Một lần, ngồi nói chuyện với một Trung tá an ninh tôn giáo về bài viết “Ba mươi năm chiến tranh xâm lược, đâu rồi lòng yêu nước” anh ta nói:
- Anh viết thế thì được lợi gì? Chẳng qua là Đảng và nhà nước ta tuyên bố vậy thôi, chứ với Trung Quốc, thì mãi mãi đảng và nhà nước ta vẫn xem là kẻ thù truyền kiếp, nhưng nói ra bây giờ không có lợi.
Mình bảo:
- Thế nghĩa là sao? Đảng và nhà nước vẫn tuyên bố 16 chữ vàng và 4 tốt. Chẳng lẽ đảng và nhà nước lại nói ngược sự thật? Nói dối cả dân tộc, cả 90 triệu dân?
- Thì anh phải biết là có những việc người lớn làm nhưng trẻ con không được biết.
- Thế hóa ra, chú coi đảng và nhà nước này mới là người lớn và gần 90 triệu người dân còn lại này là trẻ con cả sao?
- Ví dụ một vụ án hiếp dâm trẻ em thì không thể đưa ra công khai cho cả xã hội biết, như vậy thì tương lai đứa trẻ đó sẽ như thế nào?
- Chú không thể ví chuyện này với chuyện hiếp dâm. Chuyện hiếp dâm đứa trẻ khác với chuyện lãnh thổ đất nước. Chuyện hiếp dâm đưa ra, ảnh hưởng đến cuộc đời đứa trẻ, nhưng chuyện lãnh thổ đất nước, không đưa ra sẽ có không chỉ một triệu mà hàng triệu đứa trẻ và cả dân tộc bị ảnh hưởng vì mất nước.
Câu chuyện tranh cãi, cuối cùng chẳng đi đến đâu vì anh ta không thể lý giải được cuối cùng là vì sao không thể nói, viết về việc bảo vệ Tổ quốc và biên giới, biển đảo, vì sao lại sợ những vấn đề đó. Tất cả những câu trả lời chỉ là loanh quanh.
Không chỉ có một viên an ninh loanh quanh.
Quan sát những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam gần đây, không khỏi thấy những lúng túng, không nhất quán cũng như sự bất nhất trong lời nói, hành động. Đặc biệt là sự không thống nhất trong nhiều lực lượng, cá nhân từ lãnh đạo đất nước đến các lực lượng chức năng.
Trước hết, từ những ngày xa xưa, thì Hiến pháp 1980 ghi rõ: “…chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình”.
Thế rồi qua những cuộc họp bí mật có, công khai có, từ “bọn bá quyền Trung Quốc” trở thành bạn 16 chữ vàng và 4 tốt.
Cũng từ đó, người ta thấy rất rõ sự bất nhất trong lời nói và hành động của nhà cầm quyền Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc và nhất là trong đối xử với nhân dân mình.
Một thời gian dài, báo chí tuyệt đối không được nhắc đến Hiệp định biên giới Việt Trung được ký kết khi nào, ra sao và nội dung như thế nào. Rồi những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược bị đẹp tan từ 2007. Rồi báo Du Lịch bị đình bản vì đăng bài viết về Trường Sa, rồi những ai mang dòng chữ Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam được đối xử như những tội nhân…
Thôi thì đành một nhẽ rằng là vấn đề lãnh thổ không được nói đến, không được nhắc đến. Cứ coi như là một lĩnh vực thuộc bí mật quốc gia và việc mất còn không còn thuộc về trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân nữa mà chỉ là vấn đề của đảng và nhà nước mà thôi. Mọi người cứ thế mà im lặng mặc cho Hoàng Sa, Trường Sa là của Trung Quốc hay Đài Loan hoặc kể cả là của Nhật Bản, miễn là anh không nhắc đến nó là được.
Bỗng nhiên, gần đây một số lãnh đạo đất nước cũng nói rõ Hoàng Sa bị Trung Quốc xâm lược năm 1974, rồi Trường Sa cũng là của Việt Nam, rồi kiên quyết bảo vệ biển đảo… thì ra vậy, Trường Sa, Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam.
Thế rồi báo chí lại được đăng về Trường Sa, Hoàng Sa. Rồi Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao ra tuyên bố về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam rằng là “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và lịch sử”.
Thế là người dân đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lược.
Thế rồi nhân dân đi biểu tình bị đàn áp, bị đạp mặt, bắt bớ
Thế rồi ông Giám đốc Công an Hà Nội tuyên bố biểu tình có tính chất yêu nước.
Thế rồi Thành phố Hà Nội ban hành cái công văn không dấu, không số, không chữ ký (điển hình trong hệ thống pháp quyền) rằng không được biểu tình.
Thế rồi Thủ tướng chính phủ tuyên bố biểu tình yêu nước là tốt và cần có luật biểu tình để bảo đảm quyền công dân theo Hiến pháp quy định.
Thế rồi nhân dân đi biểu tình ủng hộ Thủ tướng liền bị bắt vào trại phục hồi nhân phẩm…
Quả thật, theo dõi những hành động của hệ thống cầm quyền Hà Nội, người dân sẽ choáng, sẽ mù đường, sẽ hoảng loạn vì không còn biết tin vào đâu, ăn làm sao nói như thế nào.
Tình cảnh người dân Việt Nam thời gian qua không khác đoạn văn dưới đây trong tiểu thuyết Số đỏ của Vũ Trọng Phụng:
- Như vậy thì ngoài bọn cộng sản và quốc gia thì thôi, còn cứ việc… bắt ráo cả!
– Bắt ráo! Cần nhất là phải bắt những kẻ kêu: “Nước Pháp dân chủ vạn tuế!” và “Chính phủ Bình dân vạn tuế!” Vì hai khẩu hiệu ấy xem chừng là xung đột với Vua Xiêm cả.
– Thế còn đối với những kẻ kêu “Quân chủ vạn tuế” hay là Nước Xiêm vạn tuế” thì có bắt hay không?
– Ấy thế mới chết đấy! Ðiều ấy tôi lại chưa hỏi kỹ ông Cẩm… À, nhưng mà cần gì phải hỏi quan trên? Mình cứ việc bắt chứ, vì quân chủ vạn tuế thì lại xung đột với nước Pháp dân chủ, nước Xiêm phát xít được vạn tuế thì lại cũng nguy hiểm cho nước Pháp có Chính phủ bình dân…
– Thư cửa quan, âu là ta làm thế này: Ðối với những kẻ nào đi đón hai nhà Vua mà đứng ngây mặt ra như tượng thì thôi, ta tha bắt cho, còn kẻ nào ra ý vui mừng mà hô khẩu hiệu, hoặc vạn tuế nước Pháp, hoặc vạn tuế nhà Vua, thì ta cứ việc bắt giam cả một lượt! (Trích Số Đỏ – Vũ Trọng Phụng – Chương 18).
Có một điều chắc chắn rằng, nếu muốn vào tù hoặc ít nhất là vào trại cải tạo, thì thời điểm hiện nay là dễ dàng nhất cho người dân.
Chỉ cần ra đường hô to với khẩu hiệu “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam” thì bạn sẽ bị bắt, bị đàn áp, sẽ được vào tù hoặc ít nhất là vào trại cải tạo.
Chỉ cần ra đường hô to khẩu hiệu “Trường Sa, Hoàng Sa là của Trung Quốc” thì bạn sẽ được mời vào đồn và ra tòa vì tội âm mưu bán nước.
Chỉ cần bạn tụ tập một nhóm người ăn nhậu vinh danh phụ nữ yêu nước, bạn sẽ được “mời” về đồn công an, và sau đó là nhiều vấn đề tiếp theo bạn phải chịu hậu quả.
Chỉ cần bạn tập trung mấy thanh niên “học tập và làm theo lời bác” trong việc rèn luyện thân thể, tổ chức đá bóng No-U lập tức bị giải tán.
Và có rất nhiều cách để được vào tù nghỉ ngơi chỉ liên quan đến vấn đề lãnh thổ, lãnh hải đất nước.
Những thế hệ đã qua, tất cả đều thuộc câu “Đất nước ta liền một giải từ Mục Nam quan đến Mũi Cà Mau”. Nhưng chính các thế hệ đó cũng đã từng phải trả giá cho những điều được học ở trên khi cất tiếng nói, câu hỏi có phải Ải Nam Quan, Thác Bản Giốc đã rơi vào tay giặc? Cái giá phải trả đó là những năm tù đày.
Không những chỉ giai đoạn đã qua, ngay tại giai đoạn này, chính những hành động của nhà cầm quyền Việt Nam lại để cho người dân dễ dàng mắc bẫy phải vào tù.
Trong khi những người dân biểu thị tinh thần yêu nước bị bắt bớ như trên đã nói, thì báo chí ầm ầm kêu gọi “Góp đá cho Trường Sa” hoặc “Nước ngọt cho Trường Sa”. Trong khi nói đến biển đảo, Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam thì bị vào trại Phục hồi nhân phẩm, bị đưa đi cải tạo không cần án, thì nhà nước đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào giáo dục cho học sinh, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Bộ Ngoại giao lại khẳng định Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam…
Nhỡ mai đây, khi các cháu đã được học tập đi ra khỏi trường lại hô toáng lên: “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam”, các cháu sẽ được vào tù?
Nhỡ mai đây, những đoàn viên, những người dân đã góp đá, góp nước cho Trường Sa, lại hô to “Trường Sa – Hoàng Sa là của Việt Nam”, họ sẽ được vào trại cải tạo?
Và cứ thế, những hoạt động, những bài học kia phải chăng là cái bẫy đưa các công dân Việt Nam vào tù.
Và các cháu học sinh giỏi, những công dân mẫu mực, yêu nước sẽ trở thành nguồn phạm nhân tiềm tàng cho các nhà tù khi nhà cầm quyền vẫn loanh quanh về lãnh thổ và biển đảo đất nước?
31/3/2012
J.B Nguyễn Hữu Vinh
0 comments:
Post a Comment