The Vung Ang National disaster and the concept of national sovereignty
Sự kiện sôi nổi trong tháng 4, 2016 tại Đặc Khu Công Nghiệp Vũng Áng,
gây ra cái chết có thể lên đến hằng trăm tấn cá biển, trên vùng duyên
hải nhiều tỉnh Việt Nam và những phản ứng khác nhau của quan chức và cán
bộ CSVN các cấp, chứng tỏ 3 điều quan trọng làm thiệt hại trầm trọng
quyền lợi quốc gia (national interests).
Một là sự bối rối và thiếu khả năng phân biệt của họ về một số
khái niệm căn bản như đặc khu kinh tế (special economic zone), đặc khu
công nghiệp (special industrial zones), nhượng địa (ceded territory) và
chủ quyền quốc gia (national sovereignty);
Hai là qua những biện hộ thiếu tính thuyết phục cũng như cơ sở lý
luận của một số quan chức, chúng ta ý thức được nhiều quan chức các cấp
hoặc đã bị mua chuộc, hoặc có quyền lợi tiềm ẩn (vested interests) với
Vũng Áng và
Ba là như theo Tiến Sĩ Nguyễn Quang A nói, các viên chức có trách
nhiệm “tàn hình” trước biến cố trọng đại này vì tinh thần “vô trách
nhiệm” cá nhân trong một tập thể chủ trương hưởng thụ thì do cá nhân,
nhưng trách nhiệm thì do tập thể chịu.
Theo VietnamNet ngày 21/4/16:
“Đoàn công tác không vào kiểm tra tại KCN Vũng Áng được vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn không có thẩm quyền" - Vụ phó Vụ Nuôi trồng thủy sản, Bộ NN&PTNT Phạm Khánh Ly cho biết.
Trao đổi với VietNamNet, ông Ly cho biết: "Đoàn công tác không vào
kiểm tra tại KCN Vũng Ánh vì đây là KCN có yếu tố nước ngoài, đoàn
công tác không có thẩm quyền, chức năng kiểm tra tại khu vực này".
Ông Ly thông tin thêm: "Chúng tôi vào làm việc với Sở Nông nghiệp
PTNT tỉnh Hà Tĩnh với tư cách là cơ quan quản lý theo ngạch dọc. KCN
Vũng Áng bao gồm nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng và KCN Formosa có yếu tố
nước ngoài nên cần thành lập đoàn công tác liên ngành, có chỉ đạo của
Thủ tướng thì mới tiến hành kiểm tra được".
Là một viên chức cao cấp thuộc trung ương với chuyên nghành chịu trách
nhiệm về thủy sản và nông nghiệp, mà ông Phạm Khánh Ly không phân biệt
được sự khác biệt giữa một nhượng địa (ceded territory) khi nước ngoài
có toàn quyền pháp lý, quản trị và một khu kinh tế (economic zone) bình
thường, khi yếu tố nước ngoài hoàn toàn không ảnh hưởng và chính quyền
sở tại có thẩm quyền và trách nhiệm hành xử nghiêm khắc pháp lý của mình
trên quan điểm chủ quyền quốc gia.
Thậm chí chúng ta còn được nghe những giả thuyết biện minh cho người
Trung Quốc tại Khu Công Nghiệp Vũng Áng như cá chết là do những âm thanh
nhiễu loạn. Khi âm thanh chấm dứt thì không có độc hại gì nữa.
Hoặc theo báo Giao Thông thì:
“Chiều 23/4, trả lời phỏng vấn Báo Giao thông
về việc có nên tiếp tục sử dụng cá biển, tắm biển ở những vùng nước
không còn xảy ra hiện tượng cá chết, ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện tại các lồng bè đang nuôi trồng thủy
sản ở Vũng Áng (Hà Tĩnh) nhiều loại thủy, hải sản vẫn sinh trưởng bình
thường. Những loại hải sản như: mực, tôm, cua cá vẫn đang sống thì người
dân có thể ăn được. Ngoài ra, người dân cũng có thể yên tâm tắm biển ở
các vùng biển này.”
Các điều trên chứng tỏ chính trị hiện kim (money politics) của Trung
Quốc đã và đang rất thành công tại Việt Nam. Như chúng ta đều biết,
chính quyền các quốc gia dân chủ như Hoa Kỳ, Liên Hiệp Âu Châu và Nhật
Bản không thể sử dụng công quỹ để mua chuộc bất cứ một đệ tam nhân nào.
Trong khi đó, đảng CSTQ sở hữu toàn bộ nhà nước và ngân khố quốc gia.
Đảng không chịu trách nhiệm trước một cơ chế độc lập nào và có quyền sử
dụng tiền bạc vô giới hạn hầu mua chuộc quan chức Việt Nam.
Đại họa Vũng Áng liên hệ đến đời sống kinh tế của nhiều triệu dân trên
các tỉnh duyên hải từ Hà Tỉnh xuống đến Thừa Thiên-Huế. Tuy nhiên trong
một thời gian dài, các quan chức cao cấp thuộc tỉnh và trung ương hoàn
toàn im lặng như tờ, hầu như không có gì xảy ra. Đặc biệt các cấp lãnh
đạo Hà Tỉnh, trước một biến cố trọng đại như thế, không có nhân vật nào
chịu trách nhiệm hoặc từ chức cả, vì theo quan điểm “tập trung dân chủ”
ưu việt, bây giờ đã được hiến định hóa, khi hưởng thụ bổng lộc thì cá
nhân hưởng thụ, nhưng khi có trách nhiệm thì tập thể chịu trách nhiệm và
đã có đảng lo.
Phê bình và tự phê, xong rồi xin lỗi cho lấy lệ và sẽ tiếp tục cai trị theo đảng cử dân bầu, muôn năm trường trị.
Đặc biệt là báo chí đảng (www.baisang.net) loan tin:
“Ngày 22/4, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung
ương đã đi kiểm tra mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu dân
cư mẫu nông thôn mới và tiến độ Dự án Formosa Hà Tĩnh…”
Nhưng hoàn toàn không đề cập gì đến tai họa khổng lồ đang xảy ra cho
nhân dân các tỉnh liên hệ, mặc dầu hiện tương cá chết hàng loạt đã được
khám phá từ hôm 20 tháng 4 rồi.
Ông Nguyễn Phú Trọng, trên nguyên tắc, chỉ là Đảng Trưởng của một chính
đảng, và một dân biểu quốc hội khiêm nhượng. Tuy nhiên đảng CSVN lại là
chính đảng duy nhất được hiến pháp quy định là lãnh đạo nhà nước và xã
hội dân sự. Chính vì thế, trên thực tế ông còn nhiều quyền hơn cả Chủ
Tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ Tịch Quốc
Hội Nguyễn Thị KimNgân nữa. Ông Trọng mà còn không dám lên tiếng thì
chúng ta không thể trách đến hôm tác giả viết bài này (25/4/16) tam trụ
của chính quyền không im thin thít sao được?
Tại sao Ông Trọng lại trốn tránh tai họa xảy ra cho đất nước ông cai trị phát xuất từ Vũng Áng như thế?
Theo quan điểm của tôi, Ông Trọng là một lãnh tụ bảo thủ, luôn tự hào về
khả năng lý luận của mình và ông đang gặp khó khăn trong nội tâm về
phương diện lý luận.
Tâm thức của ông đang vật lộn với nhiều khái niệm trừu tượng khác nhau.
Trước hết là khái niệm chủ quyền quốc gia (national sovereignty). Khái
niệm này giả định rằng môt quốc gia (nation state) có thẩm quyền giải
quyết tất cả mọi vấn nạn của mình, trên mọi phương diện, trong lãnh địa
của mình, mà không bị bất cứ một thế lực ngoại lai nào can thiệp. Giả
định thứ nhì là một quốc gia, dù nhỏ nhoi đến đâu, cũng bình đẳng với
mọi quốc gia khác, trên trường quốc tế. Khái niệm chủ quyền quốc gia này
là một nguyên tắc căn bản của luật quốc tế (international law).
Tuy nhiên khái niệm này không hề đơn giản đối với ông Trọng vì hai yếu
tố. Trước hết Ông là một người cộng sản bảo thủ và sau đó, ông là một
người ham mê quyền lực. Như là một người cộng sản bảo thủ, ông không thể
chối bỏ dứt khoát lý tưởng cộng sản chủ nghĩa và thế giới đại đồng,
trong đó không còn biên giới giữa các quốc gia. Theo ông ý niệm chủ
quyền quốc gia vốn là một ý niệm sai lầm, phát xuất từ Hiệp Ước
Westphalia phản động năm 1648, trước khi Chủ Nghĩa Mác Xít Duy Vật Biện
Chứng Khoa Học vĩ đại ra đời vào giữa thế kỷ 19. Đối với Chủ Nghĩa Mác
Xít thì ý niệm chủ quyền quốc gia là một ý niệm tiểu tư sản bại hoại và
không đáng giá một đồng xu. Tuy nhiên. ở một mặt khác, như một người ham
mê quyền lực, ông ý thức rằng, khái niệm chủ quyền quốc gia này là một
công cụ hiệu năng, có thể sử dụng để đẩy lùi tất cả những thế lực thù
địch, nhất là từ bên ngoài, có ý đồ xấu với đảng, khi họ tìm cách du
nhập những bảng giá trị nhân quyền, dân quyền và tự do dân chủ vào Việt
Nam.
Hơn ai hết, ông biết rằng, quyền lực ông có được là do đảng ban phát.
Muốn bảo vệ và củng cố đảng, trong giai đoạn này, ông bắt buộc phải bám
víu và tôn sùng ý niệm chủ quyền quốc gia mà ông vốn khinh bỉ như một
người cộng sản bảo thủ.
Khi thành lập những đặc khu kinh tế, nhất là với Trung Quốc trên đất
nước Việt Nam, những vật lộn về nội tâm của ông trở nên phứt tạp hơn
nữa. Dĩ nhiên ông biết rằng, có một sự khác biệt lớn lao giữa một đặc
khu kinh tế (special economic zone) hoặc đặc khu công nghiệp (special
industrial zone) và một nhượng địa (ceded territory). Trong trường hợp
một đặc khu kinh tế hoặc công nghiệp, tuy những luật lệ có thể khác biệt
với phần còn lại của quốc gia, nhưng chỉ với mục tiêu phát triển kinh
tế và khuyến khích đầu tư, nhất là đầu tư quốc tế. Chủ quyền quốc gia
không hề suy giảm và chính quyền quốc gia có quyền hành xử mọi quyền hạn
của mình, theo hiến pháp và luật hiện hành. Trái lại trong trường hợp
một nhượng địa (như Hồng Kong nhượng cho Anh Quốc và Ma Cau nhượng cho
Bồ Đào Nha bỡi Trung Quốc trước đây) thì chủ quyền quốc gia bị mất,
trong thời khoảng hiệp ước nhượng địa còn hiệu lực.
Tuy nhiên, đối với những đặc khu kinh tế do người Trung Quốc làm chủ,
ông Trọng gặp nhiều mâu thuẫn nội tâm. Trước hết trong suốt quá khứ
tranh đấu của đảng CSVN, họ mắc nợ Đảng CSTQ quá nhiều cả vật chất lẫn
tinh thần. Trong tâm thức của một người CS bảo thủ như ông Trọng, món nợ
này phải trả. Thêm vào đó, 2 đảng cùng một ý thức hệ, cùng cai trị
tuyệt đối 2 quốc gia núi liền núi, sông liền sông. Môi hở răng lạnh như
Hồ Chí Minh và Mao Trạch Động đã khẳng định. Trong tình huống đó, sự
khác biệt lớn lao trên nguyên tắc giữa đặc khu kinh tế hoặc công nghiệp
và nhượng địa hầu như biến mất trong tâm thức của ông.
Những vật lộn trong tâm thức của ông Trọng cũng diễn ra tương tự trong
tâm thức của những người cộng sản khác, ở nhiều đẳng cấp khác nhau. Nhất
là khi họ nhận được những hiện kim, hiện vật hoặc quyền lợi từ tay
chính quyền hoặc những nhà đầu tư Trung Quốc.
Kết luận:
Sự im lặng của quý ông bà TBT Nguyễn Phú Trọng, chủ tịch nước Trần Đại
Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim
Ngân trước đại họa Vũng Áng cần phải bị lên án mạnh mẽ trên mọi diễn đàn
công luận trong và ngoài nước.
Nhân danh là Chủ Tịch nước, Ông Trần Đại Quang, hoặc cơ chế cao nhất
nước chịu trách nhiệm, phải gấp rút tuyên bố Vũng Áng là một đại họa có
tầm mức quốc gia (National disaster) và ban hành những biện pháp giúp đỡ
cấp thiết cho ngư dân các tỉnh, trong khi chờ đợi kết quả điều tra.
Chính phủ gấp rút thành lập một ủy ban điều tra độc lập, với sự cố vấn
của những cơ quan quốc tế hoặc của Liên Hiệp Quốc chuyên nghành như WHO
(World Health Organization) hoặc những cơ quan quốc tế uy tín về bảo vệ
môi sinh, hầu truy tìm nguyên nhân và đề nghị những biện pháp thích đáng
để giải quyết hiểm họa và đề phòng những trường hợp tương tự.
Viện Kiểm Sát Tối Cao Nhân Dân (chiếu theo điều 107 của Hiến Pháp) thi
hành nhiệm vụ hiến định của mình, điều tra và thẩm vấn mọi cá nhân hoặc
cơ chế liên hệ, hầu truy tố trên cả hai phương diện hình (criminal law)
lẫn hộ (civil law). Hình thì sẽ có những hình phạt xứng đáng. Hộ thì sẽ
phải bồi thường xứng đáng, cho tư nhân lẫn cho quốc gia, về những thiệt
hại gây ra.
Đã đến lúc chính quyền Việt Nam dứt khoát với những xung đột nội tâm của
TBT Nguyễn Phú Trọng, và hành xử nghiêm chỉnh quyền chủ quyền quốc gia
trên lãnh thổ của tiền nhân trao lại.
25/4/2016
0 comments:
Post a Comment