Tác giả: Alison Pargeter. Phạm Hồng Sơn dịch từ nguồn OpenDemocracy.net
“…một khi tình hình được vãn hồi, an ninh được khôi phục, bất cứ ai cầm quyền sắp tới ở Libya cũng sẽ phải đối diện với những thách thức rất lớn gần như không thể vượt qua…”
Tâm sự của người dịch: Trên mạng gần đây đã có những cuộc tranh luận khá thẳng thắn và gay gắt về việc có nên kêu gọi người dân Việt nam làm “Cách mạng Hoa Nhài” hay không. Tôi tin rằng tất cả những người nói “nên” hay “không” một cách ôn hòa, lịch thiệp đều là những người thực sự cùng trăn trở cho vận mệnh bấp bênh của đất nước. Và chắc chắn các cuộc “Cách mạng Hoa Nhài” đang diễn ra ở Trung Đông và Bắc Phi đang làm cho nhiều người Việt phải day dứt và ghen tỵ. Vì những nhà độc tài ở đó chưa có ai dám dâng cả núi sông, biển đảo cho ngoại bang. Nhưng nếu “cách mạng” chỉ được hiểu là việc dân chúng đầy căm hờn nổi dậy để lật đổ một thể chế độc tài thì thật đáng thất vọng. Chả phải chế độ của Việt nam hiện nay không phải là kết quả của những cuộc nổi dậy rầm rộ của nhân dân trên khắp ba miền, của những đoàn người, tay dao, tay gậy, hầm hầm lao tới phá kho tàng hay chiếm đóng các trụ sở quan yếu, bắt giữ, hành quyết các viên chức của chính quyền đương thời (1945) đó sao?
Tại Lybia hiện nay, tình hình “Cách mạng Hoa Nhài” đang có những diễn tiến thuận lợi cho người nổi dậy chống lại chế độ độc tài của Gaddafi. Liên hợp quốc đã ra Nghị quyết 1973 để bảo vệ người nổi dậy, Liên quân gồm nhiều nước phương Tây đã mở các cuộc tấn công phá hủy các căn cứ quân sự của Gaddafi. Nhưng “Cách mạng Hoa Nhài” liệu có tỏa “mùi hương” dễ chịu cho người dân Libya không? Đó là những gì mà học giả Alison Pargeter trình bày trong bài viết gần đây có nhan đề: Libya: con đường gian nan phía trước (Libya: a hard road ahead). Khi đọc bài viết này người dịch có lúc đã tưởng rằng tác giả đang nhắn nhủ cho độc giả Việt nam. Đó là lý do chính để người dịch muốn chia sẻ với quí vị. Trân trọng giới thiệu:
——————————————————————–
Libya: con đường gian nan phía trước
Tháng Hai năm 2011: cuộc cách mạng nhân dân tại Libya vẫn tiếp tục vừa phải bảo vệ những vùng đã được giải phóng vừa phải chống lại những cuộc phản công từ lực lượng của Đại tá Gaddafi. Còn khi chính quyền vẫn đang cố lấy lại quyền kiểm soát các thành phố Misrata và Zawiya, ở phía đông và tây của thủ đô, thì những kẻ trung thành với Gaddafi vẫn đang cố bám vào quyền lực ngay tại Tripoli – thủ đô.
Trong tình hình bấp bênh như thế thì câu hỏi không thể tránh được sẽ là cái gì sẽ tiếp theo. Nhiều kịch bản khác nhau đã được nghĩ tới, từ chuyện quân đội sẽ nổi lên cướp quyền cho đến việc sẽ có chính phủ lâm thời do các cựu quan chức ly khai thành lập.
Nhưng không thể đoán chắc được chính xác, dù chỉ là một chút, là bên nào hay phe nào sẽ thắng thế. Việc lực lượng ly khai ở miền đông mới củng cố thêm được chút ít cho quyền lực của họ qua việc thành lập một hội đồng lãnh đạo lâm thời gồm các luật sư và nhiều chuyên gia (gồm cả cựu bộ trưởng tư pháp Mustafa Abdel Jalil) đang làm cho họ tiếp tục hy vọng sẽ giữ vai trò lãnh đạo trong quá trình chuyển tiếp sau này.
Nhưng Gaddafi và bộ xậu thân cận nhất vẫn đang nhất quyết giữ bằng được quyền lực. Lực lượng hạt nhân của chế độ, cũng như nhiều bộ tộc quan trọng vẫn còn trung thành với chế độ (bất chấp việc đã xảy ra nhiều vụ ly khai của các nhân vật quan trọng). Điều đó cho thấy Gaddafi sẽ bám trụ vào căn cứ quyền lực Tripoli. Nếu Gaddafi cứ chơi theo cách này thì sự bế tắc cả về chính trị và quân sự của Libya sẽ phải kéo dài là chắc chắn.
Tuy nhiên trong tình trạng bấp bênh này vẫn có một điều có thể đoan chắc là: một khi tình hình được vãn hồi, an ninh được khôi phục, bất cứ ai cầm quyền sắp tới ở Libya cũng sẽ phải đối diện với những thách thức rất lớn gần như không thể vượt qua.
Phép thử của chuyển đổi
Có thể Libya đang chìm vào vòng xoáy tranh giành quyền lực kéo dài, nhưng về lý thuyết đất nước này vẫn có khả năng làm một cuộc chuyển đổi quyền lực êm dịu hơn, từ độc tài sang một chế độ gần với dân chủ hiến định hơn một số quốc gia khác như là Ai-cập hay thậm chí cả Iraq.
Libya là một quốc gia khá thuần nhất về chủng tộc. Dù vẫn có một số dân tộc ít người như Tebu và Tuareg ở sa mạc phía nam hay nhóm người thiểu số Berber, nhưng các cộng đồng này không lớn và chưa bao giờ tỏ ra có ý muốn tự trị. Libya cũng thuần nhất về tôn giáo, với đa số dân theo dòng Al-Maliki của Hồi giáo Sunni.
Hơn nữa, Libya là nước có dân số nhỏ, khoảng 6 triệu, nhưng lại có tài nguyên giàu có là dầu lửa. Nhiều người Libya đã từng kêu ca rằng đất nước của họ nên phải giống như Dubai hơn là một quốc gia vỡ nát, bất ổn như Libya dưới sự cai trị của Gaddafi.
Nói một cách khác, nghĩa là Libya có thể sẽ phải chịu sự bất ổn, đổ vỡ nhiều hơn trong cuộc chuyển đổi quyền lực so với các quốc gia khác (cũng đang chuyển đổi). Dĩ nhiên, trở ngại lớn nhất cho sự chuyển đổi quyền lực của Libya là bản chất chế độ của Gaddafi – một chế độ đã làm cho sự phát triển của cả một quốc gia phải phụ thuộc vào tư tưởng và nhân cách kỳ cục của một lãnh tụ. Thực tế là suốt 42 năm qua Libya chỉ như là một vật dùng để thử nghiệm cho tư tưởng của Gaddafi – học thuyết “nhà nước của quần chúng” (Jamahiriyah). Đó là khái niệm do Gaddafi ấp ủ từ những lúc mới 20 tuổi và đến nay vẫn tiếp tục được theo đuổi.
Còn các trở ngại khác lại liên quan tới các vấn đề của lịch sử và địa thế lãnh thổ. Libya là một vùng đất rộng với hai trung tâm dân cư chính – Tripoli ở phía tây và Benghazi ở đông, nhưng bị ngăn cách bằng một sa mạc lớn. Sự chia cắt về địa lý này đã dẫn đến sự khác biệt về bản sắc giữa hai vùng, và là yếu tố làm cho Libya vẫn là một hệ thống có cấu trúc theo bộ tộc. Như vậy, sự hòa trộn giữa di sản của Gaddafi và các yếu tố sử địa của Libya sẽ khiến cho việc xây dựng một tương lai ổn định cho Libya là một phép thử đối với bốn vấn đề sau đây.
Khoảng trống định chế
Vấn đề đầu tiên là sự thiếu vắng gần như hoàn toàn các định chế chức năng (functionning institutions)[i] tại Libya. Quyền lực dưới thời Gaddafi đã bị cá nhân hóa cao độ. Những điều đó có nghĩa là: đằng sau bề mặt của một chính quyền có đầy đủ các bộ phận thường có thì toàn bộ quyền lực đều nằm trong tay của Gaddafi và những kẻ thân cận nhất (trước tiên là các thành viên trong gia đình và bộ tộc của Gaddafi). Lybia thậm chí không có lấy một đảng cầm quyền như RCD tại Tunisia hay NDP ở Ai-cập.
Các định chế chính thức của chính phủ cũng không có một chút thực quyền nào và chúng hoạt động chỉ hơn một chút những cỗ máy ngốn tiền. Các cơ quan đó – và nói rộng hơn là cả chế độ – chỉ dựa vào một nhóm rất ít người, những kẻ cứ vài năm chỉ phải hoán đổi quanh một số chức vụ. “Đạo đức” và sự thân thiết với lãnh tụ luôn là những thứ có uy quyền lớn hơn nhiều so với cấp bậc, chức vụ.
Gaddafi từ lâu đã thực hiện chính sách chia để trị nhằm đảm bảo không có một định chế nào có thể gây nguy hiểm cho sự thống trị của ông ta. Quân đội chỉ được giữ ở mức độ yếu, chia rẽ và còn bị tham nhũng phá hoại. Hệ thống tư pháp chỉ khá hơn tí chút. Các đảng chính trị, các phong trào đối lập, các nghiệp đoàn lao động hay bất kỳ một tổ chức xã hội dân sự độc lập đúng nghĩa nào – những cái có thể hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi – đều bị cấm hoàn toàn. Thậm chí ngay cả cộng đồng doanh nghiệp cũng bị trói chặt vào chế độ để đảm bảo không một sức mạnh kinh tế nào có thể thoát khỏi sự khống chế của nhà nước.
Có thể các định chế chức năng thực sự duy nhất ở Libya là Công ty Dầu khí Quốc gia (NOC) và các cơ quan an ninh, đặc biệt là các Phong trào Ủy ban Cách mạng, những tổ chức khét tiếng trong việc thâm nhập và theo rõi mọi bộ phận của xã hội. NOC sẽ tiếp tục giữ vai trò quan trọng cho tương lai của Libya vì dầu lửa chiếm tới 95% thu nhập từ xuất khẩu của Libya. Các cơ quan an ninh chắc sẽ không còn có vai trò gì đối với Lybia hậu Gaddafi nhưng lực lượng này cần phải được chú ý và thậm chí cần phải được sử dụng lại bằng một cách nào đó. Các hậu quả tồi tệ của việc loại bỏ ngay các cựu thành viên của đảng Bath khỏi tiến trình chính trị ở Iraq hậu Saddam Hussein là lời cảnh báo nghiêm khắc cho vấn đề này.
Do đó, bất kỳ một chính quyền mới nào cũng sẽ phải bắt đầu gần như từ con số không để tạo dựng các định chế chức năng quan trọng. Việc thiếu nhân lực có kinh nghiệm và có đào tạo cùng với sự yếu kém của hệ thống giáo dục cho thấy vấn đề nhân sự cần cho các định chế đó hình thành và vận hành hiệu quả sẽ không phải là việc dễ dàng. Libya đã quá trông cậy vào chuyên gia ngoại quốc và có lẽ chính vì thế đó cũng là lĩnh vực mà cộng đồng quốc tế sau này có thể có vị trí tốt nhất để trợ giúp quốc gia này tạo dựng một cơ sở hạ tầng đúng nghĩa.
Tập quán tham nhũng
Vấn đề thứ hai mà Libya hậu Gaddafi sẽ bị thử thách là khả năng đối phó với nạn tham nhũng – đã trở thành bệnh dịch phổ biến. Một cách khác mà Gaddafi vẫn dùng để đảm bảo sự trung thành với ông ta là tạo ra các mạng lưới bảo kê rộng lớn mà những quyền lợi vật chất sẽ làm cho chúng gắn bó với quyền lực của ông ta.
Cái giá của thủ đoạn này là làm cho tham nhũng trở thành tập quán hàng ngày. Hầu như tất cả mọi giao dịch dù lớn hay bé cũng đều bị nhúng chàm tham nhũng hết. Tình trạng đó đã khiến mọi cấp độ của chính quyền đều bị bó chặt trong nạn hối lộ và chủ nghĩa thân quen, nhờ vả. Kết quả đương nhiên là dân chúng rất căm phẫn. Vượt qua được những tập quán xấu xa này, và quan trọng hơn là thay đổi được lối nghĩ đã bị gắn chặt với chúng, sẽ đòi hỏi những nỗ lực lớn của bất cứ ai sẽ lên cầm quyền.
Mặc cảm bộ tộc
Vấn đề thứ ba mà chính quyền mới sẽ bị thử thách là việc phải đối phó với một Libya đã quen theo lối suy nghĩ riêng lẻ theo bộ tộc. Trước đây Gaddafi đã từng nhiều lần cố loại bỏ chủ nghĩa bộ tộc ra khỏi đất nước ngay sau khi ông ta nắm quyền vào năm 1969 nhưng đã sớm nhận thấy là không thể. Cuối cùng ông ta đã phải chọn cách dùng thủ đoạn để chi phối các cấu trúc xã hội có tính truyền thống đó bằng cách chơi con bài chia rẽ các bộ tộc để họ chống lẫn nhau và đảm bảo không có bộ tộc nào nắm được quá nhiều ảnh hưởng. Chính sách đó đã trở thành một trong những công cụ chính để ông ta duy trì chế độ.
Một khi mất đi chính sách kiềm chế bộ tộc của Gaddafi thì rất có thể các thủ lãnh bộ tộc sẽ có nhiều cơ hội hơn để tự khẳng định và họ sẽ cố để có nhiều quyền kiểm soát hơn trên lãnh địa của họ. Điều này đã bắt đầu xuất hiện ở phía đông rồi, nơi một số bộ tộc đã lên tiếng đe dọa cắt nguồn cung cấp dầu trừ khi Gaddafi phải rời bỏ quyền lực. Do đó bất kỳ một chính quyền mới mở rộng nào của Libya cũng cần phải tìm ra cách để quản lý và đón nhận các bộ tộc mà lại không bị trở thành con tin của họ.
Nhưng quá dựa vào các bộ tộc cũng khó có thể củng cố được sự đoàn kết dân tộc. Ông cựu bộ trưởng tư pháp có thể đã tuyên bố rằng tất cả mọi bộ tộc (kể cả bộ tộc của chính Gaddafi, là Gaddadhfa) cần phải được tham gia vào bất kỳ một chính phủ hay hội đồng lâm thời nào. Nhưng sự đối kháng lẫn nhau giữa họ, đã từng xảy ra trước cả thời Gaddafi, vẫn còn căng tới mức là có thể chỉ sau sự hân hoan của việc lật đổ được chế độ hiện nay (cứ cho là có thể xảy ra) qua đi là sẽ rất khó có thể để đạt được một sự đồng thuận, dù chỉ là tối thiểu.
Các bộ tộc lớn hiện vẫn còn trung thành với Gaddafi và đang có chiều hướng ly khai hàng loạt cũng có thể đang lo sợ bị gạt bỏ và chắc chắn sẽ quyết đấu để không bị lấy mất những đặc quyền đang có. Cùng với tình trạng rất nhiều vũ khí đang bị thả nổi thì vấn đề này lại càng không cho thấy điều gì tốt đẹp cả.
Vấn đề chia rẽ vùng miền
Thách thức thứ tư đối với một chính quyền mới là Libya có truyền thống chia rẽ giữa các địa phương.
Libya có 3 vùng chính: Tripolitania ở phía tây, Cyrenaica ở đông và Fezzan ở phía nam. Nhưng sự phân cách đông/tây là lớn nhất. Đó cũng đang là vấn đề đau đầu đối với Gaddafi, vì đồng thời những bộ tộc chính ở phía đông đã là những người đối kháng với Gaddafi rất lâu trước khi ông ta lên nắm quyền và phía đông hiện cũng đang là trung tâm của nổi dậy. Vùng phía đông, có tiếng là bảo thủ và hướng nội hơn, cũng là nơi cung cấp rất nhiều chiến binh cho lực lượng đối lập Hồi giáo của Libya-thành phần chính trong cuộc nổi dậy của những người Hồi giáo có vũ trang giữa những năm1990.
Sự chia rẽ vùng miền còn bị trầm trọng thêm do sự đối xử của chính quyền đối với các phần tử nổi dậy. Gaddafi đã sử dụng những cách tàn bạo nhất để gần như loại bỏ hẳn nhóm đối lập Hồi giáo vào cuối những năm 1990. Sau đó miền đông luôn bị duy trì trong sự kiểm soát an ninh gay gắt (gần như mọi gia đình ở miền đông đều bị theo rõi) và bị giữ trong tình trạng kém phát triển.
Gần đây, chính quyền đã có một số nỗ lực để giải quyết tình trạng mất cân bằng đầy đe dọa này. Saif al-Islam, con trai của Gaddafi, đã bắt đầu tỏ ra hết sức ra dịu dàng với miền đông và ngay sau những cuộc nổi dậy ở Ai-cập và Tunisia thì một con trai khác của Gaddafi là Saadi đã đến tận Benghazi để hứa hẹn sẽ có những kế hoạch phát triển cho vùng. Nhưng những gì xảy ra sau đó đã cho thấy những động tác như thế không có ý nghĩa gì khi sự tức giận và căm hờn của người dân đã dâng lên quá cao.
Ở bình diện sâu hơn thì vấn đề chia rẽ đông-tây không chỉ là sự đối kháng giữa chế độ và miền đông mà còn do chính giữa hai vùng với nhau. Bản sắc địa phương, vùng miền tại Libya luôn vượt cả trên bản sắc quốc gia.
Thêm nữa, việc cư dân ở Tripoli vẫn chưa nổi dậy cùng với những người ở miền đông cũng có thể vừa là một biểu hiện vừa là cái làm trầm trọng thêm cảm giác chia rẽ này. Sự lưỡng lự của một số người ở Tripoli có thể là kết quả của sự kìm kẹp quá chặt của chính quyền, nhưng cũng có thể là biểu hiện của việc vắng bóng nhu cầu thay đổi. Phản ứng của người dân ở Tripoli cũng có thể đang reo rắc thêm bất đồng lớn hơn cho hai miền đông và tây.
Nhưng dù thế nào thì thực sự là đang có một cảm giác rõ trong những người biểu tình ở miền đông là đó là cuộc cách mạng của họ. Do đó họ sẽ rất nóng lòng muốn lập lại cân bằng quyền lực đã bị mất trong suốt những năm do Gaddafi cai trị và để đạt tới một giải pháp chính trị chấm dứt tình trạng bị gạt bỏ của họ.
Thêm nữa, ngay cả khi những cư dân ở Tripoli có thể hài lòng khi thấy các cựu thành viên của chế độ Gaddafi được nắm quyền trong chính quyền mới thì nhiều người ở phía đông sẽ không chấp nhận những nhân vật đó – trong đó có những người đã tham gia vào các chiến dịch tàn bạo nhất chống lại miền đông. Mustafa Jalil có thể là một ngoại lệ, vì ông ta vừa có gốc miền đông và vừa có sự cách biệt với chính quyền mà ông đã phục vụ.
Do đó vẫn chưa thể rõ liệu người dân Libya – như một quốc gia- sẽ có khả năng vượt qua được các khác biệt sử địa này không. Nhưng sẽ khá khó khăn để người miền đông tự đạt được một đồng thuận nội bộ và đủ khó cho những nhóm phe phái khác, chưa kể các bộ tộc, có thể có được quyền lực như mong muốn. Những phe phái đó sẽ phải có cả các lực lượng Hồi giáo kiểu như tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo (của Ai-cập-ND), và các bộ phận cũ của Nhóm Chiến binh Hồi giáo Libya – nhóm đã bị chính quyền Gaddafi hóa giải và gần đây đã bị thuyết phục từ bỏ bạo lực để đổi lấy việc được ra khỏi tù.
Không thể bỏ qua các bộ phận này. Họ vẫn đang là một phần trong toàn cảnh chính trị tại miền đông từ nhiều thập niên qua và do việc vừa chấp nhận chiến lược đấu tranh bất bạo động nên có khả năng thu được một số thiện cảm của dân chúng.
Nhưng sẽ đặc biệt khó để đưa các lợi ích khác nhau này vào trong một khối thống nhất tại miền đông và làm cho chúng hòa thuận với những gì đang diễn ra tại Tripoli. Chính vì vậy mà nhiều người Libya đã đề xuất một giải pháp hình thành nhà nước kiểu liên bang cho Libya, dù dạng thức chính trị này cũng có một loạt những vấn đề khó của riêng nó.
Do đó, bất cứ ai lên nắm quyền tới đây cũng phải có những nỗ lực to lớn mới có thể hàn gắn được các vết thương chia rẽ, củng cố lại tinh thần đoàn kết và tinh thần quốc gia, những cái mà Gaddafi, cùng với cả cái tư tưởng cách mạng chống đế quốc của ông ta, đã không làm được. Dù cuộc đấu quyền lực trong nội bộ của Libya sẽ kết thúc như thế nào thì quốc gia này sau đó cũng phải đối mặt với những thách thức sống còn.
8/03/2011
(Về tác giả: Alison Pargeter là nữ chuyên gia phân tích chính trị về Trung Đông và Bắc Phi, chuyên về chính trị Hồi Giáo và xu hướng cực đoan hóa. Bà còn là nghiên cứu viên cao cấp thuộc khoa chính trị và nghiên cứu quốc tế của Đại học Cambridge.)
© Phạm Hồng Sơn (Bản tiếng Việt)
[i] Functioning institutions: ở đây dịch tạm sang tiếng Việt là các “định chế chức năng”. Theo cách sử dụng của một số học giả chính trị ở các nước Anh, Mỹ thì thuật ngữ đó nhằm chỉ những cấu trúc hữu hình hoặc vô hình trong xã hội. Hữu hình như các cơ quan lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ), các tổ chức nghiên cứu, trường đại học, thậm chí là cả công ty nhưng phải hoạt động một cách độc lập theo đúng chức năng, nhiệm vụ đã định. Vô hình là các tập quán có tính phổ biến và ổn định trong xã hội nhằm duy trì một lợi ích công cộng và tập thể hơn là cá nhân, ví dụ như tập quán đã làm việc cho các cơ quan nhà nước thì phải đặt lợi ích của xã hội và quốc gia lên trên lợi ích của đảng phái tổ chức hoặc tập quán độc lập, khách quan của nghành báo chí, truyền thông. (ND)
0 comments:
Post a Comment