Trong thơ văn và âm nhạc của Việt Nam có một địa danh mà tên nghe rất
dễ thương và lại có nét tôn giáo, đó là 4 chữ “Tha La xóm đạo”. Rất
nhiều người đã nghe qua địa danh này nhưng chưa một lần đặt chân đến,
không biết nó ở đâu cũng như không biết tại sao địa danh này lại có cái
tên lạ tai như vậy.
Đây Tha La xóm đạo
Có trái ngọt cây lành,
Tôi về thăm một lần
Giữa mùa nắng vàng hanh
Ngậm ngùi Tha La bảo:
Đây rừng xanh rừng xanh.
Bụi đùn quanh ngỏ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh,
Gió đùn quanh mây trắng
Về lửa loạn xây thành.
Trên đây là mấy câu thơ trong bài “Tha La xóm đạo” của Vũ Anh Khanh. Vũ
Anh Khanh xúc cảm sáng tác bài thơ vào năm 1950, sau một dịp ông đến
thăm Tha La. Đây là một xứ đạo Thiên Chúa đã có từ lâu đời, nay thuộc xã
An Hòa, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Bài thơ kể về xóm đạo Tha La
trong thời khói lửa chiến tranh. Lời thơ giản dị, gần gũi, nhịp điệu nhẹ
nhàng như một lời tâm tình, đã lay động tâm hồn của biết bao người.
Những vần thơ ấy đã đi vào lòng người nên Tha La được nhiều người biết
đến.
Cảm hứng từ bài thơ trên, nhạc sĩ Dzũng Chinh đã phổ thành nhạc vào năm
1964. Một năm sau, nhạc sĩ Sơn Thảo cũng phổ thành bài hát mang tên “Hận
Tha La” và cũng trong năm này nhạc sĩ Anh Tuyền phổ thành ca khúc mang
tên “Vĩnh Biệt Tha La”. Ngoài ra, soạn giả cải lương Viễn Châu cũng đã
phỏng theo ý tưởng của Vũ Anh Khanh để viết ra ca khúc tân cổ giao duyên
có cùng tên.
Cho tới nay, thân thế của Vũ Anh Khanh vẫn chưa được sáng tỏ. Người ta
chỉ biết ông tên thật là Võ Văn Khanh, sanh năm 1926 tại Mũi Né, quận
Hải Long, tỉnh Bình Thuận. Trước năm 1945, ông vào Sài Gòn làm báo và
viết văn. Sau, ông hoạt động cùng với Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang và Thẩm
Thệ Hà trong nhóm “Văn học yêu nước” ở Sài Gòn nên ông bị chính quyền
miền Nam theo dõi. Năm 1950 ông trốn ra chiến khu. Năm 1954 ông tập kết
ra Bắc.
Ngày 20 tháng 7 năm 1954 Hiệp Định Genève được ký kết, chia cắt nước
Việt Nam làm hai. Khoảng một triệu người dân miền Bắc ồ ạt di cư vào
Nam. Một số ít các cán bộ và binh sĩ của cộng sản ở miền Nam lội ngược
ra Bắc, trong số nầy có Vũ Anh Khanh.
Một thời gian ngắn sau ông được cử đi dự Hội Nghị Các Nhà Văn Á Châu ở
New Delhi, Ấn Độ. Vũ Anh Khanh có mặt trong phái đoàn của Việt Nam Dân
Chủ Cộng Hòa. Phải chăng chim sổ lồng đã “sáng mắt sáng lòng” nhìn ra
được điều gì đó nên sau khi dự Hội Nghị về, ông được cử đi công tác ở
Vĩnh Yên, một tỉnh nằm ở phía Bắc của Hà Nội nhưng ông đã sửa lệnh công
tác thành Vĩnh Linh, một địa danh gần Sông Bến Hải vì trong đầu ông đã
có ý định vượt tuyến về miền Nam tìm lại Tự Do. Vũ Anh Khanh đã đến được
Vĩnh Linh và thực hiện cuộc vượt tuyến bằng cách bơi qua sông Bến Hải.
Khi ông sắp đến được bờ Nam thì bị phát giác. Công an gác ở sông Bến Hải
dùng nõ và tên tẩm thuốc độc bắn ông chết. Sở dĩ họ phải dùng nõ và tên
độc để Ủy ban quốc tế không thể quy trách họ vi phạm Hiệp định ngưng
bắn được vì Hiệp Định Genève cấm dùng súng ở Khu Phi Quân Sự.
Vũ Anh Khanh mất tại Bến Hải năm 1956, lúc đó ông chỉ mới được 30 tuổi.
Xác của người bạc mệnh được vớt lên và bị vùi dập đâu đó trong khu phi
quân sự mà không để lại mồ mả hay vết tích gì.
Vũ Anh Khanh có lẽ là một nhà văn - nhà thơ có cuộc đời ngắn ngủi và số
phận hẩm hiu nhất trong các nghệ sĩ cùng thời. Ông không được cả hai chế
độ miền Nam và miền Bắc thừa nhận tài năng vì các hoạt động chính trị
ngược giòng. Chính quyền miền Nam coi ông là văn sĩ - thi sĩ cộng sản đã
đành, chính quyền miền Bắc cũng quay mặt với ông, cố tình gạt bỏ tên
ông ra khỏi văn học sử.
Vũ Anh Khanh là một cây bút chuyên viết truyện ngắn và tiểu thuyết.
Những tác phẩm của ông phần lớn được in trong năm 1949 tại Sài Gòn.
Truyện dài của ông gồm có Cây Ná Trắc, Nửa Bồ Xương Khô và Bạc Xíu Lìn.
Truyện ngắn có Sông Máu, Đầm Ô Rô, Bên Kia Sông và Ngũ Tử Tư. Tuy nhiên
bài thơ “Tha La xóm đạo” mới làm cho ông được nhiều người biết đến tên
tuổi mãi về sau.
Bài thơ đầy cảm hứng tuyệt vời, với ý thơ ngọt ngào, lời thơ bình dị,
nồng nàn, nhịp thơ nhẹ nhàng, gần gũi, hồn thơ man mác dễ tác động tâm
hồn nhạy cảm của người nghe. Do vậy, nhiều người dầu chưa từng đặt chân
đến Tha La, cũng có thể dễ dàng rung động con tim qua màu sắc thiên
nhiên hòa quyện trữ tình với:
Đây Tha La, một xóm đạo ven rừng,
Có trái ngọt, cây lành, im bóng lá,
Con đường đỏ bụi phủ mờ gót lạ.
Ngày êm êm lòng viễn khách bơ vơ!
Đường đi đến Tha La không khó. Cứ theo Quốc Lộ 1 từ Sài Gòn theo hướng
tây bắc chạy đến Hóc Môn rồi qua Củ Chi và đến Trảng Bàng. Từ Trảng Bàng
mon men về hướng tây thêm chừng 6 cây số thì sẽ vào đến đất Tha La.
Tha La không có cảnh đẹp nên thơ, Tha La cũng không có lâu đài cổ kính,
nhưng có trái ngọt, cây lành, có những con người hiền hòa sống với lũy
tre xanh, và đẹp vì tình người. Vì mật độ dân cư không nhiều, chỉ vào
khoảng 3000 người trước năm 1975, nên người ta không tìm thấy Tha La
trên bản đồ địa lý hay bản đồ hành chánh. Xóm đạo Tha La được tổ chức
khá ngăn nắp và qui củ, nhà cửa khang trang, quây quần chung quanh ngôi
thánh đường. Trải qua bao thăng trầm của chiến tranh tàn phá, nhà thờ đã
được trùng tu lại năm 1967. Toàn bộ khu nhà thờ, nhìn chung, với lối
kiến trúc đơn giản, không mang nặng nét cổ điển của Tây phương, nhưng
lại được bao bọc xung quanh bằng những tàn cây cổ thụ cao to cho bóng
mát, mang vẻ u hoài, thanh tịnh.
Khách quan mà nói, Vũ Anh Khanh đã thăng hoa vùng quê nghèo “Bụi đùn
quanh ngõ vắng, Khói đùn quanh nóc tranh, Gió đùn quanh mây trắng” thành
một xóm đạo nên thơ, nhưng trăn trở trước vận nước lầm than, ly loạn,
và cũng không kém phần kiên cường bất khuất giữ vững niềm tin trước
những gian nan thử thách.
Đây rừng xanh rừng xanh
Bụi đùn quanh ngõ vắng,
Khói đùn quanh nóc tranh.
Gió đùn quanh mây trắng,
Và lửa loạn xây thành.
Rồi
Em chẳng biết gì ư?
Bao năm qua khói loạn phủ mịt mù!
Người nước Việt ra đi vì nước Việt.
Tha La vắng vì Tha La đã biết,
Thương giống nòi đau đất nước lầm than.
Trong suốt thời kỳ chiến tranh, Tha La chưa hề có dấu vết của chiến
tranh tàn phá nặng nề nhưng Tha La có một niềm tự hào là đã có những
“người nước Việt ra đi vì nước Việt”. Đó là hình ảnh đẹp lưu truyền của
các chàng trai Tha La anh tuấn năm xưa đã xếp việc bút nghiên hăng hái
lên đường theo tiếng gọi của tổ quốc.
Thế rồi, bẳng đi nhiều năm sau một thời gian dài ngủ yên, Tha La lại trở
mình thức giấc. Đầu Xuân 1974, tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở biển
Đông giữa các quốc gia liên quan trong khu vực lúc bấy giờ nỗ ra, cái
tên Tha La sống trở lại, vì một người con của Tha La đã ra đi. Tha La đã
hiến dâng một người con ưu tú, tài hoa, một vị anh hùng, một chiến sĩ
can trường, bất khuất đã hiên ngang xả thân quyết tâm chiến đấu với giặc
xâm lăng để bảo vệ non sông trên hải đảo Hoàng-Sa trong một trận thư
hùng. Ông đã oanh liệt chiến đấu cho đến giây phút cuối cùng, đã anh
dũng hi sinh đền nợ nước, để lại tấm gương mãi mãi nghìn thu bằng những
nét son tô đậm được vinh danh ghi tạc ở bia vàng: Ngụy-văn-Thà, cố
Trung-Tá Hải-Quân, Hạm Trưởng Nhựt-Tảo HQ10. Ông sinh trưởng tại Tha La
và là học sinh trường Cao-Đẳng Trảng-Bàng, Tây-Ninh.
Tha La hận quốc thù,
Tha La buồn tiếng kiếm.
Não nùng chưa! Tha La nguyện hy sinh.
Năm nay là năm kỷ niệm 40 năm trận hải chiến Hoàng Sa. Tháng 1 năm 1974,
một lực lượng hải quân của quân lực VNCH đã dũng cảm chiến đấu chống
lại một lực lượng hải quân đông và mạnh hơn của Trung Quốc xâm phạm khu
vực Hoàng Sa. Đây là một chiến công oanh liệt mang tính cách tinh thần
dân tộc.
Năm nay là thời điểm thuận lợi để nhà cầm quyền CSVN nhìn lại lịch sử
một cách khách quan và công bằng, đứng trên lập trường dân tộc chống
ngoại xâm. Nhìn lại một lần cho cặn kẻ bản chất sự kiện lịch sử này, để
đính chính lại những sai lầm và lệch lạc trong nhận thức do lập trường
đấu tranh giai cấp, để gạt bỏ đi những nhận định, lập luận và ngôn từ
sai trái.
Thời gian vừa qua, ở trong nước đã có những việc làm đầy ý nghĩa, rất đáng được hoan nghênh và hưởng ứng rộng rãi.
Năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày mất Hoàng Sa, báo Thanh Niên đã
đi đầu trong việc gọi nước chiếm quần đảo của Việt Nam là “quân xâm lược
Trung Quốc”.
Cũng trong năm ngoái, một số nhân sĩ miền Nam có ý định tổ chức một cuộc
hội thảo quy mô tại Sài Gòn để tưởng niệm và vinh danh các chiến sĩ
VNCH đã bỏ mình trong trận Hoàng Sa. Họ có ý định mời bà quả phụ hải
quân Trung tá Ngụy Văn Thà đến để bày tỏ lòng biết ơn, nhưng cuộc hội
thảo có thông báo và gởi giấy mời đó đã không diễn ra vì áp lực của nhà
cầm quyền.
Những người trẻ tuổi ở miền Bắc từng tham gia những cuộc biểu tình chống
Trung Quốc cũng đã thả 74 ngọn hoa đăng trên sông Hồng với chữ HQ-10
kết bằng hoa hồng để vinh danh hạm trưởng và những binh sĩ VNCH, bày tỏ
lòng biết ơn những người đã hy sinh vì tổ quốc.
Đầu năm nay, để chuẩn bị kỷ niệm 40 năm trận Hoàng Sa, một số báo trong
nước đã cho đăng khá chi tiết trận hải chiến này. Báo Dân Trí và
Petrotimes đã cho đăng nhiều kỳ bài “Vì sao xảy ra Hải chiến Hoàng Sa
1974”. Báo Tuổi Trẻ cũng đăng nhiều kỳ bài “40 năm Hải chiến Hoàng Sa”
trong đó có trích đoạn hồi ký của Trung tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà và
đăng hình của ông. Những bài viết này gọi đúng danh xưng của chế độ miền
Nam, từ tên nước (Việt Nam Cộng Hòa), cờ (cờ Vàng ba sọc đỏ) và cấp bậc
của quân nhân các cấp.
Báo điện tử Giáo Dục Việt Nam trong 7 ngày kể từ ngày 19 tháng 12 đã
liên tiếp đăng 7 bài viết của Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban
Biên giới Chính phủ với mục đích “Cung cấp một số thông tin để cho tất
cả bạn đọc trong và ngoài nước được tiếp cận thông tin đầy đủ hơn, chính
xác hơn và rõ ràng hơn về một sự kiện mà có lẽ không quên được trong
quá trình đấu tranh của lịch sử để bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn của đất
nước”.
Người ta thấy bạn đọc viết cám ơn các báo “Vì hành động xâm lược cách
đây 40 năm của Trung Quốc không phải người nào cũng biết và cảm thấy
niềm kiêu hãnh dân tộc về cuộc chiến oai hùng của các chiến sĩ để bảo vệ
biển đảo Việt Nam”. Nói chung, phản ứng của độc giả là “Hơi chậm nhưng
hoan nghênh việc làm này, một ước mơ từ lâu, nay mới toại nguyện”.
Đặc biệt, có những người hay tổ chức còn công khai kêu gọi nhà nước hãy
truy phong danh hiệu “liệt sĩ” cho các tử sĩ VNCH trong trận Hoàng Sa.
Nhìn qua những sự kiện trên, ai cũng đặt câu hỏi “Phải chăng gió đã xoay
chiều?”, “Phải chăng đảng Cộng Sản Việt Nam đã có cái nhìn mới về Hoàng
Sa?” và “Phải chăng đảng CSVN đã bắt đầu ý thức được tình cảm của người
dân và lòng yêu nước thì không phân biệt chính kiến hay chế độ?”
Ai cũng lầm, lầm to. Đó chỉ là trò ma mớp của Nguyễn Tấn Dũng và sự hèn hạ của đảng CSVN trước kẻ thù truyền kiếp của dân tộc.
Vào chiều cuối năm, trong dịp đến thăm Hội Khoa học Lịch sử ở Hà Nội,
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố rằng Chính phủ đã lên kế hoạch kỷ
niệm 40 năm sự kiện Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa của Việt Nam và 30
năm sự kiện tháng 2 năm 1979 (chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc)
đồng thời chỉ thị đưa các vấn đề này vào sách giáo khoa. Hai tờ báo điện
tử Thanh Niên và VietNamNet nhanh nhẹn đưa bản tin này vào chiều ngày
30 tháng 12 nhưng sau đó đã bị lấy xuống.
Nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng và “Ủy ban Nhân dân Huyện đảo Hoàng Sa”
đã quyết định tổ chức một cuộc triển lãm “Quần Đảo Hoàng Sa- chủ quyền
của Việt Nam” và đêm “Thắp nến tri ân” vào tối 18 tháng 1 ở công viên
Biển Đông, nhưng đến giờ phút chót các sự kiện này đã bị đình chỉ vì
lệnh trên.
Tưởng rằng gió đã xoay chiều, xoay theo một chiều hướng tốt đẹp để biến
đất nước hiện nay trở thành đất nước của mọi người chứ không phải của
con người XHCN hay của đảng CSVN. Nhưng ngọn gió đó đã bị cái chủ nghĩa
giáo điều của người CS ngăn chận, làm tiêu tan hy vọng.
Điều này xác định lại một điểm rõ ràng rằng: người CSVN vẫn còn đặt chủ
nghĩa và đảng lên trên đất nước và dân tộc. Việc vinh danh 74 tử sĩ
VNCH, nếu có và có ở mức độ nào đó, chẳng qua vì áp lực của dư luận, của
dân chúng trước tham vọng của Trung Quốc, chứ đánh đổi một phần đất
nước như Hoàng Sa xem ra chẳng đáng gì so với sự duy trì đảng CSVN.
Sự kiện 40 năm Hoàng Sa rồi cũng đã chìm xuồng như vụ sửa đổi hiến pháp.
Công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cách giải thích của Trưởng Ban
tuyên giáo trung ương Lê Đức Thọ cũng như lối biện bạch của Thứ trưởng
Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch về việc Hoàng Sa đã cho thấy rõ ràng rằng:
đảng CSVN hành động vì lợi ích của đảng chứ không phải vì lợi ích của
dân tộc.
Ngày, 6 tháng 3 năm 2014
0 comments:
Post a Comment