Thursday, March 10, 2011

Bức tranh u ám của truyền thông Việt Nam

Bridget O’Flaherty, The Diplomat (Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ) - Gần đây nhất là trường hợp của Tổng Biên tập VietnamNet Nguyễn Anh Tuấn. Căn cứ theo nguồn tin đã yêu cầu giấu tên, việc ông bị cách chức thì không có gì bất ngờ. Việc ông bị loại bỏ, được cho là để nhận một chức vụ “ít phiền toái hơn” trong chính quyền, được biết là đã nằm trong kế hoạch từ năm ngoái…

Những sự kiện trong vài tuần lễ qua đã chiếu một luồng sáng không đẹp đẽ mấy lên tự do báo chí ở Việt Nam. Vào cuối tháng Giêng, một nhà báo của tờ Người Lao Động ở miền nam Việt Nam qua đời sau khi bị châm xăng và đốt. Cuối tháng trước, một điều luật báo chí bắt đầu có hiệu lực, trong đó xử phạt đối với những nhà báo với những vi phạm được giải thích một cách mơ hồ, và bắt buộc họ phải tiết lộ danh tính của nguồn tin. Và chỉ vài hôm trước, vị tổng biên tập của một tờ báo mạng mạnh dạn (ít nhất là ở Việt Nam) VietnamNet đã “từ chức” trong một hoàn cảnh khó hiểu, ông không cho biết nguyên nhân dẫn đến quyết định của mình.

Những người Việt lưu vong thường đăng tải tin tức về quê hương thứ hai của mình trên tài khoản Facebook của họ, và bất chấp những cấm đoán, tin tức đã nhanh chóng lan truyền về việc Lê Hoàng Hùng đã bị kẻ lạ đột nhập và đốt cháy khi đang ngủ. Trong cuốn sách kinh điển Một Người Mỹ Trầm Lặng về cuộc Chiến Đông dương Lần 1, Graham Greene đã chế diễu những phóng viên Hoa Kỳ về tính “hoài nghi trẻ con” của họ. Giờ đây, dường như hầu hết mọi người đều là kẻ hoài nghi.

“Tôi không chắc tin này sẽ được đăng trên truyền thông trong nước,” một người viết ý kiến trên mạng, nó cũng là quan điểm của nhiều người khác. Những người ngoại quốc tại Việt Nam thường xem tất cả dạng truyền thông trong nước đều là tuyên truyền. Nhưng trong khi các trang nhất của tờ báo tiếng Anh Vietnam News có thể có khuynh hướng đăng những chủ đề về quan hệ chặt chẽ giữa Việt Nam và, chẳng hạn như Burkina Faso, thực tế rằng có nhiều người vẫn tin rằng một phóng viên người Việt bị giết chết vì những điều tra của mình cho thấy bức tranh thực sự phức tạp hơn nhiều.

Ngay sau khi tin Hùng bị tấn công được đăng, các tổ chức quốc tế đã đưa ra lời kêu gọi phải điều tra đầy đủ sự việc, trong khi những người khác lưu ý về thành tích điều tra đầy gan dạ của ông trong việc khám phá những vụ tham nhũng. Tuy nhiên, trường hợp này lại có thêm những tình tiết hơn ban đầu. Vợ Hùng thú nhận đã thiêu chết chồng như là một trả thù quá trớn sau khi ông từ chối bán căn nhà để trả món nợ vì thua bài ở Cambodia của bà.

“Hầu hết những người cung cấp tin cho tôi đều nghi ngờ vụ tấn công này là sự trả thù đối với hoạt động báo chí của ông, ngay cả trước khi vợ ông ra đầu thú,” Geoffery Cain, một nhà nghiên cứu thuộc học viện Fulbright và một nhà phân tích truyền thông. “Hùng không phải là một nhân vật lớn trong ngành truyền thông Việt Nam, và cũng không phải là đối tượng để bị nhắm vào một cách nổi bật như thế… trả thù một cách dã man đối với nhà báo chưa từng xảy ra tại Việt Nam.”

Tuy nhiên, trong khi nghi vấn trả thù không thường là nguyên nhân, Việt Nam vẫn có những hạn chế quan trọng về tự do báo chí. Ví dụ như tổ chức Phóng viên Không Biên giới đã xếp nước này ở hạng 165 trên 178 quốc gia – trên Bắc Hàn nhưng lại dưới Libya.

Nhưng còn nhiều điều trong truyền thông Việt Nam hơn là chỉ duy nhất việc nhà nước độc quyền truyền bá thông tin. Mặc dù tất cả các phương tiện truyền thông đều do chính quyền sở hữu vì thế cũng do chính quyền quản lý, nhưng có những tờ báo lại do các cơ quan nhà nước khác nhau sở hữu.

Nhưng Catherine Mckinley, một phóng viên của Down Jones tại Hà Nội, đã chỉ ra trong một bài nghiên cứu mang tên Liệu Truyền Thông Nhà Nước Có Thể Theo Dõi Tham Nhũng Một Cách Hiệu Quả?, các tờ báo tại Thành phố Hồ Chí Minh – cách xa guồng máy cai trị của đảng tại thủ đô – thường có đầy những tường thuật điều tra mạnh mẽ và ít tuyên truyền hơn. Thật thế, tờ Thanh NiênTuổi Trẻ (cả hai đều do các tổ chức thanh niên gần gũi với Đảng Cộng sản) thường chứa đựng những bài phóng sự điều tra xuyên suốt về những vấn đề môi trường – và đôi khi có cả tham nhũng.

Thật thế, McKinley đã cho thấy rằng chính quyền, nhận thức được tham nhũng là một trong những vấn nạn lớn nhất phải đối diện, đã công khai kêu gọi báo chí theo đuổi những câu chuyện về tham nhũng.

Tuy nhiên, một lần nữa, bức tranh lại rất u ám. Trong năm 2008, hai nhà báo điều tra vụ tham nhũng ở Bộ Giao thông đã bị bắt vì tội “lạm dụng quyền hạn” sau khi tường thuật vụ tham nhũng tại PMU18, trong đó hàng triệu đô la tiền viện trợ được cho là đã được dùng để đánh cược bóng đá bởi các quan chức Đảng.

Thực tế là mặc dù chính quyền có thể cảm thấy thoải mái với những trường hợp nhỏ liên quan đến các quan chức địa phương bị điều tra – có vô số báo chí tường thuật những câu chuyện này, và nhà báo Hùng là người kỳ cựu trong những vấn đề này tại vùng Châu thổ Mê Kông – nhưng những vụ án nghiêm trọng lại là một vấn đề khác.

Và đương nhiên, chính quyền có thể vẫn nhanh chóng đưa ra một lệnh cấm tường thuật bất kỳ chủ đề nào mình muốn. Năm ngoái, trong dịp kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, một kho pháo khổng lồ dự định dùng cho đêm bế mạc kỳ lễ 10 ngày đã bất ngờ bị nổ tung, giết chết bốn người. Một ngày hội thả diều đang diễn ra trong cùng lúc gần sân vận động Mỹ Đình, có nghĩa là giới nhà báo đã nhanh chóng đăng tin trên các trang mạng của mình. (Một cột khói khổng lồ dâng cao trên thành phố là bằng chứng.)

Tuy nhiên chỉ trong vài giờ sau khi bản tin được đăng tải, nó đã bị kéo xuống trên hầu hết các trang mạng tin tức; chỉ có các trang Twitter, Facebook và những trang blog truyền tải thông tin hoặc đoạn phim về sự kiện này. Các trang báo giấy sau đó đã chạy một phiên bản được sửa chữa của câu chuyện và Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn chú trọng vào “nét đáng yêu” của những chiếc diều thay vì đám khói đang cuộn quanh chúng. Bàn tay của chính quyền tuy vô hình nhưng cũng rất rõ ràng.

Gần đây nhất là trường hợp của Tổng Biên tập VietnamNet Nguyễn Anh Tuấn. Căn cứ theo nguồn tin đã yêu cầu giấu tên, việc ông bị cách chức thì không có gì bất ngờ. Việc ông bị loại bỏ, được cho là để nhận một chức vụ “ít phiền toái hơn” trong chính quyền, được biết là đã nằm trong kế hoạch từ năm ngoái, chủ yếu là vì tờ báo đã tường thuật những vấn đề nhạy cảm như vụ khai thác mỏ bauxite ở Tây Nguyên, sự sụp đổ của công ty đóng tàu nhà nước Vinashin, những tường thuật về Trung Quốc và – có thể là nguyên nhân quan trọng nhất – việc liên tục kêu gọi tính minh bạch và dân chủ hơn trong nội bộ Đảng Cộng sản.

Nếu điều này là đúng, nó cũng nằm chung trong hoạt động thường thấy là chuyển các tổng biên tập vào các chức vụ cấp bộ mờ nhạt và bổ nhiệm các quan chức chính quyền thay vì các nhà báo chuyên nghiệp vào các chức vụ quan trọng trong ngành truyền thông.

“Tuấn là một người có tài, có tầm nhìn, nhưng không có tiếng tăm rộng rãi,” một cựu đồng nghiệp yêu cầu giấu tên cho biết. “Không phải chỉ vì việc ông sẵn sàng thúc đẩy cải cách với những bài viết kêu gọi đảng và nhà nước cởi mở hơn. Tính hào nhoáng của ông chắc chắn đã gây khó chịu đối với nhiều kẻ đang ngồi trên đỉnh cao của cái hệ thống vốn xám xịt triền miên.”

Và giờ đây, các nhà báo lại đối phó với một điều luật báo chí mới đầy mơ hồ cũng từ những kẻ đang ngồi trên đỉnh cao ấy. Sắc lệnh Số 2 đã có hiệu lực vào cuối tháng Hai, nhưng đã được báo cáo trên báo chí trong nước vào tháng Giêng.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, trong một thông cáo báo chí ngày 24 tháng Hai, đã gọi đây là “một cú tấn công mạnh hơn nữa vào quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam” và chỉ trích điều luật này là qui định “vô cùng mơ hồ và bao trùm”, bao gồm việc cho phép xử phạt những phóng viên và tờ báo của họ từ 50 đến 2000 đô la.

Căn cứ theo điều luật mới, các nhà báo phải luôn đưa ra danh tính người cung cấp thông tin, trong khi hàng loạt các cơ quan chính phủ hiện đang có quyền điều tra và trừng phạt các vi phạm. Điều này, theo tổ chức Theo dõi Nhân quyền, đặc biệt là một ý tưởng tồi tệ trong một đất nước mà tham nhũng đang làm một “nạn dịch.” Nó cũng có thể tạo qui định đầy khó hiểu, vì tính chất hỗn loạn trong việc phối hợp giữa các cơ quan cũng như hệ thống nhà nước Việt Nam đầy quan liêu, chậm chạm và thiếu tổ chức.

Nhưng cũng có một điểm sáng. Theo một nhà báo trò chuyện ngoài lề cho biết, điều luật này cũng bao gồm qui định trừng phạt các cơ quan chính quyền nào không chịu hỗ trợ những yêu cầu thông tin của giới truyền thông. Điều này có thể mang lại hệ quả thật sự trong một đất nước nơi các quan chức chính quyền thường không muốn trả lời với nhà báo, hoặc là vì họ không biết được mình có được phép hay không, vì họ sợ có vẻ thiếu hiểu biết, hoặc chỉ vì họ không thích bị quấy rầy.

Chính quyền sở hữu, can thiệp, đàn áp và bắt giữ rõ ràng là những đặc điểm của truyền thông Việt Nam. Nhưng mối quan hệ phức tạp giữa giới nhà báo và chính quyền còn cho thấy nó không chỉ là vấn đề tuyên truyền.

xcafe-vn

http://www.x-cafevn.org/node/1945

0 comments:

Powered By Blogger