Saturday, March 19, 2011

Đánh giá thế trận Libya qua 7 câu hỏi lớn

Thật khó có thể vẽ lên một bức tranh toàn cảnh về những gì đang xảy ra ở Libya, nhưng rõ ràng mục tiêu của chiến dịch không kích do liên quân các nước Anh, Pháp và Mỹ đang đặt ra những dấu hỏi lớn không chỉ với tương lai của đất nước này.
2003.obama.jpg
Thế giới đang có hành động với Libya, và vấn đề Libya đặt nhiều dấu hỏi nhất với Tổng thống Mỹ Obama.

Tương quan lực lượng

Bên trong Libya: Phe đối lập tuy bị chia rẽ bởi sự trung thành bộ lạc và các phán đoán chính trị khác nhau, nên họ không tính tới chuyện hợp nhất thành một lực lượng quân sự chung. Trong khi có tin nói nhà lãnh đạo Gaddafi nhiều khả năng sẽ đánh bại quân nổi dậy đang tìm cách lật đổ ông, xét đến tính vượt trội về vũ khí và quân lực, nhưng cũng có nguồn nói sức mạnh của lực lượng không quân chính phủ cũng không ghê gớm như nhiều người nghĩ. Shashank Joshi, thuộc Royal United Services Institute (RUSI), một tổ chức nghiên cứu quốc phòng ở London và là nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại trường Đại học Harvard, nhận định hiện nay thế trận giữa hai phe ở Libya đang khá cân bằng.

Bên ngoài Libya: Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch không kích do liên quân các nước Anh, Pháp và Mỹ thực hiện là ngăn không cho không quân Libya oanh kích vào các vùng hiện do phe nổi dậy kiểm soát, đặc biệt là khu vực Benghazi ở miền đông. Như vậy phải tấn công trước hết vào những hệ thống phòng không của Libya: các căn cứ, các dàn phóng tên lửa, các trung tâm chỉ huy, các dàn đại bác và các xe thiết giáp. Đại diện của Liên đoàn Arập (AL) tại LHQ cho biết nhiều nước Arập, trong đó có Qatar và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất, sẵn sàng tham gia liên quân tấn công quân chính phủ Libya. Thậm chí còn có đề xuất áp đặt "vùng cấm xe" đối với Libya nhằm phá thông tin liên lạc quân sự và hỗ trợ tình báo.

Về mặt quân sự thì rõ ràng là phương Tây chiếm ưu thế áp đảo. Quân đội Libya được trang bị rất kém. Lực lượng không quân của Gaddafi trên lý thuyết có hơn 200 máy bay chiến đấu, nhưng trên thực tế mỗi lần chỉ có thể sử dụng khoảng 40 chiếc.

Liên minh do Pháp và Anh dẫn đầu, với sự yểm trợ của Mỹ và các nước Arập, có thể huy động những phương tiện như máy bay chiến đấu Mirage 2000 và Rafale của Pháp, Typhoon và Tornado của Anh. Mỹ có thể sẽ tham gia phần quan trọng trong chiến dịch như không kích vào xe tăng và pháo binh của Libya, trong khi các nước khác hoặc NATO đóng vai trò trong bất kỳ hoạt động quân sự cuối cùng nào chống Libya.

Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, Tướng Norton Schwartz, tuyên bố Washington có thể sẽ sử dụng cả máy bay cường kích và máy bay tiêm kích như F-15, F-16 và F-22, để tấn công các mục tiêu mặt đất tại Libya. Mỹ cũng sẽ triển khai các máy bay do thám, tiếp liệu trên không, thiết bị viễn thông vệ tinh và máy bay phá sóng thông tin liên lạc của Libya. Các quan chức cho biết thêm Washington nhiều khả năng sẽ điều máy bay từ châu Âu và Mỹ, thậm chí từ Afghanistan và Iraq, để thực hiện việc áp đặt vùng cấm bay đối với quốc gia Bắc Phi này.

Kịch bản và nguy cơ

Trước một lực lượng hùng hậu như vậy, những dấu hỏi sau đặt ra với các bên:

- Quân đội Libya được dự đoán là không thể cầm cự quá một tháng. Sau khi tấn công quân đội Libya, liên quân quốc tế có thể cung cấp thiết bị quân sự cho quân nổi dậy, thậm chí gửi các sĩ quan huấn luyện đến tận nơi. Với những áp lực quân sự rất mạnh, một số chuyên gia hy vọng sẽ xảy ra đảo chính lật đổ Gaddafi, hoặc chế độ này sẽ tan rã từ thượng tầng. Nhưng ông Richard Danton, cựu đại sứ Anh quốc tại Tripoli, lại không tin vào những kịch bản đó, bởi vì theo ông, “người dân Libya từ lâu vẫn chống lại mọi áp lực của ngoại bang và Đại tá Gaddafi sẽ khai thác tinh thần này để siết chặt hàng ngũ”. Trong thư riêng gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama, lãnh đạo của Libya viết rằng nhân dân đang đứng đằng sau ông ta, và tất cả đã sẵn sàng chết để bảo vệ đất nước. Ông cũng nói rằng nếu chiến tranh bùng nổ, các nước láng giềng Arập sẽ đứng về phía ông để chống lại Mỹ. Khi đó, cuộc chiến không chỉ là giữa Mỹ và liên quân với Libya?

- Trong khi đó, kế hoạch lập vùng cấm bay ở Libya là việc không phải đơn giản vì Libya có hệ thống rađa dưới đất để bảo vệ các khu vực duyên hải - nơi có 80% cư dân sinh sống, với khoảng 30 địa điểm đặt tên lửa đối không. Tổng thống Gaddafi chắc là sẽ còn bám trụ một thời gian dài ở Libya và như vậy, quốc gia này có nguy cơ sẽ bị phân thành hai vùng Đông và Tây. Trong trường hợp cả hai phe đều không giành được chiến thắng mang tính quyết định, có thể đất nước sản xuất giàu mỏ ở Bắc Phi này bị chia cắt làm đôi hoặc trở thành những nước bán tự trị, trong đó ông Gaddafi duy trì kiểm soát thủ đô Tripoli và các vùng lân cận, trong khi phe nổi dậy nắm thành phố Benghazi ở miền Đông. Khi đó, có lẽ đã quá trễ để tránh một sự chia cắt đất nước Libya?

- Các lực lượng Mỹ có thể vô hiệu hóa số máy bay chiến đấu của ông Gaddafi bằng cách phá hủy các đường băng tại 13 căn cứ không quân của ông ta, nhưng việc không cho máy bay trực thăng cất cánh đòi hỏi phải có hoạt động tuần tra không quân, phá hủy các trận địa rađa và phòng không của Libya. Nếu việc phá hủy các trận địa này khiến những người dân thường bị thiệt mạng, liệu Mỹ đã chuẩn bị để đối mặt với những hình ảnh đó trên truyền hình?

- Một nguy cơ nữa là nếu chiến dịch can thiệp quân sự vào Libya kéo dài hàng tháng, dư luận các nước Arập sẽ quay sang phản đối phương Tây và phe đồng minh sẽ bị chia rẽ. Một số nhà phân tích cũng lưu ý là chiến dịch này nếu kéo dài sẽ rất tốn kém, trong khi nhiều nước phương Tây đang gặp khủng hoảng kinh tế hoặc đang phải thắt lưng buộc bụng. Khi đó, 8 năm sau cuộc chiến Iraq, liệu một kịch bản sa lầy nữa có bị nhắc lại ở Bắc Phi?

- Tổng thống Obama và Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết mục tiêu của Mỹ là thấy Tổng thống Gaddafi bị lật đổ, nhưng vẫn chưa rõ liệu các hoạt động quân sự được hoạch định có thể đạt được mục tiêu này hay không và nếu đạt được thì phải trả bằng cái giá nào. Những kinh nghiệm tại Iraq và Afghanistan có đủ khiến Mỹ tự tin rằng đã hiểu xã hội Libya? Libya đang rung chuyển không phải vì các cuộc biểu tình, mà vì một cuộc nội chiến. Liệu sự can thiệp của một nước này vào cuộc nội chiến của một nước khác có làm tăng phúc lợi của nước can thiệp không? Liệu quân đội Mỹ có khôn ngoan hay không khi đồng thời tham chiến tại 3 quốc gia Hồi giáo là Iraq, Afghanistan và Libya? Và cuối cùng, vấn đề mà Tổng thống Obama và các nhà lãnh đạo thế giới khác hiện đang phải đối đầu là liệu hoạt động quân sự của họ có quá ít và quá muộn?

- Chưa hết, Cao ủy Tỵ nạn LHQ (UNHCR) và Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM) thì cảnh báo tình hình chiến sự tại Libya có thể dẫn đến một cuộc di cư lớn. Hai tổ chức này đang chuẩn bị phải hành động trong trường hợp tình hình Libya biến thành tệ hại nhất. Kể từ khi các cuộc nổi dậy bùng nổ vào tháng 2, đã có 50.000 người nước ngoài bị kẹt ở biên giới Tunisia và Ai Cập được hai tổ chức này hỗ trợ phương tiện trở về nước. Hiện chỉ có khoảng từ 1.500 đến 2.000 người vượt biên mỗi ngày để đến Ai Cập, Tunisia, Algeria hoặc Niger, nhưng theo ông Fernando Calado, đại diện của IOM, con số này có thể tăng khủng khiếp, vì người nước ngoài có mặt tại Libya vẫn còn rất đông. Trường hợp xấu nhất ở đây là dòng người di tản hiện nay nhanh chóng biến thành một làn sóng người tị nạn khổng lồ. Liệu châu Âu có tránh được một cuộc khủng hoảng tị nạn?

- Libya không phải là quốc gia quan trọng nhất ở Trung Đông, cả về ảnh hưởng chính trị và tác động đối với thị trường dầu. Nhưng tình hình chiến sự căng thẳng ở khu vực này làm giới đầu cơ tích trữ trên thế giới lo sợ và khiến giá dầu và giá vàng tăng vọt. Tình hình này có thể tạo ra một chu trình, theo đó bất ổn đẩy giá năng lượng tăng, thổi bùng lạm phát. Nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức trên 100 USD/thùng, nó có thể sẽ tạo ra những gánh nặng khủng khiếp cho kinh tế toàn cầu?

0 comments:

Powered By Blogger