Monday, April 2, 2012

Bà Suu Kyi tuyên bố một 'kỷ nguyên mới' cho Miến Ðiện

Lãnh đạo đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi vẫy chào các ủng hộ viên khi bà rời khỏi Trụ sở chính
của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) ở Yangon, ngày 2/4/2012

Nhân vật đấu tranh cho dân chủ Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, hôm nay tuyên bố một ‘kỷ nguyên mới’ cho Miến Điện, sau khi đảng của bà giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử quốc hội bổ sung diễn ra hôm Chủ Nhật.

Mặc dù phải vài ngày nữa mới có kết quả chính thức, đảng đối lập Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ, tuyên bố đã giành được ít nhất 43 trong số 44 ghế mà đảng này dự tranh. Con số đó bao gồm 4 ghế tại thủ đô hành chính Naypyitaw, nơi sinh sống của phần lớn tầng lớp nhân viên chính phủ và các quân nhân.

Bà Suu Kyi nói: "Chúng tôi hy vọng rằng đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới, nhấn mạnh hơn tới vai trò của người dân trong tiến trình chính trị thường nhật của đất nước. Chúng tôi cũng hy vọng rằng chúng tôi có thể tiến xa hơn trên con đường tiến tới tiến trình hòa giải dân tộc. Chúng tôi sẽ hoan nghênh tất cả các đảng muốn cùng tham gia với chúng tôi trong tiến trình mang lại hòa bình và thịnh vượng cho đất nước.”

Đảng Liên đoàn Đoàn kết và Phát triển, vốn được phe quân nhân cầm quyền thành lập trước khi phe này chuyển giao quyền lực trong một cuộc tổng tuyển cử hồi năm ngoái, sẽ tiếp tục chiếm giữ thế đa số áp đảo trong quốc hội.

Bà Suu Kyi nói tiếp: "Đây không hẳn là chiến thắng của chúng tôi mà là chiến thắng của những người dân đã đi tới quyết định rằng họ phải được tham gia vào tiến trình chính trị của đất nước. Vì thế, điều quan trọng không phải là chúng tôi giành được bao nhiêu ghế, dù chúng tôi hết sức hài lòng rằng chúng tôi giành được rất nhiều ghế, mà là người dân đã rất nhiệt thành tham gia vào tiến trình dân chủ.”

Các nhà quan sát từ Hiệp hội Các quốc gia đông Nam Á hôm nay đã ra một thông cáo nói rằng cuộc bầu cử đã được tổ chức một cách tự do, công bằng và minh bạch. Một số cư dân đã bày tỏ sự lạc quan rằng đất nước có thể tiến gần hơn tới dân chủ.

Nữ công dân này tỏ ý hy vọng sẽ có thay đổi vì trước đây bà Suu Kyi không được tham gia quốc hội, cô hy vọng rằng một khi bà ấy lọt vào quốc hội, đất nước sẽ thay đổi thêm một chút nữa. Sự thay đổi đó sẽ biến mọi thứ trở nên tốt hơn trước.

Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đã thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990, nhưng những người lãnh đạo của phe quân nhân lúc đó không chịu nhượng quyền và những người giành chiến thắng không được vào quốc hội. Bà Aung San Suu Kyi đã bị chính quyền quân nhân quản thúc dưới một số hình thức phần lớn thời gian trong 22 năm qua.

Những Con Số Về Quốc Hội Miến Điện

-Ngành lập pháp gồm 440 ghế Hạ viện, 224 ghế Thượng viện, 14 nghị viện khu vực.

-25% số ghế do quân đội chọn trong số các quân nhân.

-Đảng Đoàn Kết Thống Nhất và Phát Triển USDP chiếm 76% số ghế trong cuộc bầu cử năm 2010.

Bầu cử bổ sung ngày Chủ nhật 4/1/2012

-Các ứng viên tranh 45 ghế.

-160 ứng cử viên của 17 đảng và 8 ứng cử viên độc lập ra tranh kỳ này.

Ðảng của bà Suu Kyi giành thắng lợi vang dội

Các ủng hộ viên của lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi ăn mừng chiến thắng

Các ủng hộ viên của lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi ăn mừng chiến thắng
trước Trụ sở của đảng NLD ở Yangon, ngày 1/4/2012

Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi tuyên bố bà hy vọng thắng lợi của bà và đảng của bà trong cuộc bầu cử hôm qua sẽ mở đầu cho một 'kỷ nguyên mới' tại Miến Điện. Mặc dầu bà và Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ sẽ chỉ năm một phần nhỏ quyền hành tại Quốc Hội, họ trông đợi sẽ là một phe đối lập tích cực chống lại chính phủ được quân đội hậu thuẫn. Từ Rangoon, thông tín viên VOA Daniel Schearf gửi về bài tường thuật sau đây.

Hàng trăm ủng hộ viên và giới truyền thông tụ tập bên ngoài trụ sở Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ NLD của bà Aung San Suu Kyi sáng nay để nghe bà đọc bài diễn văn ngắn xác nhận chiến thắng.

Hôm qua, NLD loan báo bà và các ứng viên của đảng đã thắng ồ ạt trong cuộc bầu cử bổ túc tại Miến Điện, chiếm gần hết 45 ghế đưa ra dự tranh.

Nếu được xác nhận, kết quả sẽ là một lời khiển trách công khai dành cho đảng Liên đoàn Đoàn Kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn, hiện đang nắm một đa số áp đảo các ghế tại Quốc hội.

Khôi nguyên giải Nobel hòa bình cam kết rằng khi bà và đảng của bà vào chính phủ sau hơn 2 thập niên lưu vong chính trị, họ sẽ hợp tác với tất cả những người sẵn lòng làm việc cho hòa giải dân tộc.

Bà Aung San Suu Kyi gọi cuộc bầu cử hôm qua là một dấu hiệu đầy hy vọng cho dân chủ và hòa giải ở Miến Điện.

Bà Suu Kyi nói: “Chúng tôi hy vọng đây sẽ là mở đầu của một kỷ nguyên mới, nhấn mạnh nhiều hơn đến quyền cai trị của nhân dân trong chính sự hàng ngày của đất nước.”

Bà Aung San Suu Kyi nói một khi vào Quốc hội, NLD sẽ tiếp tục đẩy mạnh pháp trị, chấm dứt mọi cuộc xung đột sắc tộc và tu chính hiến pháp.

Tu chính bản hiện pháp do quân đội phác thảo sẽ là một thách thức cho NLD. Cho dù có thắng tất cả các ghế trong cuộc bầu cử hôm qua, NLD vẫn chỉ chiếm có khoảng 7 phần trăm trong số các ghế phần lớn trong tay quân đội và các ủng hộ viên của quân đội.

Các nhà lập pháp đó không có mấy lý do để ủng hộ các khoản tu chính hiến pháp. Hiến pháp hiện thời bảo đảm rằng quân đội tiếp tục thống trị chính phủ, dành cho quân đội 1 phần tư số ghế tại quốc hội.

Bà Suzanne DiMaggio, phó chủ tịch các Chương trình Chính sách toàn cầu của Hội châu Á, nói rằng bất kể thách thức gay go tại Quốc hội, thắng lợi của NLD vẫn có giá trị.

Bà DiMaggio cho biết: “Đặc biệt vào lúc này, ít nhất chúng ta có sự mở đầu của những tiếng nói đối lập bên trong Quốc hội – những tiếng nói đối lập đáng tin cậy – và tôi cho rằng đây là bước đầu của một điều sẽ chỉ phát triển thêm.”

Bà DiMaggio nói kết quả bầu cử cho thấy đã đến lúc Hoa Kỳ cứu xét việc bãi bỏ các biện pháp chế tài đối với Miến Điện.

Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu EU, cùng với các nước khác, hạn chế thương mại với Miến Điện vì thành tích nhân quyền của nước này. Ủy viên thương mại EU hôm nay tuyên bố nếu cuộc bầu cử tỏ ra là tự do và công bằng thì khối này sẽ cứu xét việc bãi bỏ các biện pháp chế tài tại các cuộc họp ở Brussels vào ngày 21 tháng này.

Bầu cử Miến Điện, vấn đề Biển Đông gây chú ý tại thượng đỉnh ASEAN

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh (trái) nói chuyện với Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht (phải), trong lúc Tổng thư ký ASEAN Tổng thư ký Surin Pitsuwan, lắng nghe tại lễ

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Thương mại Campuchia Cham Prasidh (trái) nói chuyện với Ủy viên Thương mại EU Karel De Gucht (phải), trong lúc Tổng thư ký ASEAN Tổng thư ký Surin Pitsuwan, lắng nghe tại lễ khai mạc hội nghị doanh nghiệp ASEAN-EU ở Phnom Penh, ngày 1/4/2012

Trong tuần này, các nhà lãnh đạo trong Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á họp tại Phnom Penh, nơi các vụ tranh chấp chủ quyền nhiều phần trong vùng Biển Ðông, cuộc bầu cử hôm qua ở Miến Điện, và kế hoạch phóng vệ tinh của Bắc Triều Tiên sẽ bao trùm các cuộc thảo luận. Từ thủ đô Campuchia, thông tín viên VOA Irwin Loy gửi về bài tường thuật sau đây.

Tiến trình cải cách chính trị của Miến Ðiện đã là mục tiêu nổi bật của khối ASEAN gồm 10 thành viên. Tháng 11 năm ngoái, nhóm này đã đồng ý để cho Miến Điện làm chủ tịch khối vào năm 2014 căn cứ vào các cải cách dân chủ của nước này.

Sau cuộc bầu cử bổ túc hôm qua, mà Miến Điện đã mời các đại diện ASEAN đến quan sát, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ca ngợi việc tiến hành cuộc bỏ phiếu.

Theo ông Natalegawa, Indonesia nhận thấy đó là một diễn biến rất tốt đẹp. Đó là một bước quan trọng trong việc giúp cho tiến trình dân chủ hóa ở Myanmar không thể đảo ngược được.

Chủ tịch ASEAN trong năm nay là Campuchia đã công bố một thông cáo gọi cuộc bầu cử ở Miến Điện là “thành công” và “hòa bình”, đồng thời hối thúc cộng đồng quốc tế cứu xét việc bãi bỏ các biện pháp chế tài kinh tế đã được áp dụng lâu nay.

Tổng thư ký ASEAN, ông Surin Pitwuwan nói ông lấy làm “phấn khởi” trước cuộc bầu cử ở Miến Điện, còn được gọi là Myanmar.

Ông Surin tỏ ý hy vọng sự kiện này sẽ góp phần giúp Myanmar hòa nhập hữu hiệu hơn vào cộng đồng toàn cầu và ASEAn sẽ có khả năng làm việc về các vấn đề khác có ý nghĩa hơn và góp phần nhiều hơn vào phúc lợi của dân chúng ở Myanmar, thay vì bị kệt về vấn đề ổn định và thiếu hòa giải chính trị ở Myanmar.

Trong cuộc họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo vào tuần này, các vụ tranh chấp lãnh hải trong vùng Biển Ðông cũng dự trù sẽ là một vấn đề được nhiều người chú ý.

4 nước thành viên ASEAN, cùng với Trung Quốc và Đài Loan, đều đòi chủ quyền nhiều phần trong vùng biển Nam Trung Hoa.

Tại một cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao hôm nay, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hối thúc các đối tác của ông tiến hành các biện pháp cụ thể tiến tới một bộ quy ước ứng xử tập thể, còn gọi tắt là COC, để giải quyết vụ tranh chấp. Ông Del Rosario nói ông hy vọng ASEAN sẽ xác lập chủ trương của mình trước cuối năm nay, nhưng cũng thừa nhận rằng khối này vẫn còn chia rẽ về thể thức xúc tiến.

Ngoại trưởng Philippines cho rằng sự bất đồng ý kiến nằm trong sự kiện là Philippines thì tán đồng việc chuẩn bị sẵn một dự thảo COC trước khi ngồi xuống thảo luận với Trung Quốc. Các nước khác thì chủ trương phải mời Trung Quốc tham dự các cuộc thảo luận sơ khởi.

Các vị bộ trưởng ASEAN cũng bày tỏ sự quan ngại về thông cáo của Bắc Triều Tiên về một vụ phóng vệ tinh đã được hoạch định. Các quan sát viên nói hướng đi của hỏa tiễn có thể là về phía nam gần lãnh thổ của Philippines, Australia hay Indonesia.

Ngoại trưởng Indonesia Natalegawa kêu gọi Bắc Triều Tiên không nên phóng vệ tinh.

Ông Natalegawa nói Indonesia rõ ràng rất lấy làm quan ngại về triển vọng của vụ phóng vệ tinh, cả về mặt an ninh lẫn an toàn. Nhưng trên hết là về mặt vụ này sẽ gây rắc rối cho tình trạng thuận lợi của việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên.

Cuộc họp ngày hôm nay của các ngoại trưởng ASEAN diễn ra trước hội nghị thượng đỉnh chính của các nhà lãnh đạo vào ngày mai.

0 comments:

Powered By Blogger