Tuesday, January 24, 2012

Tự do trên mạng và bảo vệ tác quyền: hai khái niệm khó dung hòa



Thanh Phương - Ngày 19/01/2012 vừa qua, mạng thông tin toàn cầu đã chấn động vì sự kiện tư pháp Hoa Kỳ ra lệnh đóng website Megaupload, website chia sẻ nội dung lớn nhất, bị cáo buộc là vi phạm bản quyền. Theo yêu cầu của Mỹ, cảnh sát New Zealand đã bắt giữ người sáng lập Megaupload, ông Kim Schmitz ngay tại nhà riêng.

Kim Schmitz và nhân viên điều hành Megaupload bị truy tố (Reuters)
Ngoài sáng lập viên Kim Schmitz, được mệnh danh là Kim Dotcom, còn có bảy người điều hành công ty bị truy tố. Toàn bộ tài sản trị giá 50 triệu đôla của Megaupload, trụ sở ở Hồng Kông, bị tịch biên. Ngay lập tức, một tập thể mang tên là Anonymous đã trả đủa bằng cách tấn công vào hàng trăm website của Mỹ, trong đó website của FBI và Bộ Tư pháp Hoa Kỳ.
Thậm chí họ còn chọc phá luôn cả website của phủ tồng thống Pháp, vì tổng thống Sarkozy hôm qua đã hoan nghênh quyết định nói trên của Mỹ. Nhóm Anonymous khẳng định đây là cuộc tấn công rộng lớn nhất từ trước đến nay, huy động đến 5.600 người.
Có thể nói là hành động cương quyết của ngành tư pháp Mỹ và phản ứng cũng quyết liệt không kém của giới tin tặc cho thấy rất khó dung hòa giữa hai khái niệm : tự do trên mạng và bảo vệ tác quyền.
Từ nhiều năm qua, các nhà sản xuất phim ảnh, âm nhạc, phần mềm,… đều cảm thấy bất lực trước nạn vi phạm bản quyền diễn ra với quy mô ngày càng lớn trên mạng Internet, đặc biệt là thông qua những website như Megaupload. Thật ra, đây chỉ là nơi mà người sử dụng Internet có thể lưu giữ những tập tin ( file hay fichier ) trên mạng một cách miễn phí ( hoặc với một số tiền, nếu lưu giữ với số lượng lớn ).
Nhưng ngày càng có nhiều người sử dụng Megaupload để phát tán các file nhạc, phim, sách báo, phần mềm sao chép trái phép. Một khi những file đó được đưa lên Megaupload thì ai cũng có thể thoải mái tải về xài. Người nào muốn tải nhanh và nhiều thì đóng một khoản phí. Nhưng chủ yếu những website như Megaupload sống nhờ vào tiền thu quảng cáo. Với số người truy cập hàng ngày lên tới 50 triệu, công ty này tự hào là chiếm 4% mạng thông tin toàn cầu.
Chính phủ Mỹ cáo buộc Megaupload là đã thu lợi khoảng 175 triệu và làm các tác giả bản quyền thiệt hại hơn 500 triệu đôla do việc phổ biến những sản phẩm sao chép trái phép. Nhưng các lãnh đạo Megaupload vẫn biện hộ rằng họ không thể kiểm soát toàn bộ các nội dung được lưu giữ. Vấn đề là Megaupload bị đóng, nhiều người lưu giữ các file trên website này cũng bị vạ lây, không thể thu hồi được những file đó.
Tác giả của các cuộc tấn công trả đủa vụ đóng cửa Megaupload, những tin tặc trong nhóm Anonymous tự nhận họ là những người bảo vệ tự do trên mạng. Đó là những người mà nay được gọi là « hackivist », ghép từ hai chữ « hacker » ( tin tặc ) và « activist » ( nhà hoạt động ). Trong những năm gần đây, họ đã từng mở chiến dịch nhằm vào ngành điện ảnh và băng dĩa, bị cho là bảo vệ tác quyền một cách quá đáng.
Nhưng ngay cả những người không có thái độ cực đoan như Anonymous cũng không tán thành những dự luật quá khắt khe về tác quyền. Ngày 19/1 vừa qua, Wikipedia, từ điển bách khoa mở, đã đóng phiên bản tiếng Anh trong suốt 24 tiếng đồng hồ, còn công cụ tìm kiếm Google thì đã che logo của mình. Hình thức tự kiểm duyệt này cũng đã được hàng ngàn trang mạng khác bắt chước nhằm phản đối hai dự luật của Mỹ: Dự luật chống vi phạm bản quyền trên mạng ( SOPA) và Dự luật Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ( PIPA ). Hôm qua, Google loan báo đã thu thập được hơn 7 triệu chữ ký cho kiến nghị đòi Quốc hội bác hai dự luật đó.
Sau những hành động phản kháng đó, hôm qua, 20/1/2012, Thượng viện Mỹ đã đình hoãn cuộc biểu quyết hai dự luật SOPA và PIPA. Ngay cả Nhà trắng nay cũng không ủng hộ các dự luật đó, yêu cầu Quốc hội phải tìm ra một giải pháp, vừa chống nạn vi phạm bản quyền trên mạng, vừa bảo đảm tự do Internet.
Thanh Phương

0 comments:

Powered By Blogger