Thursday, March 6, 2014

Thanh trừng trong nội bộ lãnh đạo Cộng sản

Cộng sản mà không giết người thì cũng y như món “tiết canh mà không có tiết.” – TVG.

*

“Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho Đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin...  bất diệt.”
(Tố Hữu - Cải Cách Ruộng Đất cuả thập niên 1950)

“Giết, giết nữa” là nét tiêu biểu đặc biệt của chủ nghĩa cộng sản.  Chẳng những chỉ “giết” thôi mà phải giết cho thật nhiều (“bàn tay không phút nghỉ”).  Lịch sử thế giới từ cổ chí kim chưa có một chế độ, một đường lối chính trị nào chủ trương giết đồng chủng một cách tàn ác mà có thể so sánh được với cộng sản.

Thật bất hạnh cho dân tộc, Hồ Chí Minh (HCM) đưa nước Việt Nam vào cái vòng chém giết phi nhân này đã gần 100 năm. Chỉ qua một vài câu thơ ngắn ở trên thôi, Tố Hữu đã đã cho chúng ta thấy cái ý đồ, cái cương lĩnh của đảng csvn trong việc “rèn luyện đạo đức cách mạng,” “tạo bản lĩnh phi nhân” con người cs; biến những người nông dân Việt hiền lành chất phác thành những tên sát nhân tàn bạo để phục vụ cho mục đích của cs.  Vài câu thơ ngắn này cũng đã được đọc đi đọc lại trên hệ thống tuyên truyền của csvn trong giai đoạn “Cải cách ruộng đất” rập khuôn theo cs tầu, hô hào phải giết bớt đồng bào ruột thịt… rồi sau đó làm gì?  “thờ  Mao Chủ tịch (của tầu cộng), thờ Sít-ta-lin (của cs Liên sô)… bất diệt???”  Mỉa mai thay hai tên trùm cộng sản khát máu quốc tế mà Tố Hữu mù quáng nâng bi này đã giết tổng cộng trên 50 triệu nhân mạng (con số bị giết chưa được kiểm kê chính xác, nhiều tài liệu nói từ 20 triệu đến 70 triệu) qua các chương trình diệt chủng quy mô như:

Tại tập trung khổ sai (Gulags),
Vùng kinh tế mới (Kulaks / forced resettlement),
Cải cách ruộng đất (Land Reform),
Trăm hoa đua nở (Let a Hundred Flowers Bloom),
Bước tiến nhẩy vọt (Great Leap Forward),
Cách mạng văn hóa (Cultural Revolution).

HCM và đảng csvn đã “nhiệt liệt” cóp-pi tận tình các chương trình giết người quy mô này và áp dụng lên dân tộc Việt: Cứ việc giết nhau để tự hủy diệt nòi giống.  Chính sách gì mà quái đản vậy nè trời!

Trong lịch sử diệt chủng của thế giới có liệt kê cả tên tuổi thành tích sát nhân HCM của csvn.  Đây phải là một sự xấu hổ vô bờ bến cho dân tộc chứ vinh quang cái con củ cải gì?

Rất tiếc, vì giấy bút có hạn, bài viết này chỉ chủ tâm trình bày một khía cạnh nhỏ trong chương trình “giết” to lớn của cs.  Đó là vấn đề giới lãnh đạo cs thanh trừng, tiêu diệt giới lãnh đạo cs.  Thiệt tình!  Cs giết dân chưa mệt, chưa chán, họ quay qua giết lẫn nhau cho đủ chỉ tiêu?!

Việc thanh trừng dưới chế độ cs không phải là chuyện mới lạ (đã có cs là phải có giết).  Thanh trừng / Giết là phương tiện để cs chứng minh, duy trì mục đích, củng cố hệ thống độc tài toàn trị.  Cộng sản mà không giết người thì cũng y như món “tiết canh mà không có tiết;” hay nói cho văn hoa hơn là như “vườn thượng uyển không có hoa…” 

Phải thật sự mù lòa mới không nhận ra những gì người cộng sản làm, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, chỉ thuần túy là các trò hề vụng về được diễn đi diễn lại nhiều lần từ quốc gia này qua quốc gia khác.  Khởi đầu phải được đề xuất một cách “kiệt xuất” từ một anh cs vĩ đại (Liên sô hay Trung cộng gì đó) rồi các đàn em cs nhỏ nhi nhô cứ thế mà mần đi mần lại y chang.  Thật tội nghiệp, thật thê thảm cho kiếp con người phải bất hạnh sống dưới chế độ cs.

Việc thanh trừng và thủ tiêu xuyên qua 4 lãnh vực:

Hàng ngũ cao cấp Chính trị đảng cs,
Quân đội,
Hàng ngũ trí thức
và đám dân ngu khu đen.

Việc thanh trừng không chỉ đơn thuần nhẹ nhàng vô tội vạ như “khai trừ khỏi đảng” mà chắc chắn phải có các hình thức trừng phạt nặng nề làm tổn thương đến tài sản, thể xác, bắt giam, tù đày cải tạo… cho chết dần chết mòn; thủ tiêu cho chết tức thời (cắt tiết, mò tôm, đầu độc…)

Qua phần trình bày ở phía dưới, quý vị sẽ thấy các tiểu sử trích ngang của các nhân vật cao cấp cs bị thanh trừng.  Tiểu sử  bao gồm vắn tắt thời gian và hoàn cảnh gia nhập hoặc kết nạp vào đảng cs, thành tích, chức vụ và lý do tại sao  bị thanh trừng; kế tiếp là đời sống, sinh mạng của các cán bộ cao cấp thổ tả này kết thúc như thế nào sau khi bị thanh trừng.


Tại Liên sô (Nga)

Liên sô có khoảng cách địa lý xa xôi và văn hóa khá xa lạ với Việt Nam - ngoại trừ một vài cá nhân tên tuổi đã được thế giới biết đến, còn hầu hết nhưng tên người và địa danh không đọc thành tiếng Việt được.  Người viết chỉ xin phép ghi một số quan chức cao cấp quan trọng trong lãnh đạo cs Liên sô bị thanh trừng.

Joseph Stalin đứng đầu danh sách lãnh tụ cs khát máu thế giới.  Theo các tài liệu lịch sử còn ghi lại, Stalin và đảng cs Liên sô đã giết trên 30 triệu dân Liên sô dưới nhiều hình thức.  Stalin còn thanh trừng, tiêu diệt các lãnh đạo công sản Liên sô không có đồng quan điểm với hắn.  Khởi đầu Stalin đã tìm nhiều cách ngoạn mục giết gần một nửa số thành viên của bộ chính trị đảng cs Liên sô do Lenin thành lập (mà chính Stalin cũng là một thành viên)  gồm cả các “anh hùng” của “cách mạng vô sản tháng 10 Liên sô” như Mikhail Tukhachevsky, Béla Kun, Leon Trotsky…  Nên biết, Leon Trotsky là một trong những người đã sáng lập ra Hồng Quân (Red Army),  một trong những thành viên đầu tiên của bộ chính trị đảng cs Liên sô,  nhân vật đối lập chính trị tranh chấp quyền hành trực tiếp với Stalin.  Trotsky bị Stalin khai trừ khỏi đảng cs Liên sô năm 1927, rồi bị trục xuất khỏi lãnh thổ Liên sô năm 1929.  Năm 1940 Stalin gởi điệp viên (agents) sang tận Mexico để ám sát Leon Trotsky khi Trotsky đang sống lưu vong ở đây.  Gia đình Trotsky ở lại Liên sô cũng bị giết gần hết trong các lần tấn công khác của Stalin.

Đặc biệt hơn nữa, Stalin còn tiêu diệt cả các đồng chí cộng sự viên thân tín đã cũng cố địa vị của Stalin chứ không phải chỉ có phần tử đối lập, tranh quyền.  Năm 1934 Stalin giết (bằng cách ám sát) Sergei Kirov, cánh tay phải thân tình sát cánh của Stalin, chỉ vì Kirov có đường lối cách mạng ôn hòa hơn Stalin và từ từ được quần chúng tỏ ra mến chuộng.

Đến khi Đức quốc xã đánh sang Liên sô, Stalin dùng một chiêu rất ngoạn mục gọi là “Đạo quân thứ 5” (The Fifth Column) để lấy cớ, làm tiền đề tiêu diệt, loại ngoài vòng chiến rất nhiều thành viên bộ chính trị Liên sô nổi tiếng khác như Vyacheslav Molotov và Lazar Kayanovich;  Stalin gán cho họ các  tội làm gián điệp cho Đức quốc xã mà không cần nêu bằng chứng rõ ràng.

Trong quân đội, Hồng quân (Red Army), Stalin thanh trừng (đuổi cổ ra khỏi đảng cộng sản Liên sô, hoặc cầm tù…) với các tội danh rất mơ hồ như gián điệp, phản quốc, phản cách mạng, lừng khừng thiếu lập trường.  Vài con số được ghi lại: 3 trong 5 Thống tướng (5 sao), 13 trong 15 tướng tư lệnh bộ binh (3 và 4 sao), 8 trong 9 Đô đốc Hải quân, 50 tướng trong số 57 tư lệnh quân đoàn, 154 tướng trong số 186 tướng sư đoàn…  Tóm lại trong quân đội Liên sô, có 25-50%  sĩ quan các cấp bị thanh trừng (chừng 30% được giữ lại trong quân đội lúc chiến tranh với Đức quốc xã lên cao điểm).

Trên mặt trận văn hóa, trong 2 thập niên 1920’s và 1930’s có khoảng 2000 văn sĩ, thi sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nghệ sĩ đủ loại bị bắt cầm tù trong các trại cưỡng bức lao động tập trung (Gulags) cũng với các tội rất mơ hồ, rất tự tiện như gián điệp, phản quốc, phản cách mạng, thiếu lập trường, có tư tưởng đồi trụy, tư tưởng tiểu tư sản…  Trong số bị giam cầm đày đọa này, độ 1500 người bỏ mạng vì đói, bệnh, kiệt sức trong lúc tù đày.


Tại Trung cộng

Đồ tể Mao Trạch Đông không khi nào chịu thua kém gì Stalin của Liên sô về bất cứ khía cạnh nào.  Ngay sau khi chiến tranh quốc–cộng ở Trung hoa vừa chấm dứt, Mao Trạch Đông và cs tầu đã hoàn toàn kiểm soát Trung hoa là Mao đã nghĩ đến việc giết dân và thanh trừng cán bộ chính trị cs.  Nhóm đầu tiên phải giết là trí thức, viên chức chính phủ và sĩ quan quân đội thuộc hoặc liên hệ đến chính quyền Tưởng giới Thạch (Quốc dân đảng Trung hoa).

Các chương trình Cải cách ruộng đất, Bước tiến nhẩy vọt, Trăm hoa đua nở, Cách mạng văn hóa diệt chủng của Mao lấy đi mạng sống của gần 20 (?) triệu dân Trung hoa vô tội.

Mao và đảng cs tầu còn thanh trừng và giết một số đồng chí bộ chính trị tên tuổi lớn như sau:


1- Lâm Bưu (1907-1971)

Lâm Bưu là một trong nhũng đảng viên cs tầu kỳ cựu nhất của cs tầu, từ lúc cs tầu còn đánh nhau với quân Tưởng Giới Thạch và quân Nhật Bản.

Ngoài chức Ủy viên bộ chính trị (Poliburo), Lâm Bưu còn là Phó chủ tịch nhà nước (1958), Bộ trưởng quốc phòng (1959).

Năm 1966, Lâm Bưu được chỉ định là người kế vị Mao; và chính Lâm Bưu được xem như người đã vẽ, sáng lập ra phong trào “Cách mạng văn hóa / Vệ binh đỏ” bắt đầu từ năm 1966.  Phong trào này kéo dài qua cả thời gian sau khi Lâm Bưu chết năm 1971; và chỉ hoàn toàn chấm dứt khi Giang Thanh và “Tứ nhân bang” (Gang of Four) banh càng.

Từ cao điểm của cuộc “Cách mạng văn hóa” với các khuấy động đẫm máu gây ra bởi “Vệ binh đỏ” do Lâm Bưu cầm chịch này, 4 nhân vật chóp bu khác của bộ chính trị là Lưu Thiếu Kỳ (Chủ tịch nhà nước - 1954 to 1959, and President of the People's Republic of China, from 1959 to 1968 China's head of state), Bành Chân (Thị trưởng Bắc kinh) và Bành Đức Hoài (cựu Bộ trưởng quốc phòng),  Đặng Tiểu Bình (Phó thủ tướng, Trưởng ban bí thư trung ương đảng)  bị thanh trừng.

Trời quả báo, chỉ đến năm 1970 thì Lâm Bưu bị thất sủng.  Thấy nguy cơ cho tính mạng mình, năm 1971 Lâm Bưu âm mưu một cuộc đảo chánh Mao Trạch Đông nhưng âm mưu bị bại lộ.  Sợ bị trừng phạt, Lâm Bưu dùng máy bay định bay qua Liên sô xin tỵ nạn nhưng bị chết vì máy bay rớt ở Mông cổ.


2- Lưu Thiếu Kỳ (1898 – 1969)

Tương tự như trường hợp của Lâm Bưu, Lưu Thiếu Kỳ là một đảng viên, ủy viên bộ chính trị kỳ cựu cs tầu.  Lưu Thiếu Kỳ được xem như lý thuyết gia (Chief Theoretician) chính cùa đảng cs tầu. Lưu Thiếu Kỳ từng được Mao nhường cho chức Chủ tịch nhà nước Trung cộng (President of the People's Republic of China  / China's head of state ) từ năm 1954 cho mãi đến năm 1968.  Mao chỉ giữ chức Chủ tịch đảng cs và Tư lệnh quân đội.  Có thể nói Lưu Thiếu Kỳ được xếp hàng thứ nhì trong giới lãnh đạo cs tầu, chỉ đứng sau có Mao trạch Đông.

Mãi cho đến khi bị thanh trừng vào năm 1968, Lưu Thiếu Kỳ đươc công nhận khá rộng rãi là người sẽ kế vị Mao Trạch Đông.

Bắt đầu từ năm 1962 Lưu Thiếu Kỳ (cùng với Đặng Tiểu Bình) công khai nêu ra sự cần thiết của một số chương trình canh tân, cải tổ trong đó cho phép dân có một ít quyền tư hữu, mở cửa mậu dịch với ngoại quốc, bài trừ tham nhũng và trì trệ hành chánh...  Lưu Thiếu Kỳ (và Đặng Tiểu Bình) sau đó bị thất sủng, bị gán (labeled / denounced) và kết nhiều tội (condemned) như “phản quốc,” “thành phần nguy hiểm mở đường cho tư bản,” “có tư tưởng phá hoại định chế đảng cs và quốc gia...”  Thực ra sự thất sủng của Lưu Thiếu Kỳ rất mơ hồ, không được ghi chép lại rõ rệt với bằng cớ.  Một nguyên do khác của sự thất sủng có lẽ là Lưu Thiếu Kỳ dần dần được xem như là có ý đồ cạnh tranh, thi đua quyền lực với Mao (the result of a power struggle).  Đến khi “Cách mạng văn hóa,” bùng nổ, Mao củng cố vị trí xong thì việc đầu tiên Mao làm là thanh trừng Lưu Thiếu Kỳ.  Năm 1967-68, Lưu Thiếu Kỳ bị tước hết quyền hành, bị trục xuất khỏi đảng cs, và bị giam lỏng tại nhà (house arrest).  Từ sau khi bị thanh trừng không ai còn nghe thấy tăm hơi gì của Lưu Thiếu Kỳ; chỉ biết Lưu Thiếu Kỳ chết năm 1969 (?)


3- Bành Chân (1902 - 1997)

Bành Chân là một đảng viên cs tầu kỳ cựu.  Gia nhập đảng cs từ năm 1923. Ra vào tù rất nhiều lần vì tranh đấu chống Nhật, chống Quốc dân đảng.

Năm 1949 Bành Chân có công chỉ huy một lực lượng võ trang cs chiếm lấy thủ đô Bắc kinh từ quân Tưởng Giới Thạch.

Năm 1951, sau khi giữ nhiều chức vụ khác nhau ở Bộ chính trị và Ban bí thư Bộ chính trị, Bành Chân được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất Thành phố Bắc kinh (Tương tự như chức Thị Trưởng).

Bành Chân là Ủy viên chính thức của Bộ chính trị từ năm 1956 đến năm 1966. 

Năm 1980 Bành Chân làm Bí thư Cục Chính trị và “Công vụ” (Legal Affairs)  tại Bộ chính trị đảng.

Năm 1983 là Chủ tịch quốc hội kỳ 6 của Trung cộng.

Vào giai đoạn bắt đầu của phong trào “Cách mạng văn hóa,” (1966) Bành Chân là một trong 5 người được Mao ủy thác để sửa soạn khởi phát phong trào này.

Tháng 4, 1966, Bành Chân lên tiếng chỉ trích tư tưởng và chủ trương của Mao trong vấn đề gọi là “văn hóa phải được dùng để phục vụ chính quyền.”

Tháng 5, 1966 khi “Cách mạng văn hóa`” khởi phát xong, Bành Chân bị kết tội “phản cách mạng.”

Nhờ ơn thầy phước chủ sao đó rất khó hiểu (?) Bành Chân là đảng viên, ủy viên bộ chính trị duy nhất chỉ trích Mao và bị Mao thanh trừng nhưng vẫn may mắn sống sót và được tiếp tục giữ đảng tịch, tiếp tục được hoạt động trong hàng ngũ đảng cs Trung hoa với vai trò kém quan trọng hơn cho đến khi về hưu năm 1988 (!)


4- Bành Đức Hoài (1898 – 1974)

Bành Đức Hoài là một nhân vật chính trị và quân sự rất quan trọng của chế độ cs Trung hoa.

Năm 1904, Bành Đức Hoài gia nhập làm lính quèn cho một lãnh chúa (War Lord) ở Hồ Nam từ lúc mới 16 tuổi.

Năm 1926 lực lượng của lãnh chúa Hồ Nam sát nhập vào quân đội Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch thì Bành Đức Hoài mang cấp bậc Thiếu tá, bỏ hàng ngũ quân lãnh chúa và quốc dân đảng.  Bành Đức Hoài bắt tay với cs từ lúc này.

Trong gia đoạn chiến tranh Trung-Nhật (1937-45), Bành Đức Hoài cổ võ việc cộng sản tầu hợp tác với Quốc dân đảng để chống Nhật.  Bành Đức Hoài giữ chức Tướng tư lệnh cao cấp của liên quân quốc-cộng.
Khi Nhật đầu hàng năm 1945, Bành Đức Hoài là tư lệnh toàn thể quân đội cộng sản vùng Tây Bắc Trung Hoa. Bành Đức Hoài đã nhiều lần đánh giải vây, cứu thoát Mao Trạch Đông trong nhiều hoàn cảnh Mao suýt bị Tưởng Giới Thạch bắt sống.

Rồi Bành Đức Hoài theo Mao trong cuộc Vạn lý trường chinh (1933-35).

Khi Mao đánh bại Tưởng Giới Thạch 1950, Bành Đức Hoài là người đã cố vấn và đề nghị Mao can dự trực tiếp vào trận chiến Đại hàn (Korean War) 1950- 1953.  Bành Đức Hoài là tư lệnh tối cao của 350 ngàn lính Trung cộng tham chiến cùng với quân đội Bắc hàn đương đầu với quân Liên Hiệp quốc.
 
Bành Đức Hoài là người đại diện cho Trung cộng ký bản Hiệp ước ngừng chiến ở Đại hàn năm 1953 (Korean Armistice Agreement in 1953).

Phải nói Bành Đức Hoài là người duy nhất dưới chế độ cs tầu có cái can trường rất hiếm hoi, dám trực tiếp chỉ trích và ngăn cản nhiều việc làm của Mao Trạch Đông. Trong thập niên 1950’s, Bành Đức Hoài phản đối các nỗ lực của đảng cs nhằm thần thánh hóa vai trò Mao Trạch Đông; và chỉ trích là chính chương trình “Bước tiến nhẩy vọt” (Great Leap Forward)  của Mao là đã gây ra nạn đói làm chết hàng triệu người dân Trung hoa.  Năm 1959, Bành Đức Hoài ngang nhiên đối đầu tranh luận về quyền lực với Mao trong Hội nghị Lushan (Lushan Conference).  Trong hội nghị này, Mao thắng thế và ngay sau đó Bành Đức Hoài bị tước hết tất cả quyền hành vĩnh viễn (for life) và bị gán cho cái nhãn (labeled) “tập đoàn chống đảng.” 

Từ đó Bành Đức Hoài sống trong bóng tối ra sao không ai hay biết cho đến khi “Cách mạng văn hóa” khởi phát thì Bành Đức Hoài bị nhóm “Cách mạng văn hóa” quá khích cầm đầu bởi Lâm Bưu và Giang Thanh đem ra công chúng đấu tố, sỉ nhục, bị bắt viết bản tự kiểm…

Năm 1970 Bành Đức Hoài bị án chung thân khổ sai, bị tra tấn thảm thiết và chết trong tù năm 1974.


5- Đặng Tiểu Bình (1904-1997)

Đặng Tiểu Bình gia nhập đảng cs tầu từ năm 1923 và cũng tham gia trong cuộc “Vạn lý trường chinh.”

Năm 1952,  Đặng Tiểu Bình giữ chức vụ Phó thủ tướng và Chủ tịch ủy ban Tài chánh, sau đó kiêm nhiệm thêm chức Bộ trưởng Tài chánh.  Năm 1957, Đặng Tiểu Bình là Trưởng ban Bí thư thường vụ trung ương đảng cs và làm việc trực tiếp dưới quyền chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ.  Đặng Tiểu Bình (và Lưu Thiếu Kỳ) có lập trường dần dà thay đổi từ “cực tả” (ultra-left)  sang “cấp tiến” (Pragmatic / Right Opportunist).

Năm 1962 tại hội nghị ở Quảng châu, Đặng Tiểu Bình tuyên bố một câu có lẽ là “nhãn hiệu” chính của hắn:

“Không cần biết là mèo trắng hay mèo đen; miễn sao mèo bắt chuột là được.”

Tháng 7 năm 1962, Đặng Tiểu Bình trong bài diễn văn “Làm cách nào để tăng gia sản xuất” đã lớn tiếng mạnh dạn kêu gọi sự mở màn, bắt đầu công việc cải cách kinh tế đi ra từ cái vỏ “vô sản, công trường sản xuất” vô tích sự; khuyến khích nông dân sản xuất hữu hiệu hơn bằng cách cho họ thuê đất để tự canh tác. Đặng Tiểu Bình mở đường, khai phá cho cái mà cs sau này gọi là “Kinh tế thị trường.”

Từ năm 1963, Đặng Tiểu Bình bắt tay với Lưu Thiếu Kỳ để bắt đầu thi hành cái gọi là “Cải tổ kinh tế” (Eeconomic Reforms) này.  Qua hành động của Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ, Mao thấy có chuyện không ổn sẽ xẩy đến cho chủ thuyết cs. Mao e ngại là sẽ có sự trở lại của nền kinh tế tư bản và cái bùa mà Mao gọi là “Cách mạng” sẽ chấm dứt).  Mao tức thì can thiệp, cho phát động phong trào “Cách mạng văn hóa” làm bàn đạp cho việc thanh trừng (rooted out) Đặng Tiểu Bình (và Lưu Thiếu kỳ).

Đặng Tiểu Bình bị thanh trừng, tước hết quyền hành, đưa trở về nông thôn làm việc lao động sản xuất chân tay.  Đặng Tiểu Bình tuy bị thanh trừng nhưng cuộc đời và sự nghiệp không bị kết thúc một cách thê thảm như trường hợp của Lưu Thiếu Kỳ.

______¬__
Phụ Chú:

Một tháng sau cái chết của Mao Trạch Đông (tháng 9 năm 1976), Hoa Quốc Phong tiện tay dẹp tiệm luôn cái gọi là “Cách Mạng Văn Hóa”bố láo và thanh trừng “Tứ nhân Bang” (Gang of Four) cầm đầu bởi Giang Thanh vợ của Mao chí tử.

Ngày 22 tháng 7 năm 197,7 Đặng Tiểu Bình  được phục hồi chức vụ Phó chủ tịch Trung ương đảng, Phó quân ủy và Tham mưu trưởng quân đội nhân dân.

Năm 1980,  Đặng Tiểu Bình (tên lùn mã tử - người ruồi gieo máu lửa) dùng tài khéo léo chính trị, qua mặt tất cả các đối thủ của mình trong đảng cs tầu kể cả Hoa Quốc Phong.  Đặng Tiểu Bình chỉ cho Hoa Quốc Phong giữ chức Ủy viên bộ chính trị và sau đó cho Hoa về hưu lặng lẽ.



Tại Việt Nam


Con rối lãnh tụ csvn như thông lệ, rập theo khuôn khổ, đường lối, chính sách diệt chủng đã nêu ở trên từ các lãnh tụ cs vĩ đại: Tại tập trung khổ sai (Gulags), Vùng kinh tế mới (Kulaks / forced resettlement), Cải cách ruộng đất (Land Reform), Trăm hoa đua nở (Let a Hundred Flowers Bloom), Cách mạng văn hóa (Cultural Revolution), Bước tiến nhẩy vọt (Great Leap Forward), Trại cải tạo (Re-eduacation camps)… đảng csvn cũng thấy cần phải giết, phải thanh trừng để tỏ cho thế giới biết cộng sản Việt Nam luôn luôn trung thành, đứng sát cánh với hàng ngũ đàn anh vĩ đại cộng sản quốc tế Liên sô – Trung hoa.  Đã bảo “Không ăn đậu không phải là Mễ; Không giết không phải là cs.”  Nếu cs Liên sô – Trung hoa giết 10 thì csvn mình cũng cố gắng giết 2-3 cho nó ra vẻ cộng sản?!

Sau đâu chúng ta hãy điểm sơ qua một số thanh trừng sắt máu trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam:


1- Trung tướng Nguyễn Bình (1906 - 1951)

Nguyễn Bình là Tổng chỉ huy chiến trường cs ở trong Nam, là trùm khủng bố đã từng giết rất nhiều người quốc gia.  Vào tháng 5 năm 1951, Nguyễn Bình nhận được một bức thơ vắn tắt của Võ Nguyên Giáp nguyên văn như sau:

“Đồng chí thân mến, Đồng chí sẽ được một toán hộ tống 30 người gồm nhân viên tùy tùng và bảo vệ. Tôi tin rằng đồng chí sẽ hoàn thành nhiệm vụ nầy. Đồng chí sẽ đi đường rừng băng qua các tỉnh Kompong Chàm, Kratié, Stung Streng.”

Dường như đã có linh tính báo trước chuyến đi “tầu suốt” nầy.  Tuy Nguyễn Bình không nói ra, nhưng những thuộc hạ chung quanh Nguyễn Bình đều biết như vậy. Thật ra, Nguyễn Bình có lý do lo lắng “việc ra Bắc” vì chính ngay Nguyễn Bình trước đây cũng đã có làm vài phùa tương tự như việc ký những lịnh “đi Bắc” để đưa những một số đồng chí thân yêu lên đường đi qua bên kia thế giới cho tiện sổ sách.

Ngày 29/9/1951,  Nguyễn Bình cùng đoàn tùy tùng 30 người trên đường ra Bắc theo lịnh của Trung Ương đảng, đã bị một toán lính Miên do một Trung úy người Pháp chỉ huy, phục kích tấn công.  Nguyễn Bình bị tử thương tại làng Srépok, huyện Se San, tỉnh Stung Streng, Cam Bốt.

Nhiều nguồn tin lúc bấy giờ quả quyết là Tướng Nguyễn Bình bị Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp diệt trừ bằng cách bí mật chỉ điểm cho Pháp biết lộ trình trên đường về Bắc của Nguyễn Bình mà phục kích ngay chóc.


2- Đại biểu Quốc Hội Dương Bạch Mai (1904-1964)

Năm 1928, Dương Bạch Mai được đảng cộng sản Pháp cử sang Moscow trước để liên lạc với đảng cs Liên sô, sau đó là theo học thuyết cộng sản tại trường “đai học Đông phương Stalin.”  Dương Bạch Mai học cùng khóa với các tổ sư csvn như Hà Huy Tập, Bùi Văn Thủ, Trần Ngọc Danh (em của Trần Phú).  Học xong năm 1930 Dương Bạch Mai trở về Pháp và tiếp tục hoạt động cho đảng cs Pháp.

Năm 1932 về Việt Nam sống công khai và hoạt động cho csvn.

Năm 1946 Dương Bạch Mai được bầu làm đại biểu quốc hội khóa I nước “Việt Nam Dân chủ Công Hòa” (Nước Việt Cộng).

Ngày 20 tháng 3 năm 1947 mặc dù Dương Bạch Mai đại diện cho cái chú phỉnh VNDCCH ở Pháp, nhưng Dương Bạch Mai vẫn bị chính quyền chính quốc Pháp bắt ngang xương chẳng nể mặt nể mũi chú phỉnh VNDCCH gì cả!  Chính phủ ở Pháp quản thúc Dương Bạch Mai ở Djibouti, một thuộc địa của Pháp ở Phi châu.

Tháng 7, 1949 Dương Bạch Mai bị Pháp giải về Saigon và đem đi quản thúc ở Kontum.  Với sự trợ giúp của cs địa phương, Dương Bạch Mai vượt ngục Kontum và sau đó được đưa ra Bắc và tiếp tục giữ vai trò Ủy viên ban thường trực quốc hội, thành viên ban Mặt trận của Trung ương đảng.

Năm 1960 được lưu nhiệm là đại biểu quốc hôi Việt Nam Khóa II.

Ngày 4 tháng 4 năm 1964, trong ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ 8 của quốc hội khóa II, Dương Bạch Mai bất ngở ngã quỵ phải đưa vào bệnh viện và chết ở đó.

Theo ông Vũ Thư Hiên, Dương Bạch Mai bị đầu độc và cái chết của Dương Bạch Mai có liên quan đến vấn đề Dương Bạch Mai dự định đọc một bài diễn văn phản đối lối xây dựng xã hội Viêt Nam theo kiểu “xã hội trại lính” của Mao Trạch Đông, đòi đảng cs cải thiện đời sống dân chúng, đòi thực hiện dân chủ trong nội bộ đảng…
_______
Phụ chú:

Một cán bộ cs gốc miền Nam chết một cách bí ẩn khác là Huỳnh Văn Nghệ, Thứ tưởng Bộ Lâm Nghiệp.  Trước 1975, Huỳnh Văn Nghệ là Tư lệnh phó của Trần Văn Trà (tư lệnh quân đội vi-xi ở miền Nam). Huỳnh Văn Nghệ bị bệnh (?) và chết tại Sài gòn ngày 5 tháng 3 năm 1977.


3- Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967)

Nguyễn Chí Thanh là Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí Thư Trung ương Cục Miền Nam kiêm Chính Ủy Quân Giải Phóng Miền Nam. Sau khi dùng cơm chia tay với HCM ở Phủ Chủ Tịch, trở về nhà thì ngay đêm hôm đó, khi gần sáng ngày 6/7/1967 bị ói ra máu chết, đúng ngày định trở về miền Nam lần thứ 2. Theo cuốn “Giọt nước trong biển cả,” trang 420, của Hoàng Văn Hoan, thì kẻ biết rõ âm mưu ám sát là Trung tướng Nguyễn Văn Vịnh.


4- Đại sứ Đinh Bá Thi (1921-1978)

Đinh Bá Thi tập kết ra Bắc năm 1954.  Làm việc ở Tổng liên đoàn lao động Việt Nam với chức vụ Ủy viên ban chấp hành Công đoàn Việt Nam, Trưởng ban Tuyên Huấn Công đoàn Việt Nam.

Năm 1963 chuyển sang ngành ngoại giao và năm 1969 làm đại sứ của chính quyền csvn ở Tiệp Khắc rồi Hungary.

Trong cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh Việt Nam ở Paris (bắt đầu tại Paris từ ngày 13-5-1968 và ký kết ngày 23-1-1973). Đinh Bá Thi là Phó trưởng Phái đoàn Đàm phán của MTGPMN trong hội nghị 4 bên.

Sau 1975, Đinh Bá Thi làm đại sứ đầu tiên của cs ở Liên Hiệp Quốc.

Năm 1978, lúc 57 tuổi, khi hoạt động tình báo tại Hoa Kỳ bị lộ, Đinh Bá Thi bị gọi về nước.  Trong lúc đang chờ nhận nhiệm sở mới thì bị chết vì tai nạn giao thông ở Phan thiết.

Đinh Bá Thi bị Lê Đức Thọ ra lệnh giết vì bị nghi làm gián điệp hai mang trong thời gian hoạt động ở Hoa Kỳ.


5- Đai tướng Chu Văn Tấn (1909-1984)

Chu Văn Tấn là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên, Thiếu tướng đầu tiên, và Thượng tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân csvn.  Chu Văn Tấn bị thanh trừng vì bị cho là theo phe thân Trung cộng Hoàng Văn Hoan.

Ngày 2/9/1945, ngay sau khi tuyên bố ra đời nước VNDCCH, HCM giao cho Chu Văn Tấn làm Bộ Trưởng Quốc phòng.  Chu Văn Tấn là một trong 9 Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân cs (1948) và cũng là một trong 2 Thượng tướng đầu tiên.

Chu Văn Tấn ngưới gốc thiểu số Nùng, từng dậy học ở Bắc hà.  Năm 1936 đươc kết nạp vào đảng csvn.  Năm 1941 là Xứ ủy viên Bắc hà, chỉ huy Đội Cứu quốc quân 1, Cứu quốc quân 2.

Tháng 6 năm 1945 tham gia ban lãnh đạo Tổng khởi nghĩa.  Chu Văn Tấn làm Bộ trưởng quốc phòng cho đến ngày 2/3/1946.

Năm 1948 là Khu trưởng khu 4, rối chính ủy Chiến khu 1.  Cũng năm này Chu Văn Tấn được phong hàm Thiếu tướng.

Từ năm 1949 đến năm 1954, Chu Văn Tấn làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc.

Từ năm 1954 đến cuối năm 1956, Chu Văn Tấn làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư quân khu ủy Liên khu Việt Bắc.

Từ năm 1957 đến cuối năm 1975, ông làm Chính ủy, Bí thư khu ủy Quân khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc.

Ngày 31 tháng 8 năm 1959, được thăng quân hàm vượt từ cấp Thiếu tướng lên thẳng Thượng tướng và là một trong hai Thượng tướng lúc bấy giờ.

Chu Văn Tấn được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội từ khóa III đến khóa V, Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa V; Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc. Hắn cũng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa I, II và III; đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa V.

Năm 1976, Chu Văn Tấn được bầu làm Phó Chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Tuy nhiên, không lâu sau đó, quan hệ Việt-Trung trở nên căng thẳng và tệ hại nhanh chóng đưa đến viễn ảnh thanh trừng nội bộ sẽ xảy ra giữa các thành phần lãnh đạo csvn có lập trường thân Liên sô và thân Trung cộng.  Con nhạn Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan thấy lạnh gáy, biết thân phận, phải chạy vọt trốn sang Trung hoa xin tỵ nạn chính trị.

Cuộc chiến tranh Việt-Trung bùng nổ vào năm 1979. Chu Văn Tấn cũng bị liên lụy vì bị cho là cùng phe với Hoàng Văn Hoan.  Từ đó Chu Văn Tấn bị trù dập, quản thúc xa gia đình cho đến ngày qua đời năm 1984 tại Hà Nội.


6- Đại tướng Hoàng Văn Thái (1915-1986)

Hoàng Văn Thái là Tướng Tham mưu trưởng đầu tiên của quân đội nhân dân cs lúc mới có 30 tuổi.  Hoàng Văn Thái là sui gia với Võ Nguyên Giáp.

Khi Hoàng Văn Thái là Tư lệnh quân giải phóng Miền Nam, Thái tham gia hầu hết các chiến dịch quân sự lớn nhất của csvn ở Miền Nam: Chiến dịch Tết Mậu Thân (1968); Chiến dịch Xuân Hè (1972); Chiến dịch Mùa Xuân / Hồ Chí Minh (1975).  (Trước đây Thái cũng đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm (1954).

Năm 1973, sau Hiệp định Paris ký kế, Mỹ bắt đầu rút khỏi Việt Nam thì Hoàng Văn Thái được triệu ra Bắc nhận chức vụ Thứ trưởng quốc phòng.

Hoàng Văn Thái cũng là một nhân vật chính trị cao cấp của Việt cộng, từng giữ các chức trọng đại khác như: Đại biểu quốc hội khóa VII, Ủy viên Ban chấp hành trung ương đảng csvn khóa III, IV và V.

Đến năm 1980 thì mang quân hàm Đại tướng.

Khi Thái chuẩn bị lên làm Bộ Trưởng Quốc Phòng thay thế Văn Tiến Dũng và có thể trở thành Chủ tịch Hội đồng an ninh quốc gia đầu tiên của Việt Nam thì ngày 2/7/1986 Thái chết đột ngột, thọ 71 tuổi. Trước khi chết, Thái nói với vợ: “Người ta giết tôi!”


7- Đại tướng Lê Trọng Tấn (1914-1986)

Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố, gia nhập Việt Minh từ năm 1945, giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 312 trong chiến dịch Điện biên phủ (1954).

Từ 1954-60 Lê Trọng Tấn làm Giám đốc trường Sĩ quan bộ binh rồi làm Phó Tổng Tham mưu quân đội (1961-62).

Trong chiến tranh Việt Nam. Lê Trọng Tấn xâm nhập vào Nam từ năm 1972.  Chỉ huy mặt trận Quảng Trị năm 1975, và chỉ huy mặt trận Huế- Đà nẵng vào đầu năm 1975.

Tháng 3 năm 1975 Lê Trọng Tấn là Chỉ huy Phó toàn bộ Chiến dịch HCM.  Nên biết đại đội 4 thuộc trung đoàn 1 quân đoàn 2 là đơn chỉ huy bởi Lê Trọng Tấn đầu tiên tiến chiếm Dinh Độc lập Saigon ngày 30/4/1975.

Sau 30/4/1975, Lê Trọng Tấn làm Giám đốc Trường quân sự cao cấp; và trong trận chiếm Campuchia, Lê Trọng Tấn là tư lệnh các lực lượng quân sự vi-xi đánh ở Campuchia (1976-79).

Từ 6/1978 cho đến khi chết, Lê Trọng Tấn làm Thứ trưởng Bộ quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân, chuẩn bị để thay thế Văn Tiến Dũng thì chết đột ngột vào ngày 5/12/1986, thọ 72 tuổi.
Nên biết, Lê Trọng Tấn chết ngay sau khi trở về từ chuyến đến viếng thăm nhà của Lê Đức Thọ.

Có tin đồn là Lê Trọng Tấn bị đầu độc (Lê Trọng Tấn chết 5 tháng sau khi Hoàng Văn Thái cũng bị Lê Đức Thọ sát hại).


8- Trung tướng Phan Bình (1934-1987)

Phan Bình Cục trưởng Cục Quân Báo (tức Cục 2), sau khi vừa bị Lê Đức Anh chỉ thị phải về hưu, tước mất quyền binh giao cho Tư Văn, một đàn em của Lê Đức Anh (Cục 2 sau đó đổi thành Tổng Cục 2).  Vừa Bàn giao quyền hành xong, Phan Bình từ Hà Nội vào Sài gòn thăm bạn bè thì bị giết bằng cách bắn vào đầu vào ngày 13/12/1987 tại nhà nghỉ của Cục 2 số 30 Lê Quý Đôn Sài gòn.

Sau cái chết của Phan Bình, Tổng Cục 2 báo cáo lên Trung Ương đảng csvn là “Đồng chí Phan Bình bị bệnh tâm thần nên đã tự sát.”  Giới lãnh đạo đảng không thuộc ngành quân báo đều biết là Phan Bình bị giết chứ không phải tự sát.  Tổng Cục 2 chỉ tạo dựng chứng cớ giả để bưng bít lừa gạt dư luận.  Trung tướng quân đội Lê Văn Hiền, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Thượng tướng Nguyễn Minh Châu…  đều xác nhận chuyện này.

Tướng Nguyễn Minh Châu, tư lệnh quân khu 7 cho biết là báo cáo của Tổng Cục 2 không đúng sự thật.  Phan Bình chết ngã nằm sấp ở phòng khách ở đầu bị bắn thủng toạc ra một lỗ rất rộng, chứng tỏ người bắn là người quen biết, đến rất gần sát Phan Bình rồi bất ngờ nổ súng thình lình làm Phan Bình trở tay không kịp.  Ngoài ra kẻ ám sát còn biết rõ là sau khi bàn giao Cục Quân báo cho cho Tư Văn, Phan Bình bị lấy lại súng ngắn nên không có gì để tự vệ; kẻ sát nhân yên tâm dễ dàng ra tay.

Dã man hơn nữa là 1 tháng sau khi Phan Bình bị chết, con trai của Phan Bình cũng là một sĩ quan Quân báo, là người phát giác ra cha mình bị giết cũng bị chết một cách mờ ám khi bị ép đưa vào viện “tâm thần.”

Cái chết của cha con Phan Bình làm cho các sĩ quan cao cấp quân đội cũng như ngành quân báo cs rúng động, lo sợ cái không khí khủng bố bao trùm.

Nguyên nhân chính làm cho Phan Bình bị giết vì Phan Bình từng là chỉ huy Cục quân báo, hắn biết rất nhiều chuyện nếu lọt ra ngoài thì không có lợi cho cấp lãnh đạo cs.  Phải giết để bịt đầu mối.


9- Thượng Tướng Công An Thi Văn Tám (1948-2008)

Thi Văn Tám sinh ở Long an, hoạt động bí mật cho cs từ lúc 13 tuổi.  Năm 6/1966 làm công tác ở đội Cảnh vệ Công an Huyện Đức Hòa tỉnh Long an.

Tháng 2/1968 làm đội trưởng Đội cảnh vệ huyện Đức hòa.  Tháng 12/1968 được kết nạp vào đảng cs.

Tháng 6/1970 trên đường đi công trác đụng độ với quân VNCH thì bị thương và bị bắt sống đày ra Phú quốc.

Sau khi hiệp định Paris được ký kết (1973), Thi Văn Tám được trao đổi tù binh và sau đó được đưa thẳng ra Bắc để điều dưỡng.

Tháng 4/1974 xâm nhập miền Nam trở lại và được bố trí tại đơn vị Trinh sát thuộc Tiểu ban bảo vệ chính trị thuộc Ban an ninh Trung ương Cục Miền nam.

Sau 1975 Thi Văn Tám từ một cán bộ trinh sát, được thăng cấp ào ào vì có nhiều thành tích tình báo an ninh nổi bật.  Thi Văn Tám  đã trực tiếp đến vùng rừng núi Việt-Lào để phối hợp với quân đội, chỉ huy thu thập tài liệu, hình ảnh việc tiêu diệt quân khánh chiến xâm nhập, giết Hoàng Cơ Minh chủ tịch của “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” ngày 4-8-1987.

Tháng 10/1987 đến tháng 12/1988 ngày 4-8-1987 làm chuyên viên an ninh ở Campuchia.

Năm 1996 làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh.

Nam 2001 Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh.

Năm 2002 thăng hàm Thiếu tướng.

Năm 2005 lên Trung tướng.

Năm 2006 thăng Thượng tướng và được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Công an.

Ngày 12/12/2008 Thi Văn Tám Thứ trưởng Bộ Công an đặc trách Tình báo Gián điệp ngã lăn ra chết trong lúc đang mạnh giỏi và đi công tác đó đây liên tục.  Mãi đến ngày 15/12/2008, các cơ quan truyền thông mới đồng loạt loan tin là Thi Văn Tám “chết sau một thời gian dài lâm bệnh,” mà không nói rõ là chết vì bệnh gì?

Dư luận cho là Thi Văn Tám bị thanh toán, chết vì đầu độc.  Thi Văn Tám đi cộng tác vừa về đến nhà thì chết vì bị uống nước pha thuốc độc trên máy bay.


10- Thượng Tướng Nguyễn Khắc Nghiên (1951- 2010)

Nguyễn Khắc Nghiên nhập ngũ năm 1969, gia nhập đảng cs năm 1972.

Năm 1998 được phong Thiếu tướng.

Năm 2002 thăng Trung Tướng và nhận chức Tổng Tham mưu trưởng thay cho Phùng Quang Thanh.

Năm 2007 thăng Thượng tướng và bổ nhiệm Thứ trưởng quốc phòng.

Như vậy Nguyễn Khắc Nghiên, nhân vật số 2 của Bộ Quốc Phòng chỉ đứng sau Phùng Quang Thanh.

Trong khi đang giữ hai chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng và Tổng Tham Mưu Trưởng Quân đội Nhân dân rất ngon lành ở tuổi 59, Nguyễn Khắc Nghiên đột ngột qua đời ở Bệnh viện Trung Ương Quân Đội 108 ngày 13/11/2010 sau một thời gian “lâm bệnh hiểm nghèo?” nhưng không nói là bệnh gì?


11- Thượng Tướng Phạm Quý Ngọ (1954 - 2014)

Phạm Quý Ngọ theo học và tốt nghiệp Đại học Cảnh sát Nhân dân, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 19 tháng 4 năm 1980.

Trước khi về công tác tại Bộ Công an, năm 1997, Ngọ từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình, hàm Đại tá.  Thời gian này Ngọ thẳng tay đàn áp, bắt và thủ tiêu vào ban đêm rất nhiều người dân khố rách áo ôm và cựu chiến binh cộng sản ở Thái Bình nổi loạn kéo sập ủy ban hành chánh, đập bỏ tượng HCM. Đường hoạn lộ và quyền lực của Ngọ “thăng hoa” từ thành tích đàn áp cuộc nổi dậy trên quê hương Thái bình của Ngọ, nhà văn Dương Thu Hương đã phải kết luận là:

“Nếu không có nổi loạn Thái Bình 1997 thì không có Thượng tướng Công an Phạm Quý Ngọ hôm nay.”

Ngày 14 tháng 2 năm 2006, Ngọ được bổ nhiệm làm Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, hàm Thiếu tướng.

Ngày 11 tháng 7 năm 2006, Ngọ được bổ nhiệm kiêm chức Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, thay Thiếu tướng Cao Ngọc Oánh vừa bị Nguyễn Tấn Dũng cách chức vì đã tham dự "bữa ăn chạy án" vụ PMU 18.

Ngày 28 tháng 1 năm 2008, Ngọ giữ chức Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân, Bộ Công an. Trên cương vị này, Ngọ giữ vai trò Chủ tịch Hội nghị Cảnh sát các nước ASEAN lần thứ 29 (ASEANAPOL-29) diễn ra từ 13 đến 15 tháng 5 năm 2009 tại Hà Nội.

Từ ngày 1 tháng 1 năm 2010 Ngọ được chuyển sang làm Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống Tội phạm.

Ngày 12 tháng 8 năm 2010, Ngọ được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công an.

Ngày 18 tháng 1 năm 2011, Ngọ được bầu làm Ủy viên Chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Ngày 22 tháng 7 năm 2013, Ngọ được thăng hàm Thượng tướng.

Trong vụ án Dương Chí Dũng Dương Chí Dũng, nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Đồng Quản trị Vinalines, đã lãnh án tử hình vì tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế và Tham ô tài sản lên tới 3.2 tỳ đô la.”  Trong lúc vụ án Dương Chí Dũng tham nhũng bạc tỷ này đang được điều tra thì Dương Chí Dũng chạy trốn sang Campuchia.  Sau khi Dương Chí Dũng bị bắt giải về Việt Nam và tiếp tục bị xử.   Dương Chí Dũng khai là đã hối lộ cho Phạm Quý Ngọ (nên biết chính bá Ngọ đang là Trưởng ban chuyên án điều tra các sai phạm tại Vinalines) tổng cộng trong 2 lần với số tiền mặt 510,000 đô la để Ngọ và cấp trên của Ngọ giúp Dương Chí Dũng chạy án cho nhẹ tội.

CSvn rất lúng túng chưa biết phải dùng cơ quan nào để điều tra lời khai của Dương Chí Dũng cho đỡ bẽ bàng, vì không lẽ dùng Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an do Ngọ làm thủ trưởng để điều tra Ngọ?  Có tin là Ban Nội chính Trung ương sẽ đề nghị Ban chỉ đạo chống tham nhũng (do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng) trực tiếp yêu cầu Công an Hà nội nhận điều tra vụ án Phạm Quý Ngọ này.

Đùng một cái có tin Phạm Quý Ngọ mất ngày 18 tháng 2 năm 2014 ở tuổi 60 tại Bệnh viện Quân đội 108, Hà Nội do bệnh “ung thư gan.”

Thật khôi hài, trước ngày “được chết theo quy trình” độ 1 tháng (ngày 11/12/2013),  Phạm Quý Ngọ với tướng mạo hồng hào mạnh khỏe, đứng ra tổ chức đám cưới linh đình nhất ở Việt Nam từ trước đến nay tại khách sạn 5 sao J.W. Marriott Hà Nội (khách sạn này thuộc loại sang trọng bậc nhất Hà Nội nằm trong Trung tâm Hội nghị Quốc gia và Hội trường Ba Đình). Nên biết thêm, khách sạn J.W. Marriott được giới thiệu có phòng dành cho khách nguyên thủ quốc gia (1 phòng dành cho Phó Tổng thống và 1 phòng dành cho Tổng thống) cho con trai là Đại úy Công an Phạm Mạnh Hùng – Trưởng phòng Điều tra thẩm định án kinh tế, tham nhũng thuộc Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an (Báo lố cs tâng bốc là “hổ phụ sinh hổ tử?!” – Người viết xin tạm dịch nôm là “Cha chết rồi con sẽ chết.”)

Việc các tướng ngành công an, tình báo chết gần đây do tranh giành quyền lực hoặc vì nhu cầu bịt miệng (xác chết không biết nói) cũng không phải là chuyện ngạc nhiên.  Chính các giới an ninh này đã có sẵn nhiều phương tiện mờ ám, tài chánh, và nhân sự chuyên nghiệp (professional hitmen), thành ra ra tay hạ độc thủ chỉ là chuyện “một ngày như mọi ngày” thôi.


Lời kết

Chuyện thanh trừng nội bộ lãnh đạo cao cấp cộng sản rất dài, chưa thể ngừng ở đây...

Còn biết bao nhiêu cuộc thanh trừng và trù dập khác chưa có dịp kể đến như trường hợp của Thượng tướng Trần văn Trà (1919-1996), Trung tướng Trần Độ (1923-2002), Thiếu tướng Lê Thiết Hùng (1908-1986), Thiếu tướng Đặng kim Giang (1910-1983), Cựu Phó thủ tướng Đoàn Duy Thành (1929-2003), Thượng tướng Lê Minh Hương (1936-2004), Thượng tướng Thứ trưởng Công an Nguyễn Văn Tính (1961-2006), Ủy viên BCT Trần Xuân Bách (1924-2006)… và ngày rộng tháng dài, danh sách này cứ thế tiếp tục dài thêm. Ai sẽ là người kế tiếp được ưu ái liệt kê trong bảng phong thần này?  Có nhiều tay đã vấy máu đồng bào, đống chí, đồng rận còn phải chui qua ống cống trước đã… Mồ mả của những tay đã bán muối rồi cũng chẳng được yên ổn đâu!  Chờ xem phần kết.

Kể ra cũng thấy rét thật chớ chẳng phải chuyện đùa!

Trần Văn Giang
28 tháng 2 năm 2014

0 comments:

Powered By Blogger