Sunday, January 8, 2012

Nói Về Một Nhà Báo



Trần Khải - Nhà báo, người cầm bút, và bây giờ chúng ta thường gọi là người gõ bàn phím. Nhà văn, nhà báo -- hay để nói theo thói quen, ‘người cầm bút’. Tôi vẫn luôn luôn xem nghề viết báo là một nghề cao quý, bất kể là vẫn có những kẻ bất toàn đã xen vào cộng đồng này.

Thực tế, có cộng đồng nào là thuần nhất đâu, và nếu có cộng đồng nào thuần nhất, chắc chắn đó là các cộng đồng trong các xã hội khép kín như Bắc Hàn, hay thời Liên Xô của Stalin. Và đa dạng, cũng y hệt như mọi thứ đa dạng của trần gian này, đó mới thật là trần gian của những vui và buồn, của những ngay và gian.
Hồi tháng trước, tháng 12-2011, nhà báo Đoan Trang trên trang blog riêng (http://trangridiculous.blogspot.com/) với bài “Giọt nước mắt của lề phải” đã mô tả về làng báo trong nước, trích:
“Tuy nhiên, không thể tóm gọn diện mạo của cả làng báo Việt Nam trong một vài tính từ tích cực hay tiêu cực nào. Vì họ có tất cả những gương mặt ấy, khía cạnh ấy. Và dù thế nào đi nữa, trong đội ngũ các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-tư tưởng (cách gọi khác của từ “đàn cừu”), vẫn luôn có những nhà báo lề phải ngày đêm lặng lẽ mang những gì tốt đẹp nhất mình có thể tìm được đến cho độc giả.
Tôi kính phục họ - những nhà báo trung thực, giấu sự phản kháng vào trong thầm lặng. Thật tiếc là, dẫu vô cùng muốn viết về họ, nhưng ngay cả lúc này, tôi vẫn cứ phải giấu tên các nhà báo ấy, để họ ở yên trong trận tuyến của họ - vì lẽ mọi lời nói ám chỉ đến họ đều có thể trở thành thông tin chỉ điểm.
“Nhưng chúng ta không thể bỏ mặc thế giới này…”
Họ trước hết là những người rất thông minh, sắc sảo. Và chúng ta đều hiểu là, một người có đầu óc thông minh, sắc sảo, biết xét đoán và biết phản biện, sẽ không bao giờ chấp nhận sự định hướng, lừa mị, bưng bít. Không thể che mắt họ bằng lối nhồi sọ của thế kỷ trước.
Họ cũng “phản động” chẳng kém bất kỳ nhà báo tự do, blogger lề trái nào. Nhưng trong hoàn cảnh của họ, họ không thể thoải mái viết bài phê phán, chỉ trích rồi đưa lên mạng tùy thích. Họ im lặng, cố gắng mang đến cho độc giả những thông tin tốt nhất có thể có được, thông qua một lối diễn đạt nhẹ nhàng nhất, và chỉ thầm ước mong: rồi độc giả sẽ hiểu.
Không có họ, ai là người đưa những thông tin đầu tiên về đại dự án bauxite 2009 ở Tây Nguyên ra công luận?
Không có họ, ai đưa những phát ngôn “đỉnh cao trí tuệ” trong chính trường Việt Nam lên mặt báo? Ai ghi lại những câu nói “bất hủ”, phản ánh trình độ (ít nhất là khả năng tư duy logic, khả năng diễn đạt) đáng báo động của một bộ phận không nhỏ quan chức nước nhà?
Không có họ, ai phản ánh về những vụ dân thường chết trong đồn công an một cách bí hiểm? Cho dù nhiều sự việc đau lòng như thế có thể chẳng đi về đâu, nhưng ít nhất, cũng nhờ có họ mà chuyện đã được đưa ra công luận.
Không có họ, ai viết về mãi lộ? về lũ lụt, tai nạn, tiền cứu trợ bị bớt xén hay hàng cứu trợ toàn bột giặt? về những tai nạn thảm khốc – cho thấy một xã hội đầy rủi ro, tỷ lệ tử chắc chắn là cao hơn mức 6/1.000 người dân/năm rất nhiều? về những bê bối trong trường học, bệnh viện? về một Vinashin vỡ nợ? Tất nhiên, việc báo chí viết về Vinashin hay các bê bối tương tự rất có thể chỉ là kết quả của những đấu đá nội bộ “trên thiên đình”, trong đó báo chí được sử dụng làm công cụ, vũ khí để bắn giết nhau, nhà báo chỉ là những con tốt mà thôi. Nhưng dù sao thì lũ tốt đen ấy cũng đã làm được công việc đưa một phần sự thật ra ánh sáng.”(hết trích)
Đúng vậy, không có họ, ai viết về mãi lộ? Và bây giờ chúng ta đã thấy nhà báo Hoàng Khương xuất hiện trong một tình huống bi thảm.
Chỉ may mắn một điểm: Hoàng Khương nổi bật như một điển hình dưới mắt quốc tế, và đã được dư luận thế giới bênh vực.
Bản tin đài RFI ghi nhận rằng, vào hôm 3/01/2012, tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã ra thông cáo lên án vụ bắt tạm giam nhà báo Nguyễn Văn Khương, tức Hoàng Khương, của báo Tuổi Trẻ và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho phóng viên này. Bản tin nói, công an Sài Gòn đã bắt tạm giam nhà báo Hoàng Khương ngày thứ Hai với tội danh «đưa hối lộ» và hôm qua, đã bắt giữ thêm Nguyễn Đức Đông Anh, em vợ của nhà báo Hoàng Khương, cũng về hành vi «đưa hối lộ».
Bản tin RFI ghi nhận:
“Hoàng Khương là tác giả nhiều bài điều tra về tệ nạn ăn hối lộ trong đội ngũ cảnh sát giao thông, trong đó có bài «Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép», đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 10/7/2011. Bài báo tố cáo thượng úy Huỳnh Minh Đức, một cán bộ cảnh sát giao thông quận Bình Thạnh, đã nhận hối lộ 15 triệu đồng để trả lại xe máy một thanh niên tham gia đua xe, vi phạm luật giao thông.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết, "theo tường trình của Hoàng Khương, khi thực hiện bài viết trên, phóng viên đã có sơ suất về nghiệp vụ khi can dự vào quá trình chung chi cho ông Huỳnh Minh Đức nhằm tìm kiếm bằng chứng về hành vi tiêu cực. Ban biên tập báo Tuổi Trẻ đã kỷ luật khiển trách và tạm đình chỉ công tác đối với Hoàng Khương".
Trong bản thông cáo đưa ra hôm qua, Phóng viên Không Biên giới tuyên bố: “Những hành động của Hoàng Khương, trong khuôn khổ công việc điều tra của anh, không thể bị cáo buộc là hành vi đưa hối lộ. Việc điều tra của nhà báo này là nhằm tìm kiếm thông tin, không có tính chất vụ lợi cá nhân. Chính quyền phải trả lại tự do cho anh và bỏ mọi ý định điều tra anh về những việc mà bản thân anh đã công bố. Trái lại, chính quyền phải đánh giá đúng lợi ích chung của công việc điều tra như vậy”...”(hết trích)
Cô Gái Đồ Long, tức nhà báo Hương Trà người cũng từng một thời bị bắt giam vì một bài viết, trên blog riêng ở facebook có bài “Những Ngày Dài” đã ghi nhận về những cảm xúc khi được tin nhà báo Hoàng Khương bị bắt giam. Trích như sau:
“Xin lỗi anh! Tối nay trên đường về, em đã rẽ vào Hòa Hưng đứng trước cửa Trại tạm giam Chí Hòa và khóc tới gần 1h sáng mới chạy tới nhà được. Nhìn qua cánh cổng sắt tối tăm đèn đóm đó, nghĩ tới Hoàng Khương, và rồi tất cả những gì em từng trải qua đều tưng bừng sống dậy. Hai ngày nay, không ngủ cũng không ăn uống gì được; em nhớ từng chi tiết từ cái đêm đầu tiên vào T.17 sống chung với hai chị giang hồ tới những ngày dài biệt giam tù túng ở B.34, phải vất vả vượt qua khúc quanh định mệnh, phải mạnh mẽ chiến đấu và chiến thắng bản thân mình...(...)
... Trong trại Chí Hòa đó, em biết rõ Hoàng Khương ắt hẳn chẳng bao giờ hối hận việc mình đã làm, nếu có thì anh ấy chỉ nghĩ về thằng con 5 tuổi bị bệnh máu trắng và đứa con gái sắp ra đời hai tháng nữa mà không có cha bên cạnh; nghĩ về mẹ đang bị thoái hóa khớp nằm một chỗ ngoài Nha Trang chưa biết con mình bị bắt. Hay cùng lắm là nghĩ về ngôi nhà trong hẻm nhỏ chưa trả hết tiền góp và một đống bệnh anh đang mang trong người. Hoàng Khương giờ đây đang sống lại những ngày em từng trải qua, nhưng chưa chắc may mắn bằng… Có một nhà báo vừa bảo: Hoàng Khương là người sót lại của rừng cười. Cánh rừng ấy sau vụ mùa này sẽ phải trụi lá. Và, em biết rằng, ai ai cũng nhớ tới nụ cười của Hoàng Khương vào buổi trưa đầu năm chói gắt 2.1.2012. Nụ cười của một người dám trả giá và tận hiến…”(hết trích)
Nhà báo Hoàng Khương chắc chắn là một trong những người mà nhà báo Đoan Trang đã nghĩ tới nhưng không kể tên trong bài ‘Giọt Nước Mắt của Lề Phải.’
Và rồi nhà báo Hoàng Khương đã được các hội nhân quyền thế giới bênh vực, và rồi được ghi nhận là ‘một người dám trả giá và tận hiến’ trên trang blog Cô Gái Đồ Long.
Quê nhà vẫn còn những người như thế, tuyệt vời là như thế.
Họ là những người mà nhà văn Phạm Thị Hoài trên trang blog riêng (http://www.procontra.asia) có thể đã nghĩ tới khi viết bài “Lạc quan đen,” trích:
“...bạn có thể yên tâm rằng lưng của người Việt không cong hơn, đầu gối của người Việt không nhũn hơn so với các bộ phận cơ thể này ở những dân tộc khác. Có nghĩa là cơ hội đứng thẳng của chúng ta không ít hơn so với bất kì một dân tộc nào.”(hết trích)
Lịch sử đã cho thấy, và rồi sẽ cho thấy, dân tộc Việt Nam tự hào với những người như Hoàng Khương. -- những người sống bằng nghề cầm bút và chỉ muốn nói lên sự thật.

0 comments:

Powered By Blogger