Thanh Quang, phóng viên RFA - … Riêng Blog Dân Làm Báo không quên nhấn mạnh tới một yếu tố quyết định, tạo điều kiện cho “Hương Lài” – một ngày nào đó – có thể lan toả trọn vẹn ở VN: “Cách mạng tại Tunisia, Ai Cập tháng trước, tại Libya hôm nay hay có thể Việt Nam, Trung Quốc sáng mai không phải từ Twitter mà có, không phải do Twitter mà ra nhưng bằng lòng can đảm của những con người yêu nước, yêu tự do, dân chủ.”*
Trong lúc cách mạng “Hoa Lài” phát xuất từ Tunisia tiếp tục làm chấn động Bắc Phi, Trung Đông và lan toả tới Á Châu thì tại VN đang xảy ra một loạt những vụ bắt bớ, sách nhiễu, hành hung nhiều nhà dân chủ.
Liệu có bùng nổ tại VN?
Chẳng hạn như trường hợp nhà bất đồng chính kiến Tạ Phong Tần, tức blogger Công Lý và Sự Thật kể lại công an bắt và hành hung chị một cách vô cớ và tàn ác:
“Tôi đâu có phạm tội gì đâu. Tôi nói rõ với nó là nó muốn bắt tôi thì cứ việc đem lệnh đến đọc tại nhà mà bắt, lập biên bản bắt đàng hoàng. Họ tống tôi vô trong tù, tôi kháng cự lại thì bọn nó ba bốn thằng đè, rồi nó kêu cả những thằng văn phòng nữa xúm vào đánh tôi,… lấy tay chém vào cổ tôi,… lôi kéo rồi đạp vô chân tôi,…đánh vào ngực tôi. Rồi cả cái xâu tràng hạt màu đen tôi hay đeo trên cổ có cái thánh giá trên đó có ảnh Chúa chịu nạn và cái tượng Đức Mẹ Maria – Đức Mẹ La Vang tôi đang đeo trên cổ thì… nó giựt nó ném xuống đất...”
Và trường hợp còn đang tiếp diễn hiện giờ có liên quan nhà dân chủ Nguyễn Đan Quế. BS Nguyễn Đan Quế lại bị CA bắt hôm thứ Bảy vừa rồi, bị sách nhiễu, hạch hỏi rồi được thả nhưng tiếp tục phải “làm việc” sau khi CA khám nhà của ông, tịch thu máy vi tính, điện thoại di động và tìm thấy khoảng 60.000 tài liệu gọi là có dấu hiệu “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”.
Diễn biến này không khỏi gây phản ứng mạnh mẽ trong công luận, nhất là giới bloggers. Blogger Dân Làm Báo hôm thứ Hai tuần này (02/28) có bài tựa đề “VN xài luật rừng trong vụ bắt giữ BS Nguyễn Đan Quế”, nêu lên thắc mắc rằng “Lưu trữ hơn 60.000 tài liệu kích động, kêu gọi chống Nhà nước cùng “lời kêu gọi toàn dân” xuống đường biểu tình lật đổ chế độ…”. Với “tội phạm” như thế, khám xét bắt khẩn cấp như thế mà chưa đầy 48 giờ sau đã vội vàng thả ngay. Như vậy, theo bài blog:
“Thế thì tại sao Ls. Cù Huy Hà Vũ, tài liệu không bằng 1 góc 60.000 tài liệu kích động của bác sĩ Quế mà đến bây giờ vẫn còn trong chốn lao tù? Tại sao Ls. Cù Huy Hà Vũ áp dụng đúng quy định hiến pháp và luật pháp khởi kiện, khởi tố người cầm đầu chính phủ – kẻ đã tuyên bố nếu không dẹp được tham nhũng sẽ từ chức, đã tuyên bố nhận trách nhiệm về con tàu đắm Vinashin và núi nợ cho nhân dân – thì vẫn còn bị giam?
Thế thì tại sao Blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải vẫn bị tiếp tục ở tù vì lý do tán phát tài liệu chống đối nhà nước. Phải chăng một người đang ở tù như anh Điếu Cày có khả năng lưu trữ hơn 60.000 tài liệu kích động và có khả năng “kêu gọi toàn dân xuống đường biểu tình lật đổ chế độ” từ … trong tù giỏi hơn bác sĩ Nguyễn Đan Quế?
Thế thì tại sao Blogger/Luật gia Anh ba Saigòn Phan Thanh Hải vẫn bị tiếp tục giam cầm không một văn bản giải thích tội phạm và đến bây giờ đứa con chào đời vẫn chưa thấy được mặt cha? Và còn biết bao nhiêu bản án vô lý, bất công, rừng rú đang tròng lên đầu những công dân Việt Nam yêu nước bởi cái gọi là đảng và nhà nước của “nhân dân”? Câu trả lời là: chế độ đã sợ hãi về viễn ảnh bùng nổ của quần chúng, của ngọn lửa cách mạng hoa lài trong việc bắt giữ bác sĩ Nguyễn Đan Quế.”
Mở đầu bài tựa đề “Làn sóng Cách Mạng Hoa Lài” vừa được blog Dân chủ-Nhân quyền Cho VN phổ biến, tác giả Phạm Thiên Thơ phân tích hành động giới cầm quyền VN ráo riết trù dập những nhà bất đồng chính kiến trong nước hiện giờ chứng tỏ họ “lo sợ thật sự trước làn sóng Cách Mạng Hoa Lài”.
“Nhiều nguồn tin cho biết những tiếng nói yêu tự do dân chủ trong nước đang bị trù dập như LS Lê Trần Luật, Nhà báo tự do Tạ Phong Tần, KS Đỗ Nam Hải… Điều này thật sự cho thấy đảng Cộng sản VN đang lo sợ làn sóng cách mạng Hoa Lài khởi đầu từ Tunisia đã lan đến một số nước Bắc Phi, Trung Đông và đã giật sập một số nhà cầm quyền độc tài, làm cho những ai có tật hay giật mình như CSVN phải lo sợ đến phiên mình, nên họ gấp rút tung ra chiến dịch trấn áp gắt gao các nhà Dân chủ đối kháng trong nước có uy tín như HT Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý, BS Nguyễn Dan Quế… Điều này chứng tỏ Cộng sản đang lo sợ thật sự trước làn sóng cách mạng Hoa Lài.”
“Những cú bất ngờ của Lịch sử”
Blog Hoàng Quang vừa phổ biến bài của nhà báo Nguyễn Minh Cần từ Mascơva đề cập tới “Mười bài học từ Cao Trào Cách Mạng Tunisia và Ai Cập”, mà bài học đầu tiên trong đó là
“Lịch Sử bao giờ cũng cho ta những cú bất ngờ”. Có lẽ chính vì “những cú bất ngờ ấy” – diễn ra từ xưa tới nay – khiến giới cầm quyền VN “thật sự lo sợ” khi “Hương Lài” đang lan toả đáng ngại tới Á Châu chăng ?
Qua Blog Hoàng Quang, nhà báo tự do Nguyễn Minh Cần phân tích “những cú bất ngờ của Lịch sử” ngay trong bài học đầu tiên như sau:
“…Thật thế ! Không cần phải đi xa hàng thế kỷ trước để đưa ra dẫn chứng, chỉ cần nêu ra những thí dụ trong vài chục năm gần đây thôi cũng đủ rõ. Có ai ngờ được rằng cái “đế quốc” cộng sản khổng lồ là Liên Bang Xô Viết, với 10 triệu đảng viên cộng sản, 20 triệu đoàn viên thanh niên cộng sản, 6 triệu quân tinh nhuệ, hàng triệu quân nội địa của bộ nội vụ, với bộ máy mật vụ KGB cực kỳ nhạy bén, với đủ các loại vũ trang cực kỳ tối tân, kể cả vũ khí hạt nhân cực mạnh… mà có thể sụp đổ nhẹ nhàng trước cuộc đấu tranh của quần chúng nhân dân hồi năm 91 thế kỷ trước? Có ai ngờ được rằng bức tường Berlin kiên cố như vậy đứng vững hàng chục năm trời mà sụp đổ chỉ trong một đêm? Có ai ngờ được rằng cuộc cách mạng nhung diễn tiến nhẹ nhàng đến thế trên đất nước Tiệp Khắc, Hungaria, Ba Lan, v.v…?
Có ai ngờ được rằng nước Đức đã thống nhất hòa bình một cách êm dịu, trong lúc đó Cộng hòa Dân chủ Đức thì tiêu biến? Không ai ngờ được hết ! Và lần này cũng vậy, không ai ngờ vụ anh Mohamed Bouazizi, một chàng trai 26 tuổi, có học mà thất nghiệp phải đi bán hàng rong hoa quả để kiếm sống, vì quá uất ức khi chiếc xe hàng của anh bị cảnh sát tịch thu, anh đã tự thiêu ngày 17.12.2010, và ngọn lửa của cây đuốc sống đó đã biến thành một cơn bão lửa cách mạng thiêu trụi chế độ độc tài toàn trị thâm căn cố đế ở Tunisia, rồi lan sang tận Egypt làm sụp đổ cả “triều đại” Mubarak.
Vậy thì bài học đầu tiên là: chớ thấy chế độ độc tài toàn trị bề ngoài trông có vẻ nhất trí, thống nhất, mạnh mẽ, hùng cường dường như không gì lay chuyển nổi, với quân đội hùng hậu, công an mật vụ dày đặc, hung dữ, xảo quyệt, đảng, đoàn đông đảo làm hậu thuẫn vững vàng cho chế độ, v.v… mà sợ hãi ! Khi mà Lịch sử đã chơi cho một “cú” bất ngờ thì mọi chỗ dựa của chế độ toàn trị sẽ tê liệt trước sức mạnh của quần chúng cách mạng… Lẽ huyền bí của Lịch sử khó mà tiên đoán được !
Ngày càng lan rộng
Nhưng điều đáng nói ở đây là Cách Mạng Hoa Lài ấy – và những cuộc cách mạng khác hiện đang diễn ra – không giống như lâu nay, mà các biến cố đó diễn ra theo kiểu mới. Bài tựa đề “Cách Mạng Hoa Lài: Một kiểu cách mạng “Cuộc cách mạng lật đổ Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali ở Tunisia và Tổng thống Hosni Mubarak ở Ai Cập trong mấy ngày đầu tháng 2 khiến cả thế giới sửng sốt. Sửng sốt, trước hết, vì sự bất ngờ; sau đó, vì tốc độ nhanh chóng ngoài sức tưởng tượng; và cuối cùng, vì những đặc điểm mới mẻ và có phần lạ lùng của chúng.”
Theo bài blog vừa nói, trong khi vô số cuộc cách mạng của Thế kỷ 20, từ cách mạng vô sản, cách mạng giành độc lập của các quốc gia thuộc địa cho tới cách mạng phi-vô sản đều có một số đặc điểm chung là: Gắn liền với 1 đảng chính trị; gắn liền với 1 ý thức hệ; đảng chính trị ấy được tổ chức chặt chẽ, trải qua nhiều thách thức, đặt dưới sự lãnh đạo của cá nhân CS nổi bật như Lenin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Fidel Castro…hay những cá nhân giải thể CS như Vaclav Havel, Lech Walesa…, thì phong trào cách mạng hiện giờ – từ “Hoa Lài” lan toả tới Ai Cập, những xứ Bắc Phi,Trung Đông khác rồi có dấu hiệu lan toả tới Á Châu, có những đặc điểm khác hẳn: Cách mạng thật sự tự phát của quần chúng do bị chế độ độc tài áp bức quá lâu, không gắn liền với ý thức hệ, không cương lĩnh, không thuộc guồng máy tổ chức nào cả. Bài blog lưu ý về sự lan toả của Cách mạng Hoa Lài:
“Chức năng điều hợp, vậy thôi. Chứ không phải là những nhà lãnh đạo. Đó là những cuộc nổi dậy của dân chúng, hoàn toàn có tính chất tự phát. Mở đầu cuộc cách mạng ở Tunisia không phải là một buổi ra mắt chính trị với những tuyên ngôn, tuyên cáo, thề nguyền, quyết tâm thư ồn ào. Mà chỉ là cái chết của một thanh niên 27 tuổi nghèo khó tên Mohamed Bouazizi.
Bán hàng ngoài đường, bị cảnh sát sách nhiễu và nhục mạ, anh tự thiêu để phản đối vào ngày 17 tháng 12 năm 2010. Chính ngọn lửa thiêu cháy anh cũng sẽ thiêu cháy cả chế độ độc tài của Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali, khiến nhà độc tài này phải từ bỏ quyền hành từng nắm giữ trong cả 23 năm và chạy trốn vào ngày 14 tháng 1, đúng 10 ngày sau khi Mohamed Bouazizi chết vì các vết bỏng quá nặng.”
Ngoài việc các cuộc cách mạng ở Tunisia và Ai Cập mang tính tự phát của quần chúng, không gắn liền với một ý thức hệ, cương lĩnh hay tổ chức nào cả, một yếu tố quan trọng góp phần thành công mà những cuộc cách mạng trước kia không có. Đó là:
“… Những mạng truyền thông xã hội, từ facebook đến twitter, điện thoại di động, v.v…Chính việc làm ấy đã giúp người dân Ai Cập, đặc biệt giới trẻ, nhận thức được sức mạnh của kỹ thuật truyền thông hiện đại. Và họ đã sử dụng facebook như một thứ vũ khí hữu hiệu trong việc tập hợp lực lượng trong cuộc nổi dậy vừa qua. Đóng vai trò có khi còn quan trọng hơn facebook là điện thoại di động…Những đặc điểm vừa kể theo nhiều nhà nghiên cứu sẽ là những đặc điểm chung của các cuộc cách mạng thế kỷ 21…Chúng cũng giúp giải đáp nhiều thắc mắc từng dày vò những người Việt Nam hay ưu tư đến tự do, dân chủ và tiền đồ của đất nước…”
Riêng Blog Dân Làm Báo không quên nhấn mạnh tới một yếu tố quyết định, tạo điều kiện cho “Hương Lài” – một ngày nào đó – có thể lan toả trọn vẹn ở VN:
“Cách mạng tại Tunisia, Ai Cập tháng trước, tại Libya hôm nay hay có thể Việt Nam, Trung Quốc sáng mai không phải từ Twitter mà có, không phải do Twitter mà ra nhưng bằng lòng can đảm của những con người yêu nước, yêu tự do, dân chủ.”
0 comments:
Post a Comment