Người dân đang sống ổn định bỗng nhiên bị mất đất, mất nhà, mất công ăn
việc làm… trở thành dân oan với tấm lòng đầy trĩu uất hận và căm tức,
đó là một thực trạng không thể phủ nhận trong xã hội Việt Nam ngày nay.
Xin trích lại phần dẫn nhập loạt bài có tựa đề: Dự án Khu đô thị mới Thủ
Thiêm, TP Hồ Chí Minh Vùng đất vàng bỏ hoang 17 năm xảy ra nhiều tiêu
cực, đăng liên tục trên 7 số báo Người cao tuổi từ ngày 2-10-2013, như
sau:
“Trên 14.500 hộ dân đang sinh sống ổn định, đành ngậm ngùi bỏ xứ ra
đi để giao nhà, giao đất xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, một dự án
lớn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 367/TTg ngày
4/6/1996. Sau 17 năm, khu đất vàng nầy bị bỏ hoang, quy hoạch bị xé nát
do UBND thành phố “cấp phát” đất cho 64 doanh nghiệp. Tiêu cực xảy ra
quá nhiều, gần 3.000 nhà dân nằm ngoài ranh quy hoạch bị cưỡng chế, nhà
cửa bị đập phá tan tành. Hơn 11.000 đơn khiếu kiện kéo dài, một số người
chết oan do hành vi cưỡng chế trái phép. Với 38.000 tỉ đồng tiền hỗ trợ
di dời đã được giải ngân, Nhà nước phải mất 150 tỉ đồng tiền lãi/tháng.
Nguyên nhân dẫn tới nhiều nỗi đau cho hàng chục nghìn hộ dân là do hành
vi làm trái quyết định của Thủ tướng Chính phủ!...”
Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ là một trong rất nhiều dự án của TP Hồ Chí
Minh. Nếu tính trên toàn thành phố và trên các tỉnh, thành phố khác, cứ
mỗi nơi có vài trăm dự án, thì trong cả nước số nạn nhân phải chịu oan
sai do nạn thu hồi đất sẽ lên đến bao nhiêu?
Vì vậy, thật là chẳng tốt đẹp chút nào cho bộ mặt của chế độ khi mà hằng
ngày tại thủ đô Hà Nội, ở các công viên, trước các sứ quán, trên vệ
đường dẫn vào các cơ quan đầu não của quốc hội, nhà nước và chính phủ,
có từng đoàn người tụ tập, nêu cao các biểu ngữ và hô to các khẩu hiệu
tố cáo chính quyền địa phương tham nhũng, ăn cướp đất đai, nhà cửa của
nhân dân. Trong các năm gần đây, người ta còn tố cáo đích danh cơ quan
Thanh tra chính phủ, thậm chí Thủ tướng chính phủ, hoặc một số cơ quan
chức năng ở trung ương đã bao che cho tham nhũng cướp bóc tài sản của
dân lành. Rồi thỉnh thoảng lại có người tự thiêu vì oan ức không được
giải quyết, có người phải chết trong lúc đi kêu oan, có người đã dùng
súng bắn vào cán bộ, nhân viên của cơ quan quản lý đất rồi tự sát…
Nhà nước và chính phủ Việt Nam thật tình rất muốn chấm dứt tình trạng
người dân khiếu kiện, nhất là những vụ “khiếu kiện đông người, kéo dài,
phức tạp”, nên đã liên tục sửa đổi, bổ sung luật đất đai, luật tố cáo,
khiếu nại, liên tục ban hành các nghị định để thực hiện các luật nầy và
cũng rất nhiều thông tư, quyết định, chỉ thị liên quan đến việc tiếp
dân, giải quyết đơn thư của công dân. Nhưng theo số liệu của chính ngành
thanh tra, số vụ khiếu kiện về đất đai cứ mỗi năm một nhiều hơn lên.
Tại sao thế? Vì nhà nước đang chấm dứt khiếu kiện bằng những biện pháp
làm bùng lên phong trào khiếu kiện, chẳng khác nào chửa lửa bằng xăng
dầu. Chỉ cần tiếp cận với người dân đi khiếu kiện với tinh thần hết sức
khách quan, cầu thị, sẽ thấy ngay điều đó.
Làm sao có thể chấm dứt khiếu kiện khi mà chế độ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” vẫn được duy trì
như là nguyên tắc cốt lõi của chủ nghĩa xã hội. Trên thực tế đây là
thời cơ béo bỡ của các nhóm tham nhũng vì họ còn được quyền tha hồ thu
hồi đất, tha hồ định giá đất. Đối với người dân, đây là một sự ngang
ngược trắng trợn của nhà nước, một sự phản bội, tráo trở đối với công
dân sau khi hòa bình lập lại trên đất nước. Vì trên cơ sở của chế độ
nầy, luật pháp cho phép các cơ quan chính quyền được nhân danh các mục
tiêu phát triển kinh tế để vô hiệu hóa và dẫm đạp lên ngay cả những
quyền của người sử dụng đất đã được chính luật pháp của nhà nước nầy
minh định.
Làm sao người dân có thể chấp nhận mà không khiếu kiện đến cùng khi mà
mãnh đất của minh, do tạo lập hợp pháp hoặc do ông cha để lại, bỗng
nhiên bị nhà nước “thu hồi” và bồi thường cho một số tiền không đủ mua
lại 5%-10% diện tích đất đã mất. Mà mất đất thì thường là kèm theo mất
nhà cửa, vườn tược, mất nghề nghiệp, việc làm. Đất đai còn thuộc sở hữu
toàn dân thì sẽ không bao giờ hết dân oan và hết tình trạng khiếu kiện.
Cơ chế giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng là một thứ dung dịch kích
hỏa, làm cho bùng phát mạnh mẽ hơn lên chứ không giúp làm giảm đi phong
trào khiếu kiện của dân oan. Hầu hết các dự án đầu tư có thu hồi đất
là do chủ trương của tỉnh, thành phố, được tỉnh ủy, thành ủy lãnh đạo
chặt chẽ. Quận huyện, thị xã chỉ là cấp ban hành các văn bản cụ thể
trong quá trình tổ chức thực hiện. Khi người dân khiếu kiện, phải bắt
đầu gởi đơn cho Quận, huyện, thị xã. Nếu không được giải quyết thỏa
đáng, người dân mới được quyền khiếu kiện lên UBND tỉnh, thành phố. Khi
UBND tỉnh, thành phố có quyết định giải quyết lần hai thì coi như có
hiệu lực thi hành. Tỉnh, thành phố có chủ trương và làm sai; dân khiếu
kiện thì chính tỉnh và thành phố là người có trách nhiệm và thẩm quyền
giải quyết. Nếu người dân kiện ra tòa án, thì chánh án tòa án tỉnh,
thành phố cũng là tỉnh ủy viên, thành ủy viên, là người trực tiếp chỉ
đạo xử kiện.
Khi người dân khiếu nại hoặc kiện chính quyền ra tòa về đất đai thực
chất là dân tranh chấp với chính quyền, nhưng cách giải quyết như quy
định của pháp luật hiện nay, hoàn toàn giống như kiểu chính quyền “vừa
đá bóng, vừa thổi còi”. Kẻ làm sai bị người dân khiếu kiện lại chính nó
hoặc là thằng anh em ruột thịt của nó đứng ra phân xử, giải quyết. Bao
giờ người dân mới được nhìn thấy công lý? Người dân có thể đầu hàng chịu
chấm dứt khiếu kiện trước thứ cơ chế quái đản như thế hay không?
Cách nhìn nhận và đối xử của chính quyền với dân oan cũng là một thứ xăng dầu châm thêm vào ngọn lửa khiếu kiện.
Hễ ai có ý kiến khác thì coi như chống đối; ai có lời nói hoặc bất cứ
hành vi nào, cho dù dưới hình thức rất ôn hòa và trong phạm vi pháp luật
cho phép, chống lại việc làm sai trái của chính quyền thì bị đối xử như
kẻ thù địch. Cho nên mặc dù từ tổ chức đảng, cho tới mặt trận, đoàn thể
đều đều quy định là cán bộ phải luôn luôn gắn bó, lắng nghe và tôn
trọng tâm tư nguyện vọng của quần chúng nhân dân; nhưng suốt quá trình
đi khiếu kiện, chỉ có lực lượng công an là người thường xuyên “sát
cánh” với dân oan. Khi đến trụ sở chính quyền để gặp UBND, khi đến trụ
sở tiếp công dân để tiếp xúc với đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân,
v.v… ở đâu người dân cũng được công an tiếp đón. Thậm chí người đi khiếu
kiện còn được anh em mời về trụ sở công an phường, xã hoặc cử người đến
tận nhà, có mang theo cả dùi cui, còng số 8 để “thăm hỏi” và “tìm
hiểu”.
Trên báo mạng, người ta thấy Ban vận động Hiệp hội dân oan Việt Nam đã
và đang làm thủ tục để công khai thành lập hội. Một trong những mục tiêu
của hội là lập hồ sơ các vụ khiếu kiện đông người, kéo dài, gởi đến cơ
quan có trách nhiệm để chính quyền xem xét giải quyết dứt điểm. Họ đã có
thơ xin được tiếp xúc với lãnh đạo đảng CSVN, Quốc hội, Mặt trận tổ
quốc, Bộ Nội vụ…
Nhưng, mặc dù có đăng ký trước, trong những ngày 21, 22-01-2014, đi đến
đâu cũng chẳng có cán bộ nào tiếp họ, chỉ có bộ phận bảo vệ, gác cỗng,
tiếp dân… tiếp xúc và khuyên họ nên trở về địa phương đăng ký gặp Đại
biểu hội đồng nhân dân hoặc tổ đại biểu quốc hội của tỉnh, thành phố.
Trong khi đó, ngay từ khi ra khỏi nhà để đi Hà Nội, lực lượng công an đã
cho người bám theo lên đến sân bay, ở khách sạn nơi họ nghỉ, trong quán
ăn và đến từng nơi họ cần đến, kể cả trong lúc họp nội bộ tại nhà Bà Lê
Hiền Đức họ cũng cử người theo dõi.
Trong những ngày gần đây, 4 trong số những người ở thành phố Hồ Chí Minh
tham gia ra Hà Nội để đến các cơ quan chức năng vận động thành lập Hiệp
hội dân oan, đã nhận được giấy mời đến cơ quan công an địa phương để
“trao đổi” những vấn đề có liên quan đến việc vận động thành lập hội.
Có lẽ nhà cầm quyền cho rằng ngăn cản việc thành lập Hiệp hội dân oan
cũng là một trong những biện pháp nhằm chấm dứt tình trạng khiếu kiện
của dân oan!?
Đây là giấy mời của CA phường thuộc
quận 2 TP HCM gởi cho một số người đã ra Hà Nội liên hệ với các cơ quan
chức năng để vận động thành lập Hiệp hội dân oan Việt Nam
Cứ thế, thay vì nhìn thẳng vào thực tế vấn đề để giải quyết đúng pháp
luật, đúng đạo lý, thì với quyền lực trong tay, chính quyền tìm đủ mọi
cách để dập tắt việc khiếu kiện của người dân. Những thủ đoạn thường
thấy là tuyên truyền ầm ĩ cho mục đích và tác dụng tốt đẹp của dự án
đang làm, trong khi người dân đã thấy đó chỉ là những việc làm có lợi
cho phe nhóm; Coi những người đang khiếu kiện, không chịu nhận tiền bồi
thường và giao đất là thiếu hiểu biết, không hưởng ứng chủ trương chính
sách, bị kẻ xấu xúi giục, chống đối lại chính quyền; trong khi người dân
chỉ chống lại việc cán bộ cố ý làm trái pháp luật nhằm thu lợi bất
chính; Cho công an theo dõi, sách nhiễu, đe dọa thậm chí bắt bớ, giam
cầm những người bàn bạc, liên kết nhau để khiếu kiện tập thể trong khi
đó là những việc làm chính đáng, hợp pháp của công dân; Bắt, bỏ tù người
có hiểu biết và có ảnh hưởng nhất trong số dân oan với lý do “cầm đầu,
xúi giục”, “gây rối nơi công cộng”, “chống người thi hành công vụ” hoặc
nhiều lý do khác… để trấn áp, ngăn chận phong trào khiếu kiện; Bắt bẽ về
thủ tục giấy tờ, kéo dài thời gian, chuyển đơn đi lòng vòng để làm cho
người dân mệt mõi, chán nản; đó là chính quyền tự mình vi phạm quy trình
giải quyết khiếu kiện đã được pháp luật quy định; Gây chia rẽ, nghi kỵ
nhau trong nội bộ dân oan; hù dọa, mua chuộc, đánh lừa những người nhẹ
dạ… bất chấp đạo lý.
Chính quyền và cách tổ chức giải quyết khiếu kiện quá ư vô lý hiện
nay đã duy trì và làm tăng thêm các vụ khiếu kiện “đông người, kéo dài
và diễn biến phức tạp”.
Cùng một cách làm sai trái, cùng một cách giải quyết ngang ngược, coi
dân như cỏ rác, chính quyền đã đẩy hằng trăm hằng ngàn người vào tình
cảnh khốn khổ; nhưng khi dân cần khiếu kiện thì phải từng người làm đơn
riêng lẻ và chỉ được tiếp xúc, trình bày khi được chính quyền gọi đến.
Làm sao mà người dân thấp cổ bé miệng, ít hiểu biết có thể đối đáp với
những “ông bà cán bộ” đã được trang bị đủ thứ quy định pháp luật và có
cả một quyết tâm rất lớn là phải chứng minh cho bằng được chính quyền
bao giờ cũng đúng. Không tập trung đông người để khiếu kiện thì làm sao
người dân chất phác mở miệng được với những kẻ già mồm lẽo mép, bất chấp
sự thật và công lý.
Chính quyến muốn chuyển sai thành đúng, nói đúng thành sai thì phải kéo
dài việc giải quyết khiếu kiện để tìm cách đối phó. Người dân muốn lật
mặt kẻ đang nắm quyền hành đã và đang cố tình đổi trắng thay đen để làm
giàu trên xương máu của nhân dân, cũng không thể trong một ngày một bữa.
Việc khiếu kiện kéo dài là vì vậy.
Việc khiếu kiện của dân oan ban đầu đơn giản là đòi hỏi những quyền lợi
chính đáng và hợp pháp: một chỗ ở ổn định, một diện tích đất tương đương
hoặc một số tiền bồi thường đủ để tạo lập lại số tài sản đã mất. Thế
nhưng bị bác bỏ yêu cầu rồi bị gán ghép cho đủ thứ động cơ, kể cả ý đồ
chính trị, người dân bắt buộc phải có suy nghĩ về trách nhiệm và tình
cảm của chính quyền đối với nhân dân. Nhất là khi vác đơn đi tới đâu, họ
cũng chỉ thấy cấp trên bao che cho cấp dưới, cấp dưới đổ thừa là đã làm
đúng theo chỉ đạo của cấp trên, người dân oan phải tự điều chỉnh lại
niềm tin đã dành cho chế độ và đồng thời phải điều chỉnh cả phương pháp
đấu tranh đòi hỏi quyền lợi của mình.
Về phía chính quyền, sau khi làm nhiều cách mà vẫn không dập tắt được,
cách dễ nhất để giải thích về việc người dân cứ kéo dài khiếu kiện là
gán ép cho họ động cơ chính trị, hoặc ít nhất cũng là bị các thế lực thù
địch đứng phía sau xúi giục. Như thế diễn biến phức tạp là do ai?
Một số quan chức cao cấp ở trung ương đã đề xuất một số biện pháp chữa
cháy, có độ nhạy lửa cao hơn cả xăng máy bay như: phải cưỡng chế những
đoàn khiếu kiện đông người quá khích, đặc biệt là những đoàn mang màu
sắc chính trị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; bắt buộc người khiếu nại tố
cáo phải ứng ra một khoản tiền đặt cọc khi đi khiếu nại; công an được
phép nổ súng vào những người chống người thi hành công vụ (trong đó có
cả những vụ giải tán những người đi khiếu kiện đòi đất đai!)
Có lẽ khi phát biểu như trên, các quan chức nầy nghĩ rằng trong hằng
triệu dân oan Việt nam, chỉ có một Đoàn văn Vươn và một Đặng Ngọc Viết.
Nếu có ai tiếp tục manh động, cứ cho vào tù hoặc đưa về bên kia thế
giới, là xong.
Từ ngôi cao của quyền lực, định tính một cách chủ quan cho một thực
trạng xã hội rồi quyết đoán các biện pháp chữa trị sai lầm mang tính
giải quyết triệu chứng cấp thời, vô tình chính quyền đã làm cho căn bệnh
dân oan khiếu kiện thêm phần trầm kha.
Thực tế đã chứng minh, ở nông thôn, để lấy được 1 ha đất, chính quyền
phải mất ít nhất trên 10 người dân đang ủng hộ mình. Chính quyền trấn
áp, gây oan sai, phẩn uất cho một người, sẽ có hằng trăm người khác đứng
lên phản đối nhà nước. Ở đô thị, việc giải tỏa nhà ở của dân, cũng kéo
theo hệ quả tương tự. Điều đó đã rõ như ban ngày. Nhưng có lẽ những kẻ
có dính líu quyền lợi và trách nhiệm trong những dự án có thu hồi đất đã
bị đồng tiền che khuất nên vẫn chưa nhìn thấy./.
0 comments:
Post a Comment