Wednesday, October 16, 2013

HỒ TRƯỜNG, DÂU BỂ…

 
Vào hồi đầu thế kỷ, lúc phong trào Đông du rộ lên, có một ông Cử nhân Hán học là Nguyễn Bá Trác theo cụ Sào Nam Phan Bội Châu dấn thân vào đường cách mạng. Ông Trác trên bước đường cách mạng có phiêu lưu bên Tàu một thời gian. Lúc đó có lẽ cảm khái trước cảnh cô đơn nơi đất khách, ông Nguyễn Bá Trác làm ra bài “Hồ Trường”, đọc lên nghe rất là bi tráng:

Hồ Trường

Trượng phu không hay xé gan bẻ cật phù cương thường hà tất tiêu dao
Bốn bể, luân lạc tha hương
Học chẳng thành, thân chẳng đạt
Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc
Trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ gươm mà hát, nghiêng bầu mà hỏi:
Trời đất mang mang, ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về Đông phương, nước bể Đông chảy xiết, sinh cuồng loạn
Rót về Tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về Bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút, đá chạy cát dương
Rót về Nam phương, trời Nam nghìn dặm thẳm, có người  quá chén như điên, như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say?
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây!”

Sau ít năm lưu lạc, có lẻ vì nản lòng hay vì bả lợi danh sao đó mà ông về đầu thú. Khi về đầu thú với chính quyền bảo hộ Pháp và Nam triều, thì coi như ông đã phản lại thầy mình là cụ Phan Sào Nam. Chẳng những thế, ông còn tố giác cả những người cùng hoạt động với mình. Trong số người bị tố giác có một người gốc ở Cần Thơ, tên Đặng Văn Phương. Ông Phương có xuất dương sang Nhật du học; lấy tên Đặng Đình Thanh vào học ở trường Đồng Văn.
Bị ông Trác tố giác, ông Phương bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo, mang số tù 193. Còn ông Cử nhân Nguyễn Bá Trác thì được bổ đi làm quan. Ông Cử nhân có một thời đi làm cách mạng này chẳng bao lâu lên chức Tổng Đốc, về trọng nhậm tỉnh Thanh Hóa. Ngày nhậm chức, ông có làm một tiệc rượu, mời toàn những bạn bè hoặc những người quen biết cũ xưa nay.
Tiệc rượu họp mặt của những bạn bè của ông tân Tổng Đốc, xuất thân Cử nhân thì dĩ nhiên là chuyện thơ phú không thể thiếu. Có một ông vốn xuất thân là một chân Phó bảng, bạn cũ của quan Tổng Đốc đã dùng bốn câu trong truyện Kiều ghép lại thành một bài thơ để tặng. Cách này gọi là lẩy Kiều. Ông Phó bảng lẩy Kiều như sau:

Kể từ lạc bước bước ra
Một là đắc hiếu, hai là đắc trung.
Giang hồ quen thú vẫy vùng
Rày xem phỏng đã cam lòng ấy chưa?

Dĩ nhiên ông tân Tổng Đốc không thể không hiểu ngụ ý xỏ xiên của ông bạn cũ: “vừa bụng ông chưa?” cho nên ông xạm mặt ngay sau khi nghe ông Phó bảng bạn cũ lẩy Kiều!
Trong thời gian làm quan, ông Nguyễn Bá Trác có chu cấp tiền bạc cho gia đình, vợ con của các đồng chí cũ. Nhưng ông cũng không tránh được miệng đời dị nghị: bán bạn, phản thầy, đầu giặc. Bài “Hồ trường” ai cũng phải khen là hay. Thử hỏi đã là người nặng lòng với đất nước, đang lưu lạc quê người; một đêm kia rượu đã ngà ngà say, ngồi ngâm lên bài này thì dẫu ai cũng phải sinh lòng cảm khái. Nhưng tiếng xấu ông Nguyễn Bá Trác khó lòng tránh khỏi. Ngâm nga bài “Hồ trường” thì người ta vẫn ngâm nga, mà trách ông Nguyễn Bá Trác thì người ta vẫn trách. Trách ông cái tội phản bạn, phản thầy.
*
Tháng Chạp năm Giáp Thân 1284, 50 vạn quân Mông Cổ do Thoát Hoan làm Tổng chỉ huy chuẩn bị tiến sang xâm lược Đại Việt lần thứ hai. Cũng trong tháng Chạp năm đó, Thượng Hoàng Thánh tông cho triệu các bô lão tới điện Diên Hồng để hỏi nên chiến hay nên hòa. Câu trả lời: Quyết chiến!
Ba ngày trước Tết Nguyên Đán Ất Dậu 1285, đạo tiền quân của Thoát Hoan vượt qua cửa ải Nội Bàng. Tết Nguyên tiêu (rằm tháng Giêng âm lịch) Thăng Long thất thủ.
Trong khi đó ở mặt trận phía Nam, đạo quân của Toa Đô, sau khi vượt biển đổ bộ lên Bắc Bố Chánh đánh ngược ra Nghệ An. Ngày mồng một tháng Hai năm Ất Dậu, trấn thủ Nghệ An, một quý tộc của nhà Trần là Chương Kiến hầu Trần Kiện và một gia nhân là Lê Tắc đem quân hàng giặc.
Giữa tháng Hai, để tạm thời hòa hoãn trong khi tình thế quá đen tối, Thượng Hoàng Thánh tông sai Trung Hiếu hầu Trương Dương đưa quốc muội là An Cư công chúa sang dinh Thoát Hoan để xin cầu hòa. Nhưng không được. Giữa tháng Ba, Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc cùng các gia thần là Phạm Cự Địa, Lê Diễm và Trịnh Long đem gia quyến ra hàng giặc Nguyên.
Thượng tuần tháng Năm năm đó, quân ta chiếm lại Thăng Long, Thượng tướng Trần Quang Khải kéo quân vào thành mở tiệc khao thuởng quân sĩ, cao hứng ngâm bài thơ nổi tiếng:

Đoạt sáo Chương Dương độ
Cầm Hồ Hàm tử quan
Thái bình nghi nỗ lực
Vạn cổ thử giang san.

Dịch Nôm:

Chương Dương cướp giáo giặc
Hàm Tử bắt quân Hồ
Thái bình nên gắng sức
Non nước ấy ngàn thu.

để ghi hai chiến tích Chương Dương, Hàm Tử mới đạt được vài ngày trước đó trên đường trở lại thu phục Thăng Long.
Ngày 17-5, Phó tướng Toa Đô bị chém đầu tại trận. Thoát Hoan được tùy tướng Lý Quán dấu vào một chiếc ống đồng kéo chạy trối chết về châu Tư Minh (Quảng Tây).
Các tùy tướng Lý Hằng, Lý Quán liều chết đoạn hậu cho chủ tướng thoát thân đều bỏ mạng.
Chương Kiến hầu Trần Kiện được quân Nguyên đưa về Yên Kinh. Hưng Đạo Vương cho người đi đường tắt đuổi theo đến Lạng Sơn thì giết được Trần Kiện. Gia thần là Lê Tắc cướp được thây chủ, đem chôn ở gò Ôn Khâu rồi trốn sang Tàu.  
Còn phần Chiêu Quốc vương Trần Ích Tắc theo đoàn quân chạy thoát về Tàu, được Nguyên chủ Hốt Tất Liệt cho ra ở Ngạc Châu.
Tháng Mười năm Đinh Hợi (1287) mượn tiếng đưa An Nam Quốc vương Trần Ích Tắc về nước, Thoát Hoan kéo binh sang Đại Việt lần thứ 3. Lê Tắc cũng có mặt trong đoàn quân xâm lược với 5.000 quân bản bộ. Chuyến xâm lược lần thứ 3 của quân Mông Cổ kết thúc bằng trận thủy chiến trên Bạch Đằng giang vào tháng 3 năm Mậu Tí (1288). Trần Ích Tắc, Lê Tắc suýt chết nhiều lần trên đường đào tẩu. Khi về đến Châu Chiên trên đất Tàu, Trần Ích Tắc chỉ còn 60 thuộc hạ.
Trần Ích Tắc là con thứ của vua Trần Thái tông, tức em của Thượng Hoàng Thánh tông và là chú của vua Nhân tông. Trong lúc anh và cháu của mình lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Mông Cổ, thì Trần Ích Tắc đầu hàng giặc.
Tháng Tư năm Kỷ Sửu (1289), triều đình mở cuộc định công luận tội, ai có công đều được thăng thưởng. Các tôn thất hàng giặc như Trần Kiện, Trần Lộng dù đã chết rồi, con cháu đều phải đổi ra họ Mai. Còn Trần Ích Tắc thì vì tình thân cận nên Thượng Hoàng Thánh tông không nỡ tước họ, nhưng từ đó không được gọi tên mà phải gọi “ả Trần”, tức ý nói nhút nhát như đàn bà!
Trần Ích Tắc về sau chết ở bên Tàu. Còn Lê Tắc lúc sống ở Tàu có viết bộ sử An Nam Chí Lược. Bộ sử này hiện thời còn lưu giữ ở Trung Quốc và Nhật Bản. Các nhà viết sử của Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam mình sau này, đôi khi cũng trích từ quyển sử này của Lê Tắc.
Chuyện đáng tiếc là cả Trần Ích Tắc lẫn Lê Tắc đều là hai danh sĩ của nước ta thời ấy. Sợ thế giặc, hám lợi riêng, làm bậy nhất thời để gặt lấy tiếng xấu muôn đời!
Nguyễn Bá Trác cũng là một tay chữ nghĩa không phải tầm thường. Cứ xem bài “Hồ trường” thời rõ. Lúc thiếu thời cũng đã từng theo đuổi chuyện cách mạng đuổi Tây. Nhưng chí lớn nửa đường mòn mỏi, lại thấy cái bả lợi danh trước mắt, một phút quay lưng thành kẻ phản bạn, lừa thầy. Có lẽ ông Trác sợ: “Trai trẻ bao lăm mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương” nên quay về đầu thú với chính quyền Bảo hộ. Nhưng cũng chính ông viết: “Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ…” Có những người lời nói và việc làm không đi đôi với nhau. Ông Tôn Thọ Tường lúc nào cũng lo bào chữa cho thái độ hợp tác với Pháp của mình. Ông làm rất nhiều thơ để giải bày tâm sự. Trong đó có bài “Tôn phu nhân quy Thục”. Nhưng ông vẫn bị người đời, đại diện bởi ông Cử nhân Phan Văn Trị, vạch mặt!
Hồi trào Tây còn thịnh cũng vậy, có nhiều ông chữ nghĩa đầy mình, cũng là loại danh sĩ một thời, nói năng thì cũng ra vẻ quốc gia dân tộc, nhưng trong bụng lại rất “tâm tồn mẫu quốc”, lại còn chụp hình mấy thằng Tây Toàn quyền, Thống sứ mà treo đầy nhà.
Thời nay, cũng có nhiều tay “danh sĩ”, tiếng tăm tên tuổi kêu như pháo, trước giờ nói năng viết lách hô hào kêu gọi “xây dựng cộng đồng, giải phóng quê hương” chẳng thua ai. Tới gần đây, khi Hoa Kỳ bãi bỏ cấm vận và ký hiệp ước giao thương với Việt Nam mới lòi ra mặt là những tay đón gió trở cờ. Phó Thủ tướng VC đến San Francisco kêu gọi giao thương thì có “bộ tam sênh” tự xưng đại diện cộng đồng áo cồn, cà vạt lúp xúp chạy vào khách sạn “dâng” thỉnh nguyện thư về kinh tế. Có những nhà văn thậm thụt về Việt Nam xin xỏ được in sách phát hành trong nước để giao lưu văn hóa. Có những kẻ “du học” khi những người cùng trang lứa phải đổ máu để bảo vệ quê hương, nay lại thậm thụt về Việt Nam rước cán bộ cao cấp ngành văn hóa của VC sang Hoa Kỳ để viết về người Việt tỵ nạn và đem báo VC ra bán tại hải ngoại.
      
Trần Ích Tắc là một thân vương, danh sĩ. Lê Tắc cũng đã có An Nam Chí Lược. Nguyễn Bá Trác cũng viết được Hồ Trường. Ba tay “danh sĩ”!
Những ngày đầu tỵ nạn ở “cõi tự do” có anh cũng đã vẽ được một cái cảnh “chân trời dâu bể” rồi cũng đang nối gót theo ông tác giả bài Hồ trường. Không biết rồi có leo lên  được chức Tổng Đốc Thanh Hóa như ông kia hay là phải gánh lấy cái tiếng “theo voi ăn bả mía” như một bài thơ của cụ Tàn Đà Nguyễn Khắc Hiếu:

Theo Voi Ăn Bả Mía

Ăn mía theo voi tiếng đến giờ
Vị gì miếng bả để trò dơ
Rón chân những chực khi vòi nhả
Rát lưỡi đành xơi cái ngọt thừa.
Ấy đã theo đuôi thì phải hít
Còn đâu nên tấm nữa mà vơ
Nghìn thu bia miệng là câu thế
Những khách ăn tàn đã biết chưa?

Mượn ít chữ của cụ Tản Đà gởi tới mấy ông đang theo đuôi Hà Nội mà nhai nhai hít hít.

LÃO MÓC

0 comments:

Powered By Blogger