Câu chuyện về thạc sĩ Nhã Thuyên và luận văn của cô đang bị hội đồng
chấm lại một cách bí mật dưới sức ép từ trên xuống đang - đã và sẽ gây
ra nhiều tranh cãi. Nó làm cho không ít người nhớ lại cuộc kiểm điểm bài
Dư Âm (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí), một Nhân văn - Giai phẩm của cái thời kỳ
“cách mạng sôi nổi” ấy, hay gần đây nhất là một “Cánh đồng bất tận” của
nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.
Sở dĩ có sự liên tưởng tương đồng như thế là vì tất cả đều có sự tham
gia phát giác, đấu tố của các cán bộ chính trị trong các vấn đề mang
tính học thuật, khoa học xã hội.
Cho nên mới có chuyện, những nhà phê bình văn học lại sử dụng luận điểm
“phản lại chế độ” để chấm dấu hết cho cả một công trình nghiên cứu.
Cho nên mới có chuyện, cho điểm tuyệt đối, rồi ba năm sau lại xóa bỏ
toàn bộ điểm dành cho một luận văn, loại bỏ những người từng chấm bài
thi trước đó đã cho thấy sự can thiệp thô bạo của chính trị bấy lâu nay
trong địa hạt học thuật.
Sự xâm phạm trắng trợn đó của cán bộ chính trị vào học thuật để làm cho
cả nền học thuật bị đì, đặc biệt nền học thuật xã hội. Nó vẫn bị chi
phối một cách giáo điều trong cái khuôn khổ được đặt ra về mặt tư tưởng,
nó vẫn bị Marx - Lenin & chế độ XHCN bao vây, mọi yếu tố muốn thoát
ra đều bị xử lý, xóa bỏ. Mọi thứ đã thay đổi, nhưng vẫn có những con
người, vẫn có những giáo điều không bị thay đổi.
Báo Nhân Dân & Quân Đội Nhân Dân đã làm rất tốt trong việc làm sống
dậy các câu từ đậm chất triệt tiêu giai cấp, đậm chất cách mạng đỏ như: “Nhân danh nghiên cứu để ca ngợi thứ "thơ" rác rưởi” [1]; “Một “góc nhìn” phản văn hóa và phi chính trị” [2]... Nó có khác gì so với những câu chữ của hàng chục năm về trước?, “Lật
bộ áo "Nhân Văn - Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản
động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản
phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách
báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm”.
Rất chân thực, rất thành công và đầy tính đấu tố tư tưởng/giai cấp.
Những nhà phê bình văn học, những giảng viên đại học/ cao đẳng, những cử
nhân văn học, hội viên hội Nhà văn đã trở thành những tuyên huấn lúc
nào không hay, họ đem ngòi bút và cách nhìn đầy tính chính trị vào trong
đánh giá học thuật thay vì là tri thức và sự tìm tòi - khám phá lẫn
tính nhân bản. Để rồi con đường cuối cùng là quy kết vào cái gọi là
“động cơ chính trị”. Tôi gọi đó là sự nhân danh tri thức hay lấy tri
thức làm bình phong để đả phá tri thức của những công cụ chính trị.
Sự tồi tệ đó không phải là mới đây, mà ngay những năm 1956 (thế kỷ 20) ông Đào Duy Anh cũng đã từng cảnh báo: “Trong
địa hạt khoa học tự nhiên, sự xâm phạm của những cán bộ chính trị vào
địa hạt chuyên môn như thế cố nhiên là rất trở ngại cho công tác chuyên
môn, nhất là công tác nghiên cứu khoa học. Trong địa hạt khoa học xã hội
thì mối tệ cũng không kém”. [3]
Chính khi cán bộ chính trị vào giáo huấn tri thức về cách hành văn,
nghiên cứu đề tài thì cũng là lúc hình ảnh trần trụi xơ xác của nền giáo
dục Việt Nam phi nhân bản, rập khuôn, phục vụ chính trị lại trở nên rõ
nét hơn cả. Đó là, cái trường ĐHSP Hà Nội (con chim đầu đàn của nền giáo
dục Việt Nam, nơi đào tạo mỗi năm hàng ngàn nhà giáo, cử nhân) đã ra
cái quyết định thu hồi luận văn và không công nhận học hàm thạc sĩ của
Đỗ Thị Thoan. Tiếp đó, sự cúi rạp người của người tri thức đi đến đề
nghị “báo chí không đăng tải ý kiến, đơn thư trái chiều” và cho nghỉ hưu non đối với người hướng dẫn đề tài là PGS TS Nguyễn Thị Bình.
Như vậy, về bản chất khung tri thức khoa học bấy lâu nay không hề có sự
thay đổi. Do đó, khi người ta đặt ra cái tính chính danh của Hội Đồng
thì tôi nghĩ nên đặt ra câu hỏi về bản chất và cả tính chính danh của
trường ĐHSP Hà Nội, của nền giáo dục Việt Nam là gì? Nếu không phải là
cái công cụ dành cho cán bộ chính trị. Tư tưởng chính trị đã đè bẹt tư
tưởng tự do học thuật.
Để rồi, “chính cái tư tưởng không tin và coi rẻ trí thức đã dẫn đến
sự ứng dụng lệch lạc cái nguyên tắc rất đứng đắn về quyền lãnh đạo của
chính trị, do đó công tác học thuật của chúng ta, về khoa học tự nhiên
cũng như về khoa học xã hội, gặp nhiều cản trở mà vẫn bị hãm vào tình
trạng lạc hậu.” [3]
Nền giáo dục khai phóng mà dân tộc đang cần, những nhà tri thức đúng
nghĩa đang mong mỏi từ bấy lâu nay vẫn là một con đường xa ngái như
PGS-TS Hoàng Dũng đã từng nhận định trong một bài viết trên Vietnamnet
[4].
Sự an ủi dành cho những nhà tri thức giờ đây chính là tình yêu và sự
kính của Thoan dành cho cô Bình cũng như cách sống thẳng, lòng nhiệt
huyết, sự cởi mở và cả tôn trọng đối với lựa chọn của học trò mà cô Bình
đã dành cho Thoan là câu trả lời quý giá nhất.
Chúng ta dung dưỡng điều đó để chờ một ngày giáo dục được khai phóng
thực sự, thoát khỏi mọi sự kiềm tỏa của cán bộ chính trị. Đó cũng là
ngày mà luận văn về nhóm “Mở miệng” được tôn vinh.
_____________________________________
[1] nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/20716102-nhân-danh-nghiên-cứu-để-ca-ngợi-thứ-thơ-rác-rưởi.html
0 comments:
Post a Comment