Một chính quyền sẵn sàng bóp chết từ trong trứng nước mọi ý đồ phản kháng, ly khai, giờ đây lại không chống sự can thiệp quân sự của phương Tây vào Libya nhằm ngăn chặn chế độ Kadhafi tàn sát thường dân ? Điều gì đã khiến Trung Quốc vắng mặt, không phủ quyết nghị quyết 1973 của Hội Đồng Bảo An ?
Theo giới phân tích, trong vụ này, Bắc Kinh đã tính toán : Một mặt, Trung Quốc muốn cải thiện hình ảnh một nước lớn có trách nhiệm, củng cố vị thế của mình tại Trung Cận Đông và châu Phi. Mặt khác, Bắc Kinh muốn chiều lòng một số nước Ả Rập, đối tác quan trọng trong việc cung ứng dầu lửa cho Trung Quốc.
Do vậy, sau các đợt oanh kích, bắn tên lửa của không quân và hải quân phương Tây vào một số mục tiêu ở Libya, ngày hôm nay (20/03/11), phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói lấy làm tiếc về các hành động quân sự của phương Tây tại Libya, nhưng không lên án và cũng không kêu gọi ngưng bắn.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stephane Lagarde tường trình:
« Đúng là Trung Quốc chỉ bầy tỏ thái độ lấy làm tiếc chứ không lên án các hành động tấn công quân sự của phương Tây vào Libya. Các từ ngữ mà phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc lựa chọn đúng với những gì đã xẩy ra vào tối thứ năm rạng ngày thứ sáu vừa qua tại Liên Hiệp Quốc.
Chính quyền Tripoli đã không thành công trong việc thuyết phục đại sứ Trung Quốc tại Libya, kể cả việc hứa hẹn cho Trung Quốc khai thác toàn bộ nguồn dầu lửa của nước này, thay thế cho các tập đoàn của phương Tây. Thế nhưng, cuối cùng, Trung Quốc đã vắng mặt lúc bỏ phiếu nghị quyết cho phép sử dụng vũ lực và không sử dụng quyền phủ quyết trong tư cách là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An.
Lần này, tại Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc không muốn bị cáo buộc là ủng hộ một chế độ sẵn sàng mọi hành động đàn áp tàn bạo. Hơn nữa, Trung Quốc không thể làm ngơ trước những tuyên bố của lãnh đạo Libya ngày 23 tháng 2 vừa qua. Vào lúc đó, đại tá Kadhafi đe dọa lực lượng nổi dậy là sẽ có một « Mùa xuân Bắc Kinh » theo kiểu Libya. Tại Trung Quốc, đương nhiên, những lời lẽ như vậy bị kiểm duyệt.
Là bậc thầy trong việc tỏ thái độ nước đôi, mập mờ, giới ngoại giao Trung Quốc giờ đây chơi lá bài « không can thiệp vào công việc nội bộ » nhưng đồng thời vẫn theo dõi sát sao diễn biến tình hình tại Libya, không làm mất lòng Hoa Kỳ và Liên đoàn Ả Rập. Công luận Trung Quốc hài lòng về chính phủ của mình sau đợt di tản nhanh chóng và ấn tượng 36 ngàn lao độngười Trung Quốc ra khỏi Libya. Các doanh nghiệp Trung Quốc tại Libya bị thiệt hại nặng nề.
Có thêm một thông tin nữa có thể giải thích thái độ của Trung Quốc là chỉ lấy làm tiếc mà không lên án các hành động quân sự : Nhập khẩu dầu lửa từ Libya chỉ chiếm có 3% tổng mức tiêu thụ của Trung Quốc ».
Nếu như lượng dầu nhập khẩu từ Libya chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, thì ngược lại, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, nguồn dầu lửa đến từ Ả Rập Xê Út lại đóng vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cao liên tục của Trung Quốc. Hiện nay, vùng Trung Đông cung cấp 2,9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cho Trung Quốc, chiếm hơn một nửa tổng nhập khẩu của nước này, trong đó, riêng phần của Ả Rập Xê Út là 1,1 triệu thùng dầu thô.
Vừa qua, trước những biến động tại Trung Đông và châu Phi, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Địch Tuyển đã công du Ai Cập, Tunisia, Ả Rập Xê Út, Algeri, những quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu lửa và nhắc lại rằng Bắc Kinh luôn tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ các nước khác.
Tuy nhiên, với chính sách thực dụng, Trung Quốc cũng sẵn sàng áp dụng mềm dẻo nguyên tắc trên, để chiều lòng các đối tác Trung Đông quan trọng, đặc biệt là Ả Rập Xê Út khi mà chính quyền Riyad lại ủng hộ can thiệp quân sự vào Libya.
Mối thâm thù giữa Ả Rập Xê Út và Libya có từ thời 2003 khi mà đại tá Kadhafi tố cáo vua Abdullah hợp tác với phương Tây lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Irak.
Nguồn : Đức Tâm-RFI
0 comments:
Post a Comment