…Điều này càng khẳng định, Chủ Nghĩa Tư Bản có sức sống hết sức thuyết phục, vững mạnh, ổn định hơn rất nhiều so với Chủ Nghĩa Xã Hội, một Chủ Nghĩa, một Xã Hội mà tôi cùng rất nhiều người đã và đang chứng kiến…
*
Nhìn hậu quả của sóng thần, động đất ở Nhật Bản, chỉ qua ảnh chụp trên báo chí, tôi đã kinh hồn. Không biết nếu trực tiếp chứng kiến, tâm trạng của mình sẽ như thế nào? Người chết, thành phố đổ nát, nhà cửa, trường học, bệnh viện, cửa hàng… tan hoang, nhà máy điện hạt nhân nổ…
Thử tưởng tượng, nếu việc này xảy ra ở mấy nước XHCN như ở Liên Xô, Ba Lan, Đông Đức… trước đây, hoặc như ở Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Việt Nam…hiện nay, tôi có thể khẳng định, hậu quả sẽ lớn hơn rất nhiều. Sự cố nhà máy điện nguyên tử Chernobyr (1986) bị nổ của Liên Xô (cũ), để lại hậu quả quá sức lớn về sự độc hại, cho đến nay vẫn chưa khắc phục xong. Hoặc như trận động đất ở Đường Sơn, Tứ Xuyên (Trung Quốc), chết mấy trăm nghìn người. Chưa kể những trận bão, hạn hán ở Cu Ba ,Triều Tiên… cường độ phá hoại nhỏ hơn, so với trận động đất Nhật Bản vừa rồi, nhưng sự khắc phục của chính phủ các nước trên không hề đơn giản, vẫn cần sự trợ giúp của quốc tế.
Ngay Việt Nam, những trận lụt khủng khiếp, không năm nào là không có. Nhưng để có biện pháp chống đỡ hiệu quả, tôi cảm giác hình như chính phủ của chúng ta làm không được nhiều. Năm nào cũng có thiệt hại về tài sản, người chết… Những vùng nông thôn miền trung, khi lũ lụt đi qua, mỗi lần như vậy, số hộ người nghèo tăng lên.
Thế mà ở Nhật Bản, trận động đất kèm theo sóng thần hiển hiện trước mắt mọi người, cường độ tàn phá ngoài sức tưởng tượng, cả nước Nhật vẫn bình tĩnh. Chính phủ điều hành công việc một cách khoa học, phân nhiệm rõ ràng. Nhân dân không hốt hoảng, trật tự, có ý thức kỷ luật rất cao, họ nhường nhịn nhau từng mẩu bánh mỳ, tấm chăn. Không hề có nạn trộm cắp, hôi của. Cảnh sát, quân đội làm hết sức mình để cứu người, cứu của. Những người kỹ sư làm ở nhà máy điện hạt nhân cương quyết bám trụ để xử lý sự cố, cho dù phải hy sinh đến tính mạng.
Qua những bức ảnh của các phóng viên nước ngoài đang tác nghiệp ở Nhật Bản, nét mặt của người dân Nhật không hề biểu lộ sự thất vọng, chán nản mà là sự cam chịu, quyết tâm khôi phục lại những gì đã mất… Đã vậy, chúng ta hãy nhìn lượng thông tin khổng lồ, minh bạch, rõ ràng và trách nhiệm của những người đứng đầu chính phủ Nhật Bản luôn thông báo đến từng người dân, từng giờ một, từng ngày một. Tôi có cảm tưởng, những ngày này ở đất nước Nhật Bản, chính phủ với dân là một, gần như thống nhất từ suy nghĩ đến hành động.
Cũng chỉ là thu thập thông tin qua báo chí “lề phải” bên ta… Nhưng những chuyện tôi sơ điểm, qua trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản, chẳng lẽ đó biểu hiện “Mâu thuẫn gay gắt mang tính thời đại giữa giai cấp thống trị và giai cấp bị trị mà cho đến giờ CNTB không giải quyết nổi”. Rồi nữa, những việc tôi vừa kể ở Nhật Bản, là thể hiện: “Giai cấp thống trị ở các nước tư bản, chủ yếu đưa ra những chính sách mị dân, cuối cùng cũng chỉ nhằm vào mục đích ích kỷ của bọn chúng là làm giàu , củng cố quyền lực bằng các hình thức thống trị hà khắc, bỏ mặc cuộc sống đói khổ của người dân”. Hoặc giả đó là “CNTB thường che đậy bản chất phản động, đi ngược lại quyền lợi của người lao động được phủ dưới một lớp sơn dân chủ giả hiệu…” …v.v và v.v…
Qua những hình ảnh thực tế của việc khắc phục hậu quả sóng thần, động đất ở một nước tư bản lớn châu Á, những hình ảnh đó phản bác hết sức cụ thể của cái gọi là Chủ nghĩa Mác – Lê Nin định nghĩa về CNTB “đang giãy chết” như tôi nêu ở trên.
Những hình ảnh đó, chứng minh chỉ có một chính phủ được người dân bầu cử một cách thực sự dân chủ, chọn đúng người lãnh đạo, chính phủ đó sẽ điều hành một đất nước vững về kinh tế, ổn định về xã hội, có thể chống chọi đạt hiệu quả tốt với những sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên.
Điều này càng khẳng định, Chủ Nghĩa Tư Bản có sức sống hết sức thuyết phục, vững mạnh, ổn định hơn rất nhiều so với Chủ Nghĩa Xã Hội, một Chủ Nghĩa, một Xã Hội mà tôi cùng rất nhiều người đã và đang chứng kiến.
Trần Kỳ Trung
0 comments:
Post a Comment