Tuesday, March 15, 2011

Đối thoại hay giương oai?

Có người cho rằng, trong các bài tôi viết về ngành công an, tôi luôn khiến cho người đọc đánh đồng công an xấu và công an tốt (nếu có). Tôi cho rằng phán xét là việc xử lý thông tin của bộ não sau khi dùng mắt, dùng tai để nghe và dùng đầu để phân tích. Đối thoại hay giương oai? Bạn sẽ có câu trả lời, sau một buổi làm việc với công an. Hãy cứ thử đi rồi bạn sẽ biết.

Trình tự làm việc về mặt tư tưởng của công an với một “đối tượng nhạy cảm” thường sẽ bắt đầu bằng một tờ giấy mời như sau:

Thường thì công an phường nơi bạn đăng ký hộ khẩu thường trú / tạm trú sẽ chịu trách nhiệm gửi giấy mời cho bạn.

Lần đầu tiên tôi nhận tờ giấy này là vào lúc 4h20p chiều, và làm việc tại công an xã.

Hồi đó bạn Nấm còn nhỏ, nên tôi đã từ chối vì giờ đó là giờ chuẩn bị ăn chiều của bạn ấy, và vì tôi nhận thấy rằng không có viên chức nhà nước nào mẫn cán đến độ có thể ngồi lại làm việc sau 5h chiều. Không tin bạn cứ thử đi trình ký giấy tờ từ khoảng 4h chiều trở đi xem sao.

Khi người đưa giấy mời cho tôi (là ông trưởng thôn) ra khỏi nhà được 15 phút, thì tôi lại phải mở cửa để tiếp 5,6 người khác. Trong đó có 1 ông công an xã mặc sắc phục, và những người khác thì mặc thường phục.

Họ nói chuyện rất lâu, và muốn tôi gửi con ở nhà bà ngoại để làm việc ở công an tỉnh.

Mặc dù tôi đã có một cái giấy mời khác hẹn sẽ làm việc vào lúc 8h sáng hôm sau tại trụ sở công an phường Vĩnh Phước, nhưng họ nói huỷ, và muốn làm việc bây giờ.

Tôi suy nghĩ rất đơn giản mình cứ đi, mình không làm gì sai, mình cứ đối thoại với họ, xong việc thì về.

Và sự thật là ngày hôm đó, sau hơn 4 tiếng làm việc tại công an tỉnh, tôi trở nên mệt mỏi và bực dọc, vì đã đến giờ ngủ của Nấm (hơn 9h tối), nên tôi đứng lên và đi về.

Họ nói rằng, họ cần kiểm tra máy tính của tôi tại nhà, chỉ xem thôi.

Tôi đồng ý.

Và sự thật là gần 2 tiếng tìm kiếm trên máy, không tìm ra thứ họ muốn (mà tôi thực sự cũng chẳng biết họ muốn cái gì nữa) thì họ phán rằng: Họ cần niêm phong máy tính của tôi để đem về công an tỉnh kiểm tra.

Một cuộc tranh cãi đã nổ ra, ba bạn Nấm cho rằng “làm người thì phải biết giữ lời hứa”, đã nói chỉ kiểm tra sao giờ là tạm thu máy tính.

Hơn 11h đêm, quá mệt mỏi, tôi bảo họ cứ làm gì họ muốn, điều tôi cần là hãy ra khỏi nhà tôi, để con tôi được đi ngủ.

Sau đó thế nào thì tôi không kể nữa.

Không xét đến vấn đề ngôn ngữ lịch sự tối thiểu cần phải có cho một tờ giấy mời. Tôi chỉ xét đến lý do mời, và thường thì chỉ vỏn vẹn có một chữ “làm việc”.

Làm việc gì? Không ai biết được, tâm lý thường gặp hễ cứ thấy công an gửi giấy mời, là những người xung quanh mình như công an phường – xã, khóm trưởng, tổ trưởng tổ dân phố sẽ nhìn mình rất khác.

Tôi đã góp ý rất nhiều lần, nếu anh/chị mời tôi làm việc thì nên nói rõ là làm việc gì, như thế mới đúng tinh thần tôn trọng lẫn nhau của một giấy mời.

“Công an có quyền mời người dân đi làm việc, nhà nước không cấm điều đó”. Một đồng chí công an đã nói với tôi như vậy. Và tôi cũng trả lời rằng: “Người dân có quyền từ chối không đi làm việc, nếu xét thấy mình không thu xếp được thời gian – công việc và không rõ mục đích làm việc. Đó là quyền tự do cơ bản của một con người”.

Điều tôi muốn nói ở đây là khi cơ quan công an gửi đi một tờ giấy mời cho người dân, không hiểu họ muốn đối thoại hay giương oai với đối tượng được mời. Bởi nếu mời nhau đi đối thoại, người ta sẽ sắp xếp thời gian và chọn thái độ lịch sự nhất để các bên cùng thoải mái khi làm việc với nhau.

Liên quan đến giấy mời, tôi sẽ kể tiếp một ví dụ mới nhất để mọi người tự rút ra kết luận.

Ở một khu vực sắp bị giải toả trắng, người dân viết đơn khiếu nại gửi đến các cấp chính quyền xã – huyện sau khi không thể thống nhất với phương án đền bù, tái định cư đã đưa ra. Công an xã gửi giấy mời hai vợ chồng một chị là giáo viên đến làm việc với Phòng an ninh của công an huyện.

Cả hai vợ chồng đều ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra. Họ khiếu nại về việc đất đai thì liên quan gì đến an ninh?? Trong khi đơn từ của họ chưa được giải quyết trả lời, thì một tờ giấy mời với lý do: làm việc rất ất ơ từ trên trời rơi xuống.

Chị vợ nhận giấy mời và thông báo là sẽ không đi làm việc, vì chị không thể thu xếp thời gian dạy học trong buổi sáng hôm sau.

10h sáng Thứ Sáu, ngày 11/03/2011, khi đang dạy ở trường, chị nhận tiếp một tờ giấy mời lần 2, mời làm việc vào ngày thứ Bảy, lần này lại tách riêng hai vợ chồng, mỗi người một tời, không mời chung như hôm qua.

Chị vẫn từ chối, vì không rõ lý do “làm việc”.

Vì là giáo viên, nên chị có viết Thư trình bày để nói rõ lý do vì không thu xếp được thời gian và vì không rõ lý do làm việc nên chị dù đã nhận giấy mời cũng vẫn không thể đi làm việc trong tâm trạng đó.

Khi người hàng xóm chuyển thư mời của chị đến công an xã, thì được nhắn rằng: “Con mụ này làm giáo viên mà rất lì lợm, mời 2 lần không đi, có ý định chống đối hả? Để chuyển qua Phòng Giáo dục, giáo dục lại”

8h tối ngày thứ Sáu 11/03/2011, chị nhận tiếp “Giấy triệu tập lần 1″, vẫn với lý do “làm việc”.

Sáng thứ Hai, ngày 21/03/2011, một anh công an mẫn cán, đến tận trường chị công tác để tìm hiểu “tinh thần đối tượng”. Sau đó, chẳng hiểu với lý do hay quyền hành gì, mà anh này mang hồ sơ lý lịch cá nhân của chị để đi photo lại.

Hai giấy mời, một giấy triệu tập trong vòng 48 tiếng, xem chừng không còn là đối thoại nữa. Chưa kể đến việc tự tiện đem lý lịch của người khác đi sao chép mà không có bất kỳ tờ lệnh nào. Có nơi nào mà công an có nhiều quyền hành như thế không nhỉ???

Tôi nghe kể lại câu chuyện trên, và không biết trả lời sao cho câu hỏi”Luật pháp nằm ở đâu vậy em?” của chị.

Hình như trong mọi cuộc khiếu nại – khiếu kiện, thay vì đối thoại để giải quyết vấn đề theo đúng trình tự pháp luật, thì lực lượng công an thường chọn cách hành xử không giống ai như thế chăng?

Có thể đối thoại không khi anh thực sự không có tinh thần tôn trọng và lắng nghe người được mời làm việc?

Đối thoại hay giương oai? Câu trả lời này tôi xin nhường lại cho các bạn – những người đọc bài viết này.

Riêng tôi chỉ muốn nói, đừng bắt người ta phải tôn trọng anh, khi anh hành xử không đáng được tôn trọng như thế.

Đừng đẩy người dân vào thế đối đầu, khi anh chọn cách giương oai.

Mẹ Nấm

http://menam0.multiply.com/journal/item/454/454

0 comments:

Powered By Blogger