Friday, March 25, 2011

Đôi điều về "Quốc nhục" ở Việt Nam?

Thoảng nghe chuyện như đùa nhưng đang được dấy lên với đầy đủ nghi thức ngôn từ nghiêm túc rằng trong nước đang có bàn bạc về quốc phục và quốc tửu nên kẻ hàn sĩ này học đòi biện luận của cổ nhân thấy cũng nên đưa ra vài cá ý (ý kiến cá nhân) chứ không dám gán vào đó nhãn hiệu quốc ý (ý kiến quốc gia).


Phàm đã gọi là quốc kỳ (lá cờ quốc gia) và quốc ca (bài hát chính thức của một đất nước) hay quốc thiều (bản nhạc của quốc ca), thì mỗi khi có lễ lộc trọng đại hay nghi thức trang trọng đều phải treo quốc kỳ, hát quốc ca, trỗi quốc thiều. Nay nếu chọn quốc phục (nữ: áo dài; nam:áo dài khăn đóng) ắt từ nay mỗi khi họp Quốc hội hay họp đại hội Đảng thì toàn bộ các quan chức và viên chức tham dự, bất luận nam nữ, bất kể chiều cao hay chiều ngang thân thể, bất kỳ tuổi tác, bất phân dân tộc miền thượng du, sơn cước, hay đồng bằng, đều phải mặc quốc phục (nữ: áo dài; nam:áo dài khăn đóng).

Chưa kể hình ảnh các lãnh tụ cách mạng và anh hùng liệt sĩ của chúng ta cũng phải nhờ đến Photoshop® để thay đổi xiêm y quốc phục cho phù hợp quốc túy, không sai quốc thể, để giữ gìn quốc diện, nêu bật được quốc hồn. Đó là chưa kể sự thật đau lòng là chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam mà người Việt thì tự ca ngợi còn người nước ngoài thì lịch sự xã giao ngợi ca (đụng thực tế thi thời trang dân tộc các nước thì họ thẳng tay vùi dập không bỏ phiếu chọn) có các yếu điểm sau:

1) Không thích hợp với tất cả phụ nữ (áo đầm Tây Phương có ưu điểm là có thể tôn vẻ đẹp của các phụ nữ dù họ có thể thiếu chiều cao, dư chiều ngang);

2) Loại vải may áo dài bị hạn chế, tuyệt đại đa số là sợi tổng hợp Polyester và cotton rất nóng nực;

3) Không phải người nước ngoài nào cũng cho áo dài là “đứng đắn” vì áo không đủ độ dày và cho người ngoài thấy màu sắc hình dáng của trang phục lót;

4) Không ai như người Việt quá dễ dãi cho phép các họa sĩ vẽ linh tinh trên áo dài và cho phép nhà thiết kế phá tung cấu trúc chiếc áo dài, biến áo dài không thể tiếp tục gọi là “truyền thống” (ở vài nước nào còn…“ quốc phục” như Hàn Quốc và Nhật Bản người ta có “phát huy sáng kiến” lắm cũng chỉ ở mức độ giống như chiếc cravat gắn sẵn trên đế nhựa để cài luôn lên cổ áo thay vì thắt cầu kỳ, nghĩa là áo kimono chế sẵn ráp vô người là xong thay vì phải quấn vải phức tạp, chứ không ai như người Việt chế tay áo dài rộng thùng thình lệt bệt dưới đất, tà áo ngắn cũn cỡn trên đầu gối hai gang tay, tay áo dài đến khuỷu hoặc một tay dài một tay ngắn hay một tay dài và một tay trần sát nách, và có loại áo dài cực kỳ kín đáo với hai tay áo dài hở trọn lưng trần không thấy có dây ngang áo lót);

5) Đã là quốc phục, phải có cả phần cho nam giới; từ đó suy ra thầy giáo và nam sinh phải đi học với áo dài khăn đóng – hoặc chí ít lúc chào cờ ở sân trường để cộng hưởng hòa âm điền dã của quốc kỳ-quốc ca-quốc thiều-quốc phục;

6) Cuối cùng, song không kém phần quan trọng, là người Việt hay sai lầm ở chỗ chỉ nghĩ đến quần và áo khi nói đến trang phục mà không biết rằng nó còn bao gồm nguyên phụ liệu làm trang phục và giày dép, khiến sẽ có cuộc choảng nhau giữa các … Giày khi cạnh tranh với Vina Guốc và Vina Dép trên chiến trường quốc phục.

Về quốc hoa, điểm yếu của hoa sen là hầu như chỉ thấy nơi ao tù. Có thể một người đạo hạnh thường xuyên tắm gội, nhưng nhà ở cạnh Kênh Nhiêu Lộc bùn đặc quánh tanh tưởi thì khó thể nói đời đục cả chỉ mình ta trong, vì thời hiện đại ngày nay cái chính là môi trường mới quan trọng sống còn, mới tỏ được cái tầm của con người đến đâu trong cải thiện môi trường sống, thay vì gàn dở phó mặc và mặc quốc phục ngồi bên hố bùn rung đùi ngâm nga ca ngợi quốc hoa rằng “gần bùn mà chẵng hôi tanh mùi bùn”.

Về quốc tửu, không rõ Hàn Quốc và Nhật Bản hay các nước khác có làm phong trào bình chọn quốc tửu hay không, chứ rượu Soju (còn gọi là Hangul hay Hanja) đúng là thế gian đệ nhất vì rất nhẹ rất thơm, rất đặc thù, nam nữ đều dùng được, vui chơi thưởng thức êm đềm cũng được, mà say túy lúy cũng được, đi vào văn hóa đời sống và văn học Hàn, trong khi rượu Đế Việt Nam thì chỉ là thứ để “nhậu” say xỉn, không bao giờ phù hợp với văn hóa sinh hoạt nghiêm túc và với sức khỏe tâm thần bản thân, sức khỏe giống nòi, cùng sức mạnh nhân cách.

Người ta nói nhiều về “Mao Đài” mà quên mất “Ngũ Gia Bì” mới là hảo hạng hiếm hoi của Trung Quốc. Người ta tặng nhau các chai rượu nặng Tây đắt tiền mà không biết là xứ sở của các rượu ấy không tổ chức bình chọn quốc tửu. Ở Việt Nam, muốn chọn quốc tửu, trước hết phải xem dân trí ra sao, vấn nạn xã hội là gì, và ý nghĩa thế nào của quốc tửu đối với quốc danh quốc dự.

Và do rượu Đế Việt ta rất nặng, nên không thể là thứ giải khát tuyệt diệu như Soju, mà cần phải có mồi nhắm. Đã uống rượu mà nhắm với món ăn cúng Phật như rau luộc và tàu hũ thì e là xúc phạm đến tửu thần, nên dứt khoát phải có món mặn, mà đã nhậu thì ai lại ăn cá, nên ắt phải là thịt. Thế là ắt xảy ra cuộc chiến giữa các loại thịt để danh danh hiệu cao qu‎ý Quốc Nhục.


Trong tiếng Hán Việt, nhục là thịt.

Ắt dân nhậu Việt Nam sẽ dùng internet để bình chọn Thịt Chó tức Cẩu Nhục làm Quốc Nhục.

Vậy là mỗi khi có lễ hội trọng đại cấp quốc gia, đón tiếp nguyên thủ nước ngoài, ta sẽ vừa thấy hào hùng khi mặc quốc phục, bày quốc hoa, hát quốc ca, trỗi quốc thiều, đãi quốc tửu và mời quốc nhục; vừa thấy thương hại cho đại siêu cường quốc Hoa Kỳ không có quốc phục, chẳng có quốc tửu, và chưa biết đến hương vị thơm ngon của quốc nhục.

Chí lý vậy lắm thay.

Đó là cách nhìn khá thú vị của Thạc sĩ Kinh Doanh quốc tế, ông Hoàng Hữu Phước. Còn bạn đọc thì sao? Xin mời hãy bình chọn "5 điều quốc nhục" trên bảng bên phải. Nếu có ý kiến thêm, xin nêu tại đây!

0 comments:

Powered By Blogger