Vụ trung tá công an Nguyễn Văn Ninh phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh ông Trịnh Xuân Tùng một cách dã man ngày 28/2 khiến ông gẩy cổ và chết ngày 8/3 đã một lần nữa gây phẩn nộ dư luận Việt Nam, nhất là vì nó xảy ra tiếp theo sau nhiều vụ khác.
Theo tờ Dân Trí, trong năm 2010, công an tại Việt Nam đã đánh chết 15 người dân, chưa kể nhiều người khác bị đánh thương tích trầm trọng.Chỉ mới gần đây mới thấy có một vụ một thiếu úy công an ở Bắc Giang bị kết án tù 7 năm trong phiên tòa ngày 2/3/2011 vừa qua vì đánh chết một người không đội mũ bảo hiểm khi chạy xe gắn máy hồi tháng 7 năm ngoái.
Nạn bạo hành của công an đang dần trở thành một trong những yếu tố làm tăng thêm sự bất mãn của người dân Việt Nam đối với chính quyền, bên cạnh những vụ cướp đất, nạn tham nhũng, lạm quyền, dẫn đến những cuộc biểu tình, tập hợp, hay những vụ khiếu kiện tập thể.
Nhìn thoáng qua thì có vẻ như ở Việt Nam, điều kiện đã chín mùi cho một cuộc Cách Mạng Hoa Lài như ở Tunisia. Nhưng cho tới nay, vì ở Việt Nam chưa có quyền tự do biểu tình, cũng như tự do lập hội, tự do công đoàn, lại càng không có tổ chức chính trị đối lập, cho nên, khả năng xảy ra một cuộc Cách Mạng Hoa Lài rất khó, mặc dù trên mạng Internet trong những ngày qua đã lan truyền nhiều lời kêu gọi người dân Việt Nam noi gương nhân dân Tunisia, Ai Cập xuống đường đòi dân chủ. Theo nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Matxơva, những lời kêu gọi như vậy là quá sớm:
Nhà báo Nguyễn Minh Cần: Cao trào cách mạng nổ ra ở Tunisia và Ai Cập gây ra chấn động về mặt tinh thần rất lớn cho các dân tộc đang sống dưới sự cai trị độc tài. Nhưng mình phải hiểu rằng hoàn cảnh mỗi nước khác nhau rất nhiều, cho nên, kêu gọi dân Việt Nam vùng lên nổi dậy trong tình hình này theo tôi là quá sớm, không hợp thời và có thể là không có lợi cho phong trào đấu tranh dân chủ trong nước.
Vì sao tôi nói như vậy? Vì nếu ta muốn vận động cho một cuộc vùng lên ở trong nước, thì phải xem điều kiện chủ quan, điều kiện khách quan là như thế nào, dân chúng đã có nhận thức đầy đù rằng họ phải đứng lên chưa? Các tổ chức trong phong trào đã chuẩn bị sẳn sàng để làm việc đó chưa? Đó là hai điều cần phải suy nghĩ.
Tất nhiên những điều kiện khác như, người dân bị khổ sở, thất nghiệp, bị áp bức, đều có cả, nhưng muốn làm một cuộc nổi dậy thì tôi tin rằng trong tình hình hiện nay ta chưa có đầy đủ điều kiện. Cho nên, trong các bài viết của tôi, tôi có nói một tinh thần này: không nên đùa với cách mạng, với nổi dậy. Đó là việc nghiêm trọng. Phải có chuẩn bị đầy đủ về mặt tinh thần, về mặt tổ chức, cho quần chúng nhân dân, cho những nhà dân chủ, thì lúc đó mới làm được. Đừng nên nghĩ rằng ở ngoài cứ kêu gào như vậy, thì ở trong dân chúng sẽ nổi dậy. Quan niệm như vậy là ngây thơ quá.
RFI: Thưa ông Nguyễn Minh Cần, trong điều kiện hiện nay, còn thiếu nhiều yếu tố để dẫn đến Cách mạng Hoa Lài, chúng ta có thể làm được những gì để chuẩn bị các tiền đề cho một cuộc cách mạng như vậy?
Nhà báo Nguyễn Minh Cần: Trong điều kiện mình chưa có tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do tổ chức, việc chuẩn bị khó khăn hơn, nhưng không phải là hoàn toàn bế tắc. Nếu cộng đồng người Việt hải ngoại giúp đỡ về mặt truyền thông cũng sẽ làm được và ngay cả ở trong nước, một số cơ quan ngôn luận cũng phát hành được. Tờ Tự do Ngôn luận của khối 8406, tờ Tổ Quốc, tờ Tự do Dân chủ, v.v. . ., vẫn được bí mật phát hành. Điều đó cho thấy rằng không phải là hoàn toàn bế tắc.
Cho dù là trong chế độ toàn trị,người ta cũng không nắm hết tất cả. Ngay cả ở Liên Xô, thời kỳ khó khăn nhất, cơ quan an ninh KGB cũng kiểm soát chặt chẽ không kém gì Việt Nam, nhưng vẫn có những hoạt động tuyên truyền để thúc đấy tinh thần dân chúng. Điều đó chứng tỏ là không hoàn toàn bế tắc.
RFI: Thưa ông Nguyễn Minh Cần, trong các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập, người ta thấy có vai trò rất lớn của giới trẻ. Giới trẻ Việt Nam có sẽ noi gương các bạn đồng lứa ở những nước đó?
Nguyễn Minh Cần: Ở thế kỹ 21 này, vai trò của giới trẻ, nhất là giới trẻ có kiến thức, có kỹ thuật, là rất lớn. Chính nhờ những phương tiện hiện đại nhất mà người ta phá được bức tường ngăn cấm của chế độ toàn trị. Đa số thanh niên hiện nay ham chơi những trò vớ vẩn, đua đòi thứ này, thứ khác, nhưng phải thấy rằng cũng có rất nhiều thanh niên có ý thức yêu nước rõ ràng, có óc tự do dân chủ. Lý tưởng đó đang dần dần mạnh lên.
Nhiều cháu đã viết thư cho tôi, hưởng ứng những gì tôi viết, nói rằng họ cũng muốn chuẩn bị những gì đó để xứng đáng với vai trò của họ. Cho nên tôi rất mừng cho giới trẻ mình. Họ không tồi đâu. Họ có những khả năng hơn cả giới trẻ ở Tunisia và Ai Cập, vì số người được học hành cao hơn Tunisia, số lượng người sử dụng Internet cũng cao hơn. Sẽ có ngưòi phản bác rằng: đa số lên mạng chỉ để sem sex hoặc thứ này, thứ nọ. Cái đó cũng đúng, nhưng tỷ lệ sẽ tăng lên khi lòng của người ta thiết tha với dân chủ, khi lòng của người ta thiết tha với đất nước. Bây giờ sắp có một tai họa mới đó là sự xâm lăng của Trung Quốc về mọi mặt. Lúc bấy giờ, sự chuyển hướng của người ta rất là nhanh chóng. Cho nên, tôi rất tin tưởng vào khả năng của giới trẻ Việt Nam.
RFI: Quá khứ cho thấy là Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có khả năng thích ứng rất cao, tức là khi thấy tình hình gây cấn quá mức, họ có thể có một số nhượng bộ, một số biện pháp nới lỏng, để làm dị bớt sự công phẩn, sự bất bình của người dân. Liệu họ có thể hóa giải được mầm móng của một cuộc cách mạng ở Việt Nam?
Nguyễn Minh Cần: Phải nói rằng những người lãnh đạo Đảng và chính quyền hiện nay cũng có những sự mềm dẽo. Mềm dẽo để mà tồn tại. Nhưng trước mắt, khi phong trào chưa mạnh lắm thì họ vẫn dùng chiến lược đàn áp cực kỳ thô bạo. Họ cũng học kinh nghiệm của Trung Quốc. Vừa qua, khi họp Quốc hội, các bài diễn văn của thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng cho thấy là họ có phải những biện pháp để tháo gỡ ngòi nỗ, chẳng hạn như giảm sự cách biệt giàu nghèo. Không biết kết quả ra sao, nhưng họ đã bắt đầu làm như thế.
Lãnh đạo của Việt Nam thường theo học Trung Quốc nên họ cũng sẽ tìm những biện pháp để giải quyết những mâu thuẩn có thể bùng nổ. Còn khi mà phong trào ở Việt Nam lên mạnh thì họ cũng sẽ có những biện pháp lùi bước để làm dịu bớt phong trào. Họ cũng học các nước Bắc Phi, chẳng hạn như ở Maroc, quốc vương vừa tuyên bố sẽ thay đổi Hiến pháp một cách cơ bản. Ở Ai Cập cũng vậy, họ đang lùi từng bước và hiện đang tranh cãi với nhau về vấn đề xóa bỏ cơ quan an ninh củ. để lập một cơ quan an ninh mới, trong sạch hơn. Với sức ép của quần chúng, ngưòi ta sẽ lùi dần từng bước.
Đó là một quá trình, chứ không phải là một lúc mà mình có thể làm được tất cả. Qua những bài tôi viết, tôi chỉ mong là bà con mình nên nhìn vào thực tế và nếu anh em dân chủ muốn thắng lợi thì phải chuẩn bị kỹ càng về mặt tư tưởng cho quảng đại quần chúng về mặt tổ chức và nhiều mặt khác, để có một thực lực có khả năng gánh vác trách nhiệm lớn lao là khơi dậy phong trào cách mạng trong nước. Tôi hy vọng là đồng bào ở hải ngoại tích cực giúp đở phong trào trong nước bằng những biện pháp khác, chứ không phải bằng những lời kêu gọi ầm ĩ như vậy, có thể có tác động không tốt, mà trái lại nhiều khi gây cho người cầm quyền càng cảnh giác hơn, càng khắc nghiệt hơn, vì họ cũng sợ vậy!
Hiện nay, đang có mấy cuộc biểu tình, mấy cuộc đình công, rồi tình trạng cướp đất đai nhà cửa, cũng thúc đẩy những đồng bào mà người ta gọi là dân oan, đứng dậy đấu tranh. Cứ như vậy, nâng cao dần sự hiểu biết, phá tan dần nổi sợ hải rất trầm trọng của người dân, phá tan dần tinh thần vô cảm của con người, thờ ơ trước những cảnh bất công. Dần dần như thế, ý thức của quần chúng mới lên được.
RFI: Xin cám ơn ông Nguyễn Minh Cần.
0 comments:
Post a Comment