Monday, April 25, 2016

Tìm đến dân chủ (Phần 2)

Bài biết trước tôi đã giải quyết các vấn đề: Người Việt (trong nước) chưa thoát khỏi tư tưởng phong kiến, chưa thấy rõ bản chất xã hội Việt Nam hiện tại và chưa nhận diện rõ hình thức xã hội tương lai, chưa trải qua xã hội dân chủ, nên mức độ quyết liệt đòi hỏi phải thay đổi xã hội, phải lật đổ CS không cao. Nhìn người dân sợ hãi ai cũng đau lòng, nhưng nó có đáng để để chúng ta bi quan đến như vậy không? Liệu việc gì sẽ xảy ra?

Ngày nay internet đã phá vỡ bức tường bưng bít thông tin tuyên truyền của CS, chúng ta có căn cứ để tin tưởng rằng chắc chắn chế độ CS sẽ sụp đổ, nhưng kịch bản nào, chưa ai trả lời được. Vì vậy chúng ta cần nghiên cứu trở lại cốt lõi của vấn đề: người dân trong các chế độ độc tài luôn sợ hãi, nhưng tại sao CS vẫn sập đổ, cả khối Đông Âu sụp đổ, Liên xô thành trì của chủ nghĩa CS sụp đổ, phải chăng có những yếu tố khác nào đó lớn hơn, tác động mạnh hơn, giúp họ vượt qua khỏi ranh giới của sự sợ hãi đó. 

Tại sao Balan là nước sụp đổ đầu tiên mà không phải là Trung quốc. Có phải nhờ chủ nghĩa Marx- Lenin đã giúp nhân dân Balan lật đổ CS, vậy sao không giúp nhân dân TQ, Bắc triều tiên? Nếu trả lời được những câu hỏi này, hy vọng sẽ có nhiều ý tưởng tham khảo cho PTDC hiện nay.

Trước nhất, cần nghiên cứu xã hội Đông Âu và Trung Quốc có những đặc điểm chung và riêng gì trong thời kỳ CS đang cai trị, hy vọng tìm được vài thông số nào đó, có thể giúp chúng ta tìm điểm khác biệt giữa 2 xã hội, và đó có phải là điểm sụp đổ hay không? Sau đó xác định xem tại sao Đông đức, Tiệp khắc, Liên xô cũng sụp đổ nhưng chậm hơn, nghĩa là có tính quy luật chung và riêng trên các quốc gia Tây Âu. Đương nhiên, trước đó không ai tiên đoán được rằng nó sụp đổ, chúng ta đặt vấn đề, sau khi sự việc đã xảy ra, nên phần nào vẫn mang yếu tố suy diễn, phụ thuộc lịch sử từng quốc gia, mà lịch sử lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố con người, tình huống và giải pháp, cho nên nguyên tắc đó chỉ để tham khảo, suy luận, hy vọng tự tin, chứ không hẳn là một quy luật bất biến, rất cần sự nhìn nhận uyển chuyển.

Đặc điểm chung các chế độ Cộng sản

Giống nhau, CS phương Đông hay CS Phương Tây, cấu trúc chính quyền rất giống nhau. CS Trung quốc, CSVN, bê nguyên cấu trúc chính quyền Liên xô, Đông Đức để lãnh đạo đất nước mình, cũng đảng nằm trong chính quyền, hệ thống Đảng - Chính quyền theo dõi từng ý nghĩ người dân, chính sách hộ khẩu để giới hạn việc đi lại và quản lý đến tận gia đình làng phố. Trước kia hộ khẩu quản lý tất cả lương thực thực phẩm, dầu lửa, kim chỉ,… sau này, hộ khẩu không còn liên quan đến nhu yếu phẩm, nhưng vẫn là vòng kim cô khủng bố trong lòng người dân. Hệ thống phản gián KGB (Sô viết), Stasi (Đông đức),… mật vụ khắp nơi…. Chính sách "lực lượng quần chúng" của Mao ở Trung quốc còn ghê gớm hơn. Và cũng chính hệ thống Đảng- chính quyền này làm cho tất cả các nước XHCN, khác hoàn toàn các nước tư bản tự do. (Xem thêm: ted.com)

Quản lý ghê gớm như vậy, trong lòng chế độ chỉ có đảng, độc tôn chủ nghĩa Marx-Lenin, "kinh tế bao tử", căm thù và sợ hãi, không có yếu tố nào khác, thời đó gần như bế môn tỏa cảng, vậy tại sao chế độ CS Đông Âu vẫn sập? Nếu chỉ bao nhiêu yếu tố ấy thôi, nếu nó đủ dữ liệu để lật đổ CS, thì tất cả các chế độ CS đã sập hết rồi, vì chúng rất giống nhau! Như vậy chắc chắn, yếu tố xã hội hiện trạng, chỉ là một nguyên nhân, và phải có thêm những nguyên nhân nào đó khác nữa, CS mới bị sụp đổ như vậy. Nhưng vì chính quyền CS rất giống nhau, cho nên sẽ không có nguyên nhân nào từ cấu trúc chế độ, (có thể thêm bớt mức độ tàn bạo đôi chút, nhưng ảnh hưởng không bao nhiêu), do đó yếu tố khác đó phải từ phía người dân hoặc từ xã hội, hoặc từ quốc tế, bên ngoài cấu trúc chính quyền. Có thể là môi trường, khí hậu, phong cảnh, lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo, dòng sông, thần tượng, văn hóa, dịch bệnh, thói quen, v.v.v… Nhưng tất cả những nguyên nhân đó không có yếu tố hành động, ngay cả quốc tế cũng chỉ tác động, do đó yếu tố đó phải thuộc lãnh vực ý thức. (Cũng có thể do phương pháp đấu tranh của các lực lượng đối lập, nhưng nó cũng phải bắt nguồn từ sức mạnh ý thức kia).

Nghĩa là, phải có những yếu tố khác quyết liệt hơn, đầy sức mạnh hơn, thôi thúc hơn, hợp tác, bổ sung thêm cho lòng căm thù, đẩy lùi sợ hãi, giúp họ tự tin bước lên. Đặc biệt, yếu tố khác đó phải nằm trong ý thức người dân, không nhìn thấy được, và quan trọng hơn, phải có từ trước khi chủ nghĩa CS xâm nhập, bởi vì chủ nghĩa Marx-Lenin tiêu diệt tất cả những gì đang tồn tại trong xã hội, không giai cấp, không tôn giáo, không dân tộc, không nhà nước, nó càn quét tất cả các mối quan hệ xã hội nào nó nhìn thấy được, cho nên trong lòng chế độ CS chỉ phát triển sự bạc nhược, căm thù và sợ hãi. 

Vì vậy, chúng ta cần thiết phải nghiên cứu thêm, xã hội các nước Đông Âu và Trung Quốc thời Trung và Cận đại trước khi CS xâm nhập, để xem cái gì, những yếu tố nào còn tồn tại trong lòng xã hội Đông Âu, mà CS không thể bẻ gãy được, tạo sức mạnh cho người dân đứng lên.

Khác nhau giữa Châu Âu và Trung Quốc

1/ Chắc ai cũng rõ, xã hội Đông và Tây khác nhau hoàn toàn. Cũng là xã hội Phong kiến, một vài nước đã là xã hội công nghiệp, nhưng hầu hết phong kiến Phương Tây là "Cộng hòa" Phong kiến, vua được bầu lên và có cấu trúc Nghị viện, Hội Nguyên lão…, giai cấp tư sản phân chia quyền lực với nhà nước, trong khi phong kiến Á đông là tập quyền chuyên chế, các quân thần đánh nhau, xâm chiếm đất đai tự xưng vua, lên ngôi, vua là Thiên tử, cùng một nước Trung Hoa, nhưng các triều đại soán ngôi, tranh chấp thế lực, các dòng họ tiêu diệt lẩn nhau, anh em ruột thịt tranh giành quyền lực giết nhau... 

2/ Lịch sử các nước Châu Âu trải qua những giai đoạn tiến hóa liên tục từ Hy lạp, La Mã, các bộ tộc tranh giành lãnh địa, chiến tranh, tôn giáo, rồi hình thành các nước Đông Âu Bắc Âu,…, họ đã trải qua những giai đoạn sử thi hùng tráng, "đêm trường trung cổ", mỗi nước mỗi khác nhau. Song, so với nền văn minh Tây phương thì phong kiến Nga phát triển chậm hơn, lạc hậu hơn, hầu như là kinh tế nông nghiệp, chế độ nông nô chủ yếu. Đến năm 1859, có 23 triệu nông nô (tổng dân số Nga khi đó là 67,1 triệu người), sống trong những điều kiện thường là tồi tệ, mãi đến 1861 họ mới được giải phóng. Đặc biệt nhà nước Đông Slav đầu tiên (năm 988), đã chấp nhận việc du nhập Ki-tô giáo (Thiên chúa giáo) từ Đế quốc Đông La Mã cổ đại, khởi đầu sự tổng hòa các nền văn hóa Đông La Mã và Slav, lập ra văn hóa Nga trong một nghìn năm tiếp theo, cho nên Phong kiến Nga cũng khác hoàn toàn phong kiến Á đông.

3/ Triết học về con người, thế giới quan và vị trí của con người trong vũ trụ, những vấn đề sự tồn tại, tự do, kiến thức, giá trị, khác biệt, ý thức, thời Hy lạp cổ đại đã có Aristotle, Plato, Kant, Hegel…, sau này Châu Âu phát triển thêm Triết học Kinh viện, chủ nghĩa thực nghiệm, Chủ nghĩa duy lý, chủ nghĩa duy danh v.v… nó ảnh hưởng đến toàn bộ những xã hội Đông Âu sau này, trong khi phương Đông chỉ có Khổng Tử, thêm Phật giáo rất hòa điệu cùng Khổng Tử, cũng có Pháp gia, Âm dương, Mặc gia nhưng rất nhỏ không ảnh hưởng bao nhiêu.

4/ Kinh tế, Châu Âu phát triển đa dạng nông nghiệp, buôn bán, thương mại hàng hải, tiểu thủ công nghiệp và chăn nuôi lớn, tuy nhiên chế độ nông nô, sở hữu nô lệ kéo dài đến thế kỷ 18, nên ý thức về thân phận con người, giá trị con người, đấu tranh cho con người, họ có ý thức sớm hơn. Trong khi Đông Nam Á chủ yếu nông nghiệp lúa nước, và xem thường con người, tôn trọng thần thánh siêu nhiên.

5/ Tôn giáo, Phương Tây đa dạng hơn: Thiên chúa giáo (Ki tô giáo): (chỉ chung cho Công giáo và Tin lành), Đa thần giáo, Đạo giáo, Phật giáo v.v…

Có thể kết luận, nền tảng xã hội Châu Âu cái gì cũng đa dạng, phong phú hơn, tính đa nguyên cao hơn, ý tưởng bình đẳng tự do đã có từ lâu, họ thấy được giá trị đích thực của nó. Hạt mầm bình đẳng tự do luôn luôn tồn tại trong họ. Lịch sử chinh phục các nước mang đậm tính chất quốc gia, dân tộc, và tôn giáo. Á đông đơn thuần vì tranh giành quyền lực chức tước trong gia đình dòng họ, cho nên tư tưởng quốc gia dân tộc của người Châu Âu cao hơn.

Chế độ CS đồng điệu cùng hệ tư tưởng Khổng giáo nông nghiệp ở TQ, cùng tư duy cai trị, giải quyết xung đột là bạo lực, cho nên nó dễ dàng bén rễ ở Á đông, không tạo nhiều xung đột tư tưởng trong xã hội. Trong khi đó, Châu Âu đã có nền tảng tự do từ trước, quan niệm khác nhau về giải thoát giữa Thiên chúa giáo và Phật giáo, đã tạo nên hệ tư tưởng xung đột với chủ nghĩa Marx, mà Marx không thể càn quét nó được, chỉ gây thêm mâu thuẫn, cho nên đó là một trong những động lực giúp họ đứng dậy trước tiên. 

Nghiên cứu sâu thêm lịch sử Balan, Hungary, 2 nước lật đổ chế độ CS đầu tiên, chúng ta sẽ thấy vấn đề này cụ thể hơn. Bản thân các nước Đông Âu thời trước đều là các nước tự do, từng là các đế chế rộng lớn, hùng mạnh đi chinh phục các nước khác, và không chịu khuất phục. Lịch sử của họ là niềm tự hào dân tộc. Họ sẽ không bao giờ quên và sống trong miền ký ức đó. Bất kỳ một dân tộc nào cũng đặt sức mạnh trên nền tảng này.

s

Lịch sử Balan

Thủ đô: Warszawa bên dòng sông Vistula, một đất nước đầy chất sử thi và đẹp thơ mộng.

Tôn giáo: Hầu như thuần chủng người Ba Lan, 95% theo đạo Công giáo Rôma (Ý)

Lịch sử: Khối Thịnh vượng chung Ba Lan - Litva là một trong những quốc gia rộng lớn và đông dân nhất châu Âu thế kỷ 16 và 17. Nó là đặc trưng độc nhất so với các quốc gia cùng thời vì hệ thống chính trị kiểm soát nghiêm ngặt đối với quyền lực của nhà vua. Những sự kiểm soát này được bảo đảm tồn tại bởi một nghị viện do các quý tộc điều khiển. Đặc điểm của chế độ này là tiền thân của những khái niệm về chế độ dân chủ, quân chủ lập hiến, liên bang hiện đại. Nước Cộng hòa Ba Lan, đã coi tự do là giá trị quan trọng nhất, người Ba Lan thường tự gọi mình là "quốc gia của những người tự do".

Ba Lan - Litva đã chống lại những địch thủ của mình như Thụy Điển, Nga và những chư hầu của Đế Quốc Ottoman. Sau đó, nó bắt đầu bành trướng ra nước ngoài và lâm vào những cuộc chiến tranh liên miên. 

Năm 1772, cuộc chia cắt Ba Lan lần thứ nhất, 1793 lần thứ hai, 1795 lần thứ ba. Cuối cùng Kinh thành Warsawa rơi vào tay Vương quốc Phổ. Ba Lan - Litva đã hoàn toàn bị xóa sổ khỏi bản đồ châu Âu. 

Sau Thế chiến thứ nhất, (1918) tất cả các nước Đồng Minh đều đồng ý việc khôi phục lại quốc gia Ba Lan và đất nước tái độc lập, trở thành nền Cộng hòa Ba Lan thứ hai. 

Thế chiến thứ hai (1939), Phát xít Đức và Xô viết tấn công Ba Lan, Warszawa bị chiếm ngày 28/9/1939. Ba Lan bị chia làm hai, thuộc quyền kiểm soát của Phát xít Đức và Liên Xô. Năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, Ba Lan mất hơn 20% diện tích, nhường phần nhiều lãnh thổ bên phía Đông cho Liên xô, và Đức cắt một phần đất cho Ba lan, nhưng lịch sử đa văn hóa của họ, trở thành một đất nước thống nhất chủng tộc. 

Năm 1952, Liên xô lập ra một chính phủ cộng sản mới: Cộng hòa Nhân dân Ba Lan. Nền Cộng hòa Ba Lan lần thứ hai kết thúc.

Ngày 24/9/1980, Công đoàn Đoàn Kết được thành lập. Ngày 4/06/1989, Công Đoàn Đoàn kết đã thắng lợi trong cuộc bầu cử dân chủ vào Nghị viện. Lech Wałęsa, trở thành tổng thống năm 1990. Nền Cộng hòa Ba Lan thứ ba được thành lập, Hiến pháp mới ra đời năm 1997. Năm 1999 gia nhập NATO, và năm 2004 tham gia vào Liên minh châu Âu.

Lịch sử Hungary

Thủ đô: Budapest, bên dòng sông Danube

Tôn giáo: Tính đến năm 2011, có 39% Công giáo, 11,6% Thần học Calvin, 11,2% Tin lành, 2% theo các tôn giáo khác

Lịch sử: Vào thế kỉ thứ 9, Arpad, một thủ lĩnh người Magyar (người Hung) đã thống nhất các bộ lạc Magya, thành lập nên vương quốc Hungary (996). Với một lực lượng quân đội hùng mạnh, người Hungary đã mở nhiều cuộc chiến tranh chinh phục và thậm chí đã từng tấn công sang tận Tây Ban Nha. 

Năm 1222, vua András II khởi xướng Bộ luật Vàng (Golden Bull), có thể coi như bản hiến pháp đầu tiên trên lục địa châu Âu mà sau đó, tất cả các vua Hungary khi đăng quang phải tuyên thệ. Bộ luật Vàng này hạn chế bởi quyền hạn của nhà vua và mở rộng quyền lực của giới quý tộc, hợp pháp hóa quyền bất tuân lệnh cũng như các quyền lợi khác của họ. Sau đó không lâu, Nghị viện Hungary được thành lập. Nhiều chính sách tài chính và tiền tệ đã được tiến hành, thúc đẩy nền kinh tế Hungary phát triển, nhiều đô thị phát triển rực rỡ và mở rộng bờ cõi.

Trong khi đó, Đế chế Ottoman ngày một lớn mạnh và uy hiếp Hungary. Giai đoạn 1526-1686 Ottoman chiếm đóng Hungary. Khoảng 150 năm sau đó, triều đình Habsburg mới giành lại toàn bộ quyền kiểm soát.

Sau đó, Đế quốc Áo-Hung ra đời 1867. Thời kỳ này, Vương quốc Hungary đã có những bước tiến ấn tượng về mặt kinh tế, bước đầu được công nghiệp hóa mặc dù cơ cấu kinh tế vẫn chủ yếu dựa trên nông nghiệp còn khá lạc hậu.

Thế chiến thứ nhất, Áo-Hung chiến đấu bên phe Liên minh của Đế chế Đức, Bulgaria và Đế quốc Ottoman. Những khó khăn về kinh tế, các thất bại quân sự cũng như sự bất mãn của người dân đã khiến Đế quốc Áo-Hung sụp đổ hoàn toàn vào năm 1918, trên cơ sở đó hình thành các quốc gia mới là Áo, Tiệp Khắc và Hungary.

Sau thế chiến thứ 2, quân đội Xô viết đã chiếm đóng hầu hết Hungary và trở thành một nước cộng sản thân cận với Liên Xô. Cuối thập kỉ 1980, Hungary đã dẫn đầu phong trào giải tán Hiệp ước Warszawa do Liên xô áp đặt. Về chính quyền, họ dần chuyển sang một thể chế dân chủ nhiều ứng cử viên, song đảng cộng sản vẫn không được đem ra bàn cãi, tuy nhiên, các ứng cử viên độc lập vẫn được bầu lên để phản đối lại đảng.

Ngày 23/10/ 1989, Mátyás Szűrös tuyên bố Cộng hòa Hungary lần thứ III và trở thành tổng thống lâm thời. Hungary phát triển mối quan hệ gần hơn với Tây Âu, gia nhập NATO 1999, và là thành viên của Liên minh châu Âu 2004.

Nhận xét

1/ Tại sao Cộng Sản Balan, Hungary sụp đổ đầu tiên? Dễ dàng nhìn thấy 2 nước này không chủ động đi theo CNXH, mà do Liên Xô áp đặt sau Thế chiến thứ 2. Người dân sẽ nhìn thấy chủ nghĩa CS là xâm lược. Trong ý thức hệ của người dân Ba lan hay Hungary, có thể do vị trí địa lý, nằm phía trên Đế quốc La mã cổ đại chỉ cách dãy núi Alpes, sông Danube, cho nên họ thấm nhuần tư tưởng bình đẳng tự do Hy lạp- La mã sớm hơn. Từ thế kỷ 16-17 họ đã sống trong nhà nước có chế độ Nghị viện, phân quyền giữa Vua và giới quý tộc, hạt mầm tự do đã có, cho nên người dân ý thức được quyền tự do căn bản của họ và ít nhất họ hiểu rằng, điểm mốc đầu tiên để có bình đẳng xã hội là bầu cử.

2/ Quan trọng hơn, lịch sử Balan, Hungary đều lừng lẫy, từng là các đế chế vững mạnh thế kỷ 16-17, Khối Thịnh vượng chung Balan- Litva, Đế chế Áo Hung, chinh phạt các nước láng giềng và bảo vệ đất nước mở mang bờ cõi. Liệu người dân có quên được lịch sử đó không, hay họ luôn muốn phục hồi lại nó. Chính lịch sử dân tộc mới là sức mạnh lôi kéo, cần phải bảo vệ, lưu truyền và niềm tự hào của con cháu, và cũng chính lịch sử đã hình thành nên tính cách những con người đang sống trong môi trường đó. Không ai muốn mất điều đó. Ngược lại, chế độ CS không thể tiêu diệt được điều này, dù muốn hay không Karl Marx phải chấp nhận nó. Đó là sợ dây kết nối toàn bộ con người trong xã hội, mà mỗi người cảm thấy mình có một chút liên quan và cần bảo vệ nó. Đó là sức mạnh.

3/ Chính vì vậy, người dân Balan và Hungary đấu tranh thắng lợi bằng con đường bầu cử, có lẽ đó là bản năng đầu tiên mà mọi người dân nhìn thấy. Chế độ CS đã không tiêu diệt được ý niệm về quyền công dân của họ đã có từ trước, nó chỉ làm tăng thêm xung đột và tạo cho họ sức mạnh. Chính mâu thuẫn quyền lực, mâu thuẫn tư tưởng làm cho người ta đấu tranh, chứ không phải mâu thuẫn giai cấp như Marx nói. Cộng thêm, hạt mầm tự do đã có từ trước, nền tảng căn nguyên lịch sử, lòng căm thù xâm lược, tất cả những yếu tố này tác động đến cả dân tộc, giúp họ tự tin, tạo nên sức mạnh vượt xa sự sợ hãi, và giúp người dân đứng lên, thắng lợi.


Tính dân tộc

Một bộ lạc định cư bên lưu vực một dòng sông, bộ lạc khác tới xâm chiếm, tranh giành cuộc sống đất đai của họ, cả bộ lạc đứng lên chống lại. Thiên nhiên, bão táp, lụt lội, đói no dịch bệnh, cả một bộ tộc cùng nhau chống trả thiên nhiên, từ đó dân tộc tính hình thành. Cả một đất nước cùng chống trả kẻ thù, cùng đem quân đi chính phạt nước khác để mở rộng bờ cõi, tìm thêm tài nguyên đất đai phục vụ cho cuộc sống dân tộc mình, đó là niềm tự hào dân tộc. Lịch sử dân tộc là một sức mạnh, bởi người ta gắn bó với nhau, hy sinh cho nhau, để cùng nhau bảo vệ cuộc sống của chính bản thân mình và những người thân thuộc khác. Đó là dân tộc. 

Truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc là một sức mạnh.

Dân tộc tính không có nghĩa là tôi hy sinh cho một ai đó, mà tất cả cùng hy sinh với nhau trong cùng một nhận thức, mục đích chung, hay niềm tin chung. Không phải ai lợi dụng ai, mà mỗi người cảm thấy mình hoặc gia đình mình có một phần liên quan tồn tại trong đó, tôi có một chút gắn bó và hình thành cái tôi từ trong đó. Nó siêu hình, nó nhỏ nhoi, nhưng mãnh liệt. Nó không cụ thể mà biến thể tùy mỗi quốc gia, có thể là lòng tự hào về lịch sử xây dựng đất nước, có thể là sống chung trong một bản sắc văn hóa tôn giáo, có thể là cùng nhau thích quê hương đẹp quá…

Chính những yếu tố này, tự chọn lọc qua tự nhiên, không áp đặt, "nó là vậy", nó hình thành trong mỗi con người của một quốc gia có những bản thể vừa chung, vừa riêng, nằm ẩn sâu bên trong tiềm thức, tưởng chừng như không có, nhưng khi một yếu tố nào đó sắp mất đi, hoặc sẽ mất đi, nó sẽ trỗi dậy chống lại quyết liệt cái viễn tưởng đó, và làm nên một sức mạnh. 

Đất nước Tiệp Khắc cũng vậy, nó được tách ra từ Đế chế Áo- Hung trước kia, nên cuộc Cách mạng Nhung tiếp bước CM Balan cũng bằng những cuộc biểu tình dữ dội của khoảng 500 ngàn người dân, buộc chính quyền phải chấp nhận thay đổi. Sau này Cộng hòa Litva (Lithuania) cũng vậy, nước đầu tiên tuyên bố ly khai độc lập khỏi Liên xô, kể từ khi CS Ba lan sụp đổ.

Tuy nhiên, hai trường hợp khác Liên xô và Đông Đức có vẻ như ngược lại, CS sụp đổ từ trên xuống, từ trong ra. Liệu 2 nước này có nằm trong quy luật tính dân tộc hay không? Liên xô sụp đổ nhờ Gorbachev, Đông đức, người dân tràn qua bức tường Berlin, có vẻ như họ đâu có đấu tranh, đâu lật đổ chính quyền? Cần thêm một chút lịch sử, để chúng ta thấy rõ tính dân tộc có phải là sức mạnh hay không, và nó tồn tại như thế nào?

Tóm lượt lịch sử các triều đại Nga

Nước Nga Kiev đã hình thành từ thế kỷ thứ 9, nhưng đến thế kỷ 13 (1230), nước Nga phải đầu hàng quân xâm lược Mông Cổ, đến năm 1380, các công tước Nga mới chống lại được sự thống trị của người Mông Cổ, song, phải chấp nhận triều cống kéo dài đến năm 1480. 

Hầu hết các Nga hoàng đều nổi tiếng về tính chuyên chế, quyết đoán, quyền lực tuyệt đối, và tất cả đều có công trong việc đưa đất nước Nga trở thành quốc gia lớn nhất thế giới, trải dài trên hai đại lục Á-Âu từ biển Baltic tới Thái Bình Dương và trở thành Đế quốc Nga một cường quốc quân sự. (Ivan IV Bạo chúa, Pierre I Đại đế, Ekaterina II Đại đế).

Sau nhiều cuộc kháng cự của nông nô, các Nga hoàng tiếp theo, có khi lại vừa chuyên chế vừa cải cách: Aleksandr I; Aleksandr II (1855-1881): Chủ động tiến hành giải phóng nông nô. Đề xướng những cải cách về Đại học, pháp luật, báo chí, quân sự v.v... Những cải cách của ông đã thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế Nga theo đường lối chủ nghĩa tư bản, và văn học phát triển với những nhà văn nổi tiếng như Dostoevsky, Lev Tolstoy, Ivan Turgenev…. Tuy nhiên, ông bị ám sát trước khi ký quyết định thành lập hai ủy ban lập pháp, gồm những đại biểu được gián tiếp bầu chọn, cho nên chương trình cải cách dang dở. Song, vì nhiều cải cách không triệt để, tàn tích của chế độ nông nô vẫn còn, cho nên ông vẫn giữ ngôi vị "Đấng cầm quyền chuyên chính". Nga hoàng tiếp theo lại hoàn toàn chuyên chế.

Ngay từ ban đầu người Nga đã bị nô lệ bởi người Mông cổ gần 200 năm, chắc chắn tính cách của họ sẽ chịu ảnh hưởng bởi người Mông cổ, chuyên chế, bạo lực, quân đội, chiến tranh, vì vậy các Sa hoàng đều mang tính cách này. Cũng có thể chính việc nô lệ này làm nước Nga phát triển chậm hơn các nước Tây Âu. Trong cảm giác thua sút, tự ái so với nền văn minh phương Tây, nhưng tự hào với những Sa hoàng chuyên chế của mình, người Nga sẽ có tư duy quốc gia dân tộc rất cao, luôn tìm mọi giải pháp để phát triển đất nước, nhưng vì không có nền tảng tự do từ ban đầu như Balan, cho nên họ luôn lưỡng lự giữa 2 giải pháp: phát triển chuyên chế, hay dân chủ tự do, dù muốn hay không trong bản năng của họ vẫn thuận theo hướng chuyên chế hơn.

Dù là giai cấp lãnh đạo hay người dân lịch sử đều tác động đến họ. Với lịch sử như vậy, tính cách lãnh đạo Nga sẽ hình thành từ những thần tượng của họ và đó là đặc tính, động lực giúp họ giải quyết những tình huống phức tạp mang tính sống còn. Nói một cách khác, tính cách lãnh đạo luôn bắt nguồn từ lịch sử, học tập lịch sử, luôn là sức mạnh đối với họ và ngay cả đối với người dân. Nghĩa là, đặc tính lịch sử tạo ra đặc tính dân tộc trên mọi công dân. Chủ nghĩa Marx chỉ ra mâu thuẫn giai cấp giữa lãnh chúa và nông nô, đã hình thành nên CM tháng 10, họ sống cùng với CS tương đối phù hợp, nhưng rồi kinh tế kiệt quệ, mâu thuẫn cũng sẽ xảy ra,…. họ lại tiếp tục đấu tranh, tuy nhiên đặc tính dân tộc đó không mâu thuẫn nhiều với xã hội hiện tại cho nên mức độ đấu tranh không quyết liệt, song song đó, đặc tính dân tộc cũng tác động vào tầng lớp lãnh đạo, chính nó cũng giúp người lãnh đạo đưa ra những quyết định sống còn, mang âm hưởng của cả dân tộc,(nếu họ yêu nước). Cải tổ hay chuyên chế, quyết đoán hay tập thể, tác động từ Đông Âu, hình thành nên chính sách "cải tổ", càng ngày càng dứt khoát hơn, đã làm sụp đổ Liên bang Xô viết. Tại sao Nga sụp đổ chậm hơn đến 2 năm? Bởi vì đặc tính dân tộc tác động vào lãnh đạo Nga vừa phân vân vừa quyết đoán, cho nên nó cần thời gian nhiều hơn. Từ các Sa hoàng đến Lê nin, Stalin… Gorbachev, Purtin đều có tính quyết đoán như nhau. 

Đặc tính dân tộc có tính di truyền.

Nghiên cứu thêm lịch sử Đức, cũng có yếu tố này. Người German hết mực can trường, mãnh liệt. Nguồn gốc nước Đức bắt nguồn từ nước Phổ, không có nhiều tài nguyên, đất nước khô cằn, không có nền công nghiệp lớn, nhưng chính sách của các vua Friedrich là ngân sách cả nước đổ dồn cho quân đội, kỷ luật một cách tàn bạo, rèn luyện chu đáo, chính sách ngoại giao mềm dẻo, sẵn sàng liên minh với bất kỳ thế lực nào... để phát triển. Sau này, (1866-1871), khi Thủ tướng Bismarck lên nắm quyền, cũng vậy: Những vấn đề trọng đại hiện giờ sẽ không được giải quyết bằng lá phiếu theo đa số, mà qua cách thức sắt máu. Kết quả là Nhà nước Đức- Phổ đã chiến thắng Đế quốc Áo, đập tan Napoléon III, và Pháp phải chịu thất bại nhục nhã. Từ đó hình thành nên Đế chế Đức: quốc gia hàng đầu của châu Âu về quân sự, kinh tế, và khoa học kỹ thuật, nhưng vẫn luôn thích sử dụng quân đội, khinh thường dân chủ, tự do cá nhân, và cuối cùng Hitler đã tạo nên Chiến tranh thế giới thứ 2, 1945. (Có giai đoạn cộng hòa 1918-1933, nhưng đó là cộng hòa lũng đoạn)

Bức tường Berlin sụp đổ: Ngày 2/5/1989 Hungary mở cửa biên giới với Áo. Các cuộc biểu tình tuần hành rộng lớn nổ ra. Người dân "bỏ trốn Cộng hòa" liên tục, đi vòng qua Hungary, để sang các nước tự do. Ngày 18/10/1989, các thành viên trong Bộ chính trị buộc Erich Honecker, Tổng bí thư Đảng xã hội chủ nghĩa Thống nhất Đức từ chức, và ít ngày sau họ cũng nối gót ông. Bức tường Berlin được mở cửa vào ngày 9/11 do sự hiểu lầm thông tin của Đài truyền hình và báo chí trung ương. Chính quyền Đông Đức sụp đổ.

Phải chăng, người Đức giỏi KHKT, tri thức, với đặc tính can trường, trách nhiệm, kỷ luật, nhưng lịch sử đã dạy cho họ bài học Thế chiến thứ 2, Hitler trở thành tội ác chiến tranh, giờ đây Bộ Chính Trị Đông Đức không muốn trở thành tội ác chống lại nhân dân. Vì vậy họ đã chọn giải pháp từ chức khi tình huống sống còn của đất nước. Phải chăng đặc tính dân tộc là sức mạnh cho họ trong hành động trên? 

Cả 2 trường hợp Liên Xô và Đông đức, ta thấy đặc tính dân tộc của Đức cao hơn nhiều so với Marx, cho nên chủ nghĩa CS không thể càn quét nó được, vì vậy nó đứng lên trước Liên xô, khi có điều kiện tác động.

Tóm lại: Mỗi quốc gia có một đặc tính dân tộc, nó có tính di truyền, và sẽ thức tỉnh khi đất nước chạm ngưỡng cửa sống còn.

Tại sao đặc tính dân tộc lại là một sức mạnh? Đơn giản, bởi vì nó tác động đến cả dân tộc. Tuy nhiên, đặc tính dân tộc không phải là sức mạnh vô biên, nó phụ thuộc vào lịch sử, mạnh như thế nào, phụ thuộc vào bản chất lịch sử trước đó, và hệ tư tưởng mà nó tiếp nhận để sống cùng trong tương lai.

4/ Tác động của phong trào dân chủ

(Còn tiếp)


Sài Gòn 25/4/2016

0 comments:

Powered By Blogger