Mỗi ngày, ngư dân Hà Tĩnh vớt được hàng tấn cá chết dạt bào bờ. Ảnh, chú thích: Laodongonline
Trả lời báo chí về giấy phép xả thải của Công ty TNHH Formosa (FHS) cũng như nghi vấn công ty này có liên quan tới việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển miền Trung, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường khẳng định: "Đường ống xả thải ra biển của Formosa được cấp phép chứ không phải lắp đặt lén lút" (1)
Câu trả lời này phù hợp với phát ngôn của ông Khâu Nhân Kiệt - Giám đốc bộ phận an toàn vệ sinh môi trường Công ty FHS trên báo Tiền Phong ngày 22/4/2016: “Ống xả này được sự cho phép của Bộ TN&MT Việt Nam” (2)
Khẳng định cuối cùng về tính hợp pháp của đường ống xả thải ra biển tại Formosa của Thứ trưởng Bộ TNMT trái ngược với câu trả lời trên báo Thanh Niên ngày 23/4/2016 của ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT: “đến nay, Formosa chưa được cấp phép xả thải xuống biển. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ vẫn đang tiến hành các bước thủ tục kiểm tra, thẩm định cần thiết. Nếu hệ thống xử lý nước thải, xả thải đạt tiêu chuẩn mới được cấp phép hoạt động” (3).
Thứ trưởng Bộ TNMT nói được cấp phép - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trực thuộc Bộ TNMT nói chưa. Dân biết tin ai?
Thật ra vấn đề không nằm ở cái cống xả ra biển mà nằm ở quy trình xả thải.
Quy trình xử lý nước thải ở Formosa được vận hành như sau: “Nước thải đấu nối vào bể chứa để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về nước thải sau đó chảy sang một bể chứa khác. Tại đây có một trạm quan trắc tự động để kiểm tra trước khi xả theo đường ống ra ngoài biển.” - trích lời ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TNMT.
Sở TNMT tỉnh Hà Tĩnh là cơ quan quản lý số liệu quan trắc của công ty Formosa.
Và ông Thứ trưởng Bộ TNMT thì không nắm rõ liệu quan trắc đã được đấu nối với Sở TNMT Hà Tĩnh hay chưa.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Công ty Formosa có nhập và sử dụng các loại hóa chất độc và cực độc, trong đó có các chất chống gỉ, chất làm sạch bề mặt kim loại, chất tẩy… Và quá trình súc xả đường ống tại FHS trong thời gian vừa qua không có thông báo với cơ quan chức năng tại địa phương.
Bộ TNMT có quy định khi súc xả đường ống, Formosa có trách nhiệm phải thông báo cho địa phương việc súc xả đường ống diễn ra từ thời điểm nào tới thời điểm nào khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của FHS. (4)
Và ngay tại Hà Tĩnh, mặc dù thảm họa môi trường khiến cá chết hàng loạt xảy ra từ ngày 6/4/2016 nhưng đến tận ngày 22/4/2016 chưa có bất kỳ vị lãnh đạo UBND tỉnh nào xuống thị sát hiện trường, cũng như chưa thành lập bất kỳ đoàn công tác nào nhằm làm rõ nguyên nhân cá chết.
Sự kiện nổi bật ở Hà Tĩnh là tỉnh này có Chủ tịch UBND tỉnh trẻ nhất nước chứ không phải thảm họa môi trường khiến hàng tấn cá biển chết dạt vào bờ khiến nhân dân hoang mang, thiệt hại. (5)
Hơn 2 tuần trôi qua, cơ quan chức năng Hà Tĩnh không có bất kỳ công bố gì về quy trình xả thải của Formosa. Ngày 21/4/2016, Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT, ông Phạm Khánh Ly cho biết: “Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này". "Chúng tôi vào làm việc với Sở Nông nghiệp PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN Vũng Áng bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được". (6)
Câu hỏi đặt ra: Đứng trước thảm họa môi trường lần này, Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Tĩnh có trách nhiệm công bố các thông số quan trắc trong suốt thời gian xả thải từ ngày 29/3/2016 đến nay hay không?
Với câu trả lời trên báo Tuổi Trẻ của ông Thứ trưởng Bộ TNMT về hệ thống xả thải tại Formosa như sau: “Hệ thống xả thải này là hợp pháp. Chỉ có điều họ xả cái gì, xả như thế nào là một vấn đề khác”. “Hệ thống được đấu nối chức năng “bấm nút” lấy mẫu ngay tại chỗ khi phát hiện gian dối như ở một số trạm quan trắc khác hay chưa?”.
Người đọc có thể thấy việc quản lý và giám sát tác động môi trường ở các khu công nghiệp thực sự có vấn đề. Bộ cấp phép giao cho tỉnh quản lý, đến khi có sự cố thì không tìm được câu trả lời thích hợp trong thời gian sớm nhất.
Rõ ràng là không thể kết luận vội vàng rằng Formosa là tác nhân liên quan đến việc cá chết hàng loạt ven biển miền Trung bởi còn cần có câu trả lời khoa học. Tuy nhiên với công bố tìm thấy chất độc trong mẫu cá chết, mẫu nước, cộng với sự lấp lửng chậm trễ của các cơ quan chức năng tại Hà Tĩnh, người ta có quyền nghi ngờ việc kéo dài thời gian, không minh bạch trong khâu giám sát xả thải.
Và với tình trạng như thế này, liệu có mấy ai tin vào kết quả của buổi kiểm tra vấn đề bảo vệ môi trường tại công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa (Hà Tĩnh) vào ngày 26/4/2016 tới đây?
Trên thực tế, mọi lý do đưa ra để lý giải việc cấp phép cho Formosa làm ống xả thải dưới biển đều thiếu tính thuyết phục bởi qua thảm họa vừa trên đã chứng minh việc quản lý quy trình vận hành còn rất nhiều vấn đề phải bàn cãi.
Tại sao người dân Việt Nam phải đợi quá lâu để có câu trả lời thích hợp từ phía các cơ quan chức năng?
Ngoài việc điêu đứng và phải gánh chịu thiệt hại trước thảm họa môi trường thì người dân còn phải tự cứu lấy mình bằng niềm tin đến bao giờ nữa?
___________________________________
Link tham khảo
0 comments:
Post a Comment