Tuesday, January 24, 2012

Bầu cử tháng 4, trắc nghiệm mới về thực tâm dân chủ hóa của chính quyền Miến Điện.

Bà Aung San Suu Kyi khánh thành tấm biển mới trước   đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ  ở  Yangon, ngày 09/01/2012

Bà Aung San Suu Kyi khánh thành tấm biển mới trước đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ở Yangon, ngày 09/01/2012. REUTERS/Soe Zeya Tun

Với quyết định giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt hôm qua, Liên hiệp châu Âu đã tặng thưởng những nỗ lực cải tổ của Miến Điện. Nhưng châu Âu, cũng như Hoa Kỳ, đang chờ đợi những bước kế tiếp để trắc nghiệm thực tâm dân chủ của chính quyền nước này, mà trước hết là qua cuộc bầu cử tháng 4 tới.

Hôm qua, tại Bruxelles, các Ngoại trưởng Liên hiệp châu Âu đã có một cử chỉ mang tính biểu tượng khi bãi bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với các lãnh đạo chủ chốt của chế độ Miến Điện, mà đứng đầu là tổng thống Thein Sein. Trong bản thông cáo, các Ngoại trưởng châu Âu nhấn mạnh rằng, biện pháp nói trên mở màn cho việc bãi bỏ dần dần toàn bộ các biện pháp trừng phạt, nếu tiến trình mở cửa ở Miến Điện dẫn đến việc hình thành một « Nhà nước dân chủ ».

Từ đây đến tháng 4, Liên hiệp châu Âu sẽ duyệt lại toàn bộ các các biện pháp trừng phạt Miến Điện, bao gồm lệnh cấm vận vũ khí, các biện pháp trong lĩnh vực đá quý và biện pháp phong tỏa tài sản của gần 500 nhân vật và 900 công ty, cơ quan. Nhưng Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé hôm qua đã nhấn mạnh rằng, « chúng tôi muốn giữ lại một số phương tiện hành động để phòng hờ cho trường hợp Miến Điện gây thất vọng ».

Trước Liên hiệp châu Âu, Hoa Kỳ cũng đã đáp lại nỗ lực cải tổ của chính quyền Miến Điện khi dự trù sẽ tái lập hoàn toàn bang giao với nước này. Đến thăm Miến Điện hôm Chủ nhật vừa qua, thượng nghị sĩ John McCain tuyên bố rất « hài lòng » về những cải tổ ở Miến Điện, nhưng ông kêu gọi chính quyền « dân sự » của nước này bảo đảm cho cuộc bầu cử bổ sung ngày 01/04 tới được diễn ra một cách « tự do và công bằng ».

Thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu tổng thống Thein Sein cho phép các quan sát viên quốc tế đến giám sát cuộc bầu cử tháng 4, nhưng chưa nhận được cam kết nào từ lãnh đạo Miến Điện. Ông McCain cho biết đã thúc giục tổng thống Thein Sein tiếp tục đi đúng hướng, nhưng nói ngay là Hoa Kỳ không chờ đợi những « phép lạ ». Trước đó, tại Bangkok, thượng nghị sĩ McCain cũng tỏ thái độ thận trọng khi nói rằng Washington không nên « vội vã đưa ra những đánh giá rồi sẽ hối tiếc sau đó ».

Chính quyền Miến Điện trong vài tháng qua đã có những tiến bộ vượt bực : thả nhiều tù chính trị, nỗ lực hòa giải với các sắc tộc thiểu số, giảm bớt kiểm duyệt báo chí, cho tự do hội họp,…Còn nhà đối lập Aung San Suu Kyi không những đã được trả tự do mà còn được tham gia tranh ghế dân biểu Quốc hội trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 01/04 và trên nguyên tắc sẽ đắc cử một cách dễ dàng. Nhưng rõ ràng phương Tây chưa hoàn toàn tin rằng đây sẽ là một tiến trình không thể đảo ngược.

Hơn nữa, bầu cử tự do và công bằng chỉ là một trong những tiêu chí để phương Tây đo lường thực tâm dân chủ hóa của chính quyền Miến Điện. Hòa giải dân tộc là một trong những mục tiêu khác mà chính quyền nước này cần đạt đến. Từ đầu tháng 12, chính quyền Miến Điện đã ký thỏa thuận ngưng bắn với lực lượng nổi dậy sắc tộc Shan và Karen, đồng thời đang đàm phán giải quyết xung đột với lực lượng sắc tộc Kachin. Cũng trong tháng 12, tổng thống Thein Sein đã ra lệnh cho quân đội ngưng tấn công phiến quân và lệnh này gần đây đã được mở rộng ra toàn quốc.

Nhưng Tổ chức Human Rights Watch hôm Chủ nhật vừa qua, tố cáo là mặc dù Miến Điện đã thực hiện những bước cải tổ chính trị, nhưng các vụ bạo hành của quân đội đối với người dân sắc tộc thiểu số vẫn tiếp diễn. Theo báo cáo của Human Rights Watch, « quân đội Miến Điện tiếp tục vi phạm luật nhân quyền quốc tế, tức là vẫn sử dụng mìn chống cá nhân, hành quyết không xét xử, cưỡng bức lao động, tra tấn, đánh đập và cướp bóc ».

0 comments:

Powered By Blogger