Tuesday, March 15, 2011

Việt Nam – Thêm một lần lỡ tàu!

Thế là Việt Nam lại lỡ con tàu “cách mạng hoa nhài” từ các nước Bắc Phi và Trung Đông. Như đã từng lỡ con tàu cách mạng “nhung”, cách mạng “màu” ở các nước Đông Âu thuộc khối XHCN cũ và ở Liên Xô hơn 20 năm trước.

Và trước đó, sau khi thống nhất đất nước, giai đoạn từ năm 1975-1985, nếu những người cộng sản biết nắm lấy cơ hội, biết nhìn xa và có tấm lòng rộng mở, thi hành một đường lối chính sách khác hẳn về chính trị, đối nội, đối ngoại, lẫn kinh tế, văn hóa, Việt Nam có thể đã đi theo một con đường khác hẳn. Đối nội, người Việt Nam, nhất là người miền Nam đã không phải chịu thêm những vết thương hậu chiến nặng nề từ sự phân biệt Bắc-Nam, chủ nghĩa lý lịch, trại cải tạo và rất nhiều sự sai lầm khác buộc hàng triệu người phải bỏ nước ra đi và cho đến bây giờ việc hòa giải, hòa hợp vẫn chưa thực hiện được; kinh tế miền Nam có thể đã không bị phá sản, cả nước đã không phải suýt nữa thì chết đói chẳng khác nào Bắc Hàn bây giờ để rồi mãi đến năm 1986, những người lãnh đạo mới bừng tỉnh “mở cửa”, thay đổi, thực chất là đi lại từ đầu, học lại cách làm ăn theo lối kinh tế thị trường…Đối ngoại, Việt Nam có thể đã không phải vướng vào hai cuộc chiến tranh với Campuchia và Trung Quốc, có thể giảng hòa với Mỹ sớm hơn khi chính Mỹ đã chìa bàn tay ra trước trong giai đoạn này, để từ đó hội nhập với thế giới sớm hơn rất nhiều, điều mà Trung Quốc đã làm được sau cuộc chiến tranh biên giới với VN mà thực chất, như nhiều nhà nghiên cứu, bình luận chính trị sau này đã phân tích, là một “món quà” để đổi lấy quan hệ với Mỹ và phương Tây…

Và nếu nhìn xa hơn nữa vào quá khứ, Việt Nam đã từng bỏ lỡ rất nhiều cơ hội khác. Giữa thế kỷ XIX, Minh Trị Thiên Hoàng của nước Nhật đã biết nhìn xa trông rộng, quyết định thực hiện những cải cách triệt để về mọi mặt từ giáo dục, chính trị, quân sự cho đến kinh tế, học tập phương Tây, thoát Á, biến Nhật Bản từ một nước phong kiến với một nền nông nghiệp lạc hậu trở thành một cường quốc về kinh tế-quân sự đầu thế kỷ XX và mấy mươi năm sau nữa, cả thế giới phải khiếp sợ trước sức mạnh quân sự của Nhật trong thế chiến thứ 2. Trong khi đó, Việt Nam thời nhà Nguyễn thì lại làm ngược lại, “bế quan tỏa cảng” khước từ mọi cơ hội cải cách, học hỏi, hậu quả là nước Việt Nam nghèo đói, lạc hậu phải trở thành thuộc địa của Pháp…

Việt Nam. Một dân tộc luôn luôn nhỡ tàu. Nhà văn Võ Thị Hảo từng than như thế. Phải, số phận bi kịch của đất nước này, dân tộc này chính là như thế.

Và bây giờ điều đó đang lập lại.

Trong suốt những ngày qua, khi phong trào cách mạng hoa nhài bắt đầu bùng lên từ Tunisia rồi lan rộng sang Ai Cập và các nước khác ở Bắc Phi, Trung Đông…nhiều người Việt Nam trong và ngoài nước cũng nhân đó nghĩ suy đến vận mệnh của đất nước. Một câu hỏi đau đáu nhất được đặt ra: Liệu có một cuộc cách mạng như thế ở Việt Nam vào thời điểm này?

Nếu theo dõi một số bài viết, ý kiến của mọi người xung quanh chủ đề này, có thể thấy khá nhiều quan điểm đối chọi nhau nhưng nhìn chung, có thể chia làm hai luồng chính. Quan điểm thứ nhất, thường là của những người Việt ở hải ngoại và những người hoạt động cho phong trào dân chủ, cho rằng sẽ có, và cần phải có một cuộc cách mạng hoa nhài ở Việt Nam vào thời điểm này. Những người ủng hộ quan điểm này thường lý giải dựa trên tình hình kinh tế xã hội lẫn chính trị ở Việt Nam hiện nay quá bí bét, bất ổn về nhiều mặt chưa kể mối họa từ phương Bắc đã quá rõ ràng, người dân VN đã phải chịu đựng một cuộc sống tồi tệ quá lâu rồi, cần phải thay đổi để cứu mình, cứu dân tộc, cứu đất nước. Và rõ ràng là những cuộc cách mạng từ các nước Tunisia, Ai Cập…có những điểm khiến người ta có quyền hy vọng: không do các đảng phái tổ chức chính trị tạo nên, không có một gương mặt lãnh tụ nổi bật, hoàn toàn bất ngờ từ sự bức xúc của chính người dân, từ những cuộc biểu tình ôn hòa và đã đi đến thắng lợi…Tất nhiên, trường hợp của Lybia thì hoàn toàn khác. Có những người rất lạc quan, cũng đã có những lời kêu gọi được đưa ra trên các trang mạng…

Quan điểm thứ hai, thường là của những người ở trong nước, ngược lại, cho rằng VN sẽ không có một cuộc cách mạng, thậm chí chưa nên, không nên có, vào thời điểm này. Một số lập luận được đưa ra để lý giải tại sao như vậy: Có người cho rằng vì cuộc sống ở VN hiện nay dễ chịu hơn xưa nhiều, vì người dân VN đang tạm bằng lòng với những gì họ có. Có người thì chỉ trích phong trào dân chủ ở VN quá yếu, và lập luận: cứ cho là VN sẽ xảy ra một cuộc cách mạng tự phát của quần chúng, thế thì chuyện gì sẽ xảy ra sau đó, đâu là lực lượng đối lập có đủ sức đứng ra “làm việc”, thậm chí “giải giáp” đảng cộng sản VN , nắm quyền lãnh đạo đất nước? Liệu có chăng một tình trạng hỗn loạn, xâu xé tranh giành quyền lực khiến mọi chuyện càng thêm bí bét sau đó? Cũng có người cho rằng chỉ khi nào Trung Quốc thay đổi thì VN mới hy vọng có thay đổi, rằng ở VN không thể có cách mạng từ dưới lên mà chỉ có cách mạng từ trên xuống, rằng nên trông đợi vào sự thay đổi từ phía nhà nước VN, họ đã thay đổi nhiều và sẽ còn tiếp tục thay đổi v.v…

Thực tế cho thấy một cuộc cách mạng như mong đợi đã không xảy ra. Nhưng lại không hẳn từ những lý do như quan điểm thứ hai nói trên. Vậy thì vì sao?

Phân tích tình hình chính trị xã hội ở VN hiện nay, phải nói là thời cơ đã quá chín muồi. Quan điểm của ai đó cho rằng vì cuộc sống ở VN hiện nay dễ chiụ hơn trước kia nên người VN cảm thấy tạm bằng lòng như vừa nêu trên là hoàn toàn không đúng. Nếu là thời điểm nào khác, khi chính sách đổi mới bước đầu đã đem lại sự tăng trưởng về kinh tế, thoát khỏi nạn đói theo nghĩa đen…thì còn có lý. Còn hiện nay? Ai đang sống ở VN hoặc nếu không sống ở trong nước nhưng theo dõi đều đặn tình hình qua báo chí, đều thấy rõ VN hiện đang phải đối mặt với một giai đoạn khủng hoảng thực sự về kinh tế. Sự bất ổn đã thể hiện quá rõ. Đây là hậu quả của sự điều hành quản lý kinh tế kém cỏi và những phương pháp sai lầm suốt một thời gian dài, mà người dân đang phải trực tiếp gánh chịu. Lạm phát tăng cao, đồng tiền bị mất giá, vật giá leo thang tác động đến đời sống của từng gia đình. Chỉ trừ một bộ phận nhỏ là tầng lớp quan chức, giới giàu có, trung lưu trở lên ở các thành phố lớn, còn thì nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị, sinh viên, công nhân viên chức bình thường cho tới đồng bào ở tỉnh lẻ, vùng sâu vùng xa, dân tộc thiểu số…đời sống thực sự khó khăn. Khái niệm “ổn định” mà nhà nước VN thường đem ra để mỵ dân và “hù dọa” mọi ý muốn đòi thay đổi đã không còn đứng vững nữa. Bởi ổn định đây không chỉ là ổn định về chính trị do được cai trị bằng bàn tay sắt. Người dân cần có sự ổn định về kinh tế, xã hội. Cuộc sống hàng ngày, tương lai có thể hoạch định được. Nên nếu nói đời sống hiện nay đã tạm ổn là một cái nhìn phiến diện. Đừng quên đời sống và thu nhập đầu người của các nước như Tunisia hay Ai Cập còn cao hơn của VN nhiều vậy mà dân chúng họ đã không bằng lòng.

Kinh tế thì như vậy, còn xã hội? Có lẽ cũng không cần phải chứng minh về bức tranh thực trạng xã hội VN hiện nay là như thế nào, chính báo chí truyền thông nhà nước hàng ngày đã nêu lên quá rõ. Nạn tham nhũng, những bất công phi lý trong xã hội, khoảng cách giàu nghèo, đạo đức bị xuống cấp, cái xấu cái ác cái không tử tế ngày càng tràn lan như cỏ dại trong lúc cái đẹp, cái thiện, cái tử tế ngày càng hiếm hoi; giáo dục thì lạc hậu, nạn chạy chữ chạy chức, đạo văn, thói lừa lọc…nhan nhản, môi trường sống bị ô nhiễm, thiên nhiên bị tàn phá… Một người sinh ra trong một gia đình quan chức hoặc có tiền, không quan tâm đến bất cứ chuyện gì trừ việc kiếm sống và ngắm vuốt bản thân có thể sẽ không thấy hết mọi điều nhưng còn đa số người dân? Vì sao 36 năm sau ngày thống nhất đất nước, người VN vẫn tìm mọi cách bỏ nước ra đi? Đi bằng con đường “xuất khẩu lao động” làm thuê cho xứ người, đi lấy chồng Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc…-những cuộc hôn nhân qua môi giới may ít rủi nhiều; đi học, đi làm ăn rồi tìm cách ở lại v.v…

Nếu thử một lần, tìm hiểu số phận của những người nông dân một nắng hai sương, là một trong hai lực lượng chính đem lại đồng tiền ngoại tệ cho đất nước qua con đường xuất khẩu gạo và các sản phẩm nông nghiệp nhưng lại luôn luôn bị ép giá từ chính những công ty nhà nước, bị cưỡng bức bán rẻ đất đai nhà cửa từ những đợt giải phóng mặt bằng để rồi một ngày nhập trong hàng ngũ dân oan đi khiếu kiện đất đai…Những người công nhân với đồng lương rẻ mạt, bị bóc lột ngay trên đất nước mình. Những ngư dân đi làm thuê ở xứ lạ bị hải tặc bắt cóc, còn ở ngay trên vùng bờ biển nước mình thì bị “tàu lạ” đâm chìm tàu, bắt giữ, đánh đập, đòi tiền chuộc…Những cô gái nông thôn vì nghèo khó phải đi lấy chồng xa, đi làm Ôsin, đi làm gái, đi đẻ thuê…kiếm tiền….Những đồng bào dân tộc thiểu số sống nghèo nàn lạc hậu mọi thứ từ tinh thần đến vật chất…

Nếu thử tìm hiểu, thì câu trả lời cuộc sống ở VN hiện nay có ổn không sẽ khác ngay.

Hoặc nếu một ngày chẳng may đi trên đường bị tai nạn giao thông do một kẻ nào đó chạy xe ẩu tông phải nhưng nếu kiện thì cũng chẳng ăn thua gì; một ngày chẳng may chạy xe ngoài đường quên đội mũ bảo hiểm và bị mấy tay công an đánh cho gãy cổ, tử vong-như đã từng có nhiều người chết oan vì bị những ông công an chả coi mạng sống của dân ra gì, quen thói dùng bạo lực hành hung người dân đến tử vong chỉ vì những sai phạm hết sức nhỏ nhặt; một ngày thấy mình học hành tử tế, làm việc vất vả cả đời nhưng vẫn chỉ là một nhân viên quèn trong khi thằng bạn cùng lớp dốt đặc cán mai, đạo đức tệ hại lại là xếp mình chỉ vì con của ông X cháu của ông Y; một ngày thấy người anh là công nhân xây dựng chết oan chỉ vì công trình đang xây bị “rút ruột”, đổ sập trên đầu; người chị ngồi khóc đứa con gái nhỏ bị làm nô lệ tình dục cho ông Hiệu trưởng đạo mạo và những vị quan chức tai to mặt lớn…v.v…và v.v…

Đến lúc đó, câu trả lời cuộc sống ở VN hiện nay có ổn không sẽ khác ngay.

Nghĩa là nói thẳng ra, tình hình kinh tế chính trị xã hội ở VN đã quá đủ cho những mâu thuẫn xã hội dồn nén từ bao lâu nay. Chưa kể, mối họa từ Trung Quốc mà tôi sẽ nói đến sau.

Thế nhưng ở VN vẫn chẳng có chuyện gì xảy ra. Vì sao? Phải chua xót mà nhận thấy rằng dân tộc nào chính phủ ấy và ngược lại. Nếu như tính cách của một con người có thể tạo ra số phận của người đó thì với một dân tộc cũng vậy, tính cách của một dân tộc sẽ góp phần quyết định làm nên số phận của dân tộc, đất nước đó. Mà tính cách của một dân tộc phần lớn là từ cái môi trường xã hội tạo nên. Tính cách của người Việt, vốn dĩ đã mang nhiều nhược điểm của người dân sống trong một nước nông nghiệp lạc hậu, cộng thêm một thời gian dài sống dưới một chế độ độc tài toàn trị và một môi trường xã hội tệ hại, đã dần dần hình thành một số “căn bệnh” khó chữa. Trước đây tôi đã từng viết bài “Những căn bệnh đang hủy hoại xã hội VN”, đó là: bệnh vô cảm;cái xấu cái ác lên ngôi; sự bạc nhược, cầu an; sự giả dối;hoài nghi và mất lòng tin. Và nếu nói kỹ hơn thì sẽ còn một số “bệnh” khác nữa. Một cuộc sống bất an, luôn phải vật lộn với cơm áo gạo tiền, bao nhiêu nỗi lo nỗi sợ hàng ngày, mặt khác, cũng đang tồn tại phổ biến ở VN một lối sống phụ thuộc nặng nề vào vật chất và những giá trị giả, giá trị ảo, qua đó con người được đánh giá dựa theo cái nhà, cái xe, quần áo bên ngoài hay mảnh bằng, cái “ghế”…Cả hai khía cạnh đều khiến tạo nên những thế hệ “phi chính trị”, chỉ quan tâm đến việc mưu sinh và kiếm một chỗ đứng trong xã hội, đến bản thân, gia đình mình. Chưa bao giờ nội lực xã hội VN lại cạn kiệt về mọi mặt và nguyên khí con người VN cũng cạn kiệt đi như bây giờ. Bao nhiêu sự dũng cảm, quật khởi bất khuất, lòng tự hào tự tôn dân tộc đã bị chính những người nắm quyền đất nước bào mòn đi, làm cho hèn hạ bạc nhược đi, như họ.

Tôi cũng muốn nói thêm một ý là một số người viết bài trong nước thường hay tỏ ra coi thường, chỉ trích người Việt hải ngoại và những người hoạt động dân chủ là không hiểu biết về tình hình trong nước, làm chính trị salon…rằng cách mạng nếu có, phải do người trong nước tạo nên. Không ai chối cãi và cũng không ai tranh công gì điều hiển nhiên này. Nhưng vận mệnh đất nước như thế này chưa lo được mà ngồi chỉ trích chê bai nhau làm gì, đất nước là của chung, ai cũng nên và có quyền đóng góp phần của mình, dù chỉ một bài viết, một câu nói, cũng đã là quý. Tôi nghĩ thế. Sự chia rẽ, dường như cũng là một trong những nhược điểm khá rõ của dân tộc tôi.

Với một dân tộc như thế, tinh thần đâu để có một cuộc cách mạng?

Lý do chính là nằm ở đó chứ không phải vì xã hội VN hôm nay đã ổn và người dân VN chưa muốn thay đổi.

Với quan điểm cho rằng ở VN không thể có cách mạng từ dưới lên, mà chỉ có cách mạng từ trên xuống, nên trông đợi vào sự thay đổi từ phía nhà nước VN, rằng họ đã thay đổi nhiều và sẽ còn tiếp tục thay đổi…tôi cũng nghi ngờ luôn vào điều này. Không phải vì quá cực đoan như Boris Yeltsin là “Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi được”. Đúng là trong những năm qua, các thế hệ lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản ở VN buộc phải thay đổi và có thay đổi. Ai cũng thấy, về mặt lý thuyết con đường đi của xã hội hiện nay cũng như trên thực tế, những gì họ đang tiến hành ở VN hoàn toàn trái ngược 180 độ so với những gì họ từng tuyên bố hay thực hiện trước kia, thời thập niên 50 cho tới 80. Nhưng có những cái không bao giờ họ thay đổi, ví dụ như sự bảo thủ đến cùng vì quyền lợi của chế độ, luôn luôn đặt quyền lợi của đảng, của chế độ, của một thiểu số đặc quyền đặc lợi lên trên quyền lợi của đất nước, dân tộc. Trong nhiều mặt, họ vẫn thay đổi rất chậm, họ tìm mọi cách để trì hoãn thời gian. Vả lại nếu có muốn đổi nhanh họ cũng không dám (và cũng không làm được) vì cứ nhìn qua các thế hệ lãnh đạo của VN thì thấy, không có ai có tầm nhìn xa, trí tuệ vượt trội, họ đều kém cả về đầu óc, tư duy lẫn bản lĩnh. VN không có một Mikhail Gorbachov hay Boris Yeltsin. Họ cứ dàn đều cùng nhau một bước tiến hai bước lùi.

Một dân tộc thì như thế, những người lãnh đạo thì như thế. Trong khi tình hình của VN thì không còn có thể chờ đợi được nữa. Bởi kinh tế quá nguy ngập. Xã hội nát bét. Nội lực, nguyên khí con người đều cạn kiệt. Bên cạnh đó là mối họa từ phương Bắc.

Tôi cũng từng viết: nếu đảng cộng sản Trung Quốc có tiếp tục lãnh đạo đất nước thêm cả trăm năm nữa, Trung Quốc cũng chẳng mất vào tay nước nào, nhưng nếu đảng cộng sản Việt Nam mà tiếp tục “tại vị” thêm chừng hai thập niên nữa thôi, VN chắc chắn sẽ mất vào tay Trung Quốc-không “mất” kiểu này thì kiểu khác.

Một chính quyền điều hành kinh tế kém cỏi, không đảm bảo được một sự ổn định trong đời sống hàng ngày của người dân. Một chính quyền bạc nhược để mất đất mất biển, đảo vào tay nước khác. Có còn xứng đáng để tiếp tục độc quyền lãnh đạo?

Trong cuộc đời một con người, chẳng bao giờ nên dùng chữ “nếu”. Vận mệnh của một dân tộc, một đất nước cũng vậy. Nhưng dù sao, cũng chỉ một lần thử đặt những chữ “nếu”…Hơn hai mươi năm trước, nếu VN cũng chuyển mình dứt khoát và triệt để như các nước Đông Âu, chúng ta đã có được 20 năm đi theo một con đường khác, với một thể chế chính trị khác, như hầu hết các nước tiến bộ trên thế giới đã lựa chọn. Những Hiệp ước Biên giới trên đất liền năm 1999, Hiệp định phân vịnh Bắc bộ VN-TQ năm 2000 đã không được ký, và VN đã không phải mất đi thêm hàng trăm kilomet vuông lãnh thổ dọc theo biên giới, hàng ngàn kilomet vuông lãnh hải, thác Bản Giốc, Ải Nam Quan vẫn còn…Chúng ta chắc chắn đã không mắc kẹt quá sâu trong mối quan hệ với TQ như bây giờ và TQ cũng không dám bắt nạt ta quá mức, bởi chúng ta có đồng minh quân sự chứ không phải như hiện tại. Hai mươi năm trước TQ khác xa bây giờ. Hai mươi năm là đủ cho một đất nước có thể tiến được rất xa nếu đi đúng đường.

Với một TQ ngày càng mạnh, càng đầy tham vọng, liệu sự mất mát của VN có dừng lại ở đó? Không ít lần trên những trang mạng TQ các tướng lĩnh thuộc phái diều hâu của TQ, với giọng điệu đầy hung hăng, đã từng hằm hè muốn gây chiến nữa ở vùng biển Đông nói chung và với VN nói riêng. Những ngày này nhiều bài viết cũng đã nói đến nguy cơ TQ có thể nhân dịp VN đang lao đao vì kinh tế, để tấn công chiếm thêm một số đảo ở Trường Sa. Và nếu sự thật xảy ra, gần như chắc chắn TQ sẽ chiếm được thôi, ai sẽ là đồng minh của VN, ai sẽ hỗ trợ VN? Mỹ ư. Đừng hy vọng hão. Hoặc chưa cần đến nói đến chuyện TQ tấn công bằng vũ lực. Nếu kinh tế VN sụp đổ, ai sẽ chìa bàn tay ra “giúp đỡ”? Vẫn không phải là Mỹ hay các nước phương Tây. Còn Nhật Bản, đất nước rộng lòng giúp đỡ VN thực sự từ trước đến nay thì lại đang gặp thảm họa quá lớn. Vậy thì ông anh cả TQ sẽ bỏ hầu bao ra và kèm theo đó là những điều kiện gì. Xin dành câu trả lời lại cho mọi người.

Lại nếu…Chính vì vậy, nếu VN lỡ tàu thêm lần này sẽ là ân hận vô cùng cho tương lai. Cũng có thể không còn đường lùi nữa, cái họa một ngàn năm phương Bắc lại trở lại chăng?

Song, số phận của VN là do chính người dân VN quyết định. Không một lời kêu gọi nào có tác dụng một khi người dân còn đang lơ mơ, mụ mị, chưa tỉnh thức. Hơn ba thập niên trước, cũng chính vì sự thờ ơ vô cảm với vận mệnh của đất nước đó mà người miền Nam đã khiến cho đồng minh của họ, người Mỹ thêm một lý do để nản lòng bỏ cuộc khi ván cờ VN vốn đã làm nước Mỹ quá thiệt hại, tốn kém. Trong khi miền Bắc thì quá quyết tâm đến cùng để giành chiến thắng, cho dù cái giá của chiến thắng là bao nhiêu.

Việt Nam-một số phận đầy bi kịch.
rfavietnam

0 comments:

Powered By Blogger