Tùy viên Tòa Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam bị ngăn chặn không được gặp LS. Đài
Tùy viên Tòa Đại Sứ Mỹ tại Việt Nam bị ngăn chặn không được gặp LS. Đài
Ngăn cản việc thăm viếng của các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam với các nhà bất đồng chính kiến là chuyện từng diễn ra ở Việt Nam.
“Cấm người nước ngoài”?
Vào sáng hôm nay thứ Sáu ngày (18-03) các cấp chính quyền đã huy động tới gần 50 người ngăn cản không cho ông Christian Marchant, tùy viên chính trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam tới thăm luật sư Nguyễn Văn Đài tại tư gia. Ngay sau khi hay tin, Việt Hùng của Ban Việt Ngữ đã hỏi chuyện luật sư Nguyễn Văn Đài và được ông thuật lại.
LS Nguyễn Văn Đài: Ngay từ hôm tôi mới ra tù (06-03-2011) ông Christian Marchant có ngỏ ý muốn tới nhà thăm tôi, nhưng mấy ngày hôm đó thì các cấp chính quyền họ đã dựng biển trước nhà tôi “Cấm người nước ngoài” nên không thực hiện được. Sau đó tôi và ông tùy viên chính trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội có hẹn với nhau là sáng nay vào lúc 10: 00 giờ sáng (tính theo giờ Hà Nội) thì ông sẽ đến tư gia của tôi thăm tôi, bởi vì việc đi lại của tôi rất khó khăn cho nên chúng tôi đã hẹn nhau như vậy.
Ngày từ sáng sớm khi mở cửa sổ ra thì tôi đã thấy rất nhiều nhân viên an ninh của Bộ Công an, Sở Công an rồi dân phòng đã có mặt rất đông. Có thể họ đã biết trước cuộc gặp của chúng tôi cho nên họ tìm cách ngăn chặn. Sau đó đến khoảng 9 giờ sáng có nhân viên an ninh của quận rồi công an khu vực của phường có đến gõ cửa vào nhà và họ đề nghị tôi viết một số giấy tờ cam kết xin đi lại…
Trong nội dung có yêu cầu tôi khi đi Lễ nhà thờ, hay đi chữa bệnh “không nên” lợi dụng cơ hội này để gặp gỡ các nhà bất đồng chính kiến. Sau khi họ ngồi gần một tiếng thì họ ra về.
Đến khoảng gần 10 giờ sáng, tức là gần đến giờ hẹn, ông Christian Marchant đã nhắn tin cho tôi là ông đã tới ở đầu cổng Tham vụ Chính trị Christian Marchant và bà Trần Khải Thanh Thủy bị công an hạch sách trước tòa án Hà nội năm 2009. Source blogharbor vào nhà tôi nhưng có khoảng 50 công an đã đứng chặn ở cổng vào nhà tôi. Họ đã treo tấm biển trước cổng nhà tôi là “Khu vực bảo vệ”, họ không cho bất kỳ ai đi vào khu vực đó nên ông Marchant đã nói không thể vào thăm tôi được vào buổi sáng ngày hôm nay và hẹn vào một dịp khác khi điều kiện cho phép…
Việt Hùng: Qua việc ông Tùy viên chính trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội không đến thăm ông được, luật sư nhận định như thế nào?
LS Nguyễn Văn Đài: Tôi không biết chính quyền Việt Nam họ coi trọng cuộc gặp gỡ này như thế nào mà họ lại tìm cách ngăn cản, bởi vì theo thông lệ sau 4 năm ở tù ra thì việc các viên chức ngoại giao đến thăm tôi là hết sức thường tình ngoài việc thăm hỏi sức khỏe, những năm tháng tôi ở tù. Ngoài ra thì chúng tôi không có ý định trao đổi một vấn đề nào khác. Không hiểu sao các cấp chính quyền họ lại cố tình ngăn cản cuộc gặp gỡ nàỵ thì tôi thấy hết sức kỳ lạ.
Vi phạm nghị định 53 CP về quản chế
Việt Hùng: Trong lệnh quản chế hiện luật sư đang phải chịu là 4 năm có điều khoản nào nói luật sư không được gặp các viên chức của các Tòa Đại Sứ ở Việt Nam hay không?
LS Nguyễn Văn Đài: Trong nghị định 53 CP về quy định của chính phủ về quản chế không có một quy định nào hạn chế quyền gặp gỡ của tôi với các viên chức ngoại giao nước ngoài hay các cơ quan thông tấn báo chí nước ngoài. Mục đích Lệnh quản chế là chỉ nhằm hạn chế việc đi lại của tôi ra khỏi phường nơi mà tôi cư trú. Còn những khách đến thăm, kể cả các nhà bất đồng chính kiến hay những nhà đối lập với chính quyền, các nhà ngoại giao, báo chí nước ngoài…đến thăm tôi thì hoàn toàn không vi phạm bất kỳ quy định nào của Nghị định 53.
Việt Hùng: Đó là với những viên chức ngoại giao Hoa Kỳ làm việc tại Việt Nam. Nhưng cách đây không lâu chúng tôi có ghi nhận một số các nhà dân chủ ở Hà Nội khi hay tin luật sư được trả tự do về nhà thì mọi người có tới thăm sức khỏe luật sư, nhưng cũng gặp trở ngại với các cấp chính quyền?
LS Nguyễn Văn Đài: Vâng, chuyện đó cũng từng xảy ra sau 3 ngày khi tôi được trả tự do. Có một phái đoàn Mục sư thuộc Hội thánh Tin Lành Liên Hiệp Truyền Giáo Việt Nam khi ra về gặp trở ngại với các cấp chính quyền. Họ bị kiểm tra giấy tờ và “mời” ra làm việc tại công an phường và họ bị giữ ở đó hơn 3 tiếng đồng hồ, sau đó mới được thả ra.
Trong thời gian đó có anh Nguyễn Phương Anh và một số những anh em dân chủ khác có đến thăm tôi tại tư gia, nhưng cơ quan an ninh họ chặn ngay ở duới cầu thang không cho lên nhà tôi. Chuyện đó đã xảy ra 3 ngày, sau khi tôi được trở về với gia đình.
Việt Hùng: Kể từ hôm luật sư về đoàn tụ với gia đình cho đến nay, mỗi khi đi ra khỏi nhà, luật sư có gặp những trở ngại nào với các cấp chính quyền hay không?
LS Nguyễn Văn Đài: Bởi vì hầu hết những lần tôi đi ra khỏi căn hộ của mình thì tôi đều đến thăm thân nhân gia đình của tôi, hay đi Lễ nhà thờ hay đi khám chữa bệnh thì đương nhiên có nhiều người theo dõi, đi theo sau tôi, nhưng họ không có hành động nào cản trở những công việc đó của tôi vì tôi cũng đã thông báo cho họ biết đó là những công việc mà tôi phải làm trong thời gian này. Họ cũng nói với tôi đó là “nhân đạo” nên họ không cản trở tôi.
Việt Hùng: Vào thời điểm Việt Nam đang mở cửa với thế giới bên ngoài thì vụ việc xảy ra vào sáng ngày hôm nay (18-03) các cấp chính quyền ngăn cản không cho ông Tùy viên chính trị Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội tới thăm luật sư thì luât sư nghĩ gì và luật sư muốn nói điều gì với các giới chức Việt Nam.
LS Nguyễn Văn Đài: Những điều mà Việt nam làm như vậy là không nên bởi vì họ sẽ gây ra ấn tượng không tốt đối với các cơ quan ngoại giao nước ngoài. Bởi vì không chỉ Đại Sứ Quán Hoa Kỳ mà sẽ rất nhiều các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài cũng như các hãng thông tấn quốc tế biết và sẽ đưa tin.
Cho nên điều đó sẽ gây bất lợi cho hình ảnh của những nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Một điều tôi kêu gọi và khuyên các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam là không nên làm những điều như thế vì không chỉ ảnh hưởng tới uy tín của đảng cộng sản mà còn ảnh hưởng tới danh dự quốc gia nữa. Điều này là một việc không đáng làm!
Việt Hùng: Thay mặt quý thính giả của Đài RFA xin cám ơn luật sư.
* Source: http://www.rfa.org/vietnamese/in_dep...011081333.html
0 comments:
Post a Comment