Cuộc nổi dậy tại Libya nổ ra từ Benghazi hôm 15/02/11, nhưng ít người biết được cuộc cách mạng của người dân Libya vùng lên đòi lật đổ chế độ Kadhafi lại khởi phát từ vụ cảnh sát bắt giam Fathi Tirbil, một luật sư quả cảm luôn đứng về phía những người dân oan, đòi công lý và sự thật. Đặc phái viên của báo Le Monde tại Libya đã trở lại với vị luật sư, người đã trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh của người dân Libya. Le Monde gọi ông là « người làm nên mùa xuân » Libya.
Tác giả bài báo kể lại, tất cả bắt đầu vào buổi chiều ngày 15 tháng hai vừa qua khi mà 23 nhân viên có vũ trang của lực lượng an ninh Libya ập đến nhà bắt vị luật sư Fathi Tirbil, 38 tuổi tại Benghazi. Trong vòng 18 tiếng đồng hồ sau đó, một số các đồng nghiệp và những nhà họat động nhân quyền biết tin đã kéo đến trụ sở cảnh sát, đòi phải giải thích về sự việc bắt giữ Fathi Tirbil.
Tiếp sau đó hàng trăm người dân khác cũng đổ về trước nơi giam giữ biểu thị tình đoàn kết với vị luật sư vì dân của mình. Họ đâu có biết rằng chính sự kiện Fathi Tirbil đó đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy lớn thứ ba ở Bắc Phi sau Ai Cập và Tunisia.
Với người dân ở Benghazi thì Fathi Tirbil là một trong những gương mặt hàng đầu của cuộc cách mạng tại Libya. Mặc dù còn trẻ tuổi, nhưng từ nhiều năm qua luật sư Fathi Tirbil dành hết tâm huyết làm việc với một trong những hồ sơ nhạy cảm nhất của đất nước này. Đó là đi tìm sự thật, bảo vệ cho gia đình các nạn nhân của những người bị mất tích trong nhà tù Abou Salim ở Tripoli, nơi mà ngày 29 tháng 6 năm 1995, 1270 tù nhân, mà phần đông là tù chính trị, bị quân đội của chính quyền tàn sát trong vòng bốn tiếng đồng hồ. Lý do chỉ vì họ đòi cải thiện điều kiện giam giữ và quyền được chăm sóc thăm thân.
Không một thi thể người bị chết nào được trao lại cho gia đình. Không một ai bị buộc tội vì vụ thảm sát này. Gia đình các nạn nhân vẫn ngậm ngùi chịu nỗi bất công nghiệt ngã này trong nỗi sợ hãi cho đến khi luật sư Tirbil dám đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ.
Theo bài báo, chính vì kiếm chuyện trấn áp luật sự này nên Mouammar Kadhafi đã mở lại vết thương khơi dậy nỗi đau của những người dân oan bị chính quyền đè nén từ quá lâu nay.
Gặp gỡ với vị luật sư, tác giả bài viết nhận thấy ở anh một con người có lý tưởng, một người bình dị nuôi dưỡng bên trong một niềm khát khao vì công lý. Fathi Tirbil đã từng 5 lần bị cảnh sát Libya bắt và đánh đập. Anh suy nghĩ, cách duy nhất để đối mặt với chế độ độc tài này là bằng luật pháp.
Luật sư Tirbil bắt đầu tập hợp hồ sơ những tù nhân mất tích và theo đuổi vụ kiện chính quyền từ năm 2008 cho đến cái ngày 15 tháng 2 vừa qua thì bị bắt như trên đã đề cập đến.
Nhưng lần này, qua mạng Facebook, người dân đã kêu gọi tập hợp biểu tình toàn quốc. Chính quyền lo ngại và nghi ngờ anh là người xúi dục dân chúng, nên đã yêu cầu luật sư đứng ra kêu gọi dân chúng ngừng biểu tình. Đe dọa không thành và bị sức ép cuối cùng cảnh sát đành thả Fathi Tirbil vào ngày 16 tháng 2.
Ngày hôm sau đó phong trào bắt đầu lan rộng ra khắp cả nước Libya và kéo dài cho đến nay. Tác giả bài báo kết luận, Fathi Tirbil là người đã mở ra con đường mà theo đó phẩm giá của con người được trỗi dậy mạnh mẽ hơn là nỗi sợ hãi.
0 comments:
Post a Comment