Monday, March 21, 2011

Lòng tự trọng và sự xót thương

Tôi nghĩ không thể dạy cho học sinh Việt Nam khi mà chính những bậc cha chú của chúng làm ngược lại quá xa tính chất trong sáng và tinh khiết đó. Bên ngoài xã hội người ta còn dành nhau từng chỗ xếp hàng để vào xem hát chứ nói chi đến việc nhường nhau khi lãnh đồ cứu trợ? Tai ương của nước Nhật lại là bài học cay đắng cho khối người. Ôi, nói như vậy liệu có xúc phạm đến đất nước này không?…

*

Động đất, sóng thần, nổ nhà máy điện hạt nhân….còn gì kinh khủng hơn nữa để trút lên đầu người dân Nhật hay không?

Trước những tai ương mà dân chúng Nhật đang quằn mình chịu đựng người dân Việt Nam nghe tin chính phủ gửi 200 ngàn đô la trợ giúp cho nhân dân Nhật với đôi chút ngỡ ngàng. Số tiền như muối bỏ biển không nói lên được một chút gì so với niềm đau và thiệt hại kinh khủng của đất nước và con người Nhật.

Bằng số tiền đó nếu trang bị cho 200 thanh niên tình nguyện Việt Nam sang giúp người dân Nhật thì may ra tấm lòng của chúng ta đối với người bạn Nhật sẽ ý nghĩa hơn chăng?

Bên căn nhà đổ nát bộn bề đó, các ngài chuyên gia kinh tế thay nhau than thở rằng sau biến cố này chắc đồng vốn ODA sẽ chậm giải ngân và như vậy là khó khăn vĩ mô sẽ chất chồng!

Ôi lời lẽ của những con buôn!

Rồi một “ngôi sao” chút xíu nhận vương miện hoa hậu tuyên bố: Nước Nhật bị như vậy là do quả báo! Ôi đất nước tôi, người lớn thì ác tâm trách sao không sản sinh ra một thế hệ ác khẩu như vậy?

Những dòng tít lớn trên trang nhất của báo chí nước ngoài mà mình thấy trên net làm cho lương tâm con người rúng động. Là một phụ nữ, trái tim dễ bị lay chuyển trước những bất hạnh của người khác, mình cảm nhận được nỗi kinh hoàng cộng với niềm đau tột cùng của người dân Nhật như thế nào.

Thế giới hết sức ca tụng tính tự trọng của người dân Nhật và đã có nhiều câu chuyện được xem là kỳ tích đang xảy ra trên những vuông đất buồn thảm đó.

Câu chuyện về một cậu bé 9 tuổi, mất hết cha mẹ lẫn người thân đứng xếp hàng lãnh phần lương thực ít ỏi của mình trong cái lạnh giá của mùa đông xứ Nhật, và sau đó bỏ phần lương thực ấy vào thùng dành cho người khác cần hơn mặc dù cháu đang trong tình trạng đói khát và bơ vơ trước một tương lai ảm đạm.

Ông Hà MinhThành, người cảnh sát Nhật gốc Việt đã rơi nước mắt khi kể lại chuyện này do chính ông chứng kiến và câu chuyện như một làn sóng tràn vào Việt Nam gây biết bao là phản ứng. Tất cả đều thương cho cháu bé và người ta tỏ ra ân hận vì trong một lúc nào đó mình đã đối xử không tốt đối với đồng bào mình.

Tuy nhiên có một việc làm tôi chú ý.

Một vị bác sĩ ngay lập tức viết thư cho ông Hà Minh Thành đề nghị ông Thành giúp cho ông nhận cháu bé về Việt Nam để nuôi cháu. Ông bác sĩ viết:

“Tôi thì không giàu, làm việc lớn hơn thì ngoài khả năng của mình. Nhưng để nuôi một đứa trẻ có lòng tự trọng như cháu bé 9 tuổi mà anh đã viết thì tôi sẵn sàng nuôi dạy cháu nên người, với tất cả những gì tôi có thể làm được.

Nếu có thể, anh giúp tôi tìm cháu và hỏi ý kiến cháu có đồng ý ở Việt nam và chịu làm con nuôi của tôi không? Tôi sẽ liên hệ với anh nhờ làm thủ tục nhận cháu về làm con nuôi được không anh?

Biết rằng việc tôi nhờ anh là việc khó khăn. Nhưng dù được hay không được, tôi cũng xin gửi đến anh ở đây một lòng biết ơn sâu sắc về thư anh viết, mà báo Dân Trí đã đăng. Đất nước mình đang rất cần những hình ảnh hiện thực và có tính giáo dục cao về nhân sinh quan và thế giới quan như cháu bé trong bài viết.

Sao tôi cứ ngẩn ngơ khi đọc mấy dòng này. Có cái gì đó không ổn mà tôi chưa kịp nghĩ ra chăng?

Suốt cả buổi sáng tôi cứ vẩn vơ nghĩ …. à, nuôi một cháu bé người Nhật thì có gì không ổn? Chẳng qua nó cũng chỉ là một đứa bé mà thôi!

Bất giác tôi phát hiện ra tính chất không ổn ở đây là lòng tự trọng của cháu bé và sự thương người của ông bác sĩ.

Chính sự nhường lại phần ăn trong lúc mình đang đói và mất cả gia đình làm câu chuyện của cháu bé trở thành điển hình. Với một tư cách được xem là phi thường như vậy thử hỏi cháu có cần một người ở tận một phương trời nào đó rũ lòng thương muốn đem cháu về nuôi hay không?

Sự nhanh nhẩu của ông bác sĩ có thể giải thích được. Lòng thương xót đôi khi làm lu mờ tính chất khác quan trọng hơn nhiều đối với nỗi mất mát và đau khổ của một cháu bé. Trong câu chuyện, nhân vật 9 tuổi này không rơi một giọt nước mắt cho những mất mát của riêng mình. Em rung động trước nỗi đau của người khác và chính sự cảm nghiệm tột cùng của hai chữ nhân đạo này đã làm hàng triệu người biết chuyện của em trở nên nhân ái hơn.

Em là ngôi sao tình thương tỏa những vệt sáng yếu đuối trên bầu trời sầu thảm của nước Nhật hôm nay. Thế nhưng cái ánh sáng huyền diệu này sẽ vĩnh viễn nằm trên bầu trời của quê hương cháu và thế giới sẽ lấy nó làm gương soi cho tính thiện của mình.

Một nghĩa cử cao cả. Một tư cách lồng lộng như vậy liệu ngôi nhà nào của ông bác sĩ Việt Nam có thể chứa được nó?

Hơn nữa khi đưa đề nghị này ra, vị bác sĩ có lẽ quên một điều rằng nước Nhật còn hơn 130 triệu người sẵn sàng hãnh diện đón cháu về với gia đình mình. Họ nói tiếng Nhật với nhau và nhất là họ có lòng tự trọng như nhau.

Từ những tương quan này, tôi nhận ra rằng lòng thương xót mà vị bác sĩ đưa ra cho cháu thật không tương xứng với tư cách cao vời vợi của cháu. Tôi tưởng tượng khi nghe lời đề nghị này, cháu cũng sẽ lẳng lặng mang nó bỏ vào một thùng từ thiện nào đó với lời cám ơn hết sức dịu dàng.

Ông bác sĩ cũng viết theo sau bức thư:

“Đất nước mình đang rất cần những hình ảnh hiện thực và có tính giáo dục cao về nhân sinh quan và thế giới quan như cháu bé trong bài viết.

Nghe sao rất giống một trang báo lề phải mặc dù tôi tin rằng ông không cố ý tuyên truyền.

Đứng lớp nhiều năm tôi biết học trò của tôi đa số đều hiền lành và nhất là biết thương người. Tuy nhiên sự thiếu thốn làm cho chúng chai dần với những nghĩa cử có tính cách dữ dội như của cháu bé trong câu chuyện. Những hình ảnh mà vị bác sĩ nói là “hiện thực” tôi nghĩ không thể dạy cho học sinh Việt Nam khi mà chính những bậc cha chú của chúng làm ngược lại quá xa tính chất trong sáng và tinh khiết đó. Bên ngoài xã hội người ta còn dành nhau từng chỗ xếp hàng để vào xem hát chứ nói chi đến việc nhường nhau khi lãnh đồ cứu trợ?

Tai ương của nước Nhật lại là bài học cay đắng cho khối người. Ôi, nói như vậy liệu có xúc phạm đến đất nước này không?

Cánh Cò

http://www.rfavietnam.com/node/483

0 comments:

Powered By Blogger