Có những trận chiến chưa kịp đề trong quân sử
Nhưng kiêu hùng đã vọng mãi ngàn sau
Xin tưởng niệm những thương đau bất tử
Máu can trường vinh dự viết tên anh.
Mèo rằn
Những chiến công rực rỡ nhất được tạo nên là do một phần đóng góp của
những hy sinh vì mục đích chung cho đồng đội, và những chiến bại gây
thương cảm nhất cũng là do sự góp phần của những anh hùng bị lãng quên.
Thật ra, họ cũng là những người bình thường như bao người khác, cũng
biết sợ, và muốn sống, nhưng hoàn cảnh của tình thế đã vực họ đứng thẳng
lên hơn và sẵn sàng đối mặt với cái sợ, đã khiến họ có những hành động
anh hùng đáng nể phục.
Hơn 100 hài cốt của chiến sĩ VNCH ở thôn Dương Lâm:
Đó là những người lính và sĩ quan hỗn hợp hơn 100 người gồm Biệt động
quân (Trung đoàn 5, Sư đoàn 2), Thủy quân Lục chiến, Nhảy dù, Địa phương
quân, với vũ khí cá nhân nhẹ, và vũ lực có hạn chống chọi với đoàn quân
Bắc Việt chiếm ưu thế trên cả hai mặt, tại chùa Dương Lâm thuộc thôn
Dương Lâm, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam vào ngày 24 tháng 3, 1975. Câu
chuyện bi thương anh hùng nầy được tác giả Liêu Thái (là người lúc bấy
giờ sống tại Quảng Nam) kể lại khá đầy đủ trên trang Người Việt cách đây gần đã 3 năm (vào tháng 10/2011).
Với số lượng khoảng hai lớp học đó, họ đã bị tàn sát không chút nương
tay, thậm chí một số thương binh buột vải trắng đầu hàng, bằng những
loạt đạn của B40, B41 (dân miền Bắc thường gọi là RPG 2, RPG 7), đại
liên, súng cá nhân, đến nổi chỉ một ít người có cơ may thoát được. Sau
hơn một tuần lễ, họ được vùi lấp vội vàng bởi những người dân vì mùi xác
rã xông lên. Mãi đến khoảng 34 năm sau (năm 2009), một số hố chôn tập
thể được khai quật để cải táng bởi những Phật tử của chùa Dương Lâm. Và
khoảng 2 năm sau (năm 2011), vị trụ trì mới là Thích Pháp Tánh, tiếp tục
việc cải táng cho những hài cốt còn sót lại trong khuôn viên nhà chùa
và được ủng hộ, giúp đỡ nhanh chóng từ lòng thiện tâm của những người
trong và ngoài nước.
Hơn 132 hài cốt của chiến sĩ VNCH ở thôn An Dương:
Những ai từng đọc qua tác phẩm “Tháng Ba Gãy Súng”
của cựu Trung úy Thủy quân Lục chiến Cao Xuân Huy (xin đừng lầm lẫn với
Cao Xuân Huy, Giáo sư của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ 1951-1960,
với Giải thưởng Hồ Chí Minh), chắc nhớ đến những cảnh di tản chạy dọc bờ
biển Ninh Thuận không lối thoát, lại bị quân Bắc Việt phục kích và
những màn tự tử tập thể của những nhóm chiến sĩ VNCH. Mãi đến 35 năm sau
(năm 2011), một người gốc thôn An Dương, chị Tố Thuận, trở về thăm quê
nhà từ Mỹ, đã tự bỏ tiền và huy động sự đóng góp của thân nhân, bạn bè
hải ngoại cho công cuộc cải táng một số hài cốt đó.
90 con Báo đen Biệt Động quân:
Những người hùng Biệt Động quân tự nguyện đứng trong hàng ngũ của 90 con
báo đen theo chủ tướng Thiếu tá Trần Đình Tự tiến hành trận chiến tại
cầu Sạn, huyện Củ Chi, ngoại ô Sài Gòn vào chiều ngày 30/04/1975 dù lệnh
buông súng do Dương Văn Minh đã ban ra, trong bài viết “Con cọp đen có 13 Răng”
của tác giả Nguyễn Khắp Nơi. Sau đó, chỉ còn lại 13 con báo đen mất hết
khả chiến đấu vì không còn đạn. Họ ung dung chuyền nhau rít những điếu
thuốc cuối cùng chờ đợi tử thần như một định mệnh được biết trước. Dĩ
nhiên là, điều sẽ đến như họ nghĩ, khi quân CSBV trói chân tay những con
báo nầy dù đã kiệt sức đề kháng, và hành hình không lâu sau đó.
Hai chiến binh kiêu hùng VNCH:
“Chuyện về hai Người lính”
là đề tựa cho bài viết của tác giả Trần Văn Minh kể lại hai cuộc đời
kiêu hùng của hai chiến binh VNCH trong ngày cuối. Một Trần Thanh Tài,
Trung đội phó Nghĩa quân thuộc xã Hố Nai, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng
Nai, vùng ngoại ô của thành phố Biên Hòa. Anh ta là một Phó đội lè phè
của lính làng nhưng lòng quả cảm khác thường đã biến anh thành vị anh
hùng đáng kính khi một mình ngăn chận bước tiến của quân CSBV cho anh em
Nghĩa quân dưới quyền của mình rút lui và anh phải trả bằng sinh mạng
của chính mình vào những ngày cuối tháng Tư đó. Trong khi dân chúng, và
những đơn vị bạn đã rút hết từ lâu ngoại trừ đơn vị Nghĩa quân của anh
ta không hơn 30 người vẫn cố gắng cầm chân đội quân cộng sản đông đảo và
mạnh mẽ về vũ lực gấp nhiều lần.
Một vị Trung úy Thiết giáp (sau nầy mới biết được tên là Lê Văn Cao) đơn
thân chống giữ đoàn xe tăng của quân cộng sản tại ấp Tân Bắc, huyện
Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Sau khi hạ được 3 chiếc T54 mới nhất lúc bấy
giờ qua kinh nghiệm chiến đấu của một vị sĩ quan Thiết giáp, anh đã ung
dung tự kết liễu mình trước khi bị bắt sống bởi cuộc lùng kiếm của bộ
binh Bắc Việt. Thân xác anh bị kéo ra và vứt bên đường, và dường như
cũng phải chịu trận đòn thù bị bắn banh lồng ngực đến nổi bảng tên mất
luôn họ, nên người dân chôn cất ghi là Nguyễn Văn Cao. Sự kiện được xác
minh khi gia đình tình cờ tìm được thêm thông tin sau nầy qua bài viết
của Trần Văn Minh.
“Anh em tàn sát lẫn nhau”:
Cho mãi đến 39 năm từ lúc miền Nam thất thế, những người cộng sản miền
Bắc, những người miền Nam tin theo và nhất là những thế hệ cộng sản sau
nầy không ngớt giả nhân giả nghĩa cho rằng cuộc chiến Việt Nam là do
“anh em tàn sát lẫn nhau” hầu bảo minh cho cái chính nghĩa “thống nhất”
của họ vốn có nghĩa là những người cộng sản miền Bắc phải là những người
làm nên “thống nhất” đất nước, là những chủ nhân ông mới. Những người
miền Nam tự do dù dưới bất kỳ hình thức nào chống lại công cuộc “thống
nhất” đó có nghĩa là chính những người miền Nam tự do: nguyên nhân đưa
đến cảnh “anh em tàn sát lẫn nhau”.
Có phải chăng lối ngụy biện đó hoàn toàn hữu lý hay ít ra cũng có chút
hợp lý nào đó của nó? Trong khi, chính những người miền Nam tự do là
những người phải chịu hy sinh ngay trên mảnh đất của mình, nhưng lại
“được” gán cho cái tội “anh em tàn sát lẫn nhau”. Trong khi, chính những
người cộng sản miền Bắc xua nhau mang đủ loại vũ khí tân tiến của ngoại
bang vào miền Nam bằng mọi cách để tiến hành cuộc chiến và gây ra những
cảnh tàn sát lẫn nhau khó thể không xảy ra, nhưng những người miền Nam
tự do dù cố gắng bảo vệ mình cũng “được” gán cho tội “anh em tàn sát lẫn
nhau”.
Có phải chăng những người miền Nam tự do không ai mong muốn có được sự
thống nhất đất nước nên họ không tiến hành công cuộc “giải phóng” như
những người cộng sản miền Bắc? “Giải phóng” cũng có nghĩa là dùng bạo
lực để tàn sát những đối thủ hầu chiếm lấy một vùng nào đó. Vì vậy,
những người miền Nam tự do chủ trương không dùng bạo lực để “giải phóng”
những người anh em miền Bắc, mà ngược lại, họ cố gắng xây dựng và bảo
vệ những gì còn lại của miền Nam. Vì họ nhìn thấy rằng cuộc chiến Việt
Nam không đơn thuần là cuộc nội chiến mà là một cuộc chiến ý thức hệ
trên bình diện cả quốc tế. Có nghĩa là, những người miền Bắc chịu ảnh
hưởng ý thức hệ cộng sản quốc tế với chủ trương bành trướng chế độ cộng
sản dưới sự ủng hộ mạnh mẽ nhất của Trung cộng vì những lợi ích riêng
của chính nó trong đó.
Do đó, những chiến sĩ của VNCH là những người có chính nghĩa khi bảo vệ
cho miền Nam tự do và điều nầy được thể hiện qua những gương dũng cảm
của những anh hùng thời loạn dù phải chịu thất thế vì sự biến đổi của
bàn cờ chính trị quốc tế. Họ không khuất phục chịu thua dù dưới bất kỳ
hình thức nào, dù người bạn đồng minh Hoa Kỳ đã cố tình đánh đổi họ cho
mục đích khác. Tinh thần chiến đấu của họ vì chính nghĩa không thua kém
bất kỳ dân tộc nào, ngay cả Mỹ, Anh, Pháp, nơi mà họ được tiếp thu và
vinh danh hơn nữa lòng kiên cường đó. Họ chiến đấu cho dân tộc, cho
những người miền Nam, không vì ngoại bang nào cả như những người miền
Bắc chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản quốc tế, cho Trung cộng và Liên Xô.
Chính điều nầy đã thể hiện càng ngày càng rõ hơn sau công cuộc tiến
chiếm miền Nam của cộng sản Bắc Việt mà họ luôn luôn muốn giấu kín trước
đây hầu ngụy tạo một chính nghĩa làm nức lòng thanh niên miền Bắc lao
vào cuộc chiến quên mình và nuôi lòng căm thù tột cùng nơi họ đối với
những người miền Nam tự do: nguyên nhân đưa đến cảnh “anh em tàn sát lẫn
nhau”.
Sự “khoan hồng” của đảng:
Tại sao những chiến sĩ VNCH không chấp nhận sự “khoan hồng” của đảng khi
được kêu gọi trong những ngày cuối của tháng Tư Đen? Chỉ những chiến
binh buông súng sau nầy mới hiểu được ý nghĩa hai chữ “khoan hồng” đó
trong những tháng năm lưu đày, bị hành hạ ngược đãi, lao công trong
những vùng thiêng nước độc, ngoài những tủi nhục khi nhân phẩm bị chà
đạp, khinh rẻ hơn những tù nhân nước ngoài trong những trại tù riêng
biệt và chế độ ưu đãi riêng biệt hơn. Đúng vậy, họ chưa từng hiểu qua ý
nghĩa “khoan hồng” đó nhưng hai chữ “cộng sản” đủ làm cho họ khiếp đảm
khi nghe những khoan hồng của đảng.
Họ, những chiến sĩ cấp thấp, những người lính không chức vụ, không phải
là hàng khanh tướng, quan chức cao, không phải chịu nhiều trách nhiệm
“gánh tội” cho chính thể miền Nam, nhưng họ lại chọn cái chết với những
người bạn đồng ngũ của mình dù phải chiến đấu trong vô vọng, hoặc tự kết
liễu với nhau khi còn vừa đủ vài quả đạn. Không, dĩ nhiên là không phải
những chuyện bịa đặt như những người cộng sản ưu thích đường lối tuyên
truyền. Đó chính là những chuyện mắt thấy tai nghe của những người dân
chứng kiến, của những cấp sĩ quan may mắn sống sót sau những năm tháng
“được cải tạo toàn bộ dáng người xưa”. Đó là những sự thật nhưng chỉ
được rỉ tai nhau hoặc chờ đến những hơn mười năm sau. Vì chúng là những
chuyện được gán cho cái danh từ “nhạy cảm” vốn bao hàm ý nghĩa là “nếu
không muốn vào tù”. Đó là danh từ bao quát trên mọi lãnh vực trong xã
hội, chi phối đời sống con người trong đó, mà người dân phải hiểu đó là
“sự nghiêm cấm tuyệt đối” dưới chế độ cộng sản, không cần giải thích,
không cần hợp lý hay phi lý, mà chỉ cần biết tuân theo.
Xin tri ân:
Dù là thế nào, dù họ là những chiến sĩ thất thế, bại trận, nhưng chiến
thắng cũng không có nghĩa là anh hùng. Vì không ai cho rằng kẻ cướp
chiếm đoạt được một làng mạc nào đó, là những anh hùng. Và kẻ xâm lược
cưỡng chiếm một đất nước khác, càng không phải là những anh hùng. Anh
hùng phải bao gồm cả đức độ về tinh thần, và bản lãnh về thể chất. Trong
cả hai trường hợp trên, hoàn toàn mất đi phần đạo đức con người, dĩ
nhiên, không ai bao giờ xem đó là anh hùng. Thói thường, những kẻ càng
cao giọng tự tán dương mình, chính là những kẻ hèn hạ. Vì thế, họ thích
khoe khoang, tự đắc hầu che đậy bản chất yếu hèn của mình. Không ai ca
tụng bạo lực, nên họ dùng mọi thủ đoạn núp sau mảnh vải đạo đức để đổ
cho những hành động bạo lực vì đối phương chủ động. Đó chính là cách mà
cộng sản thường hay tuyên truyền cho cái gọi là “chính nghĩa” hành động
của họ. Tuy nhiên, khi đã gọi là tuyên truyền thì ý nghĩa của hai chữ
“anh hùng” cũng mất hết giá trị thực sự.
Bản chất anh hùng tự nó phát sinh, không cần ai tán tụng, cũng không cần
ai tri ân. Cũng không có nghĩa là chỉ một số người nào đó mới có bản
chất đó. Trong mỗi con người có đầy đủ bản chất như nhau, nhưng ở những
mức độ khác nhau, hoàn cảnh tác động, và môi trường tạo ra. Như ngọn nến
đã có sẵn, chỉ cần mòi lửa, và ngọn gió vừa đủ để bùng cháy hơn là dập
tắt nó. Có phải chăng vì thế người ta hay dùng chữ “xin” đi kèm theo đó?
Không ai sẽ nói rằng họ muốn hay có, cho hay được tri ân. Dù rằng cũng
không ít những kẻ bội ân vì họ nghĩ rằng đó là điều chẳng cần tri ân. Họ
sẵn sàng mượn cái chết của người khác để có cái sống của mình, sẵn sàng
khóa lại lương tâm để thực hiện điều họ muốn, sẵn sàng có những lý luận
rất thời đại để biện minh cho cách sống cá nhân chủ nghĩa. Những điều
trừu tượng đó, dĩ nhiên khó thể rờ mó được như một vật thể, vì vậy không
ít người “muốn” không hiểu hoặc cảm thấy khó hiểu, là điều rất đương
nhiên. Như một thân cây trưởng thành cành lá, không tất nhiên là phải có
những trái to và đầy. Một con người có sự phát triển về trí tuệ, không
có nghĩa là toàn phần phẩm chất tư tưởng cũng sẽ phát triển theo như
những người tự xưng hay được tự xưng là trí thức hoặc những người tự
xưng hay thích được tự xưng là Việt kiều nơi những quốc gia giàu có.
Cũng may là, phẩm chất tư tưởng không thể mua bán được, nếu không cả thế
giới nầy sẽ chán ngắt vì nó đã thực sự trở thành thiên đường hạ giới mà
con người không cần phải đưa ra những triết học nhân sinh. Và những ai
càng giàu có, phẩm chất tư tưởng càng có thể được chất đầy trong đầu để
có được phong cách hơn người, đến nỗi không còn chổ chứa. Chắc chẳng cảm
thấy sung sướng gì (?) khi bất chợt nhờ đó, họ phám phá ra chính mình
thuộc loài gì ngoài loài người trong họ.
Xin tri ân các anh, những anh hùng bị lãng quên và những anh hùng không bao giờ bị quên lãng.
0 comments:
Post a Comment