Friday, January 13, 2012

Độc ác và thú tính

Con người, theo quan điểm của phương Đông bao gồm hai mặt: thiện và ác. Phương Tây lại khác, chia làm ba: bản năng (id), bản ngã (ego) và siêu bản ngã (superego). Cho dù Đông hay Tây, các hiền triết, học giả vẫn chung mục đích, đó là tìm và lý giải tính năng và sự khác biệt của con người, sinh vật sống có suy nghĩ và con vật, sinh vật sống chỉ hành động theo bản năng. Sự chuyển hóa hành vi ứng xử của con người, nhân tính sang hành động của thú vật, thú tình vẫn chưa được giải thích cụ thể và nhân loại chỉ có biện pháp để ngăn ngừa sự thóai hóa của con người từ nhân tính sang thú tính. Chỉ là biện pháp nên nhiều khi trở nên vô hiệu trước sự tàn bạo, độc ác của con người, ác có thể được cảm hóa thành thiện, nhưng thú tính vẫn mãi là tính hoang dã ác độc của súc vật không có khả năng cảm hóa hay hồi cải.

Thế kỷ 20 được mệnh danh là “thế kỷ giết người hàng loạt”. Liên Xô dưới triều đại Stalin tàn sát khoảng 20 triệu người. Tại Trung Quốc dưới triều đại Mao Trạch Đông giết hơn 30 triệu người. Cam Pu Chia dưới tay Khơ Me Đỏ, giết khoảng 1,7 triệu người. Rồi đến Việt Nam dưới triều đại Hồ Chí Minh giết khoảng 500.000 người trong chiến dịch “cải cách ruộng đất” và thảm sát khoảng 7000 người tại Huế vào tết Mậu Thân 1968. Dù giết người ít hơn (!) nhưng chính quyền Hồ Chí Mình nổi trội hơn các chính quyền cộng sản khác nhờ vào khả năng bán nước, điều mà các nước cộng sản anh em không dám làm.

Những tội phạm quốc tế như Hitler cũng chỉ tàn sát người Do Thái, không giết dân Đức, như bộ tộc Hutu hủy diệt bộ tộc Tutsi tại Rwanda, vùng Trung Phi Châu. Tội ác của các chính quyền cộng sản lại càng kinh khủng hơn, giết chính dân tộc mình! Trong tác phẩm “Một ngày dài hơn thế kỷ” [1], Aimatov đã mô tả dân du mục vùng Trung Á dùng miếng da lạc đà đắp lên đầu tù binh, đem phơi nắng, miếng da khô lại sẽ siết chặt bộ não, không gây chết tù nhân nhưng đủ sức tẩy não và biến tù nhân thành thú vật mang lốt người, “mankurt”. Chính vì vậy người con trai giết mẹ mình chỉ vì không bao giờ nhận ra mẹ là ai, đối với anh ta khái niệm nhân tính không còn trong ký ức. Trong anh chỉ có thực thể hiện tại nông cạn của bản năng loài vật: sống, ăn và làm theo lệnh chủ.

Để thực hiện sự diệt chủng, những tên đồ tể khát máu kiềm hãm đất nuớc trong chế độ độc tài và duy trì hệ thống quyền lực tuyệt đối. Chúng xây dựng một bô máy tuyên truyền và dùng hệ thống giáo dục để tẩy não, nhồi sọ nhân dân và dụ dỗ, hứa hẹn người dân vào những ảo ảnh hoang tưởng đó là thiên đường xã hội chủ nghĩa. Nhờ vào quyền lực tuyệt đối vá chính sách ngu dân, khi chính quyền muốn giết ai chỉ cần tạo ra hình tượng đó là kẻ thù cần phải tiêu diệt thì người dân khi bị nhồi sọ và chuyển hóa thành độc ác thì sẽ đồng loạt a dua và rắp tâm thực hiện không cần phải suy nghĩ.

Chính quyền cộng sản Việt Nam đã đi xa hơn dân du mục vùng Trung Á, họ dùng chính sách tuyên truyền và giáo dục ngu dân, nhồi sọ để hủy hoại đầu óc người dân. Sự độc ác đầy thú tính thể hiện rõ nét trong sự cuồng loạn mê muội của người dân miền Bắc trong chiến dịch “cải cách ruộng đất” 1953-1956, sự khát máu điên khùng của những người theo cộng sản tại Huế 1968, và cảnh tương tàn của nhân dân miền Nam trong giai đoạn tịch thu đất đai ép dân vào hợp tác xã, đánh đổ tư sản.

Giáo dục theo hệ thống tuyên truyền đã bôi bác, bóp méo hình tượng của quan lại, trí thức, phú nông trong xã hội thành kẻ tham lam tàn ác, bủn xỉn và ngu dốt. Không biết rằng sự học của những ông tú, ông cử chưa nói đến ông nghè, phải có đầu óc thông minh nhất đinh mới đạt được mức độ học thuật vào thời điểm bấy giờ. Làm quan lại, nhưng họ sống rất thanh bạch và giản dị của kẻ sĩ. Trong hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê kể lại lời ngưới bác, “Bác đã vào thăm nhà thờ họ Lê ở Thanh Mai. Nghĩ cảnh thanh bạch của cổ nhân mà đáng phục. Ông Lê Anh Tuấn làm Tham tụng (như tể tướng) mà rất nghèo, suốt đời ki cóp, cất được mỗi ngôi nhà ngói, hiện nay dùng làm nhà thờ họ Lê. Nhà đó chỉ nhỏ bằng nửa nhà mình. Cụ Cúc Hiên (tức Lê Đình Duyên), thầy học của ông nội, cũng đậu tiến sĩ, làm đến chức Tư nghiệp Quốc tử giám mà cũng nghèo như vậy… .Đức giản dị, thanh bạch của cổ nhân, chúng ta đã đánh mất đi nhiều rồi.” [2]. Nó mất đi nhiều rồi ở thời kỳ ông Nguyễn Hiến Lê, nhưng nó đã mất hết trong thời kỳ tiến lên chủ nghĩa xã hội hoang tưởng của Việt Nam.

Trái lại, hệ thống giáo dục nhồi sọ, tạo ra tầng lớp quan chức phục vụ chế độ chứ không phục vụ quốc gia, cố gắng tô vẽ nên hình tượng của tên du côn với tính khí chất phác, hiền lành, thông minh, nhưng thực tế thì dốt nát, học không ra chữ và mang đậm tính chất ti tiện tiểu nông. Nền giáo dục què quặt chỉ đào tạo ra những kỹ sư “cu tèo” và những cử nhân “cái hĩm” chỉ biết nói dóc và phục tùng chính quyền mà không hề biết bày tỏ ý kiến hoặc suy nghĩ nhân bản. Sự ưu đãi và khuyến khích tầng lớp du côn trong xã hội, không cần học, chỉ cần truyền ngôi kế thừa từ cha đến con đã tạo nên đám quan chức, cường hào trong xã hội với nhân cách đã chuyển hóa mang đầy thú tính. Chính tầng lớp quan chức và đám trọc phú cơ hội chủ nghĩa này lại hoang tưởng mang đất nước đi lên xã hội chủ nghĩa trá hình, thực chất duy trì tính chất tư bản hoang dã, sống trên xương máu nhân dân.

Để duy trì sự tồn tại của mình, chính quyền cộng sản Việt Nam không còn cách nào khác là bám dựa vào tay kẻ khác và nuôi dưỡng, dung túng côn đồ để bắt nạt, ức hiếp người dân. Hiện tượng cắt đất đai của tổ quốc bán ăn dần không còn là điều xa lạ. Càng không lạ khi các quan chức chính quyền vì dốt nát, tham nhũng không đủ sức trả lời những câu hỏi đơn giản của người dân, kể cả những câu chữ pháp luật mà chính họ cố công đặt ra để bảo vệ cho chính quyền. Tính chính thống của một chính quyền trở nên lố bịch khi cấm người dân biểu tình bằng văn bản không người ký! Sự dã man, thú tính của chính quyền khi dùng hơn 100 công an chìm nổi để trấn áp gia đình ông Hùynh Ngọc Tuấn tại Tam Kỳ, Quảng Nam hay là dùng một lực lượng công an hùng hậu để cướp đất gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Tiên Lãng, Hải Phòng, chỉ vì chính quyền bất lực trước những yêu cầu hợp pháp và hợp lý của người dân.

Khi con người không còn nhân tính thì mọi hành vi để che đậy bản chất tàn ác đều được tận dụng. Phật là hình tượng dể bị lợi dụng. Ai nói người cộng sản vô thần? Hãy đến các cơ quan từ sở ban ngành của Việt Nam vào ngày rằm, mùng một, sẽ bắt gặp người trưởng cơ quan xì xụp cúng vái cầu khẩn, và sau đó ngừơi bảo vệ cơ quan đợi đến nhang tàn sẽ rút bỏ các chân nhang ném vào sọt rác phi tang! Lê Khả Phiêu có bàn thờ phật trong nhà. Ngay bây giờ, khi tên đồ tể khát máu Nguyễn Đắc Xuân vẫn nhương nhương, khoe khoang những tháng ngày khóac áo cà sa nằm vùng, để rồi vùi dân Huế trong bể máu. Hãy tưởng tượng lại hình ảnh cũng là con người nhưng dùng cái bừa để bằm đầu nạn nhân, rồi cuớp đất của họ trong “cải cách ruộng đất” hay lạnh lùng chĩa súng AK vào người dân thường rồi xả đạn trong thảm sát tại Huế – Mậu thân. Ai thấu hiểu cho những cái chết oan khiên tức tuởi? Hãy dạo bước tại nghĩa trang Ba Tầng, Huế thì mới xúc cảm đuợc thống khổ này, mới tưởng tượng nổi bản chất thú vật của những tên “mankurt” của thời đại Hồ Chí Minh.

Thú tính của loài vật là tự nhiên, nhưng thú tính của con người đó là sự biến đổi. Thời vận suy sàn của dân tộc là điều kiện béo bở cho sự độc ác nảy sinh. Độc ác và suy đồi đạo đức được dung túng, tích lũy trở thành thú tính. Việt Nam trở thành mảnh đất đỏ màu máu cho những tên “mankurt” đương đại tha hồ tác quái trên thân xác người dân, và chúng lại phủ phục hèn hạ dưới chân của chủ nhân Trung Quốc.

Khi chính quyền cộng sản Việt Nam đã bị Trung Quốc chụp miếng da lạc đà lên đầu thì trở nên ngoan ngoãn, ngu đần, dể bảo. Chính quyền cộng sản Việt Nam trở thành công cụ, chỉ biết cúi đầu tuân phục theo mệnh lệnh của quan thầy mà đàn áp những người Việt yêu nước Việt. Mọi kêu than, van nài hay đối thoại của người dân vô tội khi bị bức hại trở thành trò tiêu khiển của bọn quan chức ô trọc vô nhân tính. Người dân Việt bị cai trị, chăn dắt bởi bầy thú. Thú tính được tán tụng và điều khiển bởi bàn tay kẻ khác, kẻ thù truyền kiếp phương Bắc. Dân tộc Việt Nam vẫn phải chìm đắm trong hỗn mang của một nông trại, trại súc vật!

Quảng Trung Thiên

Quangtrungthien.blogspot.com

[1] Chingiz Aitmatov, “Một ngày dài hơn thế kỷ”, Lê Khánh Trường dịch thuật, NXB Trẻ

[2] Nguyễn Hiến Lê, “Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê”, NXB Văn học

0 comments:

Powered By Blogger