dân của y trong các trại tù hoặc vì thiếu dinh dưỡng và chết đói hết sức vô lý nhiều hơn bất cứ ai khác kể từ Pol Pot. Người dân Bắc Triều Tiên có chiều cao trung bình thấp hơn dân bên Nam Triều Tiên với cuộc sống no đủ. Cứ 20 người thì lại có một người bị tống đi trại tù khổ sai. Một khi có người nào bị xem là kẻ thù chính trị thì cả gia đình người đó cũng có thể bị đưa vào trại tù khổ sai. Nay thì Kim Chính Nhật sẽ không bao giờ còn bị đem ra bắt phải chịu trách nhiệm được nữa.

Kim lãnh đạm đến mức như bị bệnh này trước nỗi khốn khổ của người dân Bắc Triều Tiên. Y vẫn nghĩ là cuộc sống thật sung túc. Y thưởng thức rượu cognac, phô mai và sushi đắt tiền. Y thích thú ra uy với người dân và về việc y có thể, bằng cách khiêu khích nguyên tử, gây áp lực và lừa gạt thế giới bên ngoài. Y đã ra lệnh đặt bom trên một chiếc máy ban dân sự. Y thỏa mãn lòng đam mê điện ảnh của y bằng cách bắt cóc một nhà đạo diễn Nam Triều Tiên. Cả nước là sân khấu điện ảnh của y, mà y có thể đóng vai Thượng Đế và bắt mọi người phải tôn sùng y. Y thường được tả lại như một thằng hề đi giày đế cao, tóc phồng lên, là một tên côn đồ hoạt họa. Nhưng y lại là người tỉnh trí có ý lẽ của y, và xét cho cùng thì y đã thành công. Không những y đã chết trong tự do và tự nhiên mà y còn bảo vệ cho cả một thế hệ của một nhóm nhỏ hưởng đặc quyền đặc lợi chính trị cùng phất lên với y. Và trên hết là Kim, trong cương vị người lo cho gia đình, đã bảo đảm là y giao lại sân khấu điện ảnh của y cho người thừa kế do y chọn, con trai thứ ba to béo của y, Kim Chính Ân.

Đó là lý do thứ nhì tại sao không thể vui mừng được trọn vẹn khi Kim Chính Nhật qua đời. Kim con là thế hệ thứ ba của một triều đại gia đình độc tài kiểu Stalin đã cai trị bắc Triều Tiên từ năm 1948 đến giờ. Tình trạng tranh giành dữ dội của các phe phái hoặc gấu ó trong gia đình có thể đang bùng nổ dữ dội bên trong hậu trường, nhưng vở kịch tang lễ cha của Kim con vào ngày 28 Tháng Mười Hai đã được dàn dựng cốt để cho thấy là, ngoài mặt, chế độ này đã phục tùng Kim con, cùng với dượng và dì của hắn giữ vai trò nhiếp chính. Tính cách liên tục phải được duy trì. Vì càng duy trì tình trạng như cũ bao nhiêu thì càng có nghĩa là dân trong nước sẽ khốn khổ thêm bấy nhiêu và càng gia tăng hăm dọa nguyên từ để tống tiền ở ngoại quốc, vì thế mà không thể vui mừng được.

Vào năm 1994, khi cha của Kim Chính Nhật là Kim Nhật Thành qua đời, tờ The Economist đã hy vọng, cũng như bây giờ, là chế độ sẽ tan rã nhanh chóng và miền Bắc tái thống nhất với miền Nam. Vào lúc đó, Kim Chính Nhật thiếu quyền hạn như cha y. Chúng tôi đã cho rằng xét về lý lẽ rõ rệt trước mắt thì phải cải tổ kinh tế và chế độ đó phải tan rã. Ngày nay, Kim Chính Ân thừa kế hai phần thưởng quý giá: vũ khí nguyên tử (và năng lực do vũ khí này đem lại) cộng với sức yểm trợ rõ rệt của Trung Cộng. Hai yếu tố này không phải là các lý do duy nhất khiến phải ngần ngại mà tiên đoán rằng chế độ này sắp bị hủy diệt.

Trong số dân Bắc Triều Tiên có lý do để bất mãn chế độ nhất là dân quê thì lại ở quá xa và quá nghèo nên khó có thể chống đối được chế độ. Và nếu họ có chống đi nữa thì một hệ thống đàn áp khắp nước cũng không cho phép chống đối. Giới có đặc quyền chính trị gần gũi với gia đình Kim, hầu như tất cả đều là con cái cách mạng, biết rằng vấn đề sinh tồn của họ gắn liền với vấn đề sinh tồn của chế độ. Trong khi đó, thủ đô Bình Nhưởng, chỉ gồm toàn những người trung thành với chế độ, thì tương đối khá giả hơn. Vấn đề khó hiểu nhất đối với người ngoài là tình trạng tôn sùng cá nhân Kim phát xuất từ các truyền thuyết hùng cường về chủng tộc và lịch sử. Trên hết là việc người Bắc Triều Tiên cho rằng họ là giống dân thuần chủng. Họ đã được dạy để nghĩ về gia đình họ Kim là những bậc phụ huynh đầy tình yêu thương và nồng hậu, cương quyết bảo vệ tới cùng một nước yếu thế đối với hành động ngược đãi họ từ Hoa Kỳ và Nhật Bản và ngay cả Trung Cộng. Do đó, một số người khóc lóc sau cái chết của Kim Chính Nhật có thể là họ khóc thật.

Nhưng ngay cả Bắc Triều Tiên cũng không thể tránh được hoàn toàn chuyện phải thay đổi. Nạn chết đói hồi cuối thập niên 1990 đã khiến mọi người có tư tưởng hoài nghi đối với chế độ, cũng như những cách sinh tồn đã chứng tỏ là bền vững hơn khả năng đàn áp của nhà nước. Các thị trường chợ đen đã mọc lên, cùng với hoạt động buôn bán tấp nập dọc theo biên giới với Trung Cộng. Người dân Bắc Triều Tiên xem những vở kịch dài nhiều tập của Nam Triều Tiên trên máy DVD nhập lậu nay biết được các lãnh tụ của họ đã dối trá về chuyện người dân ở miền Nam nghèo khó và bị áp bức. Tất cả những yếu tố này đang thay đổi nước này vĩnh viễn, và một ngày nào đó sẽ đe dọa đến khả năng sinh tồn của chế độ.

Vấn đề này gây ra nhiều khó khăn cho Trung Cộng. Các nhà chiến lược tại Bắc Kinh đã yểm trợ chế độ này vì họ sợ xảy ra bất ổn tại vùng biên giới của họ và còn khó hơn nữa vì họ lo rằng một nước Triều Tiên thống nhất có thể có quân đội Hoa Kỳ đóng sát biên giới Trung Cộng lần đầu tiên trong hơn 60 năm. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan của họ là bất cứ họ làm gì, Bắc Triều Tiên cuối cùng rồi cũng sẽ phải sụp đổ. Một mặt vì không cải tổ nên Bắc Triều Tiên đang đi vào ngõ cụt. Mặt khác, nếu nước này mở cửa rộng hơn thì chắc chắn sẽ chấm dứt triều đại họ Kim. Đó là lý do tại sao Kim Chính Nhật không bao giờ chấp nhận thay đổi, bất luận phía Trung Cộng có chứng tỏ cho y thấy phép mầu kinh tế của họ bao nhiêu lần đi nữa.

Nay chắc chắn đã đến lúc Trung Cộng phải chấp nhận là tốt hơn là phải thay đổi, và kiểm soát. Dù cho Bắc Triều Tiên có sụp đổ hỗn loạn, nhưng lại có thể có được tiềm năng lợi lộc lâu dài không những cho người dân Bắc Triều Tiên mà còn cho cả các nước láng giềng của họ, kể cả Trung Cộng, của một bán đảo hòa bình từ bên trong vẫn nhiều hơn tiềm năng bất ổn. Một số người tại Bắc Kinh cho là họ thấy người dượng nhiếp chính, Jang Song Taek, là người chủ trương cải tổ. Nếu thế, họ nên khuyến khích ông ta.

Trung Cộng có thể sẽ làm việc này nếu Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ nỗ lực hơn để tối giảm các hậu quả nguy hiểm khi chế độ này sụp đổ. Hoa Kỳ và Nam Triều Tiên có thể làm được nhiều việc để trấn an Trung Cộng (và ngược lại), chẳng hạn như bằng cách phối hợp để ngăn ngừa không cho vũ khí nguyên tử, hóa chất và sinh học của miền Bắc lọt vào tay những thành phần nguy hiểm. Và họ có thể nói rõ hơn nhiều cho Trung Cộng biết là một khi bán đảo này hòa bình thì sẽ không còn nhu cầu để quân đội Mỹ phải ở lại đó nữa.

Sự thật đáng tiếc là không phải riêng gì Trung Cộng mà cả Hoa Kỳ (sợ xảy ra thêm một cuộc khủng hoảng toàn cầu), Nam Triều Tiên (sợ phí tổn tốn kém để hội nhập một nước có vẻ hoàn toàn xa lạ với nhiều người thuộc giới trẻ tại đây) và Nhật Bản (sợ một nước Triều Tiên thống nhất) đều đã góp phần duy trì chế độ sát nhân này. Nhưng gia đình họ Kim không thể trường tồn mãi được. Càng bắt đầu có đối thoại sớm về việc thay thế gia đình này thì càng tốt, không những cho vùng này được ổn định, mà còn cho người dân Bắc Triều Tiên vẫn bị bỏ quên và áp bức.

Source: http://www.economist.com/node/21542185

0 comments:

Powered By Blogger